NỖI ĐAU SẼ KHÔNG DỨT NẾU KHÔNG BIẾT TẠI SAO ĐAU.

From facebook:   Hằng Lê‘s post.
Image may contain: one or more people, people sitting and text

Hằng Lê

NỖI ĐAU SẼ KHÔNG DỨT NẾU KHÔNG BIẾT TẠI SAO ĐAU.

Em học sinh Việt Nam nằm gối đầu lên cặp sách, im lìm như đang ngủ trưa trong một bức hình đăng trên một tờ báo Mỹ. Các nhân viên y tế cứu thương chỉ vì quá thương xót mà tưởng như em còn biết đau nên đặt đầu em cao trên chiếc cặp vậy thôi. Không, em không ngủ trưa, em chết rồi. Em là một trong 32 học sinh trường tiểu học Cai Lậy, Định Tường, bị VC pháo kích chết lúc 2 giờ 55 chiều ngày 9 tháng 3, 1974. Em bị giết chỉ hơn một năm trước ngày chấm dứt chiến tranh để từ đó dân tộc Việt Nam chịu đựng trong độc tài đảng trị đến hôm nay.

Ai giết 32 em học sinh trường tiểu học Cai Lậy, Định Tường?

Các em chết vì đạn pháo kích của Việt Cộng. Vâng. Nhưng đa số tuổi trẻ VN sinh ra và lớn lên sau 1975 không biết sự thật đó. Các em chỉ được nhồi sọ về cái chết của “10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc”.

Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, Hà Tĩnh, nằm trên con đường chiến lược nối vào dãy Trường Sơn nên trong thời chiến thường bị Mỹ ném bom. Ngã ba Đồng Lộc gắn liền với chuyện 10 nữ thanh niên xung phong bị bom của Không lực Hoa Kỳ ném trúng ngay miệng hầm. Tiểu đội gồm 10 cô gái trẻ. Tất cả đều cùng quê hương Hà Tĩnh và đều chết tức khắc. Người nhỏ nhất là Vũ Thị Hà chỉ mới 17 tuổi.

Ai giết 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc?

Nếu hỏi 100 em học sinh Việt Nam thì đúng 100 em sẽ trả lời do bom của “Đế quốc Mỹ”.

Nhưng nếu không có “Đế quốc Mỹ” rồi 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc và hàng triệu thanh niên miền Bắc vô tội có chết hay không?

Nếu hỏi 100 em học sinh Việt Nam thì đúng 100 em sẽ trả lời “Không”.

Thật ra, không có Mỹ các cô gái thanh niên xung phong đó cũng có thể chết. Nếu không chết tại Ngã Ba Đồng Lộc rồi cũng một ngã ba khác, một con đường khác, một thôn làng Việt Nam khác. Mười phần trăm dân số Việt Nam đã chết để tham vọng CS hóa Việt Nam của lãnh đạo CSVN và Quốc Tế được hoàn thành.

Số phận Việt Nam vốn đã nằm trong sinh tử lịnh của Mao và các lãnh đạo Trung Cộng không chỉ trước Điện Biên Phủ, sau hiệp Geneve, hiệp định Paris, biến cố Hoàng Sa, Trường Sa mà ngay từ khi đảng CSVN còn đang thai nghén trong nhận thức của Hồ Chí Minh.

Đường lối chiến tranh của Mao trong bài phát biểu tại Diên An: “Nhiệm vụ trung tâm và hình thức cao nhất của cách mạng là chiếm lấy quyền lực xuyên qua đấu tranh võ trang và giải quyết xung đột bằng chiến tranh. Đây là nguyên tắc cách mạng của chủ nghĩa Mác Lê-nin, và phải được thực hiện một cách toàn diện tại Trung Quốc và toàn thế thế giới”.

Đường lối đó chi phối toàn bộ chính sách của đảng CSVN. Quan hệ giữa hai đảng CS có khi nắng khi mưa, khi ấm khi lạnh nhưng đường lối đó chưa hề thay đổi.

Đáp ứng lời yêu cầu của Hồ Chí Minh trong chuyến thăm viếng Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ từ ngày 22 tháng 6 đến 22 tháng 7 năm 1955, các đảng CS đó đã bắt đầu gởi súng đạn ồ ạt đến miền Bắc Việt Nam. Tổng số viện trợ quân sự Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác giúp cho Hà Nội là 2 triệu 362 ngàn 581 tấn, trong đó bao gồm một danh sách dài của các loại vũ khí, từ 3 triệu 600 ngàn khẩu súng cá nhân cho đến 458 máy bay chiến đấu và hàng vạn đại pháo, hỏa tiễn nhiều loại.

Tài liệu đó không phải được trích dẫn từ các “thế lực thù địch” hay “thành phần phản động” nào mà là tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Hà Nội.

Trong tác phẩm Trung Quốc lâm chiến: Một bộ bách khoa (China at War: An Encyclopedia) tác giả Xiaobing Li liệt kê các đóng góp cụ thể của 320 ngàn quân Trung Cộng trong chiến tranh Việt Nam:

“Mặc dù đang mạnh dần, Trung Quốc vẫn lo ngại sự hiện diện ngày càng mở rộng của Mỹ tại Đông Nam Á. Trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn năm 1964 đến năm 1973, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã can thiệp một lần nữa. Tháng Bảy năm 1965, Trung Quốc bắt đầu đưa quân vào Bắc Việt, bao gồm các đơn vị hỏa tiễn địa-không (SAM), phòng không, làm đường rầy xe lửa, công binh, vét mìn, hậu cần. Quân đội Trung Quốc điều khiển các giàn hỏa tiễn phòng không, chỉ huy các đơn vị SAM, xây dựng và sửa chữa đường sá, cầu cống, đường xe lửa, nhà máy. Sự tham gia của Trung Quốc giúp cho Việt Nam có điều kiện gởi thêm nhiều đơn vị Bắc Việt vào Nam đánh Mỹ. Giữa năm 1965 và năm 1968, Trung Quốc gởi sang Bắc Việt 23 sư đoàn, gồm 95 trung đoàn, tổng số lên đến 320 ngàn quân. Vào cao điểm năm 1967, có 170,000 quân Trung Quốc hiện diện”.

Từ năm 1955 và nhất là từ 1959, khi giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở đường Trường Sơn “giải phóng miền Nam bằng phương tiện võ lực”, số lượng cố vấn Mỹ tại miền Nam cũng chỉ là những nhóm nhỏ và tập trung vào việc bảo vệ và xây dựng căn nhà dân chủ vừa được dựng lên.

Hơn bao giờ hết, các nền dân chủ non trẻ tại Á Châu cần sự giúp đỡ của thế giới tự do. Cũng vào thời điểm đó, các nước Cộng Hòa ở châu Á như Mã Lai, Nam Hàn, Singapore, Đài Loan đang vượt qua quá khứ thực dân hay chiến tranh Quốc Cộng để vươn lên cùng nhân loại. Trên cánh đồng miền Tây nước Việt, trên bến cảng Singapore, trong nhà máy ở thủ đô Seoul, những con người với niềm hy vọng mới đang hăng hái dựng lại căn nhà mới.

Niềm hy vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam vừa lóe lên đã vụt tắt vì đảng CSVN quyết định chiếm Việt Nam Cộng Hòa dù phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”.

Người bình thường chỉ biết nhìn một biến cố từ hậu quả nhưng người có ý thức phải hiểu tận nguyên nhân, bởi vì mọi việc xảy ra trên đời, mọi sự vật có mặt trên đời đều có nguyên nhân.

Cả 32 em học sinh trường tiểu học Cai Lậy, Định Tường và 10 người chị Việt Nam của các em chết ở Ngã Ba Đồng Lộc chỉ chết vì một nguyên nhân: Tham vọng CS hóa toàn cõi Việt Nam của lãnh đạo CSVN và CS Quốc Tế.

Dù có Mỹ hay không có Mỹ, dù bằng phương tiện hòa bình hay khủng bố thì chủ nghĩa cộng sản độc tài chuyên chính vẫn phải được thiết lập trên toàn cõi Việt Nam. Mục tiêu đó đã được đóng khung tô màu từ trong đề cương thành lập đảng CSVN 1930.

Do đó, không ai khác mà chính các lãnh đạo CSVN và CS Quốc Tế đích thực là thủ phạm đã giết 2.5 triệu dân Việt Nam trên hai miền Nam Bắc trong đó có 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc và 32 em học sinh tiểu học Cai Lậy, Định Tường.

Giờ phút này, tôi tin rằng, trong căn phòng nhỏ ở Virginia, trong căn gác hẹp ở Paris, Santa Ana, Sydney, Berlin… bên những ngọn đèn heo hút ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, hàng ngàn người Việt Nam quan tâm đến tiền đồ dân tộc vẫn còn canh cánh bên lòng một câu hỏi chưa tìm được cách trả lời trọn vẹn “Tại sao sau 40 năm CSVN vẫn còn tồn tại?”

Bởi vì dân tộc ta yếu hèn, phân hóa?
Bởi vì đảng CSVN còn quá mạnh?
Bởi vì cả hai lý do trên?

Thật ra, dân tộc ta không yếu hèn và đảng CS cũng không quá mạnh, nhưng chính vì các thành phần có khả năng thúc đẩy sự chuyển hóa xã hội không có một nhận thức và tầm nhìn đúng về bản chất của cuộc chiến Việt Nam.

Sau 40 năm, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam vì bị tẩy não nên chưa nhận ra hay chỉ vì bàn tay dính máu đồng bào nên không đủ can đảm thừa nhận nguồn gốc sâu xa của cuộc chiến.

Không hiểu đúng tại sao chủ nghĩa CS đến Việt Nam sẽ không có một cách thích hợp để đẩy chủ nghĩa CS ra khỏi Việt Nam. Và tương tự, không hiểu đúng quá khứ sẽ không có hành động đúng vì tương lai đất nước.

Nỗi đau của dân tộc Việt Nam sẽ không dứt nếu không biết tại sao đau.

Trần Trung Đạo

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay