Hợp tác hóa và nạn đói dưới thời Stalin

 Hợp tác hóa và nạn đói dưới thời Stalin

Nghiên cứu Quốc tế

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài báo

Tám mươi năm trước, vào mùa thu năm 1930, Joseph Stalin đã áp đặt một chính sách làm chuyển dòng chảy lịch sử và đã gây nên cái chết của hàng chục triệu người trong nhiều thập niên và ở khắp thế giới. Trong một chiến dịch “Hợp tác hóa” quy mô lớn và đầy bạo lực, ông đã đặt quyền kiểm soát nền nông nghiệp Liên Xô vào tay nhà nước.

Stalin theo đuổi chính sách hợp tác hóa mặc cho những đợt chống đối quy mô lớn sau nỗ lực áp dụng chính sách lần đầu tiên của nhà chức trách Liên Xô vào mùa xuân trước đó. Giới lãnh đạo Liên Xô đã phụ thuộc vào những đợt bắn giết và trục xuất tới các trại gulag (lao động khổ sai) nhằm chặn trước những sự chống đối. Nhưng người dân Liên Xô vẫn chống cự với số lượng lớn; những người du mục Kazakh trốn qua Trung Quốc, còn những người nông dân Ukraine thì trốn qua Ba Lan.

Vào mùa thu, những đợt bắn giết và trục xuất vẫn tiếp diễn, cùng với những cưỡng bức về kinh tế. Nông dân bị đánh thuế cho đến khi họ tham gia hợp tác xã, và các nông trường hợp tác được quyền tịch thu hạt giống cho mùa vụ tiếp theo từ tay của những người nông dân độc lập.

Khi nền nông nghiệp Liên Xô đã hoàn toàn bị hợp tác hóa thì nạn đói cũng bắt đầu. Bằng cách tước đoạt ruộng đất của nông dân và biến họ trên thực tế trở thành nhân viên nhà nước, các hợp tác xã nông nghiệp cho phép Moskva quản lý cả con người lẫn những sản phẩm của họ.

Nhưng sự kiểm soát không giúp tạo nên hiệu quả. Việc biến những người du mục Trung Á thành những người nông dân làm việc hiệu quả chỉ trong thời gian một mùa vụ là điều bất khả thi. Bắt đầu từ năm 1930, khoảng 1,3 triệu người ở Kazakhstan đã chết đói khi lượng thu hoạch ít ỏi của họ bị trưng thu theo chỉ định của trung ương.

Ukraine bị mất mùa vào năm 1931. Có nhiều lý do dẫn đến mất mùa, bao gồm thời tiết xấu, côn trùng gây hại, thiếu sức kéo động vật sau khi những người nông dân giết hết gia súc để tránh bị mất vào tay hợp tác xã, thiếu máy cày, những đợt bắn giết và trục xuất những nông dân giỏi nhất, và những gián đoạn về cày cấy và thu hoạch bởi quá trình hợp tác hóa.

“Làm sao mà chúng tôi có thể xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa,” một người nông dân Ukraine hỏi, “nếu  tất cả chúng ta đều  sẽ chết đói?” Bây giờ chúng ta biết, sau 20 năm tìm hiểu các tài liệu của Liên Xô, rằng vào năm 1932 Stalin đã cố tình biến đổi nạn đói do hợp tác xã thành một chiến dịch cố tình bỏ đói mang động cơ chính trị. Stalin mô tả sự mất mùa như một dấu hiệu phản kháng của người Ukraine, và điều này yêu cầu Liên Xô phải mạnh tay chứ không được nhân nhượng.

Khi nạn đói bắt đầu lan rộng vào mùa hè năm đó, Stalin giải thích một cách rõ ràng hơn, rằng nạn đói là do phá hoại, các nhà hoạt động cộng sản địa phương là những kẻ phá hoại, được bảo vệ bởi giới chức cấp cao hơn ở khu vực, và tất cả đều  ăn tiền của những điệp viên nước ngoài. Vào mùa thu năm 1932, điện Kremlin ra một loạt những nghị định với hậu quả đảm bảo khiến nhiều người chết. Một trong những nghị định trên cắt đứt toàn bộ hàng tiếp tế cho những cộng đồng không đạt được mức thu hoạch ngũ cốc tối thiểu.

Cùng lúc đó, những người cộng sản chiếm đoạt tất cả những thực phẩm họ có thể tìm được, “đến từng hạt lúa nhỏ bé cuối cùng,” và vào đầu năm 1933 biên giới Ukraine bị đóng lại, để ngăn cản những người đang dần chết đói tìm kiếm sự trợ giúp. Những nông dân chết dần chết mòn phải thu hoạch vụ xuân dưới họng súng của các tháp canh.

Hơn 5 triệu người chết đói hoặc chết vì những căn bệnh có liên quan đến đói khát ở Liên Xô vào đầu thập niên 1930, trong đó 3,3 triệu người chết  ở Ukraine, và trong con số đó 3 triệu người có thể đã sống sót nếu Stalin đơn thuần chỉ tạm ngưng thu mua và xuất khẩu trong vài tháng và cho phép người dân được tiếp cận các nguồn cung cấp lúa mì.

Những sự kiện này vẫn là trọng tâm của chính trị Đông Âu cho đến ngày hôm nay. Mỗi tháng 11, người Ukraine tưởng niệm những nạn nhân của năm 1933. Nhưng Viktor Yanukovych, tổng thống đương nhiệm (vào thời điểm của bài viết – ND), không công nhận sự thống khổ đặc biệt của người Ukraine, như một cách đồng ý theo quan điểm lịch sử của Nga, vốn tìm cách để làm lu mờ những tác hại cụ thể của chính sách hợp tác hóa thành một thảm kịch mơ hồ đến mức không có nạn nhân và những thủ phạm cụ thể.

Rafal Lemkin, luật sư người Ba Lan gốc Do Thái, người đã lập nên khái niệm “genocide” (diệt chủng) và nghĩ ra thuật ngữ này, sẽ phản đối điều đó: ông gọi nạn đói ở Ukraine là một ví dụ điển hình về diệt chủng dưới tay Liên Xô. Như Lemkin đã biết,  khủng bố sẽ đi theo nạn đói: những người sống sót qua nạn đói và trại cải tạo trở thành những nạn nhân tiếp theo của Stalin. Cuộc đại thanh trừng vào thời kỳ 1937-1938 bắt đầu bằng một chiến dịch bắn giết nhắm phần lớn vào nông dân, cướp đi mạng sống của 386.798 người, đa phần ở Ukraine.

Hợp tác hóa có tác động lâu dài. Khi Đức Quốc xã xâm lược phía Tây Liên Xô, người Đức giữ nguyên những nông trường hợp tác xã, vì họ coi nó như là một công cụ cho phép họ điều động thực phẩm Ukraine cho những mục đích riêng của họ, và bỏ đói những ai họ muốn bỏ đói.

Sau khi Mao khởi động cuộc cách mạng của ông vào năm 1948, những người cộng sản Trung Quốc  bắt chước hình mẫu phát triển của Stalin. Điều  này có nghĩa là 30 triệu người Trung Quốc đã chết đói trong giai đoạn 1958-1961, trong một nạn đói rất giống như ở Liên Xô. Hợp tác hóa kiểu Mao cũng được tiếp theo bằng những đợt bắn giết quy mô lớn.

Thậm chí bây giờ, hợp tác xã nông nghiệp là nền tảng cho quyền lực độc đoán ở Triều Tiên, nơi mà hàng trăm ngàn người chết đói vào thập niên 1990. Và ở Belarus, nền độc tài duy nhất còn sót lại ở châu Âu, hợp tác xã nông nghiệp không bao giờ chấm dứt, và một cựu giám đốc hợp tác xã nông nghiệp, Aleksandr Lukashenko, đang đứng đầu đất nước.

Lukashenko đang tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư liên tiếp vào tháng 12/2010. Bằng cách kiểm soát đất đai, ông ta cũng kiểm soát phiếu bầu. Tám mươi năm sau chiến dịch hợp tác hóa, thế giới của Stalin vẫn còn với chúng ta.

Timothy Snyder là giáo sư lịch sử tại Đại học Yale. Cuốn sách mới nhất của ông là Bloodlands: Europe Between Hitler and Stalin.

Nguồn: Timothy Snyder, “Stalin, our contemporary”, Project Syndicate, 16/11/2010

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay