100 Năm Cách Mạng Cộng Sản Nga, Làn Sóng Đỏ, Những Thống Kê Đen Tối

1- Lenin trong cach mang thang 10 nam 2017_wikipidia

Lenin trong cách mạng tháng 10 của Nga. (Hình Wikipedia)

Cách mạng tháng 10 năm 1917 tại Nga do Đảng Bolshevik cầm đầu là biến cố lịch sử tang thương nhất không chỉ cho dân tộc Nga mà còn cho cả Nhân Loại. Bởi vì biến cố này làm Chủ Nghĩa Cộng Sản lan rộng khắp thế giới và giết chết hơn 100 triệu người. Một trăm năm nhìn lại, nó đã gây vô số hệ lụy thống khổ cho hàng tỉ người.

Bối Cảnh Xã Hội Nga và Cách Mạng Tháng 10 Năm 1917

Trong tác phẩm “Comrades! A History of World Communism” [Các Đồng Chí! Lịch Sử Chủ Nghĩa Cộng Sản Thế Giới] (1), sử gia chống Cộng người Anh chuyên về lịch sử Liên Bang Sô Viết Robert Service (2) viết rằng, “Nghèo đói và áp bức tạo ra mảnh đất phì nhiêu cho chủ nghĩa Marx nảy nở.”

Đúng vậy! Cách mạng tháng 10 năm 1917 của những người Cộng Sản Nga bắt nguồn từ bối cảnh xã hội nghèo đói và áp bức của nước Nga. Sau này cũng thế, các cuộc cách mạng Cộng Sản tại Trung Quốc, Việt Nam, v.v… đều khởi đi từ bối cảnh xã hội nghèo đói và áp bức.

Đầu thế kỷ 20, Đế Quốc Nga vẫn còn bị cai trị bởi chế độ quân chủ của Sa Hoàng (Tsar) (3), với hàng triệu nông dân chiếm đa số trong dân số sống nghèo khổ. Lòng dân bất mãn triều đình thối nát và độc tài của Sa Hoàng lên đến cực độ vào năm 1905 qua sự ra đời của hội đồng công nhân được biết với tên “Sô Viết” tại nhiều thành phố ở Nga để buộc Sa Hoàng phải thực hiện cải tổ dân chủ, đưa tới việc ra đời chính quyền dân cử, gọi là Duma.

Khi Nga Hoàng Nicholas II lôi kéo 11 triệu nông dân vào Thế Chiến Thứ Nhất [1914-1918], dân Nga cảm thấy chán nản cùng cực vì chết chóc và thương tật. Nước Nga lâm vào tình trạng lụn tàn làm cho cách mạng chín muồi. Vì vậy, vào tháng 2 năm 1917, cuộc biểu tình vĩ đại của các nữ công nhân bùng phát.

Lo sợ hỗn loạn đưa tới sụp đổ, triều đình Nga Hoàng kêu gọi quân đội đàn áp biểu tình. Nhưng giới phụ nữ đã thuyết phục binh sĩ buông súng đứng về phía họ để lật đổ Nga Hoàng Nicholas II và biến cuộc biểu tình thành cuộc Cách Mạng Tháng 2 mà kết quả là Chính Quyền Lâm Thời được thành lập.

Tuy nhiên, Chính Quyền Lâm Thời được lãnh đạo bởi các nhà ngân hàng, luật sư, kỹ nghệ gia, và các nhà tư bản, vốn không chuyên môn về chính trị, nên không đủ mạnh để thực hiện cam kết chấm dứt sự can dự của Nga vào chiến tranh. Điều này khiến nước Nga tiếp tục day dưa với cuộc chiến và làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Chính Quyền Lâm Thời vì vậy lại bị chống đối, mà lần này cũng là các Sô Viết, hay “hội đồng công nông”. Họ muốn có được quyền tự quyết đối với vận mệnh của chính họ và của đất nước Nga.

Vào đầu tháng 10, người lãnh đạo Đảng Bolsheviks là Vladimir Lenin tổ chức cuộc nổi dậy chống Chính Quyền Lâm Thời. Những công nhân có trang bị vũ khí được biết với tên Hồng Quân và nhiều nhóm cách mạng khác được lệnh của Ủy Ban Cách Mạng Quân Đội của Sô Viết vào đêm ngày 6 và 7 tháng 11 năm 1917 chiếm các trạm bưu điện, nhà máy điện, nhà ga xe lửa, và ngân hàng quốc gia. Khi tiếng súng nổ ra từ Tàu Chiến Nga Aurora, thì hàng ngàn người trong Hồng Quân như vũ bão tràn vào Dinh Thự Mùa Đông. Chính Quyền Lâm Thời sụp đổ và được thay thế bởi chế độ Bolshevik. Sau khi nghe tin Dinh Thự Mùa Đông bị chiếm, người dân ở các nơi liền nổi dậy và đổ dồn về đó. Vladimir Lenin tuyên bố xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa tại Nga. Chính quyền mới này được dựng lên bởi các Sô Viết và được lãnh đạo bởi những người Bolsheviks.

Vậy mà vào đầu tháng 11 năm 1917, ngay sau cách mạng, không ai nghi ngờ gì về chuyện giai cấp vô sản đã hậu thuẫn châm ngôn của Đảng Bolsheviks, “Tất cả quyền lực đều thuộc về các Sô Viết!” Thực chất đó chỉ là tuyên truyền mị dân, vì quyền lực thực sự đã không thuộc về các Sô Viết mà là nằm trong tay Đảng Cộng Sản Nga. Trường hợp này đã tái diễn tại Việt Nam khi Cộng Sản núp dưới cái bóng của Việt Minh để cướp chính quyền vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Đảng Bolsheviks do Vladimir Lenin lãnh đạo là một nhánh chiếm đa số của Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga (The Russian Social Democratic Labour Party) và nhánh thiểu số còn lại có tên Mensheviks do Julius Martov lãnh đạo. Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga còn có tên là Đảng Công Nhân Dân Chủ Xã Hội Nga (The Russian Social Democratic Workers’ Party) hay cũng được gọi là Đảng Dân Chủ Xã Hội Nga (The Russian Social Democratic Party) là đảng chính trị cách mạng xã hội được thành lập vào năm 1898 tại Minsk – thời đó là một thành phố nằm trong Đế Quốc Nga, bây giờ là thủ đô của Belarus – để thống nhất các tổ chức cách mạng khác nhau của Đế Quốc Nga.

Năm 1912 đảng này bị chia làm 2 nhóm, Nhóm Đa Số là Bolsheviks và Nhóm Thiểu Số là Mensheviks. Đảng Bolsheviks sau trở thành Đảng Cộng Sản của Liên Bang Sô Viết. Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga dựa trên lý thuyết Duy Vật Biện Chứng và Duy Vật Sử Quan của Karl Marx và Friedrich Engels. Nga lúc đó chủ yếu là một nước nông nghiệp, đảng này lại dựa vào lực lượng công nhân để làm cách mạng, dù Nga chỉ có ba triệu công nhân, chiếm 3% tổng dân sổ.

Trước Đại Hội lần thứ hai của Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga được tổ chức vào năm 1903 tại Bỉ, một tri thức trẻ có tên là Vladimir Ilyich Ulyanov, lấy tên giả là Vladimir Lenin, gia nhập vào đảng. Trước đó, tức là năm 1902 Lenin công bố bản phác họa nhiệm vụ và phương pháp luận của đảng có tựa đề “What is to be done?” [Điều gì cần được làm?] để thành lập “đội ngũ tiên phong của giai cấp vô sản.” (4)

tre em doi

Khủng bố Ảo sau “Cách Mạng Tháng 10” tại Nga đã gây nên nạn đói làm 5 triệu người chết trước tiên là trẻ em.

Chế Độ Cộng Sản Nga

Ngày 8 tháng 11 năm 1917, Đại Hội Đảng Bolsheviks đã bầu Hội Đồng Ủy Ban Nhân Dân (Council of People’s Commissars [Sovnarkom]) dưới sự lãnh đạo của Lenin trong cơ chế Chính Quyền Sô Viết, là chính quyền đầu tiên được dựng lên sau cách mạng tháng 10. Năm 1921, Lenin đề xuất Chính Sách Kinh Tế Mới, là hệ thống tư bản chủ nghĩa nhà nước khởi đầu tiến trình kỹ nghệ hóa và phục hồi từ Cuộc Nội Chiến giữa những người Cộng Sản và thành phần chống Đảng Bolsheviks kéo dài 4 năm. Năm 1922, Nhà Nước Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết (the Union of Soviet Socialist Republics – USSR) được thành lập.

Lenin lãnh đạo chính quyền Cộng Sản Nga thực hiện các cải tổ xã hội chủ nghĩa, gồm chuyển giao nhà cửa và ruộng đất địa chủ cho các sô viết của giới công nhân. Lenin chủ trương cách mạng thế giới nhưng trước tình hình chưa ổn định của Nga, ông đã phải tập trung vào việc củng cố quyền lực trong nước. Vì vậy, ngay sau cách mạng tháng 10, Lenin chủ trương chính sách hòa bình với các trung tâm quyền lực thế giới và chấp thuận hiệp ước trừng phạt của quốc tế để nhường lại rất nhiều lãnh địa của Cựu Đế Quốc Nga cho Đức. Hiệp ước này đã bị phá bỏ sau khi Đồng Minh chiến thắng trong Thế Chiến Thứ Nhất.

Ngày 9 tháng 3 năm 1923, Lenin bị tai biến mạch máu não làm ông tàn phế và đưa tới sự chấm dứt vai trò lãnh đạo chính quyền của ông. Ông chết vào ngày 21 tháng 1 năm 1924. Người kế nhiệm là Joseph Stalin.

Năm 1925 đảng Cộng Sản Nga của Lenin trước đó được đổi tên thành Đảng Cộng Sản Toàn Liên Bang. Trong thập niên 1930s, Stalin bắt đầu chiến dịch Đại Thanh Trừng, một thời kỳ hoang tưởng và đàn áp lan rộng lên đến cao điểm trong hàng loạt vụ án công khai và thanh trừng gần như tất cả Đảng viên. Với sự trỗi dậy của chủ nghĩa Phát Xit tại Ý và Đức, Đảng CS Nga tích cực hình thành các liên minh “an ninh tập thể” với các cường quốc Tây Phương. Khi chưa làm được điều đó, thì Liên Bang Sô Viết ký hiệp ước bất tương xâm với Đức, mà bị phá đổ vào năm 1941 khi Đức xâm lăng Liên Bang Sô Viết, khởi động cuộc “Chiến Tranh Yêu Nước Vĩ Đại”.

Sau chiến thắng của Đồng Minh vào năm 1945 của Thế Chiến Hai, Đảng Cộng Sản Nga thực hiện lý thuyết thành lập chính quyền của Stalin trong thời kỳ hậu chiến đi xâm chiếm lãnh thổ và mở rộng không gian ảnh hưởng, dùng chiến tranh ủy nhiệm và gián điệp cung cấp huấn luyện và tài trợ để khuyến khích phong trào Cộng Sản quốc tế.

Đêm ngày 2 tháng 3 năm 1953, Stalin bị tai biến mạch máu não và được chính thức tuyên bố đã chết vào ngày 5 tháng 3 năm 1953, thọ 74 tuổi. Trong hồi ký chính trị của Vyacheslav Molotov được xuất bản năm 1993, cho rằng Stalin bị ám sát chết, khi kể chuyện bộ trưởng nội vụ Lavrentiv Beria khoe với đệ nhất phó thủ tướng Vyacheslav Mikhailovich Molotov rằng ông đã đầu độc Stalin.

Sau cái chết của Stalin, Khrushchev lên lãnh đạo sau cuộc tranh giành quyền lực nội bộ với bộ trưởng nội vụ Lavrentiv Beria và thủ tướng Georgy Malenkov kéo dài tới năm 1955 mới yên. Khi ổn định vị thế lãnh đạo Đảng, Khrushchev bắt đầu chiến dịch đạp đổ thần tượng Stalin và chấm dứt triều đại khủng bố tập thể của Stalin trong nhiều thập niên trước đó, đã làm giảm sự áp bức xã hội. Trong Đại Hội Đảng lần thứ 20 được tổ chức vào năm 1956, Khrushchev lên án tội ác của Stalin. Dù nhiều chính sách kinh tế của Khrushchev có mang lại phần nào tiến triển, vẫn không đủ sửa sai quá nhiều vấn đề khó khăn nền tảng của nền kinh tế kiệt quệ của Liên Bang Sô Viết. Dù về đối nội có giảm áp bức xã hội, nhưng các chính sách đối ngoại của Khrushchev không đạt hiệu quả để thiết lập bang giao và quan hệ tốt đẹp với nhiều nước Đông và Tây Âu, đặc biệt với Đảng Cộng Sản tại Yugoslavia và vụ nổi dậy năm 1956 tại Ba Lan. Nói chung, tất cả đều muốn giữ thế độc lập với Nga. Khrushchev bị lật đổ ngày 14 tháng 10 năm 1964.

Người kế nhiệm là Leonid Brezhnev trong vai trò Tổng Bí Thư Đảng lần đầu tiên của lịch sử Đảng Cộng Sản Nga. Brezhnev tiếp tục sự nghiệp của Khrushchev trong việc chống lại phương thức khủng bố và bạo hành chính trị của Stalin. Tuy nhiên, Brezhnev chỉ trích các chính sách khác của Khrushchev. Trong Đại Hội Đảng lần thứ 25 vào năm 1976, tất cả mọi vấn đề khó khăn trong lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội dưới triều đại của Brezhnev đều lên cao điểm khiến chính quyền của ông trở thành bất lực. Sức khỏe ông ngày càng suy nhược đến nỗi ông bị nghiện thuốc giảm đau. Brezhnev chết vào ngày 10 tháng 11 năm 1982 giữa lúc nước Nga rơi vào tình trạng thất bại trầm trọng về kinh tế và đối ngoại với vụ sa lầy trong chiến tranh tại Afghanistan.

Sau khi Brezhnev chết, Andropov, lãnh đạo cơ quan tình báo KGB dưới thời Brezhnev, lên cầm quyền. Sau đó ông thất bại khi muốn đưa Mikhail Gorbachev lên thay thế vị trí lãnh đạo. Andropov chết ngày 9 tháng 2 năm 1984. Người kế nhiệm là Konstantin Chernenko. Nhưng Chernenko không thể xây dựng vị thế lãnh đạo vững vàng trong Đảng và chính quyền bởi vì tất cả đều bị Gorbachev kiểm soát. Chernenko mất ngày 10 tháng 3 năm 1985 để Gorbachev lên nắm quyền ngày 11 tháng 3 năm 1985.

Khi mới lên nắm quyền, Gorbachev thực hiện ngay cải tổ. Ông đẩy tất cả những cán bộ lãnh đạo đảng cựu trào ra khỏi guồng máy chính quyền. Ông hồi sinh lý tưởng của đảng bằng quan điểm mới và cải tiến quan niệm cũ. Một trong những hệ quả của cải tổ này là dẫn tới việc cho phép “đa nguyên tư tưởng” và kêu gọi thành lập “chủ nghĩa đa nguyên xã hội.” Năm 1986, Gorbachev ban bố chính sách “tái cơ cấu” mà tiếng Nga gọi là “perestroika” nhằm mục đích đưa nước Nga vượt qua khỏi nền kinh tế đang trì trệ bằng cách tạo ra cơ cấu tương quan và hiệu quả để thúc đẩy tiến trình kinh tế và xã hội. Năm 1988, Gorbachev đưa ra chính sách cởi mở [tiếng Nga là glasnost], trao cho người dân Nga quyền tự do mà họ chưa bao giờ có trước đó, gồm tự do ngôn luận.

Tháng 6 năm 1988, trong Đại Hội Đảng Cộng Sản Nga, Gorbachev đề xuất cơ chế hành pháp theo hệ thống tổng thống và lập pháp cũng được cải tổ gọi là Quốc Hội Đại Biểu Nhân Dân (Congress of People’s Deputies) được người dân bầu cử trên khắp Liên Bang Sô Viết vào tháng 3 và 4 năm 1989. Chính sách này đưa tới làn sóng dân chủ hóa ngoài ý muốn của chính quyền. Theo học giả Archie Brown, dân chủ hóa tại Liên Bang Sô Viết giúp Gorbachev làm suy yếu các thành phần chống đối thuộc phe giáo điều bảo thủ trong đảng nhưng cũng làm bùng nổ sự phản kháng quyết liệt của những người bảo thủ. Cuộc đấu tranh giữa Gorbachev và phe bảo thủ kéo dài cho đến khi ông bị đảo chánh vào tháng 8 năm 1991, lúc ông vắng mặt tại thủ đô Moscow.

Ngày 29 tháng 8 năm 1991 Liên Bang Sô Viết bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 25 tháng 12 năm 1991 Gorbachev từ chức thì một ngày sau Liên Bang Sô Viết cũng bị xóa sổ. (5) Đó cũng là ngày kết thúc 74 năm có mặt và thống trị của Chủ Nghĩa Cộng Sản trên nước Nga.

Làn Sóng Đỏ Cộng Sản Lan Khắp Thế Giới

Cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 không chỉ tạo ra chế độ Cộng Sản Nga mà làn sóng đỏ Cộng Sản còn lan khắp nơi trên thế giới, tới Á Châu, Đông Âu, Trung Mỹ, v.v…

Tư tưởng Mác Xít bắt đầu truyền tới Trung Quốc sau Phong Trào Ngũ Tứ năm 1919. Vào tháng 6 năm 1920, Quốc Tế Cộng Sản, được biết như là Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản tại Nga, đã phái Grigori Voitinsky tới Trung Quốc để gặp Lý Đại Chiêu và một số người khác. Grigori đã tài trợ và lập ra Đoàn Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại tô giới Pháp ở Thượng Hải vào năm 1921 như là một hội nghiên cứu và mạng lưới không chính thức. (6) Trong Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 1 vào năm 1921 tại Thượng Hải có 23 đại biểu tham dự gồm, Lý Đạt, Lý Hán Tuấn từ Thượng Hải; Trương Quốc Đạo, Lưu Nhân Tĩnh từ Bắc Kinh; Mao Trạch Đông, Hà Thúc Hoành từ Hồ Nam; Đổng Tất Vũ, Trần Đàm Thu từ Hồ Bắc; Vương Tấn Mỹ, Đặng Ân Minh từ Sơn Đông; Trần Công Bác từ Quảng Đông; Chu Phật Hải đại diện các du học sinh ở Nhật Bản. Trong Đại Hội này, Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu không tham dự vì bận công việc.

Đại Hội do Trương Quốc Đạo chủ tọa, Mao Trạch Đông và Chu Phật Hải làm thư ký. Đại Hội đã bầu Trần Độc Tú là Thư Ký Trung Ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đầu tiên, tương đương với chức Tổng Bí Thư Đảng sau này. (7) Trong chiến tranh Hoa-Nhật lần thứ 2 diễn ra từ năm 1937 tới 1945, Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Trung Hoa Quốc Dân Đảng tạm thời hợp tác để chống kẻ thù chung là Nhật Bản. Trong 8 năm này, Đảng Cộng Sản Trung Quốc gia tăng số lượng đảng viên từ bốn vạn lên tới một triệu hai còn quân đội tăng từ ba vạn tới một triệu.

Sau Thế Chiến Hai, nội chiến giữa Trung Hoa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản Trung Quốc lại tiếp tục. Dù lúc đầu Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch thắng thế, kết cuộc thì bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông đánh bại và bị buộc tháo chạy ra Đài Loan. Sau đó, Tưởng Giới Thạch tái lập Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan và Mao Trạch Đông lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Lục Địa.

Cộng Sản xâm nhập vào Việt Nam rất sớm. Vào mùa xuân năm 1925, người thanh niên có tên Nguyễn Sinh Cung lấy tên giả là Nguyễn Ái Quốc tức là Hồ Chí Minh đã thành lập Hội Thanh Niên Cách Mạng Việt Nam mà đọc theo kiểu Hán Việt là Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Hội (Vietnamese Revolutionary Youth Association), là một tổ chức chính trị Cộng Sản.

Hội này lợi dụng lòng yêu nước muốn đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước để chiêu mộ hội viên. Hội tuyên truyền mục đích giành độc lập cho nước nhà và tái phân phối đất đai cho nông dân có ruộng làm ăn. Hồ Chí Minh lúc đó là một thành viên của Quốc Tế Cộng Sản được Quốc Tế Cộng Sản Nga phái tới Quảng Châu của Trung Quốc vào tháng 12 năm 1924 để thực hiện sứ mệnh kết nối vào tổ chức Cộng Sản các thành phần trí thức Việt Nam chống Pháp đang hoạt động tại Trung Quốc, rồi huấn luyện và gửi về Việt Nam hoạt động. Tới năm 1928, thì Trung Hoa Quốc Dân Đảng cấm Hội Thanh Niên của Hồ Chí Minh hoạt động tại Trung Quốc, nên hội phải hoạt động bí mật. Ngày 17 tháng 6 năm 1929, 20 đại biểu khu vực Bắc Kỳ họp tại Hà Nội tuyên bố giải tán Hội Thanh Niên và thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1930 cuộc họp tại Hồng Kông đổi tên đảng thành Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bị Quốc Tế Cộng Sản chỉ trích và áp lực vì không đặt chủ trương của phong trào cộng sản quốc tế lên trên hết, vào tháng 10 năm 1930 trong cuộc họp cũng tại Hồng Kông Đảng Cộng Sản Việt Nam lại phải đổi tên thành Đảng Cộng Sản Đông Dương trở lại.

Điều này cho thấy ngay từ đầu sự lệ thuộc sâu xa của Cộng Sản VN với Cộng Sản Quốc Tế. Trong cuộc họp này ông Trần Phú được bầu làm Tổng Bí Thư Đảng đầu tiên. Tháng 2 năm 1941, Hồ Chí Minh về lại Việt Nam và thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, thường được gọi tắt là Việt Minh. Việt Minh tổ chức Cách Mạng Tháng Tám thành công để sang đoạt chống Pháp nhưng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản của ông thật sự cướp công cách mạng trong lễ tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội. (8)

Trận chiến đánh đuổi thực dân Pháp để giành lại độc lập cho đất nước vẫn tiếp tục đối với người dân Việt Nam. Sau biến cố Mùa Thu năm 1945 đó, lợi dụng lòng yêu nước và nhu cầu cấp bách đó của toàn dân, Cộng Sản núp sau danh nghĩa của Việt Minh tiếp tục xây dựng cơ sở, phát triển sức mạnh của đảng cho tham vọng lâu dài. Nhờ sự tiếp sức mạnh mẽ về nhân lực và tài lực từ Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Cộng Sản Việt Nam thắng Pháp tại trận Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 với sự hy sinh xương máu của hàng ngàn thanh niên Việt Nam yêu nước.

Biến cố này đưa tới Hiệp Định Geneva ngày 20 tháng 7 năm 1954 chia cắt Việt Nam làm hai miền Nam-Bắc với hai thể chế Tự do và Cộng sản khác nhau. Bất chấp các điều khoản của Hiệp Định Geveva, đặc biệt điều khoản tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc để người dân quyết định vận mệnh tương lai của đất nước, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiến hành cuộc chiến xâm lược miền Nam với sự hỗ trợ tiền bạc, quân đội và vũ khí từ Trung Cộng, Nga Sô và các nước trong khối Cộng Sản Quốc Tế. Cuối cùng, lợi dụng việc Hoa Kỳ rút quân theo Hiệp Định Paris năm 1973 và cắt viện trợ sau đó, Cộng Sản Bắc Việt một lần nữa xẻ bỏ Hiệp Định Paris để thôn tính miền Nam vào tháng 4 năm 1975 để nhuộm đỏ cả nước và đặt nền cai trị độc tài toàn trị lên dân tộc Việt Nam từ đó đến nay.

Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, các nước như Bắc Hàn, Đảng Cộng Sản Bắc Hàn được thành lập vào năm 1925 (9); Mông Cổ, Đảng Cách Mạng Nhân Dân Mông Cổ thành lập năm 1924 đồng minh với Liên Sô (10); Cam Bốt, Đảng Cộng Sản Campuchia hay Khmer Rouge [Khờ Me Đỏ] được thành lập năm 1968 (11); Lào, những người Cộng Sản Lào thành lập lần đầu tiên vào năm 1950 Mặt Trận Lào Tự Do để chống chính quyền (12), cũng đã bị làn sóng đỏ tràn ngập một thời hay còn tồn tại tới ngày nay.

Xe tangTại Prague, tháng 8 năm 1968, quân đội Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc.

Tại Đông Âu và Trung Âu, sau Thế Chiến Thứ II, Hồng Quân Liên Sô xâm chiếm nhiều nước và dựng lên nhiều chế độ Cộng Sản tại các quốc gia này. Hầu hết các nước Cộng Sản Đông Âu và Trung Âu đều nằm trong liên minh với Liên Bang Sô Viết, ngoại trừ Yugoslavia đã tuyên bố độc lập. Quá trình Cộng Sản Nga nhuộm đỏ Đông Âu không hoàn toàn xuôi chèo mát mái, như trường hợp Hungary và Slovakia là bằng chứng cụ thể. Cách Mạng Hungary năm 1956 phát sinh ra tinh thần độc lập không muốn bị lệ thuộc Nga Sô đưa tới sự đàn áp đẫm máu hàng ngàn người dân phản kháng bằng quân đội do Đảng Cộng Sản Hungary điều khiển. Tương tự, tại Slovakia vào ngày 20 tháng 8 năm 1968, khi Đảng Cộng Sản Czechoslovak Communist Party do Alexander Dubcek lãnh đạo bắt đầu rục rịch vận động cải tổ để hạn chế tập quyền trung ương và đưa nền kinh tế thoát khỏi lệ thuộc, thì lãnh đạo Nga Sô Brezhnev ra lệnh quân đội Nga Sô xâm chiếm.(13)

Chủ Nghĩa Giết Người Nhiều Nhất Lịch Sử

Tổ Chức giáo dục và nhân quyền bất vụ lợi có trụ sở tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn của Hoa Kỳ có tên The Victims of Communism Memorial Foundation nói rằng “Cách Mạng Bolshevik tháng 10 năm 1917 đã đẻ ra một ý thức hệ giết người nhiều nhất trong lịch sử loài người, đó là Chủ Nghĩa Cộng Sản.” Tổ chức này cho biết trong vòng 100 năm qua, Chủ Nghĩa Cộng Sản giết chết hơn 100 triệu người trên toàn thế giới, và ngày nay vẫn còn tiếp tục cai trị một số quốc gia.(14) Giáo Sư sử học người Mỹ dạy tại Đại Học UC Berkeley, California, chuyên về lịch sử Nga là Martin Malia trong lời tựa cuốn “The Black Book of Communism” [phiên dịch từ công trình nghiên cứu của các học giả Pháp là “Le Livre Noir du Communism” – Hắc Thư Của Chủ Nghĩa Cộng Sản] cho rằng Chủ Nghĩa Cộng Sản đã giết từ 85 triệu tới 100 triệu người.(15)

Tại Nga

Sau khi Liên Bang Sô Viết giải thể, các hồ sơ chính thức của chính quyền được tìm ra cho thấy Cộng Sản Nga đã hành quyết tám chục ngàn tù nhân dưới thời Stalin, khoảng một triệu bảy bị giết trong các trại tù lao động khổ sai gọi là Gulag và 39 vạn bị giết trong các vụ cưỡng bách định cư – hồ sơ của chính quyền CS Nga ghi có tới ba triệu nạn nhân trong các loại giết người này. Riêng dưới thời Stalin cầm quyền, một số sử gia phỏng đoán có tới 61 triệu người bị giết. Trong khi đó nhiều học giả, trong số đó có nhà viết tiểu sử cho Stalin là Simon Sebag Montefiore và giám đốc loạt tài liệu “Annals of Communism” [Biên Niên Sử của Chủ Nghĩa Cộng Sản] của Đại Học Yale là Jonathan Brent thì cho rằng khoảng 20 triệu người bị giết chết dưới thời Stalin. Theo Giáo Sư Donald Rayfield trong vụ Khủng Bố Đỏ vào cuộc Nội Chiến Nga năm 1918, CS Nga đàn áp và giết chết hàng chục ngàn người trong các cuộc nổi dậy Kronstadt và Tambov. (16) Theo Nicolas Werth thì vào những tháng đầu của năm 1919, CS Nga hành quyết 12 ngàn người sau khi các làng mạc của Cossacks bị san bằng. (17) Từ năm 1937 tới năm 1953 dưới thời Stalin có khoảng bảy chục vạn người bị hành quyết bằng đạn vào đầu từ sau lưng, nhiều người bị tra tấn dã man tới chết trong lúc thẩm cung, nhiều người bị bỏ đói khát, bị bệnh tật và làm việc quá sức trong các trại tù lao động khổ sai. Từ tháng 10 năm 1936 tới tháng 11 năm 1938, ít nhất một triệu bảy người bị bắt giam và 724 ngàn bị xử tử. Michael Ellman trong tác phẩm “Stalin and the Soviet Famine of 1932–33 Revisited,” [Xét Lại Nạn Đói Năm 1932-33 Dưới Thời Stalin và Sô Viết] cho biết rằng khủng bố đỏ cũng được CS Nga thực hiện với các tu sĩ Giáo Hội Chính Thống Giáo và các tôn giáo khác. (18) Trong tác phẩm “Century of Violence” [Thế Kỷ Bạo Động] Alexander Nikolaevick Yakovlev cho biết các tài liệu của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga nói rằng có tới hơn 10 vạn tu sĩ nam nữ đã bị xử tử trong thời gian từ năm 1937 tới 1938.(19)

Tại Mông Cổ

Mùa hè và thu năm 1937, Stalin đưa nhân viên của Bộ Nội Vụ Nga tới Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ để thực hiện cuộc Khủng Bố Lớn Nhất Mông Cổ để bắt và hành quyết tới 35 ngàn người, trong đó khoảng 18 ngàn nạn nhân là các vị Lạt Ma Phật Giáo Mông Cổ.(20)

Tại Ba Lan

Mùa xuân năm 1940, Bộ Nội Vụ Nga hành quyết khoảng 21,857 tù nhân chiến tranh và các nhà trí thức Ba Lan trong vụ thảm sát tập thể được biết với tên Katyn.(21)

Tại Trung Quốc

Các thống kể của nhiều sử gia cho rằng sau khi Mao Trạch Đông nắm quyền hành cai trị Trung Cộng, các chính sách và những cuộc thanh trừng chính trị của ông đã giết hại khoảng 10 triệu người. Các tài liệu khác cho thấy Mao chịu trách nhiệm tới 70 triệu cái chết. (22) Các cuộc tàn sát quy mô nhất dưới thời Mao Trạch Đông xảy ra trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Các tài liệu nghiên cứu chính thức được phổ biến vào năm 1948, cho thấy Mao dự trù “sẽ tiêu diệt” “một phần mười nông dân” hay khoảng 50 triệu người để tạo điều kiện cho kế hoạch cải cách ruộng đất. Số người bị giết chết thực sự trong cải cách ruộng đất không nhiều đến thế, nhưng ít nhất là một triệu người đã bị giết. (23) Các cuộc đàn áp vì lý do phản cách mạng đã xử tử ít nhất 712 ngàn người, và bắt bỏ tù lao động khổ sai tới một triệu 290 ngàn người và một triệu hai bị quản thúc.(24) Trong tác phẩm “Mao’s Great Famine: The History of China’s Most Devastating Catastrophe, 1958-62,” [Nạn Đói Lớn Nhất Của Thời Kỳ Mao: Lịch Sử Thảm Họa Tàn Hại Nhất Của Trung Quốc] sử gia Frank Dikotter nói rằng kế hoạch Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại của Mao đã làm 45 triệu người chết vì đói. Dikotter phỏng đoán rằng ít nhất hai triệu rưởi bị giết chết hay bị hành hung tới chết trong thời gian Bước Tiến Vĩ Đại (1958-1962). Trong cuộc họp bí mật tại Thượng Hải vào năm 1959, Mao cho rằng thà để một nửa dân số Trung Quốc chết đi để một nửa kia có đủ lương thực để sống.(25) Trong tác phẩm “Mao’s Last Revolution,” hai nhà Hán học Roderick MacFarquhar và Michael Schoenhals phỏng đoán chỉ riêng ở nông thôn Trung Quốc có từ 750 ngàn tới một triệu rưởi bị giết trong Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976). (26)

4-Thien An Mon 1989Một sinh viên đứng cản đường đoàn xe tăng tiến vào đàn áp biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989 tại Bắc Kinh, Trung Cộng. (Hình Wikipedia)

Ngày 4 tháng 6 năm 1989 đánh dấu Phong Trào Dân Chủ hay Biến Cố Thiên An Môn bị đàn áp và tiêu diệt. Tài liệu Từ Điển Bách Khoa Mở cho biết rằng ngày 15 tháng 4 năm 1989 khi Tổng Bí Thư Đảng CSTQ Hồ Diệu Bang bị đứng tim chết thì phong trào sinh viên đòi dân chủ cũng bùng lên trước tiên tại các đại học và sau đó lan rộng ra 400 thành phố khắp Trung Quốc. Cao điểm của cuộc biểu tình đòi cải cách và dân chủ diễn ra ngày 17 và 18 tháng 5 năm 1989 với hơn một triệu người dân Bắc Kinh xuống đường biểu tình. Ngày 20 tháng 5 năm 1989, Đảng CSTQ do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo ban hành lệnh thiết quân luật và đưa ba trăm ngàn quân vào Bắc Kinh. Ngày 4 tháng 6 năm 1989 thì chính quyền CSTQ triệt hạ cuộc biểu tình bằng bạo lực quân sự với xe tăng, súng ống. Ngày 6 tháng 6 năm đó, trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của chính quyền nói rằng số người chết là gần 300 gồm quân đội, 23 sinh viên và thường dân, cộng với năm ngàn công an và binh lính bị thương và hai ngàn thường dân cũng bị thương. Nhưng ký giả Nicholas D. Kristof của báo The New York Times cho biết vào ngày 21 tháng 6 rằng có tới 50 công an và từ 400 tới 800 thường dân bị giết. Trong một bài báo vào năm 1990, tạp chí Time nói rằng có tới hai ngàn 600 người chết trong buổi sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại Thiên An Môn. (27)

Tại Cam Bốt

Chế độ Khờ Me Đỏ [Khmer Rouge], thống trị Cam Bốt từ năm 1975 tới 1979, đã hành quyết ít nhất hai trăm ngàn người tại những Cánh Đồng Chết và các chính sách của Khờ Me Đỏ cộng với bệnh tật và đói khát làm cho từ 1.4 triệu tới 2.2 triệu người dân Cam Bốt bị thiệt mạng trên tổng số dân lúc đó là bảy triệu người. (28) Trong khi đó Chương Trình Cambodian Genocide Program của Đại Học Yale cho rằng có khoảng 1.7 triệu người Cam Bốt bị chết.(29) Nhà nghiên cứu Craig Etcheson của Trung Tâm Tài Liệu Về Cam Bốt cho rằng số người chết là từ 2 triệu tới 2.5 triệu người. Sau 5 năm nghiên cứu khoảng hai vạn ngôi mộ, ông kết luận rằng “những ngôi mộ tập thể chứa 1.112.829 nạn nhân bị hành quyết.(30)

Tại Đông Âu

Tại Bulgaria, từ năm 1944 tới 1989, kế hoạch tập trung ruộng đất và đàn áp chính trị đã giết chết 31 ngàn người, theo Dinyu Sharlanov trong bộ sử “History of Communism in Bulgaria” [Lịch Sử Chủ Nghĩa Cộng Sản Tại Bulgaria].(31) Tại Đông Đức, theo Valentino, bắt đầu từ năm 1945 do đàn áp chính trị từ Liên Bang Sô Viết, đã có từ tám tới 10 vạn người bị giết.(32) Tại Romania, từ năm 1945 trong kế hoạch tịch thu ruộng đất và đàn áp chính trị đã có từ 60.000 tới 300.000 người bị giết chết.(33)

Tại Bắc Hàn

Theo Rummel, R.J. trong tác phẩm “Statistics Of North Korean Democide: Estimates, Calculations, And Sources,” [Thống Kê Về Sự Tàn Sát Của Chính Quyền Bắc Hàn: Các Phỏng Đoán, Con Số, và Nguồn Thông Tin], (34) thì từ năm 1948 tới 1987, đã có hơn một triệu người chết vì lao động khổ sai, bị hành quyết và tù cải tạo tại Bắc Hàn. Những phỏng đoán khác thì cho rằng có tới 400 ngàn người chết chỉ trong các trại tù tập trung. Theo sử gia Pháp Pierre Rigoulot thì có tới 100 ngàn vụ xử tử, một triệu rưởi chết trong các trại tù tập trung và lao động khổ sai, nửa triệu qua đời vì đói khát, và một triệu 300 ngàn người bị giết trong chiến tranh Triều Tiên. Nạn đói thập niên 1990s đã làm chết tới 850 ngàn người dân Bắc Hàn.(35)

Tại Việt Nam

Theo Giáo Sư Kinh Tế Học tại Đại Học North Carolina Steven R. Rosefielde trong tác phẩm “Red Holocaust,” thì trong thập niên 1950s Hồ Chí Minh và Đảng CSVN tại miền Bắc đã giết chết tới 900.000 người trong cải cách ruộng đất và xử tử các thành phần đảng phái Quốc Gia khác.(36) Cải Cách Ruộng Đất là thảm họa kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Đảng CSVN mở những cuộc đấu tố và kết án thành phần trí thức, địa chủ mà không hề trải qua quá trình điều tra, thụ lý hồ sơ của tòa án có thẩm quyền và độc lập về tư pháp. Trong các cuộc đấu tố này đã diễn ra những cảnh trạng thống hận ngất trời với con tố cáo và xử tử cha mẹ ngay giữa cái gọi là tòa án nhân dân phi pháp. Đó là thảm kịch bi thương nhất của dân tộc làm đảo lộn luân thường đạo lý và đạo đức truyền thống lâu đời vốn là giềng mối giữ gìn kỷ cương gia đình và xã hội.

Chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất chính thức bắt đầu vào ngày 19 tháng 12 năm 1953 sau khi Quốc Hội VN thông qua Dự Luật Cải Cách Ruộng Đất 197/HL và ông Hồ Chí Minh ký ban hành và chấm dứt vào năm 1956. Theo Szalontai Balazs trong tác phẩm “Political and Economic Crisis in North Vietnam, 1955-1956,” thì số người bị ảnh hưởng chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc VN lên tới hơn bốn triệu. Chương trình giảm tá điền đã ảnh hưởng tới tám triệu người khi dân số tại miền Bắc VN lúc bấy giờ là 15 triệu người.(37) Số người bị xử tử trong Cải Cách Ruộng Đất lên tới hai trăm ngàn theo Từ Điển Bách Khoa Mở. (38) Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi CS Bắc Việt xâm chiếm miền Nam, chính quyền CSVN thi hành chính sách trả thù tất cả quân dân cán chính phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam trước đó. Chính sách trả thù đưa tới việc chính quyền CSVN đẩy hơn một triệu quân dân cán chính VNCH vào các nhà tù khổ sai mà họ gọi trại tù học tập cải tạo được dựng lên khắp nước. (39) Trong số người bị CSVN bỏ tù, nhiều người phải ngồi tù hơn 20 năm mới được thả ra với thân mang tật bệnh và suy nhược tinh thần. Tác giả Robert S. McKelvey trong tác phẩm “A Gift of Barbed Wire” [Tặng Vật Cuộn Dây Thép Gai] cũng đưa ra con số một triệu quân dân cán chính VNCH bị CSVN bỏ tù. Theo trang mạng Victims of Communism Memorial Foundation thì CSVN đã đẩy 850 ngàn người vào các trại tù cải tạo.(40) Việc miền Nam bị Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm năm 1975 không chỉ dẫn tới thảm họa một triệu quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị đẩy vào các nhà tù khắp nước, mà cũng bắt đầu một thời kỳ bỏ nước ra đi của khoảng hai triệu người không chấp nhận chế độ Cộng Sản. Trong những ngày trước và ngay ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã có hơn 130 ngàn quân dân cán chính VNCH làm việc thân cận với Hoa Kỳ tại miền Nam đã di tản. Hầu hết đều được chính phủ Mỹ cho định cư tại Hoa Kỳ trong Chiến Dịch Cuộc Sống Mới và Chiến Dịch Những Ngưới Mới Đến (Operation New Life and Operation New Arrivals).

Vuot bien

Cuộc vượt biển vô tiền khoáng hậu của lịch sử Dân Tộc VN và thế giới làm chấn động lương tâm nhân loại.

Sau đó, cuộc di tản hay vượt biên, vượt biển vô tiền khoáng hậu của lịch sử Dân Tộc VN và thế giới làm chấn động lương tâm nhân loại và Liên Hiệp Quốc mở cửa nhiều trại tị nạn tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hồng Kông, Tân Gia Ba, để tiếp nhận Thuyền Nhân [danh từ quốc tế đặt cho người Việt vượt biển], bắt đầu từ năm 1978 tới đầu thập niên 1990s. Chỉ riêng số người thuyền nhân không thôi đã có tới 800.000 từ năm 1975 tới 1995. Năm 1978, khoảng 250.000 người Việt gốc Hoa tại Việt Nam vượt biên bằng đường bộ sang Trung Quốc Lục Địa. Theo tài liệu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) có khoảng từ 200.000 tới 400.000 người tị nạn Việt Nam đã chết trên biển. Các phỏng đoán khác cho rằng tới 70% số thuyền nhân Việt Nam đã chết dưới biển.(41)

Kết Luận

Thảm họa mà Chủ Nghĩa Cộng Sản đã và đang gieo rắc cho loài người trong vòng 100 năm qua thì nhiều vô số kể, từ các cuộc tàn sát tập thể cho đến những vụ đàn áp khủng bố đỏ, từ những thất bại thê thảm về kinh tế làm người dân đói khổ, bệnh tật cho đến những phá sản nghiêm trọng nền tảng đạo đức, văn hóa truyền thống của các dân tộc bị Chủ Nghĩa CS cai trị.

Sử gia người Mỹ gốc Ba Lan dạy tại Đại Học Harvard và Cornell Hoa Kỳ Richard Pipes, đã có lần nhận định về sự thất bại và sụp đổ của Chủ Nghĩa Cộng Sản trên thế giới, “Chủ nghĩa Mác Xít, nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản được dựng lên trên tiền đề sai lầm về sự chiếm hữu của con người – là lòng tham chiếm hữu và tích trữ tài sản cá nhân – là hiện tượng lịch sử tạm thời, nếu được giáo dục đúng mức thì có thể cải thiện. Chủ nghĩa Mác Xít muốn đưa loài người tới chỗ đó trong niềm tin rằng từ bỏ lòng tham tài sản sẽ đưa tới xóa bỏ bất bình đẳng kinh tế là nguồn gốc của xung đột giai cấp.”(42) Richard Pipes nói đúng vì mọi đảng viên CS trên thế giới đều tham quyền cố vị, tham nhũng bốc lột và cường hào ác bá hơn bất cứ chế độ nào trong lịch sử loài người từ trước tới nay.

Chủ nghĩa Cộng Sản trên thế giới sụp đổ còn vì nhiều lý do khác như họ không đủ khả năng để lãnh đạo và điều hành nền kinh tế từ nông nghiệp đến công nghiệp để đuổi kịp đà tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của xã hội loài người. Chủ nghĩa CS còn tiêu diệt tự do, khai phóng và sáng tạo cá nhân vốn là chất liệu cốt lõi để phát triển con người và xã hội theo hướng tiến bộ. Các chế độ CS trên thế giới, mà ngày nay còn lại ở vài nước như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, đã cai trị đất nước bằng độc tài toàn trị, bịt miệng người dân, đàn áp và chà đạp nhân quyền, dân quyền của người dân đưa dân tộc đến tình trạng lạc hậu, chậm tíến và phản lại trào lưu tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền của tòan nhân loại. Một chủ nghĩa như thế thì sụp đổ là đương nhiên.

Nhưng có điều đau thương là nhân loại đã phải trả giá quá đắt cho sự có mặt của Chủ Nghĩa CS với hơn 100 triệu mạng người bị tàn sát!

***

Nguồn Tài Liệu Tham Khảo:

(1) Do Nhà Xuất Bản Harvard Univsersity Press, Cambridge, Massachusetts, xuất bản năm 2007; http://www.hup.harvard.edu/catalog.php?isbn=9780674046993  

(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Robert_Service_(historian)  

(3) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Russia_(1892%E2%80%931917)  

(4) https://en.wikipedia.org/wiki/October_Revolution  

(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Communist_Party_of_the_Soviet_Union  

(6) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Communist_Party_of_China  

(7) http://onggiaolang.com/21-05-su-ra-doi-cua-dang-cong-san-trung-quoc /

(8) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Communist_Party_of_Vietnam 

(9) https://en.wikipedia.org/wiki/Communism_in_Korea 

(10) https://en.wikipedia.org/wiki/Mongolian_People%27s_Republic  

(11) https://en.wikipedia.org/wiki/Khmer_Rouge  

(12) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Laos_since_1945#Communism_in_Laos  

(13) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_communism   

(14) http://victimsofcommunism.org/mission/   

(15) Malia, Martin (1999), “Foreword” in “The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression,” Harvard University Press. trang 9-20.

(16) Donald Rayfield, “Stalin and His Hangmen: The Tyrant and Those Who Killed for Him,” Random House, 2004.

(17) Nicolas Werth, “A State against its People: violence, repression, and terror in the Soviet Union” trong The Black Book, trang 98.

(18) Michael Ellman, “Stalin and the Soviet Famine of 1932–33 Revisited,” Europe-Asia Studies, Routledge. Vol. 59, No. 4, June 2007, 663–693.

(19) Yakovlev, “Century of Violence,” 2002, trang 165;

(20) Hiroaki Kuromiya, “The Voices of the Dead: Stalin’s Great Terror in the 1930s,” Yale University Press, December 24, 2007, trang 2. Hoặc Christopher Kaplonski, “Thirty Thousand Bullets, In: Historical Injustice and Democratic Transition in Eastern Asia and Northern Europe,” London 2002, trang 155–168.

(21) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes  

(22) Chang, Jung and Halliday, Jon, “Mao: The Unknown Story,” Jonathan Cape, London, 2005, trang 3. Hoặc Rummel, R. J. “China’s Bloody Century: Genocide and Mass Murder Since 1900,” Transaction Publishers, 1991, trang 205. Trong đó Rummel nói rằng Mao đã giết tới 77 triệu người. Hoặc Fenby, Jonathan, “Modern China: The Fall and Rise of a Great Power, 1850 to the Present,” Ecco, 2008, trang 351. Tài liệu này cho rằng Mao chịu trách nhiệm cho cái chết của từ 40 triệu tới 70 triệu người trong các vụ tàn sát tập thể lớn hơn Hitler hay Stalin.

(23) Rummel, Rudolph J., “China’s Bloody Century: Genocide And Mass Murder Since 1900,” Transaction Publishers, 2007, trang 223.

(24) Yang Kuisong, “Reconsidering the Campaign to Suppress Counterrevolutionaries,” The China Quarterly, 193, March 2008, trang 102–121.

(25) Dikưtter, Frank, “Mao’s Great Famine: The History of China’s Most Devastating Catastrophe, 1958-62,” Walker & Company, 2010, trang x, xi.

(26) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes  

(27) https://en.wikipedia.org/wiki/Tiananmen_Square_protests_of_1989  

(28) Chandler, David, “The Killing Fields.”

(29) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes  

(30) Sharp, Bruce, “Counting Hell: The Death Toll of the Khmer Rouge Regime in Cambodia”, ngày 1 tháng 4 năm 2005, bổ sung lại ngày 5 tháng 7 năm 2006.

(31) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes
 
(32) Valentino (2005), “Final Solutions,” 2005, trang 75.

(33) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes  

(34) Rummel, R.J., “Statistics Of North Korean Democide: Estimates, Calculations, And Sources,” 1997.

(35) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes  

(36) Steven R. Rosefielde, “Red Holocaust,” 2009, trang 110.

(37) Szalontai, Balazs, “Political and Economic Crisis in North Vietnam, 1955-1956”, 2005, Cold War History, Vol. 5, No. 4, trang 401.

(38) https://en.wikipedia.org/wiki/Land_reform_in_North_Vietnam  

(39) https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8Dc_t%E1%BA%ADp_c%E1%BA%A3i_t%E1%BA%A1o  

(40) http://victimsofcommunism.org/mission/   

(41) https://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_boat_people  

(42) http://www.discoverthenetworks.org/viewSubCategory.asp?id=58 

Huỳnh Kim Quang

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay