ĐÔI NÉT VỀ BLOGGER NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH

 ĐÔI NÉT VỀ BLOGGER NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH

FB Phạm Thanh Nghiên

(Chân dung Nguyễn Ngọc Như Quỳnh qua nét vẽ của Nhạc sĩ Tuấn Khanh)

Chân dung Nguyễn Ngọc Như Quỳnh qua nét vẽ của Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sinh ngày 18/7/1979 tại Nha Trang trong một gia đình Công Giáo gốc miền Bắc. Năm 1953, ông ngoại Quỳnh là Nguyễn Minh Sơn đưa cả gia đình di cư vào Nam. Có một chi tiết đặc biệt mà ít người biết đến, Quỳnh là hậu duệ của vị Thánh tử đạo Anrê Phú Yên. Thánh Anrê được xem là một trong những vị quan thầy của Giáo lý viên và giới trẻ Công giáo thế giới. Ông được phong Thánh ngày 5 tháng 3 năm 2000 bởi Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hiện gia phả dòng họ còn được lưu giữ tại nhà thờ Quy Nhơn.

Quỳnh có ông nội và ông ngoại là những sĩ quan cảnh sát dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và cả hai ông đều bị bắt đi tù cải tạo sau 1975. Ông ngoại Nguyễn Minh Sơn là một cảnh sát điều tra, chịu trách nhiệm thẩm vấn những vụ án liên quan đến chính trị. Bố của Quỳnh – ông Nguyễn Ngọc Anh sinh năm 1956 và là một Thương phế binh VNCH. Giấy tờ còn ghi rõ “Binh nhì Nguyễn Ngọc Anh, số quân 76/409.342, tham gia hành quân chiến dịch Hòa Bình 23/BĐQ/2/74 và bị thương ở tọa độ ZA199.200Pleime Pleiku bởi đạn AK vào chân trái”. Sau khi Sài Gòn thất thủ, người lính biệt động Nguyễn Ngọc Anh cũng bị “lùa” đi tù cải tạo hơn một tháng.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh học chuyên ngành Anh ngữ tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM. Sau này cô làm việc trong một Công ty du lịch nước ngoài cho tới khi bị bắt.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong những Blogger nổi tiếng tại Việt Nam. Cô bắt đầu được công luận chú ý từ khoảng năm 2009 với bút danh Mẹ Nấm. Đây là thời điểm được cho là khó khăn lớn đối với các tiếng nói phản biện trong nước, nhất là sau khi một loạt những người bất đồng chính kiến bị bắt theo điều 88 vào cuối năm 2008.

Thời gian Quỳnh lăn lộn bên ngoài, tôi đang phải chống chọi với những năm tháng trong tù. Sau khi mãn án, tôi và Quỳnh cùng làm việc chung với nhau trong Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Đây không phải lần đầu tiên Quỳnh “ăn cơm tù”, cô từng bị giam giữ chín ngày với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích của nhà nước” hồi tháng 9/2009.

Nhìn khối công việc Quỳnh làm và những gì cô đã đóng góp cho cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam, tôi thực sự thán phục. Không biết cô lấy thời gian, sức lực ở đâu để vừa chăm cho con, vừa đi làm và vừa góp sức tranh đấu.

Sức khỏe Quỳnh không tốt, cô mắc bệnh máu loãng và mang trong người một khối u. Thi thoảng hai chị em đang trao đổi công việc, Quỳnh phải tạm ngừng để đi nằm hoặc đi uống thuốc. Hồi đầu năm, Quỳnh tâm sự với tôi “Em chỉ ngại một ngày nào đó, bệnh viện thông báo rằng khối u của em di căn, thì…”. Nói tới đó Quỳnh bỏ lửng, rồi lại thao thao bàn công việc như không có gì xảy ra. Trong khi đó, tôi không còn tâm trạng nào nói về công việc nữa. Những lúc như thế, Quỳnh lại chê tôi dở, hay để nỗi buồn lấn át.

Tôi hơn Quỳnh hai tuổi nhưng tôi thua xa Quỳnh về kinh nghiệm sống, hiểu biết xã hội và lòng can đảm. Tôi chỉ hơn Quỳnh về kinh nghiệm ở tù thôi, nhưng điều đó, tôi cầu mong sao Quỳnh sẽ chẳng bao giờ vượt qua tôi. Ngoài áp lực từ nhà cầm quyền, từ công việc, Quỳnh còn chịu nhiều sức ép từ những kẻ không thiện chí với cô. Đôi khi vì vô tình hoặc cố ý, người đời trao cho Quỳnh những cay đắng ngoài sức chịu đựng của một con người bình thường.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ít nói về bản thân, vì thế những gì tôi vừa chia sẻ có lẽ khiến bạn đọc ngạc nhiên. Những người yêu mến luôn bày tỏ sự mến phục và đồng cảm với một người mẹ đơn thân như Quỳnh. Nhưng cũng không ít người coi đó là cơ hội và đề tài để tấn công cô. Sự tự vệ của Quỳnh, đôi khi càng gây thêm những rắc rối khác. Không ít lần tôi đã chứng kiến những ẩn ức, tổn thương và nỗi cô đơn mà Quỳnh phải một mình gánh chịu. Nhưng ý chí và nghị lực của Quỳnh đã giúp Quỳnh không gục ngã.” Với tôi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thật sự là một phụ nữ đầy bản lĩnh. Cô cản đảm không chỉ khi đối mặt với những thử thách, mà còn dám đương đầu với mọi chỉ trích và luôn tỏ thái độ sòng phẳng trước mọi vấn đề.

Nhìn lại chặng đường bốn năm qua với những chiến dịch, phong trào mà Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã khởi xướng, không nhiều để tự hào nhưng đủ để khích lệ nhau trên chặng đường khó khăn phía trước: “Lời tuyên bố của các công dân tự do”, “Tuyên bố 258”, “Dã ngoại nhân quyền”, “Cà phê 258”, “Phong trào “Không bán nước”, “No- HD981”, “Chúng Tôi Muốn Biết”, “We Are One”. Gần đây nhất là phản đối Đường lưỡi bò và các hoạt động bảo vệ môi trường. Không quá lời khi nói rằng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong những bloggers để lại dấu ấn đậm nét nhất trong cuộc chiến chống lại tập đoàn Formosa. Ngay từ khi thảm họa môi trường xảy ra từ sáu tháng qua cho đến khi bị bắt, Quỳnh đã liên tục có những bài viết phân tích sâu sắc, góp phần gia tăng sức mạnh cho phe “lề dân” trong cuộc chiến truyền thông với “lề đảng”. Bên cạnh đó, không thể không kể đến các hoạt động đường phố mà cô và các bạn ở Nha Trang đã thực hiện.

Ngoài những việc làm cụ thể trên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã làm nhiều công việc thầm lặng khác. Một trong những “mảng” cô sốt sắng nhất là đấu tranh cho các Tù nhân lương tâm và dành mối quan tâm đặc biệt cho các nạn nhân tử vong khi “làm việc” trong các trụ sở của cơ quan công quyền.

Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bà Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Giống như mẹ tôi, bà Lan luôn là người ủng hộ tinh thần cho con gái mình trong mỗi bước đường tranh đấu. Tuổi sáu mươi của bà Lan, lẽ ra đã được nghỉ ngơi nhưng bà lại bắt đầu một chặng đường mới đầy chông gai, cơ cực. Không biết bà sẽ xoay xở ra sao để chăm cho hai đứa cháu nhỏ, một mẹ già chín mươi tuổi ốm đau bệnh tật. Và nhất là làm hậu phương cho cô con gái tù đày không biết bao giờ mới có ngày đoàn tụ. “Cô chỉ còn biết trông cậy vào Chúa thôi, cháu ạ”, lần nào nói chuyện với tôi, bà cũng nói câu ấy.

Bước chân vào nhà tù, Quỳnh để lại một khoảng trống không nhỏ trong lòng người mẹ già. Và một gánh nặng quá lớn cho chúng tôi, những anh chị em của Quỳnh.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay