Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều.

httpv://www.youtube.com/watch?v=zyVMjRpJdgs

Video : Khóc Một Dòng Sông – Ngọc Lan

Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần thứ 6 Phục Sinh năm A 21/5/2017

“Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều.” 
“Nhất là những buổi chiều mưa rơi.
Cũng may Cali trời mưa ít không như Sài Gòn
Nếu không tôi đã khóc một giòng sông.”

(Đức Huy – Khóc Một Giòng Sông)

(Luca 24: 25-26)

Khóc gì không khóc, sao anh lại cứ “khóc một giòng sông”? Nhất thứ, là khi anh lại khóc khi hát câu ca “Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều”. Thế đấy là văn-chương thi-tứ, rất âm-nhạc. Còn đây là văn-hoá riêng tây của Đạo cũng có nhớ, có gào, nhưng không khóc. Khóc sao được, khi tôi và bạn những nhớ nhiều về một buổi chiều Đức Chúa của mình đã “trỗi dậy từ cõi chết”, mà người người có thói quen gọi là “Sống lại”.

Còn nhớ, có đấng bậc nọ khi giảng về sự “trỗi dậy” của Lazarô bạn-hiền của Đức Chúa, có bảo rằng: “Lazarô dù đã “sống lại” vào ngày hôm ấy, nhưng anh cũng chỉ sống thêm được ít năm, sau đó cũng chết tốt!”  

Thế thì, “sống lại” hay “trỗi dậy” cụm-từ nào đúng, tự vựng nào lại không đúng, nhưng vẫn cứ dùng. Một lần nữa, khi đặt bút hoặc gõ máy những giòng chữ như trên, bần đạo bầy tôi đây chả dám tranh-luận văn-chương hay nghệ-thuật sử-dụng từ-vựng đúng hay sai, nhưng chỉ muốn nói/muốn bàn về âm-hưởng một buổi chiều vàng có nhiều nỗi nhớ, cũng rất thương.

Nỗi nhớ của bần đạo, hôm nay, không phải về những buổi chiều mưa nhiều/ít ở Sài gòn hay Cali, rồi lại khóc. Nhưng, nhớ nhung/nhung nhớ hôm nay lại nhớ rất nhiều về “một buổi chiều” Đức Chúa của mình từng “Phục sinh” hay “trỗi dậy” một lần là mãi mãi. Nhớ nhung/nhung nhớ của bần đạo, nhân một buổi chiều nghe người nghệ sĩ hát cho mình nghe ca khúc có nỗi xót xa, ở bên dưới:         

“Không chi xót xa cho bằng thân phận người
Xa nhà sống một mình đơn côi.
Cũng may thời gian qua vun vút không như Sài Gòn
Nếu không tôi đã khóc một giòng sông.
Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài, nhớ cha, nhớ mẹ.
Nhớ anh, nhớ chị.
Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài, những chiều mưa tôi khóc.
Khóc một giòng sông.

(Đức Huy – bđd)

Đấy thấy không? Nghệ sĩ nhà mình chưa kịp hát đã muốn khóc rồi. Khóc thật nhiều, để rồi lại sẽ xót xa thân phận người phàm những là “xa nhà sống một mình đơn côi…”

 Thế còn, nhà Đạo mình mỗi lần nhớ về lễ hội Phục Sinh, Đức Chúa của mình đã “trỗi dậy từ cõi chết”, thì tôi và bạn lại đã nhớ gì? Có nhớ tập tục mà người xưa ở chốn trời “Tây Phương cực lạc” ấy đã mừng kính cũng rất mực, rồi đưa vào văn-hoá Đạo Chúa để rồi trở thành Lễ-Hội Phục Sinh chăng? Nếu không, xin đề-nghị bạn và tôi, ta thử để mắt cứu-xét mục hỏi/đáp trên tờ Tuần Báo Sydney có những lời lẽ rất như sau:

“Thưa Cha, Tôi nhớ có đọc ở đâu đó có nói rằng: cụm-từ “Phục Sinh” có gốc nguồn sử-dụng từ dân ngoại. Điều có có thật không, xin cha cho biết để con đây khỏi tranh-luận, đỡ mất lòng”.

 Vâng. Cha cố nào cũng thế. Hễ nghe đàn con ít đọc sách sử, chí ít là Giáo-sử, cũng sẽ nhanh chân đáp trả ngay kẻo con cái nhà Đạo mình thua cuộc trong cãi cọ, cũng không tốt. Và, câu trả lời của đấng bậc vị vọng, chắc chắn như thế này:

“Trước khi tìm hiểu nguồn-gốc phát-sinh ra cụm-từ “Phục Sinh”, ta cũng nên tự nhắc nhở mình rằng: khi mừng kính Phục Sinh, dù ta có gọi đó bằng tên gọi thế nào đi nữa, vẫn là việc mừng kính Đức Kitô Sống Lại và cùng với sự việc này, ta còn mừng Ngài cứu chuộc tất cả mọi người chúng ta.

 Đây là hội lễ quan-trọng nhất trong năm đối với tín-hữu Đức Kitô và là ngày vui đích-thực, như Thánh vịnh từng có câu như sau: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ (Tv 118: 24).  Xem thế thì, điều quan-trọng không nằm ở chỗ: ta coi sự việc ấy vui đến thế nào, mà là: Qua dự-kiện này, ta mừng kính những gì đây?    

 Quay về lại với danh xưng ngày lễ hội, thì: với ngôn-ngữ trời Tây và ở cả vài nước bên Đông Phương, thì tên gọi “Phục Sinh” xuất-phát từ cụm-từ “Vượt Qua”, tức lướt vượt rồi ngang qua . Hồi tưởng lại thời-kỳ người Do-thái lưu-đày từ đất Ai Cập lạc-loài trở về, họ được dạy là hãy giết cừu non bôi máu lên cửa ra/vào nhà mình, để rồi tối đến thần chết ghé ngang qua sẽ chỉ giết sạch trẻ đầu lòng người Ai-cập không có vết máu bôi lên đó, mà thôi.

 Ta có thói quen sử-dụng tự-vựng Vượt Qua là để qui về Đức Kitô, là chiên con đích-thực ngày Vượt Qua, nhờ cái chết và sự sống lại của Ngài, ta được giải-thoát khỏi ách nô-lệ đoạ-đày của tội lỗi, cái chết và ác-thần sự dữ nữa. Thánh Phaolô có viết lá thư đầu cho giáo-đoàn Côrinthô có gọi điều này bằng những lời sau đây: “Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta.” (1 Côrinthô 5: 7)

Thành thử, đối với nhiều ngôn-ngữ trên thế-giới Phục Sinh đích-thực là Lễ Hội Vượt Qua. Bên tiếng Pháp, mọi người không phân-biệt tôn-giáo vẫn mừng chúc nhau “Niềm Vui Vượt Qua” (“Joyeuse Pâques”), trong khi đó, tiếng Tây Ban Nha cũng mang một ý-nghĩa tương-tự, lại đã dùng ngữ-âm giống như thế, tức: “Felices Pascuas”, tiếng Ý thì gọi: “Buona Pasqua”, ngay cả tiếng Inđô cũng phiên-âm cùng một cụm-từ như”Selamat Paskah”. Trong khi đó, người Bắc Âu cũng làm một việc tương-tự như bên tiếng Hoà-Lan, ta có “Vroliik Pasen”, tiếng Na-Uy lại cũng nói: “God pãske: và tiếng Thuỵ Điển, cũng giống hệt thế, tức: cũng phát lên âm-vực gọi là “Glad Pãske”.

 Còn, hỏi rằng bên tiếng Anh sao lại gọi là “Easter”, nghe cũng lạ. Thì, thánh Bede là thày dòng (672-735) khi xưa có viết về tháng “Eostre” tức tháng Tư, vì đại lễ này được mừng để nhân-danh vị nữ-thần này đúng vào tháng Tư mang tên nữ-thần “Eostre” hoặc “Ostra” mà tiếng Đức có nghĩa là tên của thần rạng đông, mặt trời mọc. Nữ-thần này được mừng kính sau nhiều tháng ngày mùa Đông đen tối che phủ khắp cõi miền ở phương Đông, tức: vị thần mang lại sự sống phục hồi gia-tăng từ bóng tối, tức: sự chết.

 Thật dễ hiểu, khi thấy Kitô-hữu chúng ta nối kết cụm-từ Phục Sinh với Lễ Hội Phục-hồi Sinh-lực, khi ta cử hành mừng sự việc Đức Giêsu trỗi dậy từ sự chết đem ánh-sáng của sự sống đến với thế-gian. Đức Kitô luôn được coi như Mặt Trời của sự Công-Chính và Ngài được nối-kết với trời Đông, rất ý-nghĩa…

 Thành ra, ta có thể nói rằng: bẵng đi từ nhiều thời-đại thần Eostre được coi là nữ-thần của dân ngoại, nhưng cụm-từ “Phục-Sinh” (tức: Easter) lại rất phong-phú về ý-nghĩa đối với. Thế nên, ta cũng đừng tỏ ra quá ưu-tư phiền-sầu về tên gọi, nhưng tốt hơn hãy mừng kính niềm vui của Đức Kitô đã Phục-hồi Sinh-lực từ bóng tối sự chết, thế nên có gọi là Phục-sinh cũng thật rất đúng.”                 (Xem Lm John Flador, Pagan origins of “Easter” and the Christian bent of building on culture The Catholic Weekly 16/04/2017 tr. 32)

 Thế đấy, là lời hỏi/đáp của đấng bậc về Phục Sinh rất thật hay không thật. Còn, về lý lẽ mà nhiều người vẫn cứ đem ra để cãi vã hoặc tranh-luận, lại cũng có vài điểm tích-tụ nghe hơi khác, khiến đấng bậc thày dạy ở Úc có lời biện-luận, như sau:

“Nhiều thành viên Hội thánh xem ra vẫn cãi tranh, giành giựt mọi thắng lợi để thuyết phục mọi người chấp nhận lý lẽ mình đưa ra. Về sống lại, nhiều sự kiện xảy đến với Chúa, không theo hướng quen thuộc, nên nếu người người sử dụng ngôn ngữ bình thường để suy-tư nghĩ-ngợi, ắt thấy khó mà tin. Khó, nhưng đó là việc có thật, từng xảy đến. Chúa sống lại, tuy gây dao-động, nhưng đã tạo cho mọi người xác tín rằng niềm tin chính là quà tặng Chúa ban để mọi người có dịp suy nghĩ. Suy và nghĩ, những gì xảy đến với Chúa, rất hợp tình hợp lý chẳng nghi nan.

 Xét bề ngoài, ta thấy nhiều việc xảy đến với Chúa xem ra khá mâu thuẫn. Nên trên thực tế, không phải ai ai cũng đều công nhận Chúa đã sống lại làm người thường. Nhưng, nếu Ngài sống lại bằng cách mặc lấy xác phàm làm người thường, thì sau đó, chắc Ngài sẽ phải chết thêm lần nữa. Sự thật, không phải thế.

 Trình thuật hôm nay, thánh Luca mô tả việc Chúa đến đồng hành với môn đệ bằng hình hài ta thấy và sờ chạm được bằng chân tay, nhưng không thể tưởng tượng được là: Ngài sẽ phải chết, thêm lần nữa. Thật ra, không thể có chuyện như thế. Điều, thánh Luca kể ở Tin Mừng, là để nói lên ý nghĩa nào đó mà nhiều vị gọi là truyện “Đường Emmaus, hành trình với môn đệ”.

 Về thể lý, một khi đã chết rồi, thì những gì là xác thân hoặc vật thể vũ trụ, đều rữa nát, vỡ tan. Không ai có thể trở lại sống với xác thân có xương thịt vẹn toàn như khi trước. Chẳng người nào lại có thể duy trì cùng một xác thân, suốt miên trường. Khi đã chết rồi, mà lại tái sinh với nguyên vẹn hình hài như khi trước, thì đó chỉ có thể là vòng chuyển luân, luẩn quẩn hết kiếp này đến kiếp khác, khoanh tròn quanh thành vòng quay sống-chết/chết-sống, không lối thoát.

 Truyện hai môn đệ hướng về thành đô Giêrusalem được thánh Luca ghi chép, còn để nói lên rằng: Đức Giêsu được đồ đệ nhận ra Ngài đích thực là Đức Chúa Ngôi Hai, vẫn tồn tại với mọi người. Ngài chẳng là quỉ ma hiện hồn theo qui cách của người thật. Nhưng, Ngài hiển hiện qua hình hài sao đó, rất sống động (Mc 16: 12).

 Ở đây nữa, khi viết Tin Mừng Phục Sinh, thánh Luca tập trung nhấn mạnh vào điểm, bảo rằng: Chúa tỏ cho mọi người thấy hình hài của Ngài theo qui cách rất khác, nên khi gặp lại Ngài, đồ đệ thấy mình sợ hãi, đến khiếp kinh (Lc 24: 37). Vì kinh khiếp, nên đồ đệ mới nói năng những điều chẳng có nghĩa. Theo nhà chú giải Kinh thánh Herbert McCabe, thì: khi đồ đệ gặp Thầy Chí Ái, các thánh cứ tưởng Thầy là Vị đồng hành chẳng hề quen biết. Kịp đến khi Thầy nhắc lại toàn bộ chi tiết về lịch trình cứu độ, các thánh mới vỡ lẽ ra đó là Thầy.

 Xem thế thì, Phục Sinh là điều mà người phàm xác thịt chúng ta chẳng thể nghiệm ra bằng lý lẽ của đời thường, để kiểm chứng. Bởi, dù biết Chúa sống lại thật, các thánh vẫn không coi đó như một chứng cứ hiển nhiên, tựa khi Ngài còn sống. Nhận biết hình hài Chúa rất nhãn tiền, điều đó có nghĩa: các thánh đã có động thái tin-yêu rất khác thường, trong cuộc sống.

 Và, đây là thực tại chỉ xảy đến với những người cũng trỗi dậy như Chúa và với Chúa bằng niềm xác tín yêu thương của người vẫn tin. Tin, theo quy cách và ý nghĩa khác. Khác ra sao, đó là vấn đề. Là, sự thực. Thực ra sao? Cũng nên suy xét.

 Trở về với lập trường chú giải của các tổ phụ thuộc Giáo hội Đông phương thời tiên khởi, như: Thượng phụ Origen, Grêgôriô thành Nyssa… khi gọi sự việc gì là ‘cảm nhận linh thiêng’, các ngài có ý nói về cảm xúc thiêng liêng, sốt sắng. Điều mà các đấng bậc trên nói đến, có ý bảo rằng: tất cả chúng ta đều mang trong người cung cách yêu thương có nhận thức sự vật mà não-bộ-thần-kinh-thuộc-mé-trái không thể lĩnh nhận.

 Nhờ yêu thương như thế, con người ‘định hình’ sự vật thành những ảnh hình như do chính mình tạo ra. Làm như thế, là để tác tạo thực thể như mọi người vẫn làm cho chính mình, nơi phần sâu thẳm của con người. Làm như thế, là để nhận thức rằng: thực thể ấy có thật. Vượt quá phạm vi và qui cách của ảnh hình. Nói theo ngôn từ triết học, thì các triết gia gọi đó là “tiềm thức”. Coi đó là giòng chảy sống, rất diệu kỳ. Là, sờ chạm thế giới nguyên uỷ không hư nát, mà thường ra, ta không sống ở trong đó.

 Nhận thức sự vật như thế, giống hệt cảm giác thấy được ‘lửa ngọn’ rực cháy trong người mình. Lửa rực cháy, khiến mình sống yêu thương, hạ mình. Thúc bách mình sống bừng sáng luôn tiến về phía trước. Có tiến như thế, mới cảm nhận được ‘lửa ngọn bừng bừng’ đang trào dâng với mức độ rất mới mẻ. Khác thường. Có kinh nghiệm từng trải rồi, người người sẽ nhận ra cuộc sống lại thực sự đang dâng trào nơi con người mình.

 Đó là cung cách mà dân con đồ đệ dám sử dụng thơ văn như chưa từng làm, và cũng chẳng ai nghĩ tới để diễn tả tình huống Chúa Phục Sinh hiện hình với dân con của Ngài, thật như thế. Có thể nói, các thánh đã sờ chạm Chúa. Cảm nhận được nhịp đập nơi tim mạch cùng vết thương đầy máu của Ngài. Thấy được Thầy mình bẻ bánh rồi cầm lên ăn. Các thánh không thể quên được vị ngọt nơi bánh thánh Thầy trao tặng. Tự thân, các thánh đều biết rõ chính Thầy là Đấng đã bẻ bánh phân phát cho người nghèo hèn, rất đói kém. Tương lai mai ngày, rồi ra các ngài cũng sẽ tạo nên thơ/văn như thế để kể về Thầy đến với mình, nơi nào đó.” (X. Lm Kevin O’Shea, Có Lần Tôi Thấy Một Người Đi,Lời Chúa Sẻ San Năm A, nxb Tôn Giáo 2013, tr. 115118)  

Nói cho cùng, có suy-tư nghiền ngẫm các sự-kiện Chúa “trỗi dậy” theo thơ văn/nghệ-thuật hay sao đó, cũng vẫn là chuyện nhung-nhớ những gì Đức Chúa dẫn dụ qua thơ văn/truyện kể rất Tin Mừng, rằng:

“Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng:

“Các anh chẳng hiểu gì cả!

Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!

Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế,

rồi mới vào trong vinh quang của Ngài sao?”

(Luca 24: 25-26)

 Chậm tin hay không vào “lời các ngôn-sứ”, vẫn là tình-trạng của nhiều người Đạo Chúa rất lâu nay. Chậm hay mau, tin hay không, vẫn là tình trạng “khóc lóc” rất nhiều về một giòng sông đang chảy xiết, để rồi bạn và tôi ta lại hát những lời như:

“Nếu không tôi đã khóc một giòng sông.
Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài, nhớ cha, nhớ mẹ.
Nhớ anh, nhớ chị.
Khóc một giòng sông, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài, những chiều mưa tôi khóc.
Khóc một giòng sông.

(Đức Huy – bđd)

Thế nhưng, để dung-hoà một tình-tự nhung nhớ, có “khóc ròng” một giòng song, cũng xin đề nghị bạn/đề-nghị tôi ta đi vào vùng tưởng nhớ có truyện kể để kết luận như sau:

“Ngày xưa có 3 cái cây mọc gần nhau trong rừng. Chúng thường nói rì rào với nhau về ước mơ và những hy vọng của mình.

 Cây thứ nhất bảo: “Tớ muốn được trở thành một hộp gỗ quý, được đựng trong lồng một kho báu đầy vàng bạc đá quý”. Cây thứ hai cũng nói: “Tớ muốn được trở thành một con tàu vĩ đại, sẽ đưa các vị vua và nữ hoàng vượt biển. Cuối cùng thì cây thứ ba nói: Tớ muốn mọc thành cái cây cao nhất trong rừng. Như thế, mọi người sẽ nhớ đến tớ”.

 Sau nhiều năm, người ta vào rừng đốn cây. Nhìn cây đầu tiên, một người nói:

– Cây này gỗ có vẻ tốt, tôi sẽ đốn nó bán cho bác thợ mộc gần nhà. 

Cây rất vui vì tin rằng bác thợ mộc sẽ biến nó thành hộp đựng vàng bạc. 

 Người thứ hai vỗ vỗ vào thân cây thứ hai:

-Cây này cũng được, tôi sẽ đốn nó bán cho bác thợ đóng thuyền.

Cây thứ hai rất mừng vì nghĩ rằng bác thợ thuyền sẽ đóng nó thành một con tàu lớn.

 Khi người thứ ba đến gần cây thứ ba, cây này rất thất vọng và lo sợ, vì biết rằng một khi người ta đốn nó xuống, tức: giấc mơ của nó sẽ không bao giờ thành hiện thực nữa. Y như rằng, người thứ ba bảo:

-Tôi cũng sẽ đốn cây này.

 Cây thứ nhất được bán cho người thợ mộc, bác ta đục nó thành một cái như nôi trẻ con nhưng vì không vừa ý nên lại quẳng nó ra sân, thậm chí còn nhét cỏ khô vào. Sự thể đã không như cây tưởng tượng!

 Cây thứ hai được người thợ thuyền đóng thành cái thuyền câu cá bé tẹo. Nó nghĩ giấc mơ trở thành con tàu lớn chở vua và hoàng hậu đá tan tành… Người đốn cái cây thứ ba chẳng có mục đích gì nên ông cứ kệ nó ở trong kho.

 Nhiều năm trôi qua, những cây ấy đã quên đi ước mơ của mình khi xưa. Một buổi tối rét buốt, có hai vợ chồng nghèo đi qua nhà bác thợ mộc. Họ bế một đứa bé mới sinh, đang khóc vì lạnh.Mà mẹ nhìn thấy cái nôi đầy khỏ khô ngoài hiên nên đặt đứa bé vào đó. Được ấp ủ trong cái nôi cỏ, đứa bé thôi khóc, cây thứ nhất –nay là cái nôi– cảm nhận được sự quan trọng của mình lúc đó và biết rằng mình đang được đựng trong lòng một kho báu lớn hơn tất cả vàng bạc đá quí :một sinh linh bé bỏng và tình thương yêu cua bố mẹ em bé.

 Ít lâu sau, người thợ đóng thuyền dùng chiếc thuyền nhỏ đóng băng cái cây thứ hai đi chơi và ngủ thiếp đi. Không may một lúc sau trời trở gió và nổi dông. Thuyền bắt đầu chao đảo, vô cùng nguy hiểm. Bỗng một người dân trên bờ nhìn thấy, vội chèo thuyền của mình thật nhanh tới chỗ người thợ đang ngủ. Bác thợ đóng thuyền tỉnh dậy ú ớ hoảng hốt, nhưng người dân kia đã bỏ thuyền của mình nhẩy sang thuyền của người thợ và lấy hết sức chèo vào bờ.

 Lúc đó cây thứ hai nay là cái thuyền-đã biết rằng mình đang chở một vị vua của lòng dũng cảm. Cuối cùng cây thứ ba, sau một thời gian nằm trong kho tối tăm thì có người đến hỏi mua nó. Người này biến cây thành một cái cột nhỏ rồi vác lên đỉnh đồi, đóng xuống để sắp tới bắc đường dân điện-lần đầu tiên tới vùng hẻo lánh này. Đến khi người ta mắc đường dây điện,cái cây thứ ba- nay là cái cột điện-hiểu rằng mình đang đứng trên đỉnh đồi, cao hơn rất nhiều các cây khác và thực hiện một nhiệm vụ lớn lao khiến ai cũng có thể luôn nhớ tới.

 Và người kể lại cũng có những lời bàn như sau: “Khi mọi việc diễn ra không theo ý bạn mong muốn không có nghĩa là giấc mơ của bạn đã tan tành rồi. Trong cuộc sống luôn có những “kế hoạch dài hạn”, người ta có thể có được những cái mà mình mong ước, nhưng không chắc là đúng như những gì người ta tưởng tượng. Vì vậy, đừng bao giờ thôi mơ ước và hy vọng vào những điều tốt đẹp bạn nhé!” 

Thật ra, truyện kể ở trên không để nói rằng cây cối biết nói lên những gì là tốt/xấu trong đời người. Nhưng, người kể chỉ muốn nói về ý-nghĩa của niềm hy-vọng để ta tin vào sự thật rồi thực hiện ước vọng sống sự thật ấy trong đời mình. Sự thật ở đây, hôm nay, là mơ ước được gặp gỡ Ngài như hai tông đồ từng gặp trên đường Emmaus, nếu tất cả chúng ta quyết thực-hiện những điều Ngài dạy ở Kinh Sách.

Trần Ngọc Mười Hai

Và những sự kiện tương tự

Khi nhớ đến bài hát

Tôi đã khóc một giòng sông.       

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay