Đổi nghề và đổi đời

Đổi nghề và đổi đời

Nguoi-viet.com

Phụ nữ Việt Nam tại một lớp học tiếng Hoa ở Đài Loan. (Hình minh họa: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Phụ nữ Việt Nam tại một lớp học tiếng Hoa ở Đài Loan. (Hình minh họa: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Tạp ghi Huy Phương

Nói chuyện ngư dân bỏ biển cũng như nói đến chuyện công nhân bỏ nhà máy và nông dân bỏ ruộng đồng. Trong một đất nước Cộng Sản mà các lực lượng công nông, thường được biểu dương là giai cấp tiên phong, không đủ đất sống phải đi làm thuê, ở mướn nước ngoài, thậm chí là kiếm tấm chồng hay bán thân nuôi miệng, thì đó là điều đáng xấu hổ cho giới cầm quyền vẫn thường rêu rao là “giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.”

Ước tính, khoảng 263,000 người bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết, trong đó có 100,000 lao động trực tiếp. Giải quyết vấn đề cá chết, biển nhiễm độc hiện nay là không thể có đủ lương thực trợ cấp cho ngư dân dài hạn, biển không biết bao giờ mới sạch để cho “con cá nó sống vì nước” trở lại. Việt Nam nhận $500 triệu và Formosa vẫn ở tại chỗ, không có gì bảo đảm là đã ngưng xả nước độc xuống biển, và cũng không ai kiểm soát được nhà máy sẽ hoạt động như thế nào trong tương lai.

Ông Doãn Mậu Diệp, thứ trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, cho biết, sau sự cố, lãnh đạo bộ đã làm việc với các tỉnh để nắm tình hình khó khăn của ngư dân bị ảnh hưởng, “lắng nghe” nguyện vọng của ngư dân.”

Tôi đặt hai tiếng “lắng nghe” trong ngoặc kép! Chính phủ đã lắng nghe nguyện vọng của ngư dân như thế nào. Đó là Formosa phải cút khỏi Việt Nam và không lấy tiền hỗ trợ của Formosa, trong khi Formosa vẫn tồn tại, đó là hành động tiếp tay cho thủ phạm thải chất độc vào môi trường.

Formosa vẫn còn đó nhưng dân phải đổi nghề và ra đi! Chính phủ Việt Nam hiện nay rõ ràng là đã chọn nhà máy thép thay vì chọn cá.

“Bộ trưởng đã thống nhất với các tỉnh về việc cần phải có một đề án tổng thể về dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động. Sẽ có chương trình đưa 3,500 ngư dân (ưu tiên cho các huyện ven biển của bốn tỉnh miền Trung) đi xuất khẩu lao động tại Nam Hàn, và có kế hoạch đưa điều dưỡng viên đi Đài Loan, Nam Hàn, và Thái Lan.

Trong cuộc đời chúng ta, những người đã bỏ nước ra đi, đã đổi nghề nhiều lần. Từ một chuyên viên, một trí thức, một ông bộ trưởng, một thầy giáo, năm 1975 khi Cộng Sản Bắc Việt vào Sài Gòn, họ đều bắt buộc đổi nghề trong các trại cải tạo. Những nghề này hoàn toàn không liên quan gì đền nghề nghiệp cũ mà họ đã tốn công, tốn của để được đào tạo trong bao nhiêu năm. Bây giờ họ là những cuốc đất, trồng khoai, cấy lúa, nấu bếp hay chăn dê, giữ bò. Đây là những cuộc đổi nghề bất đắc dĩ vì thời thế nhưng họ làm được, cũng không đến nỗi vụng về. Những trí thức đã từng quen với ống nghiệm trong phòng bào chế hay đứng trên bục giảng, cả những người chỉ chuyên “bóp cò” cũng nấu chín một nồi cơm, đan dược những tấm tranh, lợp được một mái nhà tươm tất, không đến nỗi tệ vì đây chỉ là loại lao động căn bản, có thể nói “ai làm cũng được.”

Rồi khi ra tù, trong chế độ mới, họ lại “đổi nghề” một lần nữa, lăn lóc ngoài chợ trời, mở một xe hủ tiếu, đứng bán một quầy vé số hay thuốc lá lẻ, đạp xích lô. Cũng không sao! Những nghề này không cần khả năng chuyên môn, cũng chẳng cần bằng cấp, thì những người có chuyên môn, thuộc giới khoa bảng cũng làm được.

Bị đẩy ra nước ngoài, lại có dịp đổi nghề một lần nữa, đi bỏ báo, vào cắt chỉ trong shop may, hay nấu phở cũng không sao! Đó là những chuyện đổi nghề và đổi đời mà những người dân ở phía Nam sông Bến Hải đã trải qua.

Nhưng ngư dân phải đổi nghề là một thảm họa.

Vì địa thế nơi cư ngụ, gần biển cả, không có ruộng đồng, không có nương rẫy, nghề cá là một nghề gần gũi, thích hợp với sinh hoạt của họ, một nghề cha truyền con nối. Trong gia đình ngư dân, một đứa trẻ lên 10, 12 đã theo cha lên thuyền ra biển, tập vật lộn với biển cả, quen với cánh buồm, sợi lưới, mái chèo. Ngư dân cũng không thấy học vấn là cần thiết cho việc sinh nhai, chỉ cần quen việc, chịu đựng mưa gió. Họ cũng không nghĩ đến việc đầu tư cho con, học lên cao, quen với khoa học kỹ thuật để cải tiến nghề nghiệp, như con cái sau này có cơ hội xây dựng một nhà máy nước đá, ướp cá hay dùng xe lạnh chuyên chở hải sản đi xa để tăng lợi tức.

Không có phương tiện đầu tư cho tương lai, tầm nhìn gần và họ không nghĩ xa, kiểu ăn bữa nào lo bữa đó. Người chủ ghe hay bạn ghe trở về sau chuyến ra khơi đem cá về, thì đã có thương lái đến tận nơi, cân cá lấy tiền, hay chính người vợ, đứa con gái, trực tiếp đem hải sản ra chợ bán cho khách trong làng để đổi lại mớ sau, bộ áo quần hay tập sách cho con. Họ dựng vợ gả chồng trong thôn xóm qua sự gần gũi quen biết, cùng nghề nghiệp, cùng sớm hôm vui buồn theo con nước hay những ngày biển động.

Bây giờ bắt những thanh niên da đã sạm nắng, bàn chân trần đã chai, bỏ làng xóm, bỏ biển, bỏ gia đình, mang dày vớ, kéo một cái va-li “xuất khẩu” đi ngoại quốc, làm những công việc lạ lẫm, thì chẳng qua là& bước đường cùng!

Hiên nay, Việt Nam có 167 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động, trong đó có khoảng 60% doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc cổ phần có vốn nhà nước chi phối. Công ty làm nhiệm vụ giới thiệu, đào tạo, thủ tục đi nước ngoài, lo nơi định cư, giấy tờ, hợp đồng lao động,… cho người lao động. Đổi lại, lao động chi trả cho công ty khoản phí gọi là phí môi giới. Tình hình “xuất khẩu lao động” hiện nay xẩy ra nhiều tệ nạn “bắt con bỏ chợ,” công nhân đối mặt với việc bị lừa đảo, bóc lột và ngược đãi.

Các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã cấu kết với các nhà thầu, “sống chết mặc bay!”

RFA loan tin theo Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hiện có hàng ngàn lao động Việt Nam lâm cảnh mất việc làm, vô gia cư, đói khát ở nước ngoài trong khi giới chủ nhân và các quan chức liên hệ tỏ ra tắc trách.

Cho nên, giải pháp “chữa cháy” của Việt Nam đưa ngư dân vùng biển có cá chết đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp “mạt hạng” chỉ có lợi cho ngân sách nhà nước và kẻ “lái người” vô đạo.

Ngoài giải pháp xuất khẩu “ngư dân,” hiện nay, chính phủ hứa cấp 15kg gạo mỗi tháng cho một người trong thời gian tối đa sáu tháng đối với nhân khẩu thuộc gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV. Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân Hàng Việt Nam chỉ định với lãi suất thấp áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tối đa sáu tháng.

Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội triển khai một dự án tổng thể về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, trong đó ưu tiên một số huyện nghèo ven biển bị ảnh hưởng.

Nhưng rồi sau sáu tháng, sự việc sẽ ra sao?

Chính phủ có bảo đảm sau sáu tháng biển sẽ sạch, và ngư phủ đã ra khơi bắt được con cá sống về chưa, trong khi nguyên nhân biển nhiễm độc và con cá chết là Formosa vẫn còn đó?

Đảng Cộng Sản Việt Nam đứng về phía Formosa chứ không phải đứng về phía dân tộc.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay