Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, người xây dựng ngôi nhà báo chí VN

Từ Thức
(Cựu Thông tín viên VTX tại Hòa đàm Ba Lê)

Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh vừa qua đời, hưởng thọ 88 tuổi, nột năm sau ngày bào đệ Nguyễn Ngọc Bích quy tiên. Hai ông là những khuôn mặt tích cực của sinh hoạt báo chí và văn hóa, giáo dục, ở miền Nam trước 75 và sau đó, ở hải ngoại.

Ông Nguyễn Ngọc Linh là người đã mang lại tính chuyên nghiệp cho báo chí ở miền Nam, và cũng là người đặt nền tảng cho báo chí  “quốc gia” ở hải ngoại.

blank

CHUYÊN NGHIỆP HÓA NGHỀ LÀM BÁO

Trong chức vụ Tổng giám đốc Việt Tấn Xã (từ 1965), ông mở khóa huấn luyện báo chí đầu tiên ở Sai Gòn, với 30 khoá sinh trẻ, trên dưới 20 tuổi. Việt Tấn Xã  (VTX) là cơ quan truyền thông quan trọng hàng đầu của Việt Nam Cộng hòa, một quốc gia đang lâm chiến.

VTX cung cấp tin tức, phóng sự cho báo chí Việt Nam và ngoại quốc, với các ấn bản Việt ngữ, Pháp và Anh Ngữ.

Đó là giai đọan đầu tiên của lịch sử báo chí miền Nam, ký giả, phóng viên được đào tạo  để nắm vững những kỹ thuật viết tin, phóng sự theo những tiêu chuẩn của báo chí Quốc tế.

Trước đó, người ta làm báo theo kiểu rất tài tử, rất…Việt nam. Anh nào có năng khiếu hay trình độ văn hóa khả quan thì viết lách gọn ghẽ, anh nào kém hơn vẫn viết lách; viết lách theo kiểu… bình dân, lôi thôi, dài dòng, với một mớ kiến thức chuyên nghiệp rất lơ mơ.

Với hy vọng ‘’nghề dạy nghề ‘’, nhưng khi cái căn bản nó không vững, kinh nghiệm nhiều khi chỉ là cái hại. Ở một nước tân tiến, cái gì cũng phải học, từ ông kỹ sư cho tới ông sửa ống cống, ông thợ hớt tóc, anh thợ hồ, chị bán cá.

Ngược lại, ở một nước chậm tiến, không cần phương pháp. Nếu anh thấy mình muốn nấu phở, nếu bà thấy mình có khiếu làm bánh cuốn, cứ khơi khơi mở tiệm. Báo chí cũng vậy. Một sớm, một chiều, cao hứng, hay không biết làm nghề ngỗng gì, ông có thể trở thành ký giả. Chỉ cần biết đọc, biết viết. Đúng hơn, chỉ cần biết đọc, còn viết,  trong nhiều trường hợp, phải xét lạị .

Môi trường báo chí hỗn loạn như xã hội VN; Bên cạnh những nhà báo khả kính-và khả tín-có kiến thức, có lương tâm nghề nghiệp, coi nghề báo như một sứ mạng, cũng có những ông trình độ văn hóa rất mơ hồ, khả năng chuyên nghiệp rất đại khái. Cái khiếm khuyết về khả năng còn tai hại hơn nữa nếu nó đi đôi với sự vắng bóng lương tâm nghề nghiệp.

Thời  ấy, không thiếu những người coi nghề viết báo là một cơ hội để làm ăn với những người có quyền thế, có máu mặt. Đâm thuê, chém mướn bằng ngòi bút nó tệ hại hơn cả đâm thuê, chém mướn bằng dao, búa. Cái bệ rạc văn hóa nó tệ hại và bệ rạc hơn cái bệ rạc xã hội.

Khóa huấn luyện báo chí VTX  của Giáo sư, Nhà báo Nguyễn Ngọc Linh dạy viết tin, viết ký sự, làm phóng sự, bình luận thời sự, những kỹ thuật chuyên môn tối thiểu không thể thiếu của người làm báo. Khóa học cũng đặt vấn đề lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút.

Cố nhiên, không phải qua một khoá huấn luyện, bạn trở thành một nhà báo xứng đáng với tên gọi, nhưng đó là điều kiện tối thiểu để hành nghề, điều kiện tối thiểu để đưa báo chí VN ra khỏi tình trạng tiểu công nghệ. Ra khỏi tình trạng lạc hậu của một nước chậm tiến. Nó cho bạn một gói hành lý tối cần để nếu bạn có ý chí học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu không ngừng, để, một ngày đẹp trời nào đó, trở thành một ngòi bút chuyên nghiệp, có thể trình làng một bài báo đáng gọi là bài báo.

Trong số 30 người tốt nghiệp khoá báo chí, một số làm việc cho VTX, một số cộng tác với các cơ quan báo chí khác. Một nhóm sáng lập ‘’ Việt Nam Ký Sự ‘’, cung cấp phóng sự cho báo chí miền Nam.

Khi nhận chức giám đốc Đài Phát Thanh, Đài Truyền Hình (1964), Ông Linh cũng không quên việc huấn luyện để đào tạo những người chuyên nghiệp. Đó là một bước đầu cho những phân khoa báo chí sau này ở vài Đại học, như Đại Học Đà lạt. Bước tiến ấy bị chận lại với cái đại họa 75 chụp xuống miền Nam.

Ngày nay, báo chí ‘’ lề phải ‘’ trong nước chỉ là công cụ của một chế độ độc tài do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ở đó không có báo chí, chỉ có những tờ truyền đơn.

Nhân dịp, xin ngả mũ chào những nhà báo độc lập, đang sẵn sàng hy sinh để nói lên tiếng nói của sự thực, của lẽ phải.

Bên cạnh sinh hoạt trong ngành truyền thông, ông Nguyễn Ngọc Linh còn tích cực trên lãnh vực giáo dục. Ông cùng bà Linh mở trường dạy Anh ngữ, cùng bào đệ Nguyễn Ngọc Bích và bà Bích mở Đại Học Cửu Long. Muốn cải tiến đất nước, không có con đường nào khẩn cấp hơn là phát triển giáo dục. Ông Linh là người thấy gần và nhìn xa. Chỉ thấy gần là người thiển cận. Chỉ nhìn xa là người sống ở trên mây.

ĐẶT NỀN TẢNG CHO BÁO CHÍ VIỆT NGỮ HẢI NGOẠI.

Sau 75, báo chí VN mở ra như nấm ở nước ngoài, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi có dông người Việt tị nạn sinh sống nhiều nhất trên Thế giới. Tình trạng báo chí hải ngoại đã trải qua nhiều giai đoạn, từ giai đoạn khó khăn của những ngày chân ướt, chân ráo, tới một thời trăm hoa đua nở, và ngày nay, một giai đoạn đầy thử thách. Báo chí Việt ngữ đang sống bi quan, trong cái bi quan chung của báo chí thế giới. Số độc giả bớt đi, vì nhiều người cao niên, đọc sách báo Việt ngữ nhiều, dần dần ra đi. Những người trẻ trình độ tiếng Việt kém, có nhiều hình thức giải trí thích hợp hơn, không thấy có nhu cầu đọc sách báo Việt ngữ. Đó là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Báo chí, hay những sinh hoạt văn hóa, là chuyện tối cần cho một công đồng. Một cái giây nối những thành phần hỗn tạp của cộng đồng lại với nhau, là cái gạch nối giữa người Việt ly hương trên khắp thế giới. Khi không còn sinh hoạt báo chí, sinh hoạt văn hóa, cộng đồng sẽ trở thành một cộng đồng chết, không cá tính, không tâm hồn . Cũng như một cá nhân không có văn hóa chỉ là một xác chết biết đi. Cố nhiên, đó là nói về báo chí theo đúng nghĩa của nó. Tạm bỏ qua những tờ báo lá cải, chỉ chuyên tung tin dựt ngân, mạ lỵ, chụp mũ, điển hình của một thời đại nhiễu nhương.

Ít người biết Ông NNL là người  đặt viên đá đầu tiên cho báo chí có khuynh hướng quốc gia ở hải ngoại. Trước đây, ở hải ngoại, nhất là ở Pháp, báo chí Việt ngữ rất lèo tèo, hầu hết đều thiên Cộng, hoặc bị CS giựt dây.

Ông Linh phụ trách báo chí, truyền thông bên cạnh Phái Đoàn VNCH tại cuộc hội đàm Paris về VN (1968). Ông thấy cần một tờ báo Việt Ngữ, loan tin và trình bầy vấn đề VN với quan điểm của VNCH, chống lại luận điệu tuyên truyền của tờ Đoàn Kết hay những tờ báo thiên Cộng, phát hành ở Paris hay các nước Âu Châu. Tuần báo TIN QUÊ HƯƠNG ra đời ít ngày sau khi cuộc hội đàm bắt đầu, phát hành đều đặn, cho tới ngày 30 tháng Tư, 75. Báo gởi tới tận nhà cho các độc giả hải ngoại ở khắp nơi. Lần đầu tiên, người Việt sống ở nước ngoài từ lâu, được đọc tin tức về VN , thấy miền Nam có khuôn mặt khác hẳn với hình ảnh do báo chí CS tô vẽ.

Trước 75, khuynh hướng thiên tả rất mạnh ở Âu Châu, nhất là ở Pháp. Trước Tin Quê Hương, đại đa số báo chí Việt Ngữ đều thiên Cộng, từ những tờ báo dành cho giới bình dân, thợ thuyền, cựu quân nhân trong quân đội Pháp, sống xa quê hương từ lâu, hoàn toàn bị đàu độc bởi tuyên truyền CS.’’ Trí thức ‘’, nghiã là giới sinh viên, khoa bảng cũng không hơn gì, bị ảnh hưởng của báo chí thiên tả Pháp, đứng đầu là tờ Le Monde. Le Monde, cẩm nang của trí thức, sinh viên du học, khi loan tin Khmer Đỏ tiến về thành phố, đã viết một cách khơi khơi là dân chúng hồ hởi đứng hai bên đường chào đón quên giải phóng.

Ký giả của Le Monde chỉ nói tới cái tốt của CS và cái xấu của VNCH . Ở thời điểm đó, là trí thức, nghĩa là thiên Cộng, thiên tả. Người ta nhắm mắt trước sự thực. Được hỏi tại sao yên lặng trước những tội ác của Goulag, Jean Paul Sartre trả lời : ‘’ Il ne faut pas désespérer Billancourt‘’ (Không nên làm Billancourt tuyệt vọng ‘’.) Boulogne-Billancourt , ở ngoại ô Paris, nơi có trụ sở của hãng xe hơi Renault, được coi là tiêu biểu cho cuộc tranh đấu của thợ thuyền Pháp, giấu sự thực ở Nga để thợ thuyền khỏi thất vọng và tiếp tục tranh đấu cho thiên đường xã hội chủ nghiã. Bất chấp sự thực, vì sự thực không có cách mạng tính, la vérité n’est pas révolutionnaire, như một câu nói nổi tiếng khác. Trong bối cảnh đó, rất nhiều sinh viên miền Nam, du học với học bổng VNCH, nhưng ‘’chống Mỹ cứu nước’’.

LÀN GIÓ NGUYỄN NGỌC LINH

Báo  Tin Quê Hương đã mang một hình ảnh khác, một cái nhìn khác về quê hương, đã hỗ trợ cho những người chống Cộng còn hiếm hoi ở hải ngoại thời ấy. Nhiều độc giả lần đầu nghe tới lúa thần nông, chính sách chiêu hồi, thảm sát Mậu Thân, tai họa kinh hoàng của Cải Cách điền địa. Nhiều người, lần đầu tiên, khám phá Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Tô Thùy Yên…

Đó là một tiếng nói khác với gịọng lưỡi CS, ở một thời chưa có Internet, tuyên truyền là độc quyền của CS. Ngày nay, chống Cộng là chuyện đương nhiên trên báo chí Việt Nam hải ngoại.

Năm 1968, đánh dấu thảm họa Cộng Sản bao phủ Tết Mậu Thân ở miền Nam, làng báo Việt Nam đã đón nhận một luồng gío mới đến từ một nhà báo đầy sáng kiến, một người nắm vững kỹ thuật truyền thông Quốc tế  hiếm hoi ở VN, Ông Nguyễn Ngọc Linh.

Người Việt ta có thói quen trọng nể những người có bằng cấp, kể cả những tay khoa bảng, ngoài việc học gạo lấy bằng, không có khả năng gì, không làm gì ra hồn, trói gà không chặt và cũng chẳng thử vén tay trói gà, vì lười và vô trách nhiệm.
Nhiều người trong chúng ta quên rằng đất nước muốn tiến bộ, phải có những ngưòi nhìn xa, trông rộng, có sáng kiến, và sẵn sàng thực hiện những sáng kiến đó, dù nó rất mới với thời đại. Những người có khả năng và thiện chí thường muốn truyền đạt kiến thức để góp một viên gạch , xây dựng một ngôi nhà chung cho đất nước.

Những người như vậy, trong xã hội VN không đông đảo như người ta tưởng. Ông Nguyễn Ngọc Linh là một trong số những nhân vật hiếm hoi đó.-/-

Từ Thức

(Paris)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay