“Tình chết, không đợi chờ!”

Tình Khúc Chiều Mưa

httpv://www.youtube.com/watch?v=SYdCqjhAy44 

Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần sau lễ Mình Máu Chúa năm A 18/6/2017

“Tình chết, không đợi chờ!”
Tình xa, ai nào ngờ!
Tình đã phai nhạt màu, còn đâu?
Tình trót, trao về người
Thì dẫu, lỡ làng rồi
Người hỡi, xin trọn đời lẻ loi!

(Nguyễn Ánh 9 – Tình Khúc Chiều Mưa)

(Lc 2: 51b)

Trần Ngọc Mười Hai

Với nghệ-sĩ, thì: Mưa, thường đem lại cho nhiều một thứ tình nào đó rất sướt mướt gọi là Tình Khúc Chiều Mưa. Mưa buổi chiều, chứ không phải sáng sớm hoặc nửa đêm. Bởi lẽ, chiều xâm xẩm rồi mà lại mưa xuống, thế mới thấm.

Mưa gì thì mưa. Mưa, đến độ khiến người tình đã thấy những là: “tình chết”, rồi “tình xa” và “tình phai nhạt”, thế mới khiếp. Khiếp đến độ, mới “chiều mưa ngày nào”, đã thấy tình yêu dạt-dào, rồi lại “mộng ước mai sau”, thôi thì “tình đầu đừng có thương đau” như ca-từ diễn tả ở câu tiếp:

“Chiều mưa ngày nào . . . sánh bước bên nhau
Tin yêu dạt dào . . . mộng ước mai sau
Cho ân tình đầu . . . mãi mãi dài lâu
Cho duyên tình đầu đừng có thương đau !
Chiều nay một mình . . . chiếc bóng đơn côi
Mưa rơi giọt buồn . . . giá buốt tim tôi
Mưa rơi lạnh lùng . . . xóa dấu chân xưa
Tin yêu bây giờ . . . trả lại người xưa
(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Thế đó, là mối tình đầu hay tình cuối cũng không biết, ở ngoài đời. Còn, ở nhà Đạo, lại cũng có một thứ tình không khó diễn tả hoặc bộc-lộ, nhưng lại là thứ tình “mông-lung” hướng về các “tượng đất”, rất nguy-hiểm như nhận-định của Đức Giáo Tông Phanxicô trong buổi kỷ-niệm 100 năm ngày Mẹ hiện ra với 3 trẻ ở nước Bồ, như sau:

“Phải chăng, anh chị em vẫn vinh-danh “Người Nữ được chúc phúc” ở đây là vì Bà luôn tin-tưởng vào lời Chúa ở khắp nơi? Hoặc, Anh chị em ngỏ lời với “Tượng Mẹ bằng thạch-cao” chỉ để xin xỏ đôi điều với giá rẻ mạt chứ? Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công-khai đặt những câu hỏi như thế với cả ngàn người hành hương Fatima hôm kỷ-niệm 100 năm ngày Lễ Hội.

Mẫu-gương Đức Maria luôn tin-tưởng và dấn thân theo Đức Giêsu, là điều ta cần trân-trọng hơn cả. Đức Maria không thể trở-thành mẫu-mã/hình-hài mà các tín-hữu Đạo Chúa đã tạo cho Mẹ do bởi lòng xót thương, trìu mến mà ra.”

Vào trước hôm mừng kỷ-niệm 100 năm ngày Đức Maria hiện ra tại Fatima, Đức Giáo-Hoàng đã đề ra một câu hỏi, chuyển đến cả ngàn người hành hương hôm 12/5/2017, là để họ suy-nghĩ về “Đức Maria nào” mà họ chọn mừng kính. Phải chăng đó là “Đức Nữ-trinh Maria của Tin Mừng”? Hoặc, “Đức Maria là Đấng từng ngăn-chặn cánh tay giận-dữ của Thiên-Chúa, để Ngài không trừng-phạt con người”?  

  Hôm ấy, Đức Giáo-hoàng đã đưa ra câu hỏi gay gắt như thế với hơn chục ngàn người hành-hương dự lễ. Những người hành-hương hôm ấy, tay cầm nến trắng thắp sáng cả một quảng trường đầy người, trước khi được Đức Giáo Hoàng Phanxicô hướng-dẫn nguyện-cầu bằng kinh Mân Côi.

Đức Giáo Hoàng, đã đến viếng khu di-tích lịch-sử ở Fatima vào buổi chiều trước đó, bằng trực-thăng. Đoàn người đông-đảo hứng-chí cầm cờ và khăn tay trắng vẫy chào Đức Giáo Hoàng trong chiếc xe đặc-biệt dành cho các vị Giáo-hoàng. Sau đó, ngài thả bộ đi vào Nguyện-đường là nơi Đức Mẹ từng hiện ra khi trước với ba trẻ nhỏ hôm 13/5/1917. Toàn thể Giáo-hội Công giáo lại sẽ tiếp-tục mừng kính như thế mỗi tháng cho đến ngày 13 tháng 10 sắp tới…

Sau vài phút thinh-lặng, Đức Giáo Hoàng lại đã nguyện-cầu Đức Mẹ hãy đổ tràn nước mắt xuống các tường/thành chung quanh, và vượt mọi lằn ranh chia cách đến khắp nơi mà tỏ-lộ công-lý và hoà-bình của Thiên-Chúa.

Đức Giáo-Hoàng lại cầu nguyện tiếp bằng những ý/từ như sau: Ở phần sâu thẳm nơi tâm can vô nhiễm của Mẹ, xin Mẹ giữ lấy mọi nỗi lo-âu/sầu-buồn của gia-đình nhân-loại; bởi lẽ, họ đang khóc lóc nài van nguyện cầu cùng Mẹ trong thung lũng đầy nước mắt này…”

Đức Giáo Hoàng lại cũng nhắc nhở người hành-hương hôm ấy hãy cùng nhau nguyện-cầu Đức Mẹ như Mẹ từng dạy các trẻ ở Fatima xin Chúa nhân-từ xót thương “những người cần Ngài hơn ai hết.” Đức Giáo Hoàng đã đề-cao Đức Maria như “mẫu gương rao truyền Lời Chúa”, cách đặc-biệt; bởi, tín-hữu nam/nữ nào hướng về Mẹ đều thấy được nơi Mẹ một điều rõ-ràng là: khiêm-nhu/hiền-từ không là đặc-trưng của những kẻ yếu-đuối nhưng là của người mạnh-mẽ.”

Đức Giáo-Hoàng còn nói thêm: “Ai đặt nặng chuyện Thiên-Chúa chuyên trừng-phạt kẻ có tội, sẽ là người phạm lỗi bất-công cùng tột với Ngài; bởi họ đâu biết rằng: người có tội đã được Thiên-Chúa thứ tha ngang qua tấm lòng đầy thương xót của Ngài. Lòng Chúa xót thương con người phải đặt trước mọi trừng-phạt. Và trong mọi trường-hợp, sự trừng-phạt của Thiên-Chúa luôn luôn phải được đặt dưới ánh sáng của tình Ngài xót thương, hết mọi người.”

Và, Đức Giáo-hoàng lại đã kết-luận: “Cùng với Đức Maria, mỗi người chúng ta sẽ trở nên dấu-chỉ và là bí-tích của lòng Chúa xót thương, luôn tha-thứ mọi người, hết mọi sự.” (X. Junno Arocho Esteves, Pope Francis tells Fatima pilgrims: Follow the Mary of the Gospel”, Catholic Herald ngày 13/5/2017)

Nói về Đức Maria với dấu chỉ của lòng Chúa xót thương muôn người, còn là nhớ lại lời tác-giả Luca viết về Mẹ, lúc ban đầu, như sau:

“Riêng mẹ Ngài

thì Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy

ở trong lòng”.

(Lc 2: 51b)

Nói về lòng Chúa xót thương chứ không trừng-phạt mọi người, vào mọi lúc, bạn và tôi hẳn còn  nhớ câu truyện kể của tác giả Song Lam từng nói về tấm lòng của người trẻ nọ, như sau:

“Chúng tôi không thể ở lại San Diego để mừng sinh nhật Chúc Minh tuần tới vì đã hết ngày phép. Con nhỏ có vẻ không vui. Tôi nói với nó mai mốt về hưu có thể chúng tôi về Cali ở với chúng nó. Nó mừng rơn, gặn hỏi tôi: Thiệt hông dì? Thế rồi nó nói dì dượng xuống đây, con chừa cái Master bedroom cho hai ông bà, bao ăn ở chỉ charge $500 thôi. Tôi nói ô kê với điều kiện là sáng ăn tôm hùm chiều cháo bào ngư tối đi coi văn nghệ, vợ chồng nó cười ha hả.

 Đến phi trường L.A. chân tôi tê cứng không bước xuống xe được, ông xã mới vịn tay tôi đỡ xuống xe. Vợ chồng Chúc Minh được dịp la bài hãi:

 – Trời ơi hai ông bà già tình tứ quá!

Tôi cười:

– Già thì có tình già chứ, gừng càng già càng cay, mấy đứa bay không nghe người đời nói vậy sao?

 Suốt 6 giờ đồng hồ từ L. A về đến N. J tôi cứ nghĩ ngợi về chữ “tình già”, tựa đề bài thơ mới đầu tiên của Phan Khôi xuất hiện trên báo năm 1932:

 Hai mươi bốn năm xưa

Một đêm vừa gió lại vừa mưa…

… Ôi tình nghĩa đôi ta thì rất nặng

Mà lấy nhau ắt là không đặng…

Lời thơ ngây ngô như lời nói, đầy đủ “thì, là, mà” nhưng gây sóng gió không nhỏ trong buổi đầu hình thành thơ mới. Người đời thường cho rằng vợ chồng về già chữ tình không còn, sống với nhau về nghĩa. Tôi không biết đúng sai, có điều tôi nhận thấy vợ chồng già tình cảm không còn sôi nổi, bộp chộp như hồi trẻ mà thấm đẫm hơn, sâu lắng hơn. Chắc vì lý do đó ca dao có câu:

Con cá làm ra con mắm

Vợ chồng già thương lắm mình ơi

 Người xưa không sai chút nào khi dùng chữ “thương lắm”. Ủa, vậy người trẻ không “thương lắm” hay sao? Không hẳn là vậy, vợ chồng trẻ yêu nhau đắm đuối say mê nữa là đằng khác, nửa bước không rời. Nhưng chữ “thương lắm” dùng cho vợ chồng già mang một ý nghĩa dài lâu hơn, nghĩa là họ đã trải qua mấy chục năm dài lận đận với nhau, xẻ ngọt chia bùi. Theo tôi, câu hát trên nói về tình nghĩa vợ chồng lúc về già còn mang ý nghĩa cần thiết nữa. Qua rồi tuổi thanh xuân khi con cái đã đủ lông đủ cánh bay khỏi tổ ấm gia đình, chúng nó có vợ có chồng, có con cái, có nhà riêng, thì chỉ còn lại hai vợ chồng già trong cái mà người Mỹ gọi là “Empty nest”.

Bây giờ ông nhìn bà, bà nhìn ông, cả hai mái đầu đều bạc, nay nóng lạnh, mai nhức đầu… Nếu không dựa vào nhau thì còn biết trông cậy vào ai?

Trong tháng 7/2014, bài viết của tác giả Philato “70, chán mớ đời” khiến tôi đọc đến mấy lần vì thấy mình trong đó. Thực là chán quá chừng ở cái tuổi trên dưới 70, nghĩa là tuổi già lãng đãng khi nhớ khi quên, bước cao bước thấp, bệnh hoạn hà rầm…” (X. Song Lam, Tình…Tiền…trong tuổi già, ở trên mạng)

Nghe kể rồi, mới thấy người viết nhạc cứ kể một thôi/một hồi các thứ tình-tiết nghe đến sầu/buồn. Thôi thì, sầu sao thì sầu, bạn và tôi, ta cứ nghe thêm một lần nữa, những câu hát cũng khá buồn…tình, như sau:

“Tình lỡ, nên tình buồn,
Tình xa,nên tình sầu !
Tình yêu, phai nhạt màu, tình đau!
Lời cuối, cho cuộc tình
Dù đã, bao muộn phiền
Lòng vẫn, yêu trọn đời … người yêu ơi!”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Thế đấy, là câu kết cũng rất đẹp. Đẹp như một bài thơ “thiên-thần” cũng không tả được như thế. Còn đây, lại là câu truyện kể khác để minh-hoạ và cũng để kết-luận câu chuyện dài mọi người bàn:

“Trong cuộc sống, có những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng bạn đừng quên…

1.  Cho mọi người nhiều hơn là họ mong chờ và hãy làm điều đó thật nhiệt tình.

2 . Đôi lúc cũng phải yêu và nấu ăn một cách liều lĩnh(Những điều không thể quên do Sưu tầm).

3.  Ghi nhớ những bài thơ bạn yêu thích.

4.  Đừng vội tin những gì bạn nghe.

5.   Khi bạn nói yêu ai đó, hãy hiểu hết nghĩa của những từ ngữ ấy.

6.   Khi bạn nói xin lỗi, hãy nhìn vào mắt người bạn đang xin lỗi.

7.  Hãy đính hôn ít nhất là 6 tháng trước khi bạn kết hôn.

8.   Tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên.

9.    Đừng bao giờ cười vào những ước mơ của người khác.

10.   Hãy yêu một cách sâu sắc và đam mê. Có thể bạn sẽ bị tổn thương, nhưng đó là cách  duy nhất bạn học sống một cách hoàn hảo. 

11.    Khi không đồng ý điều gì, hãy đấu tranh một cách công bằng.

12.   Đừng phán xét ai qua thân nhân hay hoàn cảnh xuất thân của họ.

13.    Hãy bắt chính mình nói chậm nhưng suy nghĩ nhanh.

14.    Khi ai đó hỏi bạn những câu hỏi mà bạn không muốn trả lời, hãy mỉm cười và hỏi lại “Tại sao bạn lại muốn biết điều đó?”

15.   Một tình yêu lớn và những khám phá vĩ đại cũng bao gồm những rủi ro to lớn.

16.    Hãy liên lạc với mẹ bạn thường xuyên nếu bạn sống xa nhà.

17.  Theo đuổi 3 điều: tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác và có trách nhiệm với những việc mình làm.

18.  Đừng để 1 cuộc đấu khẩu nhỏ làm tổn thương 1 tình bạn lớn.

19.   Khi bạn nhận ra bạn vừa gây ra lỗi lầm, hãy nhanh chóng sửa sai.

20.  Mỉm cười khi nhấc điện thoại lên, người gọi sẽ nghe được điều đó trong giọng nói của bạn.

21.  Tranh thủ thời gian ở một mình.

22.   Hãy mở rộng đôi cánh tay bạn để thay đổi, nhưng đừng để mất đi giá trị của chính mình.

23.    Hãy nhớ sự im lặng thỉnh thoảng là câu trả lời tốt nhất.

24.  Đọc nhiều sách. Tivi không thay thế được điều này.

25.  Sống một cuộc sống tốt và đức hạnh, để sau này về già nghĩ lại, bạn sẽ muốn sống một cuộc đời như thế lần thứ hai.

26.    Mức độ tình yêu trong gia đình bạn luôn là nền tảng cuộc sống của bạn. Tất cả những gì bạn làm là tạo một mái nhà thanh bình và hoà thuận.

27.   Khi bạn bất đồng với người yêu, hãy chỉ đề cập đến vấn đề hiện tại, đừng đụng chạm đến quá khứ.

28.  Đừng chỉ nghe những gì người ta nói, hãy nghe tại sao họ nói như vậy.

29.   Chia sẻ kiến thức của bạn. Đó là cách để khám phá ra sự bất tử.

30.   Hãy đối xử tử tế với thiên nhiên.

31.  Đừng bao giờ làm gián đoạn khi bạn đang được khen ngợi.

32.  Ý thức được công việc của mình.

33.   Đừng tin ai đó khi người ấy không nhắm mắt trong lúc bạn hôn người ấy!

34.    Mỗi năm 1 lần, hãy đi đến nơi nào mà bạn chưa từng đến.

35.    Nếu bạn làm ra nhiều tiền, hãy giúp đỡ mọi người. Đó là tài sản giá trị nhất.

36.   Hãy nhớ, 1 mối quan hệ tốt nhất là khi tình cảm của bạn dành cho người đó vượt lên trên những gì bạn cần ở họ.

37.   Hãy chiêm nghiệm thành công của bạn dựa trên những gì bạn phải từ bỏ để có được nó.

38.  Sống với sự hiểu biết và kiến thức.  

Quên, thì cũng chẳng quên đâu! Có chăng, là ngại hoặc lười. Có khi, là cả hai, vừa lười lại vừa ngại, thế mới chết. Thôi thì, chẳng chết thằng Tây đen Tây trắng nào hết, nếu bạn và tôi, ta cứ ca và hát những lời ca trích ở trên, nghêu-ngao rằng:

“Tình lỡ, nên tình buồn,
Tình xa,nên tình sầu !
Tình yêu, phai nhạt màu, tình đau!
Lời cuối, cho cuộc tình
Dù đã, bao muộn phiền
Lòng vẫn, yêu trọn đời … người yêu ơi!”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Trần Ngọc Mười Hai

Đôi lúc cũng muốn

Nghêu ngao những lời

Không được vui

Rất như thế.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay