Con chim biết cất tiếng hót…

Con chim biết cất tiếng hót…

FB Bạch Hoàn

25-1-2017

Nợ công VN tăng tới 94,8 tỉ, mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoản nợ khoảng 23 triệu đồng. Ảnh:

Các nhà làm luật đang bàn về việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công trong bối cảnh người đứng đầu Chính phủ có nhiều lo lắng nếu tính đúng, tính đủ, nợ công đã vượt trần. Thực tế trong 15 năm qua, nợ công của VN đã tăng 14,8 lần.

Nhiều năm trở lại đây, mỗi năm Chính phủ lại phải vay và bảo lãnh vay nợ thêm vài trăm ngàn tỉ đồng. Làm ra thì ít mà ăn tiêu lại quá nhiều. Thế nên điều hành kinh tế phải giật gấu vá vai, vay nợ mới để trả nợ cũ, vay nợ để chi tiêu…

Ninh Thuận là tỉnh năm nào cũng trong tình trạng ngân sách thu không bù chi. Nhiều lý do giải thích cho sự túng thiếu ấy. Nhưng tôi nghĩ rằng, có phần vì người ta vẫn tỉnh bơ khi một tay ngửa ra xin tiền Trung ương, còn tay kia lại không chút ngần ngại ký xin cho doanh nghiệp những ưu ái sẽ lấy mất nguồn thu của chính địa phương họ.

Ngân sách bị bòn rút, thất thoát từ những dự án người ta vẫn dùng đại ngôn để nói về nó mỗi khi mở miệng. Như dự án thép Cà Ná sẽ tạo nền tảng cho ngành công nghiệp nặng, thúc đẩy sự phát triển cho cả nền kinh tế. Nhà nước bỏ ra vô số nguồn lực để hỗ trợ, nhưng địa phương lại để chủ đầu tư có thể được nuốt trọn tiền thuê đất mà lẽ ra nó phải được nộp vào ngân sách. Thu không bù chi từ đây chứ đâu? Đất nước nghèo là vì đây, chứ vì đâu?

Còn bao nhiêu dự án như Cà Ná Hoa Sen, như Formosa trên đất nước này? Còn bao nhiêu địa phương như Ninh Thuận, như Hà Tĩnh ở đất nước này? Chắc tôi không cần trả lời khi mọi thứ vẫn ngổn ngang trước mắt.

Trách nhiệm của người làm quản lý nhà nước, các anh chị và tôi đã nói quá nhiều lần. Nhưng đôi khi tôi thắc mắc, đã bao giờ mọi người tự hỏi về trách nhiệm của mình?

Tôi không dám bình luận về quan điểm của mọi người trước các vấn đề xã hội, mà chỉ kể một câu chuyện. Chừng một tháng trước, có một số doanh nhân và rất nhiều facebooker đã tỏ thái độ không hài lòng, thậm chí phê phán Vntrip.vn chỉ vì doanh nghiệp non trẻ này đã không im lặng giống họ. Nhưng khi tìm hiểu, tôi lại thấy cần nhiều hơn những người như ông Lê Đắc Lâm, CEO của Vntrip.vn – Startup về đặt phòng khách sạn. Ông Lâm đã tố cáo một doanh nghiệp nước ngoài là Agoda, vì cho rằng doanh nghiệp này có dấu hiệu trốn thuế tại VN.

Tôi biết, sẽ nhiều người nghi ngờ hành động của ông Lâm và Vntrip.vn là để cạnh tranh. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài khai thác thị trường VN, tạo ra doanh thu từ VN, mà lại không chịu đóng thuế. Thế nên, dù bất cứ lý do nào, thì hành động thông báo cho Bộ Tài chính của Vntrip.vn vẫn cần được ghi nhận. Nếu họ không làm vậy, nhiều công ty nước ngoài đang khai thác dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến ở VN sẽ chẳng phải đóng góp đồng thuế nào.

Trong khi thực tế cơ quan chức năng đã có phản hồi tích cực. Cách đây vài ngày, Bộ Tài chính ra văn bản hướng dẫn và đề nghị các cục thuế địa phương đôn đốc thực hiện kê khai để thu thuế các đối tượng trên. Chỉ riêng với Agoda, ông Lê Đắc Lâm tính toán, số thuế thu về có thể sẽ chẳng kém những siêu dự án thép.

Kể câu chuyện này vì tôi thấy xung quanh mình đang định kiến với cả những hành động mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Chúng ta bức xúc trước dự định thu 8.000 đồng thuế môi trường/lít xăng theo phương án Bộ Tài chính đang đề xuất, nhưng chúng ta lại không dám vạch mặt chỉ tên những kẻ trốn thuế, né tránh những đối tượng bòn rút ngân sách thì cuối cùng thuế vẫn thu cao mà nền kinh tế còn tiếp tục khốn khó.

Tất nhiên, không phải sự lên tiếng nào cũng được lắng nghe, niềm mong mỏi cũng được đáp ứng như trường hợp Bộ Tài chính đón nhận ý kiến về dấu hiệu trốn thuế của Agoda. Có những trường hợp thuộc thẩm quyền cao hơn, như ở dự án thép Hoa Sen Cà Ná, người quyết định là Thủ tướng Chính phủ.

Tôi hi vọng rằng, là người đã khẳng định sẽ trân trọng từng đồng thuế của dân, nếu biết những người thừa hành vì lý do nào đó đã im lặng để doanh nghiệp trục lợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ biết cần phải làm gì. Bởi hơn ai hết, ông biết ở Hà Nội dự kiến xây đại lộ danh vọng nhưng ở nhiều nơi khác, lòng dân có thể sẽ hoá những đồng cỏ khô.

Hôm qua, khi viết về chiêu lách tiền thuê đất ở dự án thép Cà Ná, tôi vẫn cố nghĩ còn sống là còn hy vọng. Vì nếu không hi vọng cũng chẳng biết phải làm sao.

Điều quan trọng là phải nói cho người có trách nhiệm biết người dân chúng tôi đang biết những gì, đang mong muốn điều gì. Không có nỗ lực nào thừa thãi. Con chim còn biết cất tiếng hót, cớ sao làm người lại im lặng?

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay