Phi Luật Tân thắng kiện, CSVN có đủ can đảm kiện Trung cộng như Phi?

Phi Luật Tân thắng kiện, CSVN có đủ can đảm kiện Trung cộng như Phi?

Vũ Ngọc Yên

12-7-2016

Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration – PCA), trụ sở tại Peace Palace ở The Hague, thủ đô Hoà Lan, là tổ chức liên chính phủ thường trực giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia thành viên bằng biện pháp trọng tài và các biện pháp hòa bình khác.

Ngày thứ ba 12.07.2016 Tòa đã công bố phán quyết vụ Phi Luật Tân (Philippines) kiện Trung Cộng về  “đường 9 đoạn” trên Biển Đông.

Tòa PCA nhìn nhận cáo trạng của Phi cáo buộc Trung Công đã chiếm cứ nhiều đảo một cách phi pháp, đồng thời Tòa đã bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Trung Cộng trên  các quấn đảo ở Biển Đông.

H1Quân dân Phi phất cờ trên đảo Pasaga (Thị Tứ )- đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam

Trong thời gian qua Trung cộng luôn tuyên bố chủ quyền  gần như trọn vẹn Biển Đông (80 %), bao gồm cả những vùng biển, hải đảo của nhiều quốc gia láng giềng trong đó có Phi Luật Tân. Nhưng nay các yêu sách chủ quyền này của Trung Cộng nêu ra đã bị năm thẩm phán trọng tài quốc tế phản bác.

Theo phán quyết, các  sự kiện lịch sử hay bản các bản đồ xưa mà Trung Cộng sử dụng làm chứng cứ để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của mình đều không có cơ sở pháp lý. Tòa cho rằng Trung Cộng không có quyền lịch sử ở lãnh hải.

Đây là một phán quyết quốc tế đầu tiên trong vụ tranh tụng. Phán quyết này có thể dẫn đến những căng thẳng mới trong vùng.

Là trục giao lưu hàng hải của nền thương mại thế giới và có nhiều tài nguyên tôm cá, dầu hỏa và khí đốt nên Biển Đông mang  ý nghĩa chiến lược rất quan trong.

H2Đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đảo hay rạn đá ngầm?

Vào năm 2013, Phi đã khiếu nại lên tòa trọng tài PCA về các cơ sở pháp lý mà Trung Quốc sử dụng để đặt ra đường lưỡi bò cũng như tuyên bố chủ quyền ở  Biển Đông.

Sau nhiều năm  thương thảo, Tòa đã công nhận sự khiếu nại của Phi Luật Tân. Trong khi đó, Trung Cộng ngay từ đầu đã khẳng định  không tham dự xét xử và sẽ không chấp thuận phán quyết.

Phán quyết về chủ quyền lãnh thổ trên các đảo,  dãi san hô, bãi cạn, đá ngầm, vùng cát bồi ở biển đông vượt quá thẩm quyền của Công Ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS)  và không liên hệ đến sự diễn giải của luật biển quốc tế. Thực tế Tòa Án Thường Trực không thể cho ra phán quyết trong các vụ tranh tụng chủ quyền lãnh thổ. Phi Luật Tân đã không đặt vấn đề chủ quyền trong đơn khiếu nại.

Trong đơn khiếu nại Phi nêu quan điểm pháp lý về các thực thể  tranh cãi (đảo, san hô, bãi sạn, rạn đá) trong vùng biển. Trung Cộng quả quyết những thực thể chiếm đóng là các đảo và dựa vào đó mà mở rộng chủ quyền lãnh hải theo UNCLOS. Phi Luật Tân ngược lại khẳng định đó chỉ là những rạn đá ngầm lúc chìm lúc nổi nên không thể căn cứ vào mà đưa ra yêu sách lãnh hải. Phi quả quyết rằng UNCLOS chưa bao giờ công nhận chủ quyền lãnh hải dựa trên đảo “nhân tạo” bao giờ. Bắc Kinh không có lý do gì để dùng chúng làm “điểm mốc” biện hộ cho đường chín khúc được.

Chính phủ Phi Luật Tân còn cho rằng một khi thủy triều xuống sẽ thấy các gò đá mà Trung Cộng cướp được của Phi  nằm trong thềm lục địa nước Phi. Vì thế xét theo UNCLOS, sự chiếm đóng của Trung Cộng trên các đảo  là phi pháp.

Việt Nam sẽ có phản ứng?

Phi Luật Tân thắng kiện. Tòa Án Quốc tế đã ủng hộ cáo trạng của nước này và bác bỏ yêu sách chủ quyền dựa trên những chứng cứ lịch sử và cách diễn giải UNCLOS  biện minh  cho “đường lưỡi bò” của Trung Cộng. Phán quyết này sẽ khích lệ nhân dân Việt Nam đòi lại quyền làm chủ trên những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Cộng đang chiếm đóng. Nhưng liệu nhà nước CHXHCN Việt Nam có can đảm hành động như chính quyền Phi Luật Tân hay không?

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay