Buổi xin lỗi ‘tử tù’ Hàn Đức Long ‘không thành’

Buổi xin lỗi ‘tử tù’ Hàn Đức Long ‘không thành’

Người nhà và gia đình cháu bé bị hại phản ứng tại buổi xin lỗi
Người nhà và gia đình cháu bé bị hại phản ứng tại buổi xin lỗi

Buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long, người trải qua 11 năm ngồi tù oan, đã diễn ra “không thành công”, một luật sư tham gia bào chữa cho ông Hàn Đức Long nói với BBC chiều ngày 25/4.

TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức buổi xin lỗi chính thức ông Long tại UBND xã Phúc Sơn, tỉnh Bắc Giang chiều 25/4.

Buổi xin lỗi gây nhiều sự chú ý, có nhiều phóng viên và người dân địa phương đến tham gia nhưng mọi việc đã không diễn ra như mong muốn, luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết.

“Buổi xin lỗi diễn ra không thành công vì sự thiếu chu đáo của cơ quan đứng ra tổ chức, không liệu được việc gia đình cháu bé có mặt, bức xúc và gây ra sự hỗn loạn.”

Người nhà và gia đình cháu bé bị hại lớn tiếng chỉ trích cơ quan tư pháp và yêu cầu tìm ra thủ phạm trước khi công khai xin lỗi.

 

Nhưng theo luật sưTrai, yêu cầu này không có cơ sở pháp lý. Ông Long đã được quyết định không phải là thủ phạm. Ông ấy đã đi tù oan 11 năm thì cơ quan tư pháp phải đứng ra xin lỗi theo quy định của pháp luật.

“Toà án nhân dân cấp cao chỉ đọc một văn bản rất chóng vánh, trong không khí lộn xộn, hỗn loạn.”

“Với tư cách là luật sư của ông Long, tôi cho rằng việc xin lỗi đã không thành công. Tôi sẽ làm việc với gia đình ông Long để yêu cầu bên Toà án thực hiện lại việc xin lỗi.”

“Rất là đáng tiếc trong khi vụ án đã gây ra tổn thương tinh thần cho ông Long và những người liên quan, khâu tổ chức lại lầm lỗi tiếp, khiến cho tổn thương tinh thần của nhiều người lại bị ảnh hưởng.”

Ông Long và vợ có mặt tại hội trường nhưng vội ra về.

Về việc bồi thường, ông Trai cho biết gia đình ông Long đang làm việc để trình ra các cơ sở căn cứ, các khoản và các mục để các bên thương lượng đàm phán.

Bất cập trong cơ chế tư pháp

Theo luật sư Ngô Ngọc Trai, người theo đuổi vụ án oan sai của ông Long từ năm 2011: “Vụ án oan của ông Long một phần là do lỗi yếu kém do năng lực con người.”

“Một phần khác là do sự bất cập của cơ chế tư pháp, chưa thiết lập một cách khoa học, chưa bổ trợ được khiếm khuyết của con người, còn lạc hậu, dẫn đến tình trạng oán sai mà bản thân cơ quan tư pháp cũng không mong muốn.”

“Một vấn đề quan trọng khác là có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền giam giữ, cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát lẫn tòa án. Ở những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, chỉ có tòa án mới có quyền ra lệnh bắt giữ.”

 

Theo truyền thông Việt Nam, thi thể cháu bé Nguyễn Thị Yến, sinh năm 2000, được phát hiện năm 2005 sau khi mất tích.

Ông Hàn Đức Long bị bắt giam và thú nhận mình là thủ phạm trong vụ án hãm hiếp và giết cháu bé. Nhưng tại các phiên tòa ông Long kêu oan, không nhận tội và ông nói bị ép cung, bức cung.

Tuy nhiên, sau đó ông vẫn đi tù 11 năm và từng bốn lần bị tuyên án tử hình. Ông được thả vào ngày 20/12/2016 sau khi cơ quan tư pháp xác định không có đủ bằng chứng kết tội.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay