FIDEL: SỐNG ‘HIẾN DÂNG MÁU’, CHẾT ĐỂ LẠI GÌ CHO VIỆT NAM?

FIDEL: SỐNG ‘HIẾN DÂNG MÁU’, CHẾT ĐỂ LẠI GÌ CHO VIỆT NAM?

FB Nguyễn Anh Tuấn

27-11-2016

Ảnh tư liệu, Fidel Castro và Phạm Văn Đồng. Nguồn: internet

2003, Fidel thăm Việt Nam, người Việt, vì chỉ có báo đài Nhà nước, chỉ thấy một Fidel anh hùng giải phóng dân tộc, hào hoa lãng tử, và nặng tình nặng nghĩa với Việt Nam.

2016, Fidel chết, người Việt, nhờ có Internet và mạng xã hội, lại thấy thêm nhiều Fidel khác.

Một Fidel tham quyền cố vị, nắm quyền suốt 47 năm, và trong thời gian đó đã bắt bớ đối lập, ràng buộc dư luận, khống chế các quyền tự do cơ bản của người dân, đi ngược lại các nguyên tắc nhân quyền phổ quát được cộng đồng quốc tế công nhận.

Một Fidel xa hoa phóng đãng, sống giàu sang phú quý trên cảnh thiếu thốn của phần đông dân chúng, Fidel đó cũng thất bại trong tư cách một lãnh đạo quốc gia trong việc đem đến sự thịnh vượng cho đất nước.

Một Fidel ủng hộ quyết liệt chủ nghĩa cộng sản, do đó, phát ngôn ‘Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình’ nên được hiểu là thế lực cộng sản Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình để giúp đỡ thế lực cộng sản Việt Nam nắm quyền trên toàn bộ quốc gia, trong tình hữu ái mác-xít dựa trên ý thức hệ không hơn không kém.

Chọn Fidel nào tùy vào góc nhìn, và đôi khi còn là vào niềm tin của mỗi người.

Riêng tôi, tôi chọn cái không gian tự do đã mang tới rất nhiều cách nhìn khác nhau về Fidel (và nhiều người khác nữa) – điều đang khiến người Việt trở nên rất khác so với chính họ hơn 10 năm về trước trong những sinh hoạt tâm tưởng, theo một chiều hướng rõ ràng là tích cực hơn.

Từ lúc này, người Việt, hay ít nhất là một tỷ lệ tuyệt đối đa số của họ, chẳng thể nào còn suy nghĩ chỉ theo một lối, vì bị dắt đi bởi chỉ một nguồn phát tin được nữa. Những thần tượng chính trị cũng vì đó mà sụp đổ theo, từng phần từng phần một.

Nhìn từ đó, cái chết của Fidel mang ý nghĩa kiểm chứng, cho một câu hỏi không kém phần quan trọng:

“Liệu người Việt còn có thể sùng bái cá nhân chính trị, như họ đã từng, nữa hay không?”

– Không. Đến như Fidel chết đi mà còn bị đánh giá thế kia cơ mà, huống gì lãnh đạo kiểu đồng chí X nhà ta.

Câu hỏi trên quan trong bởi lẽ một khi những tượng đài vỡ toạc sẽ mở ra một chương mới lành mạnh hơn trong mối quan hệ giữa người dân với quyền lực chính trị, trong đó quyền lực chính trị không còn là ông chủ của nhân dân được nữa, mà phải trở về đúng với vai trò công cụ của nó.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay