Vụ Formosa: ‘Không nên đàn áp dân’

Vụ Formosa: ‘Không nên đàn áp dân’

BBC

8-7-2016

Tin cho hay một cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Việt Nam ở giáo sứ Cồn Sẻ, tỉnh Quảng Bình với khoảng 3.000 tham dự đã bị giải tán, trấn áp. Ảnh: Facebook

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy, thì nhà cầm quyền ở Việt Nam đều không nên ‘nặng tay’ với người dân biểu tình ôn hòa do bất bình với vụ thảm họa môi trường do công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra mới đây ở bốn tỉnh duyên hải miền Trung, theo một nhà nghiên cứu xã hội dân sự từ Hà Nội.

Bình luận với BBC trước tin đã xảy ra liên tục hàng loạt các cuộc biểu tình lớn nhỏ của người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng trong vụ cá chết bất thường và hàng loạt sau khi nhà nước công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ ô nhiễm, trong đó có cuộc biểu tình với hàng nghìn người tham gia tại giáo sứ Cồn Sẻ, tỉnh Quảng Bình, Tiến sỹ Phạm Quang Tú nói:

“Tôi cho rằng trong bấy kỳ hoàn cảnh nào, các cơ quan chức năng của nhà nước, đặc biệt những người thay mặt nhà nước bảo vệ pháp luật, không thể, không nên đưa ra những hành động đàn áp người dân, có những hành động đánh đập người dân…

“Giả định của tôi rằng cho dù khó khăn đến mức nào, bất kỳ hoàn cảnh nào, việc đó là không nên xảy ra, bởi vì nếu việc đó xảy ra, thì nó chỉ như là vấn đề chúng ta đổ dầu thêm vào lửa và nó sẽ làm cho việc tâm lý người dân sẽ nghi ngại rằng như vậy là nhà nước và chính quyền là những người bảo vệ pháp luật lại không đứng về phía mình.

H1Chính quyền địa phương ở xã Cảnh Dương ở Quảng Bình đã lựa chọn phương án đối thoại với dân, theo báo Một Thế giới.

“Tôi cho rằng những hành động như vậy (đàn áp, nặng tay với dân) là tuyệt đối không được xảy ra và qua đây tôi cũng đề nghị là các cơ quan chức năng kiểm chứng lại các thông tin như vậy (các vụ biểu tình ôn hòa bị đàn áp).

“Và nếu có những cá nhân, những tổ chức nào mà giả sử thực hiện những hành động như vậy với người dân, thì cần phải được nghiêm trị, cần phải được giải quyết và kiên quyết một mặt chúng ta (Việt Nam) cùng đồng hành với người dân để tìm ra các giải pháp, nhưng tất cả những hành động phản cảm như vậy, trái với yêu cầu đặt ra, trái với quy định của pháp luật, thì cần phải được loại bỏ ngay lập tức để đảm bảo vấn đề không phức tạp thêm,” nhà nghiên cứu xã hội dân sự nói với BBC.

Biểu tình, kiến nghị

Tin trên truyền thông mạng xã hội Việt Nam hôm thứ Năm cho hay sáng ngày 7/7, khoảng 3.000 người dân tại giáo xứ Cồn Sẻ thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, địa phương nằm giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh, đã xuống đường biểu tình ôn hoà.

Những người dân biểu tình yêu cầu chính phủ dừng hoạt động của nhà máy Formosa vì theo họ nhà máy này là ‘thủ phạm huỷ diệt môi trường’ biển miền Trung gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm hàng triệu người dân ‘phải điêu đứng về cuộc sống’.

Những người biểu tình cáo buộc vụ ô nhiễm đã làm ‘chết nhiều người do bị nhiễm độc’ từ chất thải của hoá chất do nhà máy này xả thải ra, dẫn đến thảm hoạ mà họ gọi là “Biển chết.” Cuộc biểu tình diễn ra trong ba tiếng đồng hồ, từ lúc 9h sáng tới khoảng sau 12h thì bị giải tán.

“Nhà cầm quyền đưa lực lượng đến đàn áp người dân biểu tình dẫn đến xung đột, có tiếng súng nổ, và lựu đạn cay, nhiều người dân bị bắt và bị đánh trọng thương,” một trang mạng của các nhà hoạt động hôm thứ Sáu phản ánh.

Cùng ngày thứ Năm, theo báo Một Thế giới, người dân một xã khác ở Cảnh Dương, cùng huyện Quảng Trạch đã gửi kiến nghị gồm bảy điểm đến chính quyền địa phương, liên quan hậu quả vụ Formosa gây sự cố môi trường nghiêm trọng.

“Ngày 7/7, UBND xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết, ngư dân địa phương đã yêu cầu lãnh đạo xã có cuộc đối thoại sau khi công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra cá chết,” tờ Một thế giới cho hay.

“Trong đó, người dân Cảnh Dương đề xuất đối với 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ cần chỉ đạo ngành y tế khám sàng lọc sau khi Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt vì trước đó ngư dân đã sử dụng cá lờ đờ trôi dạt vào bờ trong nhiều tuần mà không biết nguồn gốc vì đâu. Tôn trọng ý kiến của ngư dân, UBND xã đã tổ chức đối thoại với 100 -120 người, với 7 nhóm ý kiến, sau đó có báo cáo kết quả đối thoại số 43/BC-UBND ngày 4/7 gửi lãnh đạo huyện Quảng Trạch.”

Cũng ngày 7/7, trang tin tức tổng hợp Quảng Bình cũng đưa tin về cuộc đối thoại và đăng bản báo cáo kết quả cuộc họp của ủy ban nhân dân xã với ‘một bộ phận người dân’ xã Cảnh Dương, trong đó nêu rõ kiến nghị của người dân địa phương:

“Các ý kiến cho rằng nếu như công ty Formosa hỗ trợ cho nhân dân thì không lấy tiền hỗ trợ vì cho rằng nếu lấy hỗ trợ là tiếp tay cho công ty;” và “Có 14 ý kiến tại hội nghị đề xuất ngừng hoạt động đối với công ty Formosa Hà Tĩnh vì cho rằng sợ sự cố gây ô nhiễm như vừa qua sẽ tiếp tục tái diễn.”

Đóng cửa, đền bù?

Hôm thứ Sáu, nêu quan điểm bình luận về cần làm gì nếu các quyết định từ cấp phép xây dựng, hoạt động cho Formosa, hay việc quyết định mức đền bù là không đúng đắn, không thỏa đáng và không được tham vấn ý kiến người dân ở các địa phương có thể chịu ảnh hưởng, chuyên gia về xã hội dân sự từ Hà Nội nói:

“Tôi nghĩ rằng khi mà sự việc đã xảy ra, thì chúng ta (Việt Nam) cần phải có trách nhiệm nhìn lại quá trình trước đây, tức là quá trình về việc thẩm định, phê duyệt dự án Formosa, cũng như quá trình giám sát Formosa trong quá trình xây dựng nhà máy và thực hiện các yêu cầu đã được đưa ra ở trong pháp luật Việt Nam nói chung và trong các yếu tố cấp phép đối với Formosa nói riêng.

“Đầu tiên chúng ta phải nói là tiến trình này là cần phải được làm, chúng ta không nên dẹp bỏ nó ngay, mà chúng ta bắt đầu làm lại để xem lại tiến trình đấy và rõ ràng nếu trong tiến trình đấy, có những cá nhân, tổ chức nào mà có những vi phạm so với quy định, yêu cầu của pháp luật, thì phải buộc xử lý những cá nhân hay tổ chức đó.”

Về khoản tiền bồi thường mà chính phủ Việt Nam thông báo là Formosa đã cam kết, mà dường như đã có sự đàm phán, thống nhất với chính phủ, trị giá 500.000 USD, Tiến sỹ Phạm Quang Tú nêu quan điểm:

“Nên xem đó là thỏa thuận đầu tiên, không nên sử dụng đó là con số cuối cùng.”

Về kiến nghị yêu cầu ‘đóng cửa Formosa’ của người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng ở Việt Nam, nhà nghiên cứu bình luận:

“Theo luật môi trường năm 2015 chúng ta (Việt Nam) vừa thông qua, nêu rõ rằng là cá nhân hay tổ chức nào làm hại đến môi trường, ô nhiễm mỗi trường thì có trách nhiệm đền bù, khôi phục lại môi trường ấy.

“Chúng ta đã xác định được Formosa là nguyên nhân gây ra đầu độc biển, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển của miền Trung, thì đầu tiên là phải bắt buộc Formosa phải đền bù và phục hồi lại môi trường, cũng như sinh kế của người dân, đấy là động thái đầu tiên.

“Thứ hai nữa, tôi đề nghị chính quyền các cấp yêu cầu Formosa tạm dừng các hoạt động của họ lại để khắc phục các hậu quả về môi trường trước,” Tiến sỹ Phạm Quang Tú nói với BBC hôm 8/7 từ Hà Nội.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay