Dân ta nhớ sử nước ta

Dân ta nhớ sử nước ta

Hoàng Khải Thụ

13-2-2017

Ngày 17/02/1979 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gây chiến xâm lược biên giới Việt Nam

Ngày 19/12/2012 đại tá Trần Đăng Thanh, Phó giáo sư Tiến sĩ Nhà giáo ưu tú của Học viện chính trị Bộ quốc phòng giảng về Biển Đông cho các vị lãnh đạo các trường đại học Việt Nam, gồm các Bí thư đảng ủy, các Hiệu trưởng, đã nói một đoạn như sau: “trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, trên dưới hai chục lần các triều đại phong kiến Trung Quốc đã từng xâm lược Việt Nam. Từ nhà Tùy, nhà Đường, từ đại Tống, đại Minh, đại Nguyên, đại Thanh, đại đại gì đi chăng nữa thì đều bị Đại Việt ‘đánh cho nó chích luân bất phản, cho phiến giáp bất hoàn’ … đánh cho phải chui ống đồng trốn chạy về nước. Đó là điều rõ ràng chúng ta có quyền tự hào dân tộc của chúng ta. Hơi buồn cái là sinh viên thanh niên chúng ta hiện nay không biết lịch sử”.

Để tránh lặp lại nỗi buồn đó, bài tóm tắt ngắn gọn dưới đây sẽ giúp sinh viên thanh niên học sinh dễ nhớ một sự kiện lớn trong lịch sử hiện đại của nước ta đã xảy ra năm 1979.

Ngày bắt đầu và ngày kết thúc cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979:

Ngày Trung Quốc bắt đầu gây ra cuộc chiến: 17/02/1979

– Vùng chiến sự: Toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam, bao gồm 6 tỉnh Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu.

-Ngày Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước: 05/03/1979

– Ngày Trung Quốc rút hết quân về nước: 16/03/1979

Những sự kiện lớn xảy ra trước ngày bắt đầu cuộc chiến:

– Ngày 03 /11/1978: Liên Xô và Việt Nam ký Hiệp định hợp tác

– Ngày 07/12/1978: Ủy ban quân sự trung ương Trung Quốc quyết định mở cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979.

– Tháng 12/1978: Đặng Tiểu Bình tuyên bố trên Đài truyền hình Trung Quốc “ Phải dạy cho Việt Nam một bài học “.

– Ngày 22/12/1978: Trung Quốc cắt đứt đường xe lửa liên vận đến Việt Nam.

– Tháng 01/1979: Trung Quốc cắt đứt đường bay Bắc Kinh – Hanoi

– Cũng trong tháng 01/1979: Đặng Tiểu Bình hoàn thành chuyến công du sang Mỹ.

Lực lượng tham chiến của mỗi bên:

Trung Quốc:

Huy động lực lượng của 2 quân khu là Đại quân khu Quảng Châu do tướng Hứa Thế Hữu làm Tư lệnh, có Bộ chỉ huy quân khu đóng ở thành phố Nam Ninh tỉnh Quảng Tây và Đại quân khu Côn Minh do tướng Dương Đức Chí làm Tư lệnh, có Bộ chỉ huy quân khu đóng ở thành phố Mông Tự tỉnh Vân Nam.

Tổng số các đơn vị tham chiến gồm 32 sư đoàn bộ binh, thuộc 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn pháo binh. Tổng số quân và binh khí kỹ thuật khoảng 300.000 người, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1260 súng cối và dàn phóng tên lửa. Ngoài ra trong lực lượng dự bị có 200 tàu chiến cỡ vừa và nhỏ của Hạm đội Nam Hải, 1700 máy bay chiến đấu MIG nhằm phòng ngừa đối phó nếu quân Liên Xô can thiệp.

Việt Nam:

Trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy là ông Lê Duẩn và tướng Văn Tiến Dũng. Lực lượng gồm 1 số sư đoàn của quân khu 1, quân khu 2 và 1 số đơn vị quân địa phương. Các sư đoàn tham chiến gồm sư đoàn 3, sư đoàn 316 A, sư đoàn 346, sư đoàn 325B, sư đoàn 345, sư đoàn 326, sư đoàn 346. Hầu hết các sư đoàn chủ lực thiện chiến còn đang ở chiến trường Tây Nam. Các lực lượng quân sự độc lập tham chiến có các trung đoàn bộ binh số 141, 147, 148, 197, trung đoàn pháo binh số 68. Các trung đoàn quân địa phương tham chiến có trung đoàn số 95, 121, 254, 741. Tổng số quân tham chiến khoảng 70.000 người. Cuộc chiến nổ ra ít lâu thì có quân tăng viện của sư đoàn 327 và sư đoàn 337. Ngày 27/02/1979 quân đoàn 2 được lệnh triển khai trên hướng Lạng Sơn thì Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.

Diễn biến cuộc chiến:

Chiến tranh bắt đầu vào 5 giờ sáng 17/02/1979. Trung Quốc bắt đầu tấn công trên toàn tuyến bằng bộ binh, xe tăng, pháo binh, kết hợp với “ đội quân thứ 5 “ là người Việt gốc Hoa làm chỉ điểm và phá hoại, cản đường tiến quân của quân Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu quân sự của Trung Quốc là Zhang Xiaming, đăng trên tạp chí nghiên cứu quốc tế 17/02/2016, trước khi nổ ra cuộc chiến này, phần lớn sĩ quan Trung Quốc từ cấp tiểu đoàn trở xuống còn phân vân liệu có đánh thắng được quân đội Việt Nam hay không, vì đó là đối thủ đã vừa đọ súng với quân viễn chinh Mỹ. Trong suốt 30 năm nay quân Trung Quốc chưa từng đánh một cuộc chiến tranh nào. Quân được trang bị kém. Cách luyện quân đã lạc hậu. Cuộc đại cách mạng văn hóa 10 năm đã làm cho tinh thần quân đội sa sút nghiêm trọng. Sĩ quan cao cấp đều là tướng của Mao. Cách đánh của họ vẫn là các nguyên tắc chiến thuật của Mao, ra đời từ thập kỷ 1930-1940. Họ chỉ có kinh nghiệm chiến tranh du kích thời kháng Nhật trước năm 1945, kinh nghiệm chiến tranh với quân Quốc dân đảng trước năm 1949 và kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, chưa có kinh nghiệm thực chiến trong chiến tranh hiện đại.

Ngay từ ngày bắt đầu cuộc chiến, quân Trung Quốc đã gặp phải sức kháng cự rất mạnh của quân địa phương Việt Nam nên tốc độ tiến quân rất chậm.

Chiến sự đã diễn ra 2 giai đoạn:

Trong giai đoạn 1, cánh quân phía đông của tướng Trung Quốc Hứa Thế Hữu chia làm 3 mũi đánh vào Lạng Sơn, Đông Khê Cao Bằng và Móng Cái. Cánh quân phía tây của tướng Dương Đắc Chí chia làm 3 mũi đánh vào Lào Cai, Hà Giang và Lai Châu. Trong ngày 18 và 19/02/1979 đã xảy ra những cuộc chiếc ác liệt nhất

Sau 1 tháng giao chiến, ngày 16/3/1979 quân Trung Quốc rút về nước. Cả 2 bên đều tuyên bố là mình chiến thắng.

Việt Nam tuyên bố đã đuổi hết quân xâm lược Trung Quốc ra khỏi biên giới còn Trung Quốc thì tuyên bố đã dạy cho Việt Nam một bài học.

Thương vong và thiệt hại của mỗi bên:

Phía Trung Quốc:

Theo nguồn tin của Việt Nam, sĩ quan và binh lính Trung Quốc chết 26.000 người, bị thương 37.000 người, 280 xe tăng bị phá hủy.

Theo Trung Quốc công bố, số binh sĩ Trung Quốc chết là 8.531 người, bị thương 21.000 người

Theo nguồn tin của Phương Tây, số binh sĩ Trung Quốc chết là 13.000 người

Phía Việt Nam:

Theo nguồn tin của Trung Quốc, số sĩ quan và binh sĩ Việt Nam chết là 30.000 người

Theo nguồn tin của Phương Tây, số binh sĩ Việt Nam chết là 8000 người

Phía Việt Nam công bố 10.000 thường dân Việt Nam bị quân Trung Quốc giết chết. Các thị xã và thị trấn nằm trong vùng chiến sự đều bị quân Trung Quốc hủy diệt, phá từng cây cột điện. Tại 2 tỉnh Cao Bằng và Lào Cai, 320/320 xã và 81 xí nghiệp, hầm mỏ bị phá hoại.

Trong bài phóng sự về cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979, đăng trên báo Saigon tiếp thị, nhà báo Huy Đức kể lại: Chỉ tính riêng tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, vào ngày 9/3/1979, trước khi rút về nước, quân Trung Quốc đã giết 43 người dân thôn này, trong đó có 14 phụ nữ, 7 người đang mang thai và 20 trẻ em. Tất cả đều bị họ giết bằng dao như quân Pôn Pốt đã làm ở Cam Pu Chia. 10 người bị ném xuống giếng. 30 người bị chặt xác ra từng khúc rồi vứt xuống bờ suối.

Trung Quốc gây ra cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979 thực sự nhằm mục đích gì?

Mục đích thực sự của Trung Quốc gây ra cuộc chiến, do Trung tướng chính ủy Đại học quốc phòng Trung Quốc Lưu Á Châu (nay là Thượng tướng, quân hàm cao nhất của quân đội Trung Quốc) nói  công khai trong bài phát biểu của ông ta tại căn cứ không quân Côn Minh tỉnh Vân nam, đăng trên tạp chí nghiên cứu quốc tế ngày 18/02/2016 như sau:

Năm 1978 Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền. Sau khi sang thăm Mỹ vào đầu năm 1979, tháng 02/1979 ông phát động đánh Việt Nam. Về chính trị, cuộc chiến này không thể không đánh. Cuộc chiến với Việt Nam của Đặng Tiểu Bình thực sự đã đưa Trung Quốc ra khỏi cái phe xã hội chủ nghĩa. Ông dùng chiến tranh để vạch rõ ranh giới Trung Quốc với các nước xã hội chủ nghĩa. Cuộc chiến này vì chính chúng ta, vì cải cách mở cửa của Trung Quốc. Trung Quốc không thể cải cách mở cửa mà không có viện trợ của các nước Phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Nhờ cuộc chiến này, Mỹ đã ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học công nghệ và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc. Cuộc chiến với Việt Nam năm 1979 đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn viện trợ về thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố đó mà Trung Quốc đứng vững được sau khi Liên Xô sụp đổ. Thậm chí có thể nói bước đầu tiên của cải cách mở cửa của Trung Quốc chính là từ cuộc chiến tranh này” (*).

Ảnh chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979

h1Bản đồ các mũi tiến công của quân Trung Quốc trong chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay