Trận chiến cuối cùng của Niềm Tin!

Trận chiến cuối cùng của Niềm Tin!

FB Michael Lê

17-4-2017

Người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức, đã không còn tin vào ai cả, họ chỉ tin cụ Kình (tóc bạc), nhưng cụ đã bị CA bắt. Ảnh chụp từ clip ngày 10-3-2017.

Hôm qua tôi xem video clip trực tiếp anh Trịnh Bá Phương phỏng vấn một người dân ở Đồng Tâm. Anh Phương chuyển một vài câu hỏi của đài BBC, và cố gắng trấn tĩnh người được phỏng vấn. Anh nhắc đi nhắc lại rằng cả nước và cả truyền thôngthế giới đang dõi theo rất sát, mong bà con hãy bình tĩnh, vững tâm và kiên trì.

Giọng người đàn ông trong clip (nghe giọng thì đoán là một nam trung niên, độ tuổi 30-40) tỏ ra vô cùng căng thẳng, xúc động, kể cả sợ hãi. Anh ấy luôn miệng nói rằng người dân chỉ mong cấp lãnh đạo trung ương “đèn giời soi xét”; mong “Đảng và lãnh đạo” lắng nghe nỗi lòng của dân và xuống giải quyết, chứ dân không hề muốn làm loạn.

Có một điều tôi thấy rõ: người dân đã cố nhẫn nhịn (có thể vì sợ) cả chục năm qua khi đội đơn khắp nơi không ai giải quyết, khi từng mảnh đất ruột thịt đang bị cướp dần. Nhưng, khi cụ Kình, một bô lão được mọi người trong xã kính yêu, một người dày công với chế độ, bị lừa gạt, bị đối xử dã man và bị bắt; lại có thêm một thanh niên vô tội trong xã bị đánh trọng thương… thì cơn uất của người dân như giọt nước tràn ly, không kềm được nữa.

Giọng người đàn ông trả lời phỏng vấn như muốn òa khóc, như vô cùng đau đớn kinh hoàng khi nhắc đến hai “người làng mình” bị hành hung này.

Số người trong xã bị bắt cũng khá đông, hình như 15 người. Khi có hai người dân được thả về sớm, mang theo thông điệp điều đình của chính quyền Hà Nội (vì đích thân ông Chung giải quyết vụ xung đột này) thì người dân đã làm gì?

Thật ngạc nhiên, người dân đã… bắt giam luôn hai người làng của mình, lý do là cho rằng họ đã đầu hàng, đã phản bội, đã tiếp tay cho “chính quyền” để lừa gạt người dân lần nữa!

Đây rõ ràng là “trận chiến cuối cùng của Niềm Tin”. Đáng mừng thay, cái tình làng nghĩa xóm của người dân – đặc biệt trong trường hợp này là người dân miền Bắc gần 1 thế kỷ dưới chế độ XHCN – vẫn chưa tắt mất.

Đất đai nhà cửa mất có thể gầy dựng lại được, có thể nhịn nhục chờ thời cơ được, nhưng cái tình đồng bào thương nhau, tin nhau, đùm bọc nhau, động thân đồng phận với nhau hàng ngàn năm qua… không gì có thể thay thế được!

Bỗng nhớ ngọn lửa cách mạng ở Tu-ni-di Phi Châu bùng lên, là do một người bán hàng rong, vâng, chỉ là anh bán hàng rong, bị bức tử trên đường phố!

“Dân vi quý. Xã tắc thứ chi. Quân vi khinh”. 

Đồng bào Việt Nam ơi. Mất nhau là mất tất cả!

____

Clip anh Trịnh Bá Phương phỏng vấn người dân Đồng Tâm:

LS Nguyễn Danh Huế

17-4-2017

Tôi đã từng gặp một khách hàng có 15 năm đi khiếu kiện về đất đai. Sau khi nghiên cứu hồ sơ tôi đã khuyên họ không nên đi khiếu kiện nữa vì họ sai, chính quyền đã xử lý đúng. Họ đã nghe tôi.

Từng tiếp cận hàng trăm vụ việc về đất đai nhưng thật buồn là trường hợp tôi kể trên đây là rất hiếm nếu không muốn nói là duy nhất. Đa phần người dân khiếu kiện là có cơ sở, còn cái sai của chính quyền về đất đai thì nhiều vô kể.

Bạn đang yên ổn làm ăn, bỗng một hôm căn nhà hay mảnh đất của bạn bị lọt vào “tầm ngắm” của một kẻ mang cái tên mỹ miều “dự án…”. Người ta trả một cái giá rẻ mạt và đương nhiên bạn không thể chấp nhận cái giá rẻ mạt ấy. Rồi bỗng dưng điện, nước thường xuyên bị cắt, dân “xã hội” vật vờ đầy khu nhà bạn, thậm chí mắm tôm, cứt pha dầu nhớt thường xuyên được ném vào nhà. Hàng xóm nhiều người mệt mỏi và nhắm mắt nhận tiền đền bù để bỏ đi cho xong chuyện. Gia đình bạn vẫn kiên quyết bám trụ ở lại.

Rồi chính quyền, đoàn thể ra sức vận động để gia đình bạn nhường đất cho “dự án phát triển kinh tế của địa phương” nhưng gia đình bạn phần vì không thể chấp nhận cái giá đó và phần vì biết đi đâu và sẽ làm gì nếu mất đất. Rồi… người ta cho lực lượng công an hùng hậu đến cưỡng chế, bố bạn kiên quyết giữ đất đã chống trả rồi bị bắt, bị đi tù về tội “chống người thi hành công vụ” hay “gây rối trật tự công cộng”. Đất mất, người tù tội, gia đình tan nát… câu chuyện đó bạn có tin đang có ở thế kỷ 21 hay không?

Chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào về cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất có cuộc sống ra sao nhưng chỉ cần nhìn vào chất lượng các căn nhà tái định cư dành cho người bị thu hồi đất ngay chính giữa thủ đô thì ắt hẳn ai cũng sẽ có câu trả lời. Những dự án toà nhà văn phòng hay khu chung cư cao cấp với những cái tên rất Tây đang tạm thời che lấp đi cái thảm trạng mang cái tên rất Việt: Nông dân mất đất.

Chính sách pháp luật về đất đai đang có rất nhiều bất cập và không loại trừ việc nó được can thiệp bởi những bàn tay của những con quỷ. Chính sách bất cập lại cộng thêm chính quyền nhiều nơi còn bóp cho méo mó thêm thì người bị thu hồi đất đương nhiên sẽ lãnh hết mọi bất công. Khiếu kiện về đất đai ngày một tăng đã gây bất ổn cho xã hội và tiềm ẩn một nguy cơ bất ổn lớn hơn trong tương lai rất gần. Ai cũng biết, chính quyền biết nhưng những ai làm luật đều hiểu đã quá muộn để sửa sai vì đơn giản: Sai nhiều đến mức không thể khắc phục.

Thu hồi đất để phát triển các dự án là cần thiết nhưng không vì thế mà bắt một nhóm người hay một cộng đồng phải gánh chịu bất công. Muộn còn hơn không, Việt Nam lúc này cần những nhà lãnh đạo có tâm, có lực để dũng cảm nhìn vào sự thật để sửa sai ngay, như thế may chăng còn chút hy vọng để tháo ngòi một quả bom đã kích hoạt!

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay