Phải Chăng Người Giầu Không Thể Được Vào Thiên Đàng?

 Phải Chăng Người Giầu Không Thể Được Vào Thiên Đàng?

  • Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin cha giải thích rõ về nguy cơ của tiền bạc đối với mục đích muốn được cứu rỗi để vào Nước Trời mai sau.

Trả lời:

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi là thế giới tôn thờ tiền bạc (Cult of money). Và đây là nguyên nhân của mọi bất công xã hội và bất an trên thế giới vì người chỉ chạy theo tiền của và dửng dưng trước sự nghèo đói, đau khổ,và bị đối xử bất công của con người ở khắp nơi trên thế giới tục hóa và vô nhân đạo này. Chính vì “tôn thờ tiền bạc” nên có quá nhiều người trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa,văn nghệ ở khắp nơi đã và đang nô nức nhau đi tìm tiền bạc bất chấp tiếng nói lành mạnh của lương tâm,của luân lý, đạo đức và liêm sỉ con người.

Cụ thể, bọn tài phiệt tư bản đen ở Mỹ đã dùng tiền bạc để mua cuộc, đút lót (lobby) cho giới lập pháp hành pháp và cả Tội Cao Pháp Viện để làm ngơ cho chúng, hay cho phép chúng mặc sức thao túng thị trường chứng khoán (Stock exchanges), kỹ nghệ dầu hỏa, kinh doanh ngân hàng (Wallstreeters) để vơ vết tiền bạc làm giầu cho bọn chúng, bất chấp mọi hậu quả gây ra cho giới lao động, người nghèo khó, vô gia cư, sống vất vưởng ngoài đường phố trên khắp các đô thị lớn nhỏ ở Mỹ mà không ai đoái hoài thương giúp họ!

Cụ thể là, vì ham tiền, nên giới lâp pháp và hành pháp Hoa Kỳ đã nhận tiền đút lót, hối lộ của bọn buôn bán súng đạn (NRA) và bọn chuyên nghề phá thai Planned Parenthood để làm ngơ cho bọn này tiếp tục hành nghề vô luân để kiếm tiền và làm giầu cách tội lỗi, mà không ai làm gì được chúng, vì chúng đã có chỗ dựa vững chắc trong giới lập pháp, hành pháp và cả Tư pháp (Tối cao Pháp Viện). Tệ hại nhất là bọn Planned Parenthood đã lấy các bộ phận của các thai nhi bị giết đem bán như những món hàng thương mại để kiếm rất nhiều tiền, nhưng việc làm vô luân này, vẫn không bị ngăn cấm, vì bọn này đã mua chuộc giới tư pháp làm ngơ cho chúng tiếp tục hành nghề vô luân vô đạo này, mặc cho dư luận báo chí tố cáo, và một vài dân biểu, nghị sỉ đã đòi mở cuộc điều tra. Nhưng mọi cố gắng đều không mang lại kết quả nào cho đến nay!

Cũng vậy, – ở bên kia thái cực- bọn tư bản đỏ, là bọn bề ngoài bô bô với khẩu hiệu phục vụ cho giới vô sản, cho người lao động bị bóc lột, nhưng thực chất họ lại là những kẻ bóc lột mọi tầng lớp nhân dân, nhất là dân lao động thấp cổ bé miệng, để tiếp tục làm giầu cho bọn chúng và tạo ra lớp người gọi là “đại gia” đang phè phỡn với tiền của đầy tay, đầy túi. Bọn này đã cấu kết và đút lót nặng túi cho kẻ cầm quyền để được tự do làm ăn phi pháp, vô lương tâm, vô luân khiến chúng trở thành giầu xụ và đang ngạo nghễ chế nhạo những người nghèo khó, đói rách, nạn nhân của chế độ cai trị vô luân, vô nhân đạo đã làm phát sinh ra mọi tệ nạn bất công xã hội và tụt hậu thê thảm về luân lý, đạo đức.

Mặt khác, cũng vì ham mê tiền bạc mà một số không nhỏ, những kẻ đã bỏ nước ra đi để tìm tự do,tìm cơ hội sống tốt hơn, nhưng nay đã vội quên lý do chậy trốn đó để trở cờ quay lại ca tụng chủ mới, trời mới đất mới để làm ăn kiếm tiền và vui chơi tội lỗi, vô liêm sỉ. Rõ nét nhất là giới văn nghệ sĩ, đa số từng bỏ trốn vì không được tự do viết lách, ca hát một thời, nhưng nay lại trơ trẽn trở về góp tiềng, góp giọng ca ngượi những người mà mình đã sợ hãi phải chậy trốn trước kia và nay đang làm ngơ cho mình đi về làm ăn, ca hát để kiếm tiền, mặc cho dư luận chê cười, phỉ nhổ là những kẻ vô liêm sỉ, chỉ vì ham mê tiền bạc và vui chơi tội lỗi !

Tóm lại, chỉ vì giầu lòng yêu mến tiền của, nhưng nghèo tình người, nghèo ý thức luân lý, đạo đức,và vô liêm sỉ, mà con người thuộc mọi giới ở khắp nơi đang cười nhạo chính lương tâm của mình, chà đạp mọi nguyên tác công bình, bác ai, nhân đạo, liêm sỉ để lao đầu vào việc tìm kiếm tiền bạc, rồi ăn chơi mất nết.

Nhưng khốn cho chúng, nếu đêm nay mà chúng phải từ giã cuộc sống này, thì thử hỏi chúng có thể đem theo những của cải kia về đời sau hay không,- và nhất là – có thể mua sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc bất diệt với của cải và tiền bạc chúng kiếm được ở đời nay hay không ?

Đây là câu hỏi đặt ra cho ai còn chút lương tâm và niềm tin có thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, Đấng đã dọn sẵn bàn tiệc Nước Trời với thực phẩm hảo hạng để khỏan đãi những ai đã vì tin có Người, nên đã sống một đời sống công bình, bác ái, trong sạch thánh thiện ở đời này, giữa những kẻ chỉ biết chạy theo, tôn thờ tiền của và mọi thú vui vô luân vô đạo hiện nay.

Nói thế không có nghĩa là phải khinh chê tiền bạc thì mới được cứu rỗi để vào Nước trời.

Thật vậy, sống thân phận con người trên trần gian này, ai ai cũng phải cần đến tiền bạc để chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu, như cơm ăn, áo mặc, nhà ở và phương tiện di chuyển và trả bills hàng tháng. Do đó, không ai có thể ngây thơ và thiếu thực tế để nói rằng mình không cần tiền của, chỉ cần tinh thần thôi.

Nhưng tại sao Chúa Giê su lại nói những lời sau đây với các môn đệ Người :

“Thầy bảo thật anh em : người giầu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết : Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19: 23- 24; Mc 10:25).

Chúng ta phải hiểu thế nào cho đúng về lời Chúa trên đây ?

Chúa đã nói với các môn đệ những lời trên đây trong hoàn cảnh một thanh niên giầu có đển gặp Chúa để xin Chúa cho biết anh phải làm gì thêm nữa để được cứu rỗi mà vào Nước Trời. Nhưng khi Chúa bảo anh về bán hết tài sản, lấy tiền bố thí cho người nghèo rồi đi theo Chúa, thì anh đã buồn rầu bỏ đi, và không thể thi hành lời khuyên của Chúa được chỉ vì anh có nhiều tài sản và tiền của (Mc 10: 17-22). Chính vì anh không thể từ bỏ sang giầu ở đời này để đổi lấy kho tàng phú quí vĩnh cửu trên Trời, nên Chúa mới nói thêm với các môn đệ như sau “Những người giầu có thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (cf Mc 10:23)

Như vậy có phải Chúa lên án những người giầu có ở thế gian này không ?

Chắc chắn là không. Ngược lại, Chúa nói những lời trên để dạy chúng ta biết phải làm gì với tiền bạc để vừa có phương tiện sống chính đàng vừa theo đuổi mục đích tìm kiếm giầu sang, phú quí trên Nước Trời, là “nơi trộm cắp không bén bảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12: 33)

Thật vậy, đời sống con người bao gồm cả hai mặt tinh thần và thể xác. Do đó, không thể chú trọng về mặt này mà bỏ quên mặt kia. Không thể chỉ chú trọng đời sống tinh thần mà quên lãng hay lơ là nhu cầu chính đáng của thân xác, đòi hỏi có cơm ăn, áo mặc nhà ở và phương tiện di chuyển. (ở Mỹ, phải có xe hơi để đi làm và di chuyển, không thể đi bộ hay đi xe đạp được).

Do đó, thỏa mãn những nhu cầu trên là điều chánh đáng và phù hợp với đạo đức. Nghĩa là phải có tiền và những phương tiện vật chất cần thiết cho một đời sống hợp với nhân phẩm. Cho nên, không có gì là sai trái khi mọi người phải làm việc, hoặc buôn bán để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Giáo Hội cũng cần phải cố tiền để chi phí cho biết bao chương trình cần thiết như phúc âm hóa thế giới, đào tạo chủng sinh, trợ giúp các xứ truyền giáo, các địa phận nghèo ở Phi Châu và Á Châu v.v.

Như thế, không ai có thể ngây thơ nói rằng chỉ cần tinh thần chứ không cần tiền hay của cải vật chất. Sự thật phải nhìn nhận là con người nói chung và Giáo Hội nói riêng đều cần có tiền và phương tiện vật chất tối thiểu để chi phí và xử dụng cho những nhu cầu rất thiết yếu của đời sống con người và của Giáo Hội.

Nhưng cần phân biệt rõ là có tiền để chi dùng vào những mục đích chinh đáng, thì khác xa với lòng ham mê tiền đến mức làm nô lệ cho tiền bạc, khiến tôn thờ nó như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh cáo về nguy cô “tôn thờ tiền bạc = cult of money” của con người thời đại hôm nay. Nếu tôn thờ tiền bạc thì sẽ không thể nâng tâm hồn lên tới Chúa là cội nguồn của mọi phú quý giấu sang bất tận. Đó là lý do tại sao Chúa Giê su đã nói với các môn đệ là “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6:24).

Nghĩa là không thể yêu mến tiền của hơn cả những giá trị tinh thần và nhất là hơn cả yêu mến Thiên Chúa là chính mọi phú quý giầu sang vĩnh cửu. Người không có tín ngưỡng thì tiền bạc, của cải vật chất và danh vọng trở thành mục đích tôn thờ, yêu mến của họ. Người tín hữu Chúa Kitô, ngược lại, phải tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, và chỉ coi tiền bạc, của cải vật chất kể cả danh vọng như phương tiện tốt để sống hữu ích cho bản thân và làm việc bác ái mà thôi.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã chúc phúc cho “những ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3).

Chính vì muốn cho con người đi tìm phú quý, giầu sang của Nước Trời mà Chúa Kitô, “Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có.”như Thánh Phao lô đã dạy (2Cor 8: 9)

Không phải chỉ người tín hữu giáo dân cần có tâm hồn nghèo khó, mà cách riêng, các giáo sĩ và tu sĩ phải là những người nêu gương sáng trước tiên về tinh thần khó nghèo của Phúc Âm để không còn đua nhau đi tìm tiền bạc hăng say hơn là lo rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, dạy dỗ chân lý và luân lý cho giáo dân để giúp họ sống đức tin vững vàng và làm nhân chứng đích thực cho Chúa Kitô trước mặt bao người chưa nhận biết Chúa và Phúc Âm của Người.

Trở lại vấn đề nghèo khó nội tâm, người có nhiều tiền bạc và của cải vật chất vẫn có thể sống nghèo khó vì không tôn thờ hay làm nô lệ cho tiền bạc. Trái lại, chỉ dùng tiền bạc và của cải vật chất làm phượng tiện sống hữu ích cho mình, cho người thân trong gia đình, và thực thi bác ái với anh chị em kém may mắn. Cụ thể là chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khó thực sự về vật chất như không đủ cơm ăn, áo mặc và vô gia cư. Xử dụng tiền của vào những mục đích này chắc chắn là điều đẹp lòng Chúa và mưu ích thiêng liêng cho những ai giầu có mà biết khôn ngoan dùng tiền của để mua lấy “Kho tàng Nước Trời” như Chúa Giêsu đã nói với người thanh niên giầu có trong Tin Mừng Marcô (Mc 10: 21).

Để chỉ rõ mối nguy hại của sự giầu có mà thiếu bác ái, Phúc Âm thánh Luca kể dụ ngôn về người giầu có bị phạt xuống hỏa ngục trong khi người nghèo Lazarô được vào Thiên Đàng bên Tổ Phụ Abraham (Lc 16: 19-26). Người giầu bị phạt không phải vì tội giầu có, phú quý khi còn sống, mà bị phạt vì không có lòng bác ái, không chút thương người nghèo La-za-rô hằng ngày ngồi ăn xin trước cửa nhà mình mà không được bố thí cho chút của ăn dư thừa.

Cụ thể hơn nữa là Dụ ngôn ngày Phán xét chung trong Phúc Âm Thánh Matthêu, Chúa (Đức Vua) nói với những người ở bên trái như sau:

Quân bị nnguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và sác sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các người đã không cho ăn; Ta khát các người đã không cho uống… Ta trần truồng các người đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom” (Mt 25: 41-43).

Như thế rõ ràng cho thấy, về một phương diện, Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi những người khèo khó, đói rách, bệnh hoạn và tù đầy. Và Người mong đợi những ai giầu có, sẵn phương tiện vật chất hãy mở lòng bác ái thương giúp những anh chị em xấu số, đang sống kiếp nghèo hèn trong mọi xã hội chuộng vật chất, ích kỷ, vô luân và phi nhân bản ở khắp nơi trên thế giới tục hóa ngày nay.

Chúa đến trần gian để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội, nhưng Người không tiêu diệt hết tội, bệnh tật, tai ương và nghèo đói trong trần gian này. Những thực tại này còn tồn tại đó để cho con người phải chiến đấu chống lại tội lỗi mà lập công, cũng như có dịp tốt để thi hành bác ái đối với những người nghèo khó, đau yếu bệnh tật, hoặc gặp những tai biến như động đất, sống thần (Tsunami) bão lụt, hỏa hoạn…

      Những người bị Chúa quở phạt trên đây là những kẻ, khi còn sống, có tiền và phương tiện vật chất dồi dào, nhưng đã không biết chia sẻ, thương giúp những người nghèo khó. Cho nên sự giầu có đã trở thành trở ngại cho họ được vào Nước Trời để hưởng vinh phúc giầu sang bất diệt với Chúa.

Điều nguy hại lớn nhất của lòng ham mê tiền của và sang giầu ở đời này là nguy cơ khiến con người trở nên ích kỷ, lãnh cảm (numb, incensitive) trước sự đau khổ vì nghèo đói của biết bao đồng loại ở khắp mọi nơi trên thế giới – và tệ hại hơn nữa- là bóc lột người khác cách tàn nhẫn để làm giầu cho mình. Ham mê tiền của cũng dẫn đưa con người đến chỗ phản bội, quên tình quên nghĩa với người khác kể cả ân nhân của mình.

Đó là trường hợp của Giuđa It-ca-ri-ôt, một trong 12 môn đệ của Chúa Giêsu đã bán Thầy lấy 30 đồng bạc và thất vọng đi treo cổ tự tử sau đó (Mt 27: 5).

Và chính vì mối nguy hại đó mà Chúa phải cảnh giác chúng ta chớ nên ham mê tiền của ở đời này đến nỗi không còn mong muốn tìm kiếm sự sang giầu đích thực của Nước Trời, nơi trộm cắp không thể lấy được. Nói khác đi, chỉ những ai giầu có mà không biết dùng của cải vào việc mưu ích cho phần rỗi của mình và giúp ích cho người khác thì mới đáng bị chê trách mà thôi. Ngược lai, nếu biết dùng tiền của như phương tiện hữu ích để thực thi đức ái thì chắc chắn không có gì phải phiền trách.

Tóm lại, Chúa không lên án những người giầu có chỉ vì họ giầu có mà vì có những người giầu làm nô lệ cho tiền của đến nỗi tôn thờ nó, thay vì phải tìm kiếm và tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa như sau:

Phần anh em, đừng lo tìm cho có gì để ăn, có gì để uống, và đừng băn khoăn, vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước Thiên Chúa, còn những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12: 29-31).

Xin Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan của Phúc Âm để biết dùng tiền của và phương tiện vật chất để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho mình và cho người khác. Amen.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Anh chị Thụ & Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay