TÒA ÁN PHẢI LÀ NƠI CẬY NHỜ CỦA NGƯỜI DÂN

TÒA ÁN PHẢI LÀ NƠI CẬY NHỜ CỦA NGƯỜI DÂN

FB Luân Lê

7-2-2017

h1

Vì như đã nhận định rất rõ ràng ở trên nên chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của luật pháp đối với một quốc gia là như thế nào.

Vậy làm thế nào để chính phủ có thể tuân thủ luật pháp, và khi có ai đó vi phạm pháp luật hoặc có tranh chấp, xung đột quyền lợi với nhau thì làm thế nào để phân xử cho các bên đều thấy được quyền lợi cùa mình được bảo đảm một cách công bằng?

Để đảm bảo được người dân cũng như chính phủ tuân thủ luật pháp và bất kỳ ai nếu có vi phạm cũng sẽ bị nghiêm trị, thì buộc lòng phải có một hệ thống tòa án độc lập với chính phủ (hoặc bất kỳ đảng phái, hội đoàn nào khác), chỉ thượng tôn pháp luật để người dân cạy nhờ tới mà phân xử khi thấy chính phủ hoặc một ai khác vi phạm pháp luật.

Tòa án là cơ quan duy nhất có khả năng và thẩm quyền để phân xử giúp người dân khi có yêu cầu về việc nghiêm trị các hành vi vi phạm pháp luật của cả chính phủ lẫn người dân.

Thế nên, để mọi hành xử trong đời sống xã hội đảm bảo sẽ đều phải tuân thủ theo luật pháp, thì chúng ta phải dựa vào tòa án để mà phân xử chứ không thể ngồi mà cãi vã hay thỏa hiệp với nhau một cách trái luật pháp nhằm dàn xếp các vi phạm của mình.

Và vì tòa án là nơi đại diện phân xử theo luật pháp, đảm bảo lẽ công bằng trong cuộc sống, thế nên tòa án phải làm đúng bổn phận của mình để giải quyết các khúc mắc của người dân về các khiếu kiện, tố cáo đề nghị trừng phạt các vi phạm của cả người dân lẫn các viên chức chính phủ. Nếu toà án thiên vị hoặc bị chi phối bởi chính phủ, bởi một ai đó, đảng phái, hội đoàn nào đó thì có nghĩa là tòa án đã không còn tuân thủ pháp luật mà trở thành công cụ của chính quyền. Vậy thì sẽ dẫn đến sự lạm quyền của chính phủ, của người điều hành đất nước, từ đó sẽ dẫn đến loạn lạc và người dân tự hành xử bất chấp luật pháp với nhau, đồng thời sinh ra tâm lý phản kháng cũng như chống đối lại pháp luật. Điều này thật nguy hiểm cho một quốc gia.

Vậy khi chúng ta cần đến tòa án mà không hiểu pháp luật thì chúng ta phải làm gì?

Đó là tìm đến luật sư cùng báo chí để lên tiếng và bảo vệ cũng như lên tiếng hỗ trợ bạn, giúp bạn có những sự tư vấn đúng đắn nhằm đảm bảo việc bạn thực hiện các yêu cầu của mình được tuân thủ đúng các quy định của pháp luật dành cho một người có yêu cầu mà đệ đơn lên tòa án giải quyết.

Thế nên, có vấn đề gì thì người dân cần nắm rõ điều này để mà giải quyết các yêu cầu của mình, chứ không nên xuê xoa bỏ qua các hành vi vi phạm pháp luật của người khác hoặc vì thiếu hiểu biết mà không bao giờ bước chân đến tòa án để giải quyết các yêu cầu của mình.

Một đất nước văn minh thì phải thượng tôn luật pháp, muốn thượng tôn luật pháp thì phải nhờ cạy đến tòa án mà phân xử. Nếu tòa án không phân xử được thì kiên trì khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc gửi các yêu cầu đến quốc hội để họp bàn giải quyết.

————–
QUỐC HỘI CHÍNH LÀ TIẾNG NÓI CỦA DÂN CHÚNG
“Chính phủ nào làm ngu dân mình đi là làm suy yếu chính mình. Chính phủ nào không biết sử dụng sức mạnh và trí tuệ của dân là tạo thêm sự cô lập cho chính mình. Chính phủ nào không biết lắng nghe dân thì nghĩa là nó không còn vì dân nữa”.

Vì quốc hội là nơi tập trung những người đại diện cho người dân của một quốc gia thông qua bầu cử công khai và trực tiếp, bởi vậy quốc hội chỉ có trách nhiệm lắng nghe tiếng nói của người dân, tiếp nhận và phản ánh, trao đổi và biến nó thành luật pháp để mà thực thi ý nguyện của nhân dân.

Thế nên nếu quốc hội không nghe tiếng nói của dân, không đại diện cho dân thì quốc hội đó đã không còn là của người dân một nước nữa. Người dân chỉ có thể cử ra các đại biểu là chính trị gia đại diện cho mình ở cơ quan lập pháp này khi và chỉ khi người dân được cầm lá phiếu bầu ra người mà do chính mình đề cử hoặc được lựa chọn công khai thông qua tranh luận trước bàn dân thiên hạ, chứ không thông qua một tổ chức nào chọn sẵn rồi người dân chỉ biết bầu theo các danh sách có sẵn trên giấy đó.

Quốc hội phải là đại biểu của người dân. Nên không thể để tồn tại tình trạng ngăn cấm người dân tiếp cận và kiến nghị tới các đại biểu, hoặc tiếp nhận rồi mà lại không được nói đúng với ý nguyện của người dân khẩn cầu tại các cuộc họp. Nếu thế thì quả thực là nguy hiểm và tiếng nói người dân đã bị vô hiệu hóa. Như vậy nghĩa là người dân đã không còn vị thế làm chủ của một quốc gia nữa.

Để không diễn ra tình trạng nêu trên, chúng ta phải thường xuyên yêu cầu các chính trị gia là đại biểu đại diện cho mình phải tiếp xúc, trao đổi với người dân, phải kiến nghị và trình bày đến nơi đến chốn các khuyến nghị của người dân mà chuyển biến chúng thành luật pháp hoặc các chính sách thiết thực trong cuộc sống. Có thế mới đảm bảo được tiếng nói người dân mới có giá trị và là vị thế người chủ của một quốc gia.

Trích: MỘT NGƯỜI QUỐC DÂN

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay