“Chiều xuống ru hồn người bềnh bồng.”

Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần sau lễ Chúa Trời Ba Ngôi năm A 11/6/2017

“Chiều xuống ru hồn người bềnh bồng.”

Chiều không im gọi người đợi mong.

Chiều trông cho mềm mây ươm nắng,

nắng đợi chiều nắng say,

nắng nhuộm chiều hây hây.”

(Vũ Thành An – Bài Không Tên số 8)

(Lc 24: 1-6 / Lc 24: 25-27)

“Nắng đợi chiều nắng say”, “hây hây”, “du hồn người bềnh vồng”. Có đúng thế không? Hay, chỉ là những ảnh-hình của thơ-văn mộng-mị, những buồn phiền?

Buồn và phiền, vì nhiều thứ. Chứ, không chỉ vì mỗi buổi chiều vàng có nắng hây hây, mà thôi! Bạn không tin ư? Đây, thì xin mời bạn cùng mời tôi, ta nghe tiếp những lời hát rất như sau:

“Ngày đi qua vài lần buồn phiền.

Người quen với cuộc tình đảo điên.

Người quên một vòng tay ôm nhớ.

Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.


Vắng nhau một đêm càng xa thêm ngàn trùng.

Tiếc nhau một đêm rồi mai thêm ngại ngùng.

Xa nhau rồi tiếc những ngày còn ấu thơ.

Lần tìm trong nụ hôn lời nguyền xưa mặn đắng.”

(Vũ Thành An – bđd)

Đã theo giòng chảy có những hồn thơ khá ư là buồn phiền, lại thấy đời người đi Đạo cũng từa tựa như thế. Như thế, là như: suốt cả một đời người đi tìm kiếm Đức Kitô, dù Ngài vẫn ở trong ta mà ta lại cứ tưởng như chưa được gặp!

Gặp sao được, khi có giọng hỏi nhỏ từ người nào đó được diễn-nghĩa là Đấng mặc áo sáng chói, nói những câu như sau:

“Họ còn đang phân vân,

thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói,

đứng bên họ.

Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất,

thì hai người kia nói:

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?

Ngài không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi.”

(Lc 24: 1-6)

Và, ở một đoạn khác cũng trong Tin Mừng thánh Luca, Đấng “sang chói” ấy có nói:

“Các anh chẳng hiểu gì cả!

Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!

Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế,

rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?

Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ,

Ngài giải thích cho hai ông

những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh.”

(Lc 24: 25-27)

Xem thế thì, Đấng “mặc áo sáng chói” xưa nay vẫn dẫn-giải cho mọi người hiểu: thế nào là “chịu khổ hình” rồi mới “trỗi dậy”. Về, những chết đi rồi trỗi dậy, đấng vị vọng bậc thày dạy hôm trước có nói như sau:

“Về thể lý, một khi đã chết rồi, thì những gì là xác thân hoặc vật thể vũ trụ, đều rữa nát, vỡ tan. Không ai có thể trở lại sống với xác thân có xương thịt vẹn toàn như khi trước. Chẳng người nào lại có thể duy trì cùng một xác thân, suốt miên trường.

 Khi đã chết rồi, mà lại tái sinh với nguyên vẹn hình hài như khi trước, thì đó chỉ có thể là vòng chuyển luân, luẩn quẩn hết kiếp này đến kiếp khác, khoanh tròn quanh thành vòng quay sống-chết/chết-sống, không lối thoát.

 Truyện hai môn đệ hướng về thành đô Giêrusalem được thánh Luca ghi chép, còn để nói lên rằng: Đức Giêsu được đồ đệ nhận ra Ngài đích thực là Đức Chúa Ngôi Hai, vẫn tồn tại với mọi người. Ngài chẳng là quỉ ma hiện hồn theo qui cách của người thật. Nhưng, Ngài hiển hiện qua hình hài sao đó, rất sống động (Mc 16: 12).

 Ở đây nữa, khi viết Tin Mừng Phục Sinh, thánh Luca tập trung nhấn mạnh vào điểm, bảo rằng: Chúa tỏ cho mọi người thấy hình hài của Ngài theo qui cách rất khác, nên khi gặp lại Ngài, đồ đệ thấy mình sợ hãi, đến khiếp kinh (Lc 24: 37).

 Vì kinh khiếp, nên đồ đệ mới nói năng những điều chẳng có nghĩa. Theo nhà chú giải Kinh thánh Herbert McCabe, thì: khi đồ đệ gặp Thầy Chí Ái, các thánh cứ tưởng Thầy là Vị đồng hành chẳng hề quen biết. Kịp đến khi Thầy nhắc lại toàn bộ chi tiết về lịch trình cứu độ, các thánh mới vỡ lẽ ra đó là Thầy. 

Xem thế thì, Phục Sinh là điều mà người phàm xác thịt chúng ta chẳng thể nghiệm ra bằng lý lẽ của đời thường, để kiểm chứng. Bởi, dù biết Chúa sống lại thật, các thánh vẫn không coi đó như một chứng cứ hiển nhiên, tựa khi Ngài còn sống. Nhận biết hình hài Chúa rất nhãn tiền, điều đó có nghĩa: các thánh đã có động thái tin-yêu rất khác thường, trong cuộc sống.

 Và, đây là thực tại chỉ xảy đến với những người cũng trỗi dậy như Chúa và với Chúa bằng niềm xác tín yêu thương của người vẫn tin. Tin, theo qui cách và ý nghĩa khác. Khác ra sao, đó là vấn đề. Là, sự thực. Thực ra sao? Cũng nên suy xét.

 Trở về với lập trường chú giải của các tổ phụ thuộc Giáo hội Đông phương thời tiên khởi, như: Thượng phụ Origen, Grêgôriô thành Nyssa… khi gọi sự việc gì là ‘cảm nhận linh thiêng’, các ngài có ý nói về cảm xúc thiêng liêng, sốt sắng. Điều mà các đấng bậc trên nói đến, có ý bảo rằng: tất cả chúng ta đều mang trong người cung cách yêu thương có nhận thức sự vật mà não-bộ-thần-kinh-thuộc-mé-trái không thể lĩnh nhận.

 Nhờ yêu thương như thế, con người ‘định hình’ sự vật thành những ảnh hình như do chính mình tạo ra. Làm như thế, là để tác tạo thực thể như mọi người vẫn làm cho chính mình, nơi phần sâu thẳm của con người.

 Làm như thế, là để nhận thức rằng: thực thể ấy có thật. Vượt quá phạm vi và qui cách của ảnh hình. Nói theo ngôn từ triết học, thì các triết gia gọi đó là “tiềm thức”. Coi đó là giòng chảy sống, rất diệu kỳ. Là, sờ chạm thế giới nguyên uỷ không hư nát, mà thường ra, ta không sống ở trong đó.

 Nhận thức sự vật như thế, giống hệt cảm giác thấy được ‘lửa ngọn’ rực cháy trong người mình. Lửa rực cháy, khiến mình sống yêu thương, hạ mình. Thúc bách mình sống bừng sáng luôn tiến về phía trước.

 Có tiến như thế, mới cảm nhận được ‘lửa ngọn bùng bừng’ đang trào dâng với mức độ rất mới mẻ, khác thường. Có kinh nghiệm từng trải rồi, người người sẽ nhận ra cuộc sống lại thực sự đang dâng trào nơi con người mình.

 Đó là cung cách mà dân con đồ đệ dám sử dụng thơ văn như chưa từng làm, và cũng chẳng ai nghĩ tới để diễn tả tình huống Chúa Phục Sinh hiện hình với dân con của Ngài, thật như thế. Có thể nói, các thánh đã sờ chạm Chúa. Cảm nhận được nhịp đập nơi tim mạch cùng vết thương đầy máu của Ngài.

 Thấy được Thầy mình bẻ bánh rồi cầm lên ăn. Các thánh không thể quên được vị ngọt nơi bánh thánh Thầy trao tặng. Tự thân, các thánh đều biết rõ chính Thầy là Đấng đã bẻ bánh phân phát cho người nghèo hèn, rất đói kém. Tương lai mai ngày, rồi ra các ngài cũng sẽ tạo nên thơ/văn như thế để kể về Thầy đến với mình, nơi nào đó. Thầy đến để bẻ bánh, ban phát tình thương yêu nồng thắm, cho chúng nhân.

 Thực tế là như thế. Nhưng ngày nay, điều đáng buồn là rất nhiều tín hữu Đức Kitô cứ khăng khăng tin rằng thân xác Chúa trỗi dậy với cuộc sống theo hình thức rất thể lý. Rất nghĩa đen. Và, họ coi đó như thực tại duy nhất, không bàn cãi nữa. Buồn hơn nữa, lẽ đáng ra, ta phải hiểu Phục Sinh nhiều hơn thế.

 Nếu hiểu Phục Sinh chỉ là Chúa hiện diện với hình hài xác thể như khi trước thôi, tức là ta tự mình để luột mất ý nghĩa chính đáng, của nhiệm tích có thực. Buồn biết bao, khi nhiều người/nhiều vị vẫn lên án các đấng bậc nào khác nhận thức Chúa sống lại theo kiểu cách thơ văn mà thánh Luca viết theo dạng dụ ngôn, hay sao đó. Buồn nhiều hơn cả, là: các vị không nghe và không thấy giòng chảy thi ca/âm nhạc vẫn tiềm tàng ẩn mình ở trong đó. Thực tại Sống Lại rất thật. Thật, một cách đích thực.

 Quả thật, Chúa sống lại THỰC. Ngài khiến ta THỰC THỤ trỗi dậy với Tình Thương như chưa bao giờ sống như vậy.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm A,Suyniệmloingai.blogspot.com.au 23/4/2017)  

Sống lại thực, khiến ta thực thụ trỗi dậy với Tình thương như chưa bao giờ sống như vậy”, vẫn cứ là những khẳng-định về sự sống cũng rất thực. Sống đích-thực, là thực-thụ sống có tình thương yêu/đùm bọc với hết mọi người. Thế đấy là, ý chủ của Tin Mừng dành cho người đi Đạo Chúa, rất xưa nay.

“Sống với Tình thương như chưa bao giờ sống như vậy”, thật đúng là cuộc “trỗi dậy” hay còn gọi là “sống lại” cùng với Chúa và trong Chúa. Sống có “trỗi dậy”, còn là trỗi và dậy mà trở về với tình thương là ý-nghĩa của sự sống. Bằng không, cũng chỉ là sống không hồn, trong một thể xác cứ chết dần mòn, mà thôi.

Để minh-hoạ cho triết-thuyết của nhà Đạo về cuộc sống có “trỗi dậy”, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể có những câu nói rất đáng kể, để ta nhớ mà sống đích-thực với mọi người, như sau:

“Cuộc sống này quá ngắn để yêu thương. Hãy sống cho thật an nhiên bạn nhé, để những bão giông của cuộc đời không thể nào chạm đến được tâm hồn của bạn. Hãy cùng điểm qua những câu nói cho phút giây tĩnh lặng…

 Cuộc sống này luôn chuyển động từng giây, từng phút, chưa lúc nào và cũng sẽ không bao giờ ngừng lại. Và mỗi con người đều bị cuốn xoáy vào dòng chảy đầy cạm bẫy, chông gai, khó khăn và thử thách này.

 Có lúc bạn tưởng mình gục ngã, có lúc bạn thấy mình mệt mỏi, muốn buông xuôi tất cả nhưng lại không thể nào buông. Hãy nghỉ ngơi, hãy để tâm hồn mình được tĩnh lặng, lắng đọng mà suy ngẫm về cuộc đời, bạn sẽ thấy lòng nhẹ nhõm và thanh thản hơn nhiều.

Cuộc sống này quá ngắn để yêu thương. Nên hãy luôn yêu thương nhau khi còn có thể.

 Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy nghĩ rằng mình còn sống là một đặc ân lớn lao được hít thở, được suy nghĩ, được tận hưởng và được yêu thương.

 Nếu đã là con đường của bạn, bạn phải tự bước đi. Người khác có thể đi cùng, nhưng không ai có thể bước hộ bạn.

 Trong cuộc đời này, có một số chuyện nhất nhất phải tự mình giải quyết. Dù đêm tối đến đâu, đường xa đến mấy thì vẫn cứ phải một mình kiên cường tiến lên phía trước.

 Bạn không thể nào thẳng tiến bước trên đường đời cho đến khi bạn bước qua và học hỏi từ những thất bại, sai lầm và đau buồn trong quá khứ.

 Tình yêu bắt đầu bằng nụ cười, đơm hoa kết trái bằng nụ hôn và kết thúc bằng những giọt nước mắt… 

Dù đó là giọt lệ buồn hay vui thì tình yêu ấy đã cho bạn những kỷ niệm thật ấn tượng và sâu sắc, là dấu ấn của tâm hồn và đánh dấu bước trưởng thành của bạn.

 Hãy ngước lên cao để thấy mình còn thấp và hãy nhìn xuống thấp để thấy mình chưa cao.

Sao phải lo lắng về những thứ bạn không thể thay đổi? Hãy buông bỏ và tiếp tục tiến lên vì cuộc sống không chờ đợi ai.

 Tầm nhìn của bạn sẽ trở nên rõ ràng chỉ khi bạn biết nhìn vào trái tim bạn. 

 Ai nhìn ra ngoài, Mơ.

Ai nhìn vào trong, Thức Tỉnh.

Cuộc sống rất ngắn. Đừng lãng phí nó bởi nỗi buồn. Hãy là chính mình, luôn vui vẻ, tự do, và trở thành bất cứ gì bạn muốn.

 Đừng nghĩ mãi về quá khứ. Nó chỉ mang tới những giọt nước mắt.

Đừng nghĩ nhiều về tương lai. Nó chỉ mang lại lo sợ.

 SỐNG Ở HIỆN TẠI VUI NỤ CƯỜI TRÊN MÔI NHƯ TRẺ THƠ. Nó sẽ mang lại niềm vui cho bạn.

Đừng nhìn dáng vẻ bề ngoài, vì đó là lừa dối.

 Đừng vì của cải vật chất, vì có thể mất đi.

Hãy tìm người nào có thể làm bạn mỉm cười, bởi vì nụ cười mới có thể làm ngày âm u trở nên tươi sáng.

 Có lẽ cuộc sống muốn chúng ta chọn lầm người trước khi gặp đúng người, để rồi chúng ta mới biết cảm ơn món quà của cuộc sống.

 Hãy tự đặt mình trong vị trí của người khác. Nếu trong hoàn cảnh ấy bạn cảm thấy bị tổn thương, thì người khác cũng sẽ cảm nhận như vậy.

 Người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải là người có mọi thứ tốt nhất, mà là người biết tận hưởng và chuyển những gì xảy đến với mình trong cuộc sống một cách tốt nhất.

 Đừng sợ khi bị chỉ trích,

Nếu nó không đúng sự thật, bỏ qua nó.

Nếu nó không công bằng, tránh bị tổn thương vì nó.

Nếu nó khờ khạo, mỉm cười với nó.

Còn nếu nó đúng, học từ nó…

 Học cách sống tức là học cách tự do, và tự do tức là chấp nhận việc gì phải đến sẽ đến.” (Câu chuyện rất ý-nghĩa rút tỉa từ Mạng vi-tính)

Nghe kể rồi, nay lại mới bạn và tôi, ta cứ thế hiên ngang hát những lời buồn “bềnh bồng” của người viết nhạc, những đề-nghị rằng:

 “Về đâu tâm hồn này bềnh bồng.

Về đâu thân này mòn mỏi không.

Về sau và nhiều năm sau nữa,

có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.”

(Vũ Thành An – bđd)

Lời ca, câu hát dù vẫn buồn như nhạc Việt, nhưng tận phần thâm sau của câu hát, người nghe vẫn nhận ra một khẳng-định khá “phấn chấn” làm điểm tựa cho người người tiến tới cuộc sống “trỗi dậy” thực, ở đời người.

Trần Ngọc Mười Hai

Đôi lúc cũng nghĩ

Về cuộc sống rất trỗi dậy

Vẫn xảy đến với ta

Và với người

Trong đời. 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay