“Sài Gòn ơi! Tôi mất người như người đã mất tôi,”

Chuyện Phiếm Đọc sau lễ Thăng Thiên năm A 28/5/2017

“Sài Gòn ơi! Tôi mất người như người đã mất tôi,”

“như trường xưa mất tuổi thiên-thần,

Hy-vọng xa hay mộng ước gần

Đã lìa tan.”

(Nguyễn Đình Toàn – Nước Mắt cho Sàigòn hay: Sàigòn Niềm Nhớ Không Tên)

(Thư Êphêsô 5: 6)  

Trần Ngọc Mười Hai

“Sàigòn ơi! Tôi mất người như người đã mất tôi”… tất cả cũng đều là mất mát. “Mất tuổi thiên-thần”, “Mất niềm vui, tiếng hỏi, câu chào”,  còn mất cả cái tênKhông bao giờ quên. Vâng. Có mất cả cái tên hay quên cả cái tuổi, thì bạn và tôi, ta cũng đừng bao giờ mất đi ân huệ trời cho con người, đấy bạn ạ.

Mấy hôm nay, bần đạo ngồi buồn gặm bút, cứ muốn viết cho thật nhiều về nỗi niềm nhung nhớ mất đi rất nhiều thứ. Cả những thứ có tên, có tuổi hoặc có ý-tứ, ý-từ rất muốn nói ra, nhưng lại quên mất. Cũng may cho bần đạo, chợt mở máy ra nghe nhạc thấy Khánh Ly cứ là rỉ-rả những lời trần-tình mất mát của một Sàigòn đã mất tên từ lâu, nghe rất buồn.

Sao không buồn được, khi nghe đi nghe lại những câu “mất mát” khôn nguôi, khó tả đến như sau:

“Sài Gòn ơi! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao

trong niềm vui tiếng hỏi câu chào

sáng đời tươi thắm vạn sắc màu

nay còn gì đâu…

 Ai đã xa nhớ hàng me già, thu công viên hoa vàng tượng đá

thôi hết rồi mộng ước xa xôi, theo giòng đời trôi…

 Sài Gòn ơi! Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi

tay cầm tay nói nhỏ câu gì

Những quầy hoa quán nhạc đêm về

Còn rộn ràng giọng hát Khánh Ly

 Sài Gòn ơi! Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau

Nhớ Phạm Duy với tình ca sầu

mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu

Còn gì đâu

(Nguyễn Đình Toàn – bđd)

 Buồn là thế, chắc hẳn cũng do người viết nhạc có những tâm sự xuất tự tâm can của một nhà thơ nay không còn dịp viết và hát về Sài gòn với cái tên “cúng cơm”, cũng đẹp nhiều hơn nữa:

 “Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên

mất từng con phố đổi tên đường

khi hẹn nhau ta lạc lối tìm

ôi tình buồn như đã sống thêm.”

Sài Gòn ơi! Tôi mất người như người đã mất tôi

như trường xưa mất tuổi thiên thần

hy vọng xa hay mộng ước gần

Đã lìa tan

Trăng ơi trăng có còn chăng là

Sao ơi sao, sao mờ lệ nhớ”

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên

như hàng cây lá đỏ trông tìm

Mắt trời trong cánh nhỏ chim hiền

Đã ngậm sầu ngang môi lắng im

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên

như mộ bia đá lạnh hương nguyền

Như trời sâu đã bỏ đất sầu.

Còn gì đâu…

(Nguyễn Đình Toàn – bđd)

Vâng. Có lẽ người viết nhạc hôm nay buồn nhiều nên mới viết ra những lời ai oán đến độ thế. Vâng. Như ai đó từng diễn-giải một nhận-định về “Lời nói”, qua một bài viết mà bần đạo vừa nhận được trên điện thứ hôm ấy vào tháng 5 /2017 như sau:

“Lời ăn, tiếng nói của mỗi con người là biểu hiện chính cuộc sống và con người họ. Nếu bạn gặp một người ăn nói xấc xược, bạn có muốn nói chuyện lần thứ hai không?

Muốn biết một người có vận mệnh tốt hay không, chỉ cần xem cách họ nói chuyện là biết!

Lời nói chính là biểu hiện rõ rệt nhất của một người có đức hay không, lời nói cần giữ thủ đức, có như vậy mới giữ được phúc báo.

Mệnh của con người có tốt hay không có thể nhìn cách người đó nói chuyện là có thể nhận biết. Hàng ngày không nhất định đều phạm phải việc tổn đức, nhưng nói chuyện thốt ra những điều khó nghe, làm tổn thương người khác thì đương nhiên sẽ mất đi phúc báo.

Người có vận mệnh tốt là người ăn nói có chừng mực, mỗi lời nói đều thể hiện là người có đạo đức, họ không dùng ngôn từ mạnh để phê phán, chê bai người khác, không dài dòng nói từ chuyện nọ sang chuyện kia, không kể công của bản thân mình sau khi đã giúp ai đó. Lời nói của họ luôn chân thành, với tâm ý động viên, khích lệ người khác.

Biết rõ về một người, không cần nhất thiết phải tận nói, hãy lưu lại cho người ta ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu lại chút “khẩu đức” cho mình.

Trách một người không cần phải tận trách, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút độ lượng cho mình.

Có công không cần đòi hỏi tận cùng, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khiêm nhượng cho mình.

Đúng lý cũng không cần đoạt tận, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khoan dung cho mình.

Tài năng đừng quá ngạo mạn, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu chút đức khiêm hư cho mình.

Ngày tháng tích tụ, bao nhiêu phúc báo cũng từ cái miệng mà đi hết nếu cứ thường xuyên gây khẩu nghiệp. Lời nói không hay sẽ làm tan vỡ mọi mối quan hệ, dù trước đó phải khó khăn để xây đắp. Thực tế là không người chồng nào muốn về nhà nếu có một cô vợ thường xuyên chì chiết, trách móc; không có đứa con nào hạnh phúc nếu có cha mẹ không nói lời dịu dàng mà chỉ quát nạt, la mắng; không có người bạn nào hứng thú giao thiệp với người hay nói lời cay độc, bình phẩm ác ý…

Cổ nhân nói: ‘Lời nói do tâm sinh’, một người có tâm tính như thế nào thì sẽ nói ra những lời như thế. Người có lòng bao dung lời nói ra sẽ nhẹ nhàng hòa ái, người trong tâm đầy oán hận, lời nói ra sẽ hung hăng, cay nghiệt. Người khiêm nhường lời nói ra sẽ chừng mực nhã nhặn. Người tự cao lời nói thường khoa trương phách lối.

Con người ta có vận mệnh tốt và giàu có ở kiếp này là vì người đó đã tích được nhiều đức ở các kiếp sống trước. Tích đức thường được hiểu là cần phải làm được việc gì đó tốt, giúp đỡ được ai đó. Tuy nhiên, không hề đơn giản khi làm được việc gì đó tốt cho ai đó. Bạn có thể phải mất rất nhiều công sức, tiền của khi giúp ai đó, tuy nhiên cũng không hề chắc chắn rằng những nỗ lực mà bạn bỏ ra hoàn toàn đem lại kết quả tốt đẹp.

Trong cuộc đời của mỗi người, không phải ai cũng sẵn lòng làm việc gì tốt cho người khác nhưng họ lại rất dễ nói những lời khó nghe với những người xung quanh. Chính những lời nói khó nghe đó khiến cuộc sống của họ không hề bằng phẳng, mà trái lại, không biết chừng lại gập ghềnh chông gai.”  

Vâng. Rất đúng. Nhận-định như thế, cũng được đấng thánh-hiền thuở trước, cũng từng viết như sau:

“Đừng để ai lấy lời hão huyền

mà lừa dối anh em,

chính vì những điều đó

mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống

những kẻ không vâng phục.”

(Thư Êphêsô 5: 6)   

Thành ra, lời nói phát ra từ cửa miệng con người, cũng có thể là những lời khiêm nhu, tử tế tích-tụ điều tốt, có tâm-phúc. Nhưng cũng có thể là những lời hão huyền, xuất phát tự tâm can đầy lừa dối khiến cho “cơn thịnh-nộ của Thiên-Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục.”  

Lại có những “lời nói” không phát ra từ cửa miệng con người, như từ tâm can, mà mọi người lâu nay vẫn gọi đó là “tiếng nói của lương tâm”. Lương tâm, không nói bằng lời lẽ những tự-vựng khác nhau như con người hằng nghe biết, mà là nói cùng một thứ tiếng không bằng “lời”, mà bằng “lẽ” hoặc còn gọi là “lý lẽ” khiến mọi người phải nghe theo.

Tuy nhiên, “tiếng nói” của lương tâm có là và vẫn là quy-tắc khiến con người phải nghe theo, như luật lệ hay không? Đó chính là vấn-đề được nhiều người đặt ra cho chính mình và cho người khác nữa.

Vấn-đề này, từng được một độc-giả của tờ The Catholic Weekley ở Sydney hỏi ý-kiến, với những lời sau đây:

“Thưa Cha,    

Hôm nay con có hai chuyện muốn hỏi cha về tiếng nói của lương tâm. Thứ nhất, là: ta có phạm tội gì không, nếu không làm theo tiếng nói lương-tâm bảo ta phải làm thế chứ? Thứ hai nữa là: ta có buộc phải tuân theo tiếng nói của lương tâm, khi lương-tâm của ta bị sai sót, không?” (Lại một lá thư không chữ ký)     

 Dù có chữ ký bên dưới câu hỏi hay không, đấng bậc nhà Đạo chuyên giải đáp các thắc mắc trên Báo Đạo ở Sydney vẫn đáp-trả bằng những lời như sau:

“Phải nói ngay đây rằng: anh/chị vừa đưa ra câu hỏi xác-đáng, nên cần phải hiểu rõ câu trả lời bên dưới mới được.

 Trước nhất, ta có biết lương-tâm của ta hoạt-động thế nào, không? Thật ra, ta hay có khuynh-hướng nghĩ rằng lương-tâm luôn chỉ cách cho ta phải làm gì và không được phép làm điều gì. Chẳng hạn như, nó dạy ta hãy ngồi dậy và ra khỏi giường, bởi đã đến giờ thức dậy đi nhà thờ tham-dự thánh-lễ với mọi người, ngày của Chúa, vv…

 Và, lương-tâm cũng khuyên ta đừng nên làm điều gì; không nên xem chương-trình truyền-hình đặc-biệt nào đó; hoặc không nên tiếp cận trang chủ hoặc địa-chỉ nào trên mạng; bởi chúng sẽ đưa ta vào tình-trang phạm lỗi. Lương-tâm cũng khuyên ta chớ có nói dối, không được lưu-manh, ăn cắp/ăn trộm tài-sản của người khác, vv… Trong mọi trường-hợp, lương-tâm đều ra lệnh hoặc cấm-đoán ta không được làm điều nào đó.

 Đôi lúc, lương-tâm chỉ cho phép hoặc đề-nghị ta làm điều gì đó nhưng không áp-đặt ràng buộc nào cả. Chẳng hạn, có thể nó cũng cho phép ta xem chương-trình truyền-hình này/họ hoặc xem báo nào đó, đài số mấy, nên ăn thứ này, không nên nhúng môi chạm miệng thứ kia, món nọ, vv…

 Trở về lại câu hỏi của anh/chị thật ra cũng có trường hợp này khác trong đó ta cũng có thể phạm tội nếu không nghe theo tiếng nói của lương-tâm. Đây là trường-hợp khi lương-tâm của ta tỏ ra chắc chắn để khuyên bảo hoặc cấm đoán ta có hành-động nào đó.

 Như ta đã thấy, không phải lúc nào lương-tâm cũng ra lệnh hoặc cấm-đoán ta  hành-động, nhưng khi cần, ta buộc phải nghe theo nó, bằng không ta sẽ vi phạm lỗi/tội. Lý-do của nó đơn giản là ngang qua các xét-đoán của lương-tâm, ta biết được chất-lượng đạo-đức nơi hành-động của ta. Khi ta biết được rằng một số hành-động phải thực hiện hoặc không nên thực-hiện, ta hiểu rằng đó là điều Thiên-Chúa muốn ta làm hoặc không làm việc đó; và/hoặc đi ngược lại luật lệ Ngài ban mà phạm lỗi…

 Khi lương-tâm có điều gì nghi-ngờ, ta thường do dự và không nắm chắc sự việc. Trong trường-hợp đó, lương-tâm của ta sẽ thực-sự báo cho ta biết được mà giải-quyết mối nghi-nan bằng cách tìm đến cố-vấn hoặc tìm sách theo dõi vấn đề hoặc mở sách Giáo-lý ra mà tìm-hiểu, vv…Ta phải làm như thế mỗi khi thấy có nghi-nan, ngờ-vực kẻo làm mất lòng Chúa trong những chuyện quan-trọng tạo nguy-hại cho việc cứu rỗi, hoặc ít ra kéo dài ngày hơn trong chốn luyện tội….

 Thành thử, ta cũng nên để lòng lắng nghe tiếng nói của lương-tâm, đặc-biệt khi nó ra lệnh hoặc cấm cản ta có hành-động nào đó, cả vào khi nó chỉ mỗi đề-nghị hoặc khuyên ta làm điều gì đó nhỏ bé, thôi…” (X. Lm John Flader, Consciensce: the voice we should always listen to and heed, The Catholic Weekly 12/2/2017 tr. 20)

Lương tâm hoạt-động trong cuộc sống của mỗi người. Đó là điều mọi người đều biết rõ, không cần phải chứng minh. Nếu có, cũng chỉ cần minh-chứng bằng những truyện kể ở đời thấy được trong cuộc sống. Và, đây là một trong những câu truyện đại-để giống như thế, cũng rất cần. Vậy thì, mời bạn và mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể để quan-sát sẽ thấy vai trò của lương-tâm ẩn-tàng ở trong đó.

“Truyện rằng:
Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào. Ta hối hả sống, vui, buồn, khỏe, yếu, ta cứ lướt qua rồi không ngoái đầu lại nhìn chuỗi ngày tháng ta đã tiêu hao của một đời người.

 Cho đến khi có một người bạn vừa ngã bệnh, bệnh nặng, không biết sẽ mất đi lúc nào, lúc đó ta mới xa, gần, hốt hoảng gọi nhau. Tưởng như chưa từng có người bạn nào “Chết” bao giờ. Hay ta có một người thân trong gia đình, đang rất khỏe vừa báo tin bị bệnh hiểm nghèo. Gia đình, họ hàng cuống lên, sợ hãi như chưa nghe đến ai nói về cái chết bao giờ, chưa chứng kiến cảnh vào bệnh viện, cảnh tang ma bao giờ.

 Cả hai người trên có thể đã ngoài 70 tuổi. Lạ thật! Cái tuổi nếu có chết thì cũng đã sống khá lâu trên đời rồi, sao những người chung quanh còn hoảng hốt thế. Hóa ra người ta, không ai muốn nghe đến chữ “Chết” dù chữ đó đến với mình hay với người thân của mình.

 Hình như không ai để ý đến mỗi sáng chúng ta thức dậy, nhìn thấy mặt trời mọc (nếu còn để ý đến mặt trời mọc) là chúng ta đã tiêu dùng cái ngày hôm qua của đời sống mình. Có người vì công việc làm ăn, cả tuần mới có thời giờ ngửng mặt nhìn lên mặt trời.

 Buổi sáng còn tối đất đã hấp tấp ra đi, buổi chiều vội vã trở về lúc thành phố đã lên đèn, làm gì nhìn thấy mặt trời. Nhưng mặt trời vẫn nhìn thấy họ, vẫn đếm mỗi ngày trong đời họ. Họ tiêu mất cái vốn thời gian của mình lúc nào không biết. Tiêu dần dần vào cái vốn Trời cho mà đâu có hay.

 Rồi một hôm nào đó bỗng nhìn kỹ trong gương, thấy mình trắng tóc. Hốt hoảng, tiếc thời gian quá! Khi nghe tin những người bạn bằng tuổi mình, bệnh tật đến, từ từ theo nhau rơi xuống nhanh như mặt trời rơi xuống nước, họ vừa thương tiếc bạn vừa nghĩ đến phiên mình.

 Thật ra, nếu chúng ta bình tâm nghĩ lại một chút, sẽ thấy “Cái chết” nó cũng đến tự nhiên như “Cái sống” . Đơn giản, mình phải hiểu giữa sống và chết là một sự liên hệ mật thiết, vì lúc nào cái chết cũng đi song song từng ngày với cái sống.

 Dẫu biết rằng, đôi khi có những cái chết đến quá sớm, nhưng ta cũng đâu có quyền từ khước chết.

Tôi biết có người mẹ trẻ, con của bạn thân tôi. Chị bị ung thư, chị cầu xin Thượng Đế cho sống đến khi đứa con duy nhất của mình vào Đại Học. Chị không cưỡng lại cái chết, chị chỉ mặc cả với Thượng Đế về thời gian vì con chị lúc đó mới lên 3 tuổi. Thượng Đế đã nhận lời chị. Ngày con chị tốt nghiệp Trung Học, chị ngồi xe lăn đi dự lễ ra trường của con và tuần lễ sau chị qua đời. Trong suốt mười mấy năm trị bệnh, chị vẫn làm đủ mọi việc: chị đội tóc giả đi làm, đến sở đều đặn, lấy ngày nghỉ hè và ngày nghỉ bệnh đi trị liệu.

 Những bạn làm chung không ai biết chị bị ung thư, ngay cả xếp của chị. Khi họ biết ra, thì là lúc chị không đứng được trên đôi chân mình nữa. Chị sửa soạn từng ngày cho cái chết với nụ cười trên môi. Vẫn vừa đi làm, vừa cơm nước cho chồng con, ân cần săn sóc cha mẹ, hiền hòa giúp đỡ anh em trong nhà, chị mang niềm tin đến cho tất cả những người thân yêu của mình. Sau ba năm chị mất, cậu con trai mỗi năm vẫn nhận được một tấm thiệp sinh nhật mẹ viết cho mình (Mẹ đã nhờ qua người dì gửi hộ). 

Hôm sinh nhật 21 tuổi của cậu cũng vào ngày giỗ năm thứ ba của Mẹ, cậu nhận được tấm thiệp mừng sinh nhật mình, với dòng chữ nguệch ngoạc, chị viết cho con: Mừng sinh nhật thứ 21 của con. Hãy bước vui trong đời sống và nhớ rằng mẹ luôn luôn bên cạnh con. Tôi đọc những dòng chữ mà ứa nước mắt.

 Tôi nghĩ đến chị với tất cả lòng cảm phục. Chị là người biết sống trong nỗi chết. Khi không thắng được bệnh tật, chị biết hòa giải với nó để sống chậm lại với nó từng ngày cho con mình. Chắc “Cái chết” cũng nhân nhượng với chị, thông cảm với chị như một người bạn.

 Một chị bạn kể cho nghe về một bà bạn khác. Bà này mới ngoài sáu mươi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và tính nết vui vẻ, yêu đời. Nhưng khi nào đi ra khỏi nhà bà cũng mang theo một bộ quần áo đặc biệt, đủ cả giầy vớ bỏ vào một cái túi nhỏ riêng trong va-li. Hỏi bà, sao lại để bộ này ra riêng một gói vậy, bà thản nhiên nói:“Nếu tôi chết bất thình lình ở đâu, tôi có sẵn quần áo liệm, không phiền đến ai phải lo cho mình.”

 Bà mang theo như thế lâu lắm rồi, tôi không biết có khi nào bà ngắm nghía mãi, thấy chưa dùng tới, bà lại đổi một bộ mới khác cho ưng ý không? Giống như người phụ nữ sắp đi dự tiệc hay cầm lên, để xuống, thay đổi áo quần sao cho đẹp. Đi vào cái chết cũng có thể coi như đi dự một đám tiệc.

 Tôi nghĩ đây là một người khôn ngoan, sẵn sàng cho cái chết mà bà biết nó sẽ đến bất cứ lúc nào. Bà đón nhận cái chết tự nhiên, giản dị như đi dự tiệc, hay một chuyến đi xa, đi gần, nào đó của mình.

 Nhưng không phải ai cũng nghĩ về cái chết giản dị như vậy. Phần đông muốn được sống lâu, nên bao giờ gặp nhau cũng thích chúc cho nhau tuổi thọ. Thích hỏi nhau ăn gì, uống gì cho trẻ trung mãi. Loài người nói chung, càng ngày càng thích sống hơn chết. Họ tìm kiếm đủ mọi phương thuốc để kéo dài tuổi thọ. Người ta ức đoán, trong một tương lai rất gần, loài người có thể sống đến 120 tuổi dễ dàng với những môn thuốc ngăn ngừa bệnh tật và bồi dưỡng sức khỏe.

 Rồi người ta sẽ còn tạo ra những bộ phận mới của nội tạng để thay thế cho những bộ phận gốc bị nhiễm bệnh. Gan, ruột, bao tử v.v, sẽ được thay như ta thay những phần máy móc của một cái xe cũ. Chúng ta, rồi sẽ sống chen chúc nhau trên mặt đất này.

 Chỉ tiếc một điều là song song với việc khám phá ra thuốc trường thọ người ta cũng phải phát minh ra những người máy (robot) để chăm sóc những người già này, vì con cháu quá bận (chắc đang chúi đầu tìm thuốc trường sinh) không ai có thời giờ chăm sóc cha mẹ già. Theo tôi, ngắm nhìn hình ảnh một cụ ông hay một cụ bà lưng còng, tóc bạc, đang cô đơn ngồi trong một căn buồng trống vắng, được một người máy đút cơm vào miệng, thật khó mà cảm động, đôi khi còn cho ta cái cảm giác tủi thân nữa.

 Nhưng sống như vậy mà có người vẫn thích sống. Một người đàn ông ngoài bẩy mươi, bị bệnh tim nặng, đang nằm trong phòng đặc biệt (ICU) lúc mơ màng tỉnh dậy, nhắn với các con cháu là khi nào vào thăm không ai được mặc áo mầu đen. Ông kiêng cữ mầu của thần chết. Ông quên rằng thần chết, đôi khi, có thể đến với chiếc áo mầu hồng. Thật ra, chính nhờ “cái chết” cho ta nhận biết là “cái sống” đẹp hơn và có giá trị hơn, dù có người sống rất cơ cực vẫn thấy cuộc đời là đẹp.

 Những bậc thiên tài, những nhà văn lớn đã tự tìm về cái chết khi họ bắt đầu nhìn thấy cái vô vị trong đời sống như nhà văn Ernest Hemingway, Yasunari Kawabata và họa sĩ Vincent van Gogh, v.v… Chắc họ không muốn sống vì thấy mình không còn khả năng hưởng hết vẻ đẹp của “cái sống” nữa. Họ là một vài người trong số nhỏ trên mặt đất này sau khi chết để lại tên tuổi trên những trang sử, lưu lại hậu thế, còn phần đông nhân loại, sau khi chết một thời gian, không để lại một di tích nào. Con cháu có thờ cúng được một hai thế hệ, sau đó tên tuổi mờ dần, mất hẳn theo ngày tháng, vì chính những kẻ thờ phụng đó lại tiếp theo nằm xuống cùng cát bụi.

 Ðời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích.(Thánh Vịnh)

 Thượng Đế khi đem mình vào đời, có hỏi ý kiến mình đâu. Nên chắc chắn là khi Ngài gọi mình đi cũng chẳng cần thông báo trước.

 Chúng ta cứ thong thả sống từng ngày, khi nào chết thì chết, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, bông hoa nở rồi bông hoa tàn, thế thôi.

 Tại sao ta phải cay cú với cái chết? Hãy dùng trí tưởng tượng của mình, thử hình dung ra một thế giới không có cái chết.

 Chắc lúc đó chúng ta sẽ không còn không khí mà thở chứ đừng nghĩ đến có một phiến đất cho bàn chân đứng.” (Truyện kể trích từ điện thư do bạn bè gửi cũng đã lâu)

Sống mà quên bẵng không lý gì đến lương tâm con người, còn là sống bê tha, cẩu thả, không mục đích. Sống như thế, cũng giống như là không sống.Hay còn gọi là sống dở chết dở, nửa đời người. Sống cho ra sống, đúng như tiếng nói lương tâm hằng kêu gọi, chính là cuộc sống lý-tưởng của mỗi người và mọi người.

Đó lại cũng là tâm-tình rất sống-động hôm nay và mọi ngày, ở mọi nơi. Trong đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Còn đó những lý-tưởng

Của đời người

Nằm mãi ở lương tâm.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay