VÌ SAO TƯỚNG CHUNG HUỶ CUỘC HẸN Ở ĐỒNG TÂM?

From facebook:  Lang Văn  Chaudok, Vietnam ·

 

Thử tham khảo một góc nhìn:

VÌ SAO TƯỚNG CHUNG HUỶ CUỘC HẸN Ở ĐỒNG TÂM?

Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời ăn cướp mà thương dân lành!

Vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm đã hơn một tuần vẫn chưa được chính quyền Hà Nội giải quyết êm thắm. Dân vẫn tiếp tục giữ các cscđ tham gia đàn áp làm con tin, và ông Chung cũng không xuống Đồng Tâm để trao đổi, giải quyết nguyện vọng của dân, trong khi công an vẫn đang chuẩn bị cuộc tấn công, giải cứu con tin; còn tứ trụ triều đình thì hoàn toàn im lặng, bỏ mặc đảng ủy, chính quyền Hà Nội giải quyết.

Đó là sự thâm hiểm tột cùng của những kẻ lúc nào cũng ra rả vì dân, vì nước… nhưng luôn luôn trốn tránh trách nhiệm khi người dân cần họ. Từ thảm họa Formosa đến “xả lũ đúng quy trình” ở Hố Hô, từ vụ cướp đất ở Tiên Lãng, đến Văn Giang… giờ đến Đồng Tâm, Mỹ Đức.

Ông Nguyễn Đức Chung lúc đầu mạnh miệng, dù không hứa hẹn nhưng tuyên bố qua điện thoại: “… Cần thiết thì mai tôi sẽ về trực tiếp về tận nơi Đồng Tâm…!” Nhưng rồi xù, không xuống.
Thái độ từ chối gặp trực tiếp dân ở Đồng Tâm của ông Chung không phải là sự thất hứa mà là sự hèn nhát, đúng bản chất của những người như ông.
Có thể trong lòng, ông Chung muốn giải quyết êm đẹp vụ Đồng Tâm, nhưng vướng phải cơ chế độc tài của bộ máy, Chung đành bó tay, không có quyền hạn để làm theo ý mình.

Thỏa mãn nguyện vọng của người dân Đồng Tâm, ông Chung sẽ tạo nên một tiền lệ “xấu” trong việc đấu tranh bảo vệ đất đai cho dân chúng sau này, điều mà đảng của ông rất sợ hãi, vì tiền lệ đó sẽ phá vỡ nền tảng căn bản của bộ luật đất đai: “Đất đai là sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý”.
Sự biến Đồng Tâm đã diễn ra nhiều ngày, chắc chắn ông Chung đã xin ý kiến của bộ chính trị và tứ trụ về phương hướng giải quyết. Tuy nhiên như đã nói, bản chất của hệ thống là không ai dám nhận lãnh trách nhiệm, nên chắc chắn sẽ không có một chỉ thị rõ rệt nào được đưa ra về vụ Đồng Tâm.
Không có chỉ thị rõ ràng, nếu hành động theo ý mình mà thất bại, ông Chung phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đó chính là cốt lõi của vấn đề.

Nếu người dân cương quyết không thả con tin để chờ một thoả thuận giải quyết nguyện vọng của mình bằng giấy trắng, mực đen, thì ông Cung sẽ không còn lựa chọn nào khác, ngoài dùng vũ lực để giải cứu con tin.
Việc cù cưa, tìm cách kéo dài thời gian đàm phán chỉ là thủ đoạn khiến dân mệt mỏi, chán chường, hao mòn ý chí đấu tranh, đến một lúc nào đó sẽ phải buông tay đầu hàng. Lúc đó, công an và có thể cả quân đội sẽ tấn công vào làng, nhiều người sẽ bị bắt, đưa đi mất tích, Đồng Tâm, Mỹ Đức sẽ bị xóa sổ, tất cả chỉ còn lại tiếng vang.

Cuộc nổi dậy của nông dân Quỳnh Lưu, Nghệ An năm 1956 là một bài học cho những ai còn cả tin. So với Quỳnh Lưu về tầm mức, số lượng dân tham gia, sự việc Đồng Tâm tương đối nhỏ, với chỉ 6.000 người, trong khi ở Quỳnh Lưu, cao điểm lên tới 60.000 người, khiến chính quyền phải điều động 2 sư đoàn chính qui bao vây, đàn áp.

Tuy nhiên, hiện trạng xã hội VN năm 1956 khác với thời điểm này rất nhiều.
– Nội bộ đảng không phân tán, chia rẽ, đấu đá, tố cáo, hãm hại nhau kịch liệt như bây giờ. Hồ Chí Minh vẫn còn là thần tượng của hầu hết dân miền Bắc.
– Thông tin, báo chí, truyền thông đại chúng thời gian đó… do nhà nước kiểm soát hoàn toàn nên tin tức dễ dàng bị ém nhẹm, che giấu, thế giới không ai biết được tình hình căng thẳng xẩy ra tại Quỳnh Lưu năm 1956.
Giờ đây tình hình đã thay đổi. Dù chỉ có 6.000 dân tham gia, nhưng phương tiện truyền thông, mạng xã hội đã đưa tin lan đi khắp nơi trên thế giới. Mọi cuộc đàn áp bằng vũ lực sẽ bị cả thế giới lên án ngay khi phát súng đầu tiên nổ ra. Người ta còn chần chừ một phần nào cũng vì lý do này. Bên cạnh đó, dù không coi trọng mạng người, dân cũng như lính, công an… nhưng nếu tấn công vào lúc này, coi như ký án tử cho 20 cscđ. Sự thí mạng 20 người này sẽ gây phản ứng tâm lý dây chuyền, khiến cho lòng trung thành của công an, quân đội giảm sút nặng nề, dễ khiến họ nổi loạn hoặc quay súng trở lại bắn vào cấp chỉ huy khi có biến.

Trở lại vấn đề con tin. Nếu ngây thơ, tin tưởng vào lời hứa của bất kỳ lãnh đạo nào mà thả con tin ra trong lúc này, thì tình hình sẽ trở nên bất lợi hơn cho người dân. 20 con tin chắc chắn sẽ bị thiêu sống, nếu ông Chung dám manh động. Cả thế giới sẽ biết đến biến cố long trời lở đất này, và ông Chung sẽ trở thành một con dê tế thần cho chế độ. Ông Chung biết điều này nên không dại dột làm càn.

Là người hiểu biết, khôn ngoan, ông Chung phải tìm cách giải thoát 20 cscđ trước khi tấn công vào làng.

Hy vọng vào một cuộc đối thoại có tình, có lý giữa người dân với chế độ qua ông Chung, chỉ là hy vọng hão huyền, hoang tưởng.
Để lên tới cấp tướng công an, Chung hiểu rõ cách vận hành của chế độ này. Họ sẽ không bao giờ giữ lời hứa, ngay trong những văn bản đã ký kết với quốc tế:
– Hiệp định Genève, Paris chữ ký chưa ráo mực, họ đã xé toạc, vứt vào sọt rác.
– Hiệp định hồi hương 60.000 khách thợ ở Đông Đức ký với Cộng Hòa Liên Bang Đức năm 1990, sau khi nhận một nửa số tiền, họ cũng trở mặt, giở mọi thủ đoạn, tìm cách từ chối thi hành.
– Những hiêp định sau này ký với Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, tự do báo chí…
Thế thì dân Đồng Tâm “là cái thá gì” để Chung xuống tận nơi, đàm phán? Và cho dù có đàm phán, thỏa thuận được điều gì đi nữa, thì sau đó chuyện lật lọng cũng chẳng khó đoán.

Người viết không kích động bạo lực, không muốn thấy máu người dân Đồng Tâm đổ ra, nhưng viễn ảnh có được một cuộc dàn xếp êm đẹp, thấu tình, đạt lý giữa người dân và chế độ thật quá xa vời, khó lòng thực hiện.

Thạch Đạt Lang

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay