VẾT NHƠ NHUỐC CỦA TỰ VẪN

VẾT NHƠ NHUỐC CỦA TỰ VẪN

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TU VAN

Mới đây, tôi đọc liên tiếp ba quyển sách viết về tự vẫn, đều là lời của những người mẹ mất con vì tự vẫn.  Cả ba quyển đều mạnh mẽ, chín chắn, không chiều theo cảm xúc sai lầm, và rất đáng đọc.  Lois Severson có con gái là Patty tự tử, bà viết quyển sách: Chữa lành vết thương từ sự tự vẫn của con gái tôi, Chuyển Thương Đau Thành Lời Nói.  Gloria Hutchinson có con trai là David tự tử, bà viết quyển sách: Tổn Thương Đã Xong, Sự Tự Vẫn Của Đứa Con Một.  Marjorie Antus có con gái là Mary tự tử, bà viết quyển sách Con Gái Tôi, Tự Vẫn, và Thiên Chúa, Một ký ức Hy vọng.  Patty và David trạc 25 tuổi, còn Mary chỉ mới thiếu niên.

Bạn không thể đọc những tự thuật này mà không nhói trong tim cho ba người trẻ chết một cách thật bất hạnh.  Những gì các quyển sách này mô tả trong từng trường hợp, là về một con người đáng yêu, quá nhạy cảm, đã phải đấu tranh cảm xúc lâu dài, và từ thời thơ ấu đã phải chịu sự mất cân bằng sinh hóa.

Nghe những câu chuyện đời này, sẽ cho bạn tin chắc hơn bao giờ hết rằng không một Thiên Chúa nào đáng thờ phượng lại lên án những con người phải xa lìa gia đình sự sống chỉ bởi vì cách họ chết.  Gabriel Marcel có một câu nói: Yêu ai đó là nói rằng, ít nhất với bạn, người đó sẽ không chết.  Đây là giáo lý Kitô giáo vững chắc.

Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng, chúng ta là một cộng đoàn tín hữu, làm nên Thân thể Chúa Kitô cùng với tất cả những ai đã chết trong đức tin trước chúng ta.  Một phần niềm tin này là việc Chúa Kitô đã cho chúng ta sức mạnh để giữ chặt hay lơi lỏng, nghĩa là tình yêu của chúng ta cho ai đó có thể giữ người đó trong gia đình, trong cộng đoàn ân sủng, và trong cả thiên đàng nữa.  Trong cả ba quyển sách này, các bà mẹ làm rõ rằng, đây chính là những gì mà họ đang làm.  Gia đình của họ, vòng tròn ân sủng của họ, tình yêu của họ, và thiên đàng của họ phải có cả đứa con đã mất của họ.  Thiên đàng của tôi cũng có ba người trẻ này, và bất kỳ nhận thức thực sự nào về Thiên Chúa, ân sủng, tình yêu, và đời sống gia đình cũng phải như thế.

Đây là một sự an ủi sâu sắc, nhưng nó không xóa hết được nỗi đau.  Với bậc cha mẹ, mất đi một người con, dù là vì lý do gì, đều để lại một vết thương không gì chữa lành nổi ở đời này.  Cái chết của đứa con đi ngược lại tự nhiên, đầu bạc phải tiễn đầu xanh.  Cái chết của con cái luôn thật khó khăn, nhưng nếu đó là chết vì tự vẫn thì nỗi đau còn nặng nề hơn muôn phần.  Không giống cái chết bệnh lý, cái chết vì tự vẫn gây nản lòng và giận dữ, một điều không xác đáng, không cần thiết, và có thể xem là một hành động bội bạc.  Và còn có một câu hỏi không hồi kết rằng: Làm sao tôi phản ứng trước việc này?  Đáng ra tôi phải tính táo hơn, cảnh giác hơn?  Tôi đã lơ là chuyện gì?  Tại sao tôi không ở bên con trong thời điểm định mệnh đó?  Tội lỗi và giận dữ hòa chung với tang thương.

Nhưng đó không phải là tất cả.  Ngoài tất cả những điều này, vốn đã quá đủ để đánh gục một con người, chính là vết nhơ gắn với tự vẫn.  Đến tận cùng, bất chấp nhận thức rõ hơn và thái độ sáng suốt hơn về tự vẫn, vẫn có đó một vết nhơ mang tính xã hội, tinh thần, và tôn giáo với sự tự vẫn, và điều này đúng cả trong đạo lẫn thế tục.  Không lâu trong quá khứ, nhà thờ thường từ chối làm tang lễ cho những ai tự tử.  Bây giờ, các nhà thờ đã thay đổi thái độ và làm lễ an táng, nhưng sự thật là, nhiều người vẫn đấu tranh trong lòng để chấp nhận tiễn đưa một cách an bình và chúc phúc cho những ai đã chết vì tự vẫn.  Vết nhơ vẫn còn đó.  Những ai chết vì tự vẫn, thường bị xem là đáng nguyền rủa, họ bị cho là chết ngoài vòng sự sống và ân sủng.  Vì vậy, với hầu hết mọi người, chẳng có gì là an ủi trong cái chết của họ.

Trong các bài viết khác của mình, tôi đã nói rằng đa số các vụ tự vẫn phải được hiểu là một cái chết vì bệnh tật tinh thần, một sự mất cân bằng sinh hóa, một cơn đột quỵ cảm tính, một khối ung thư cảm xúc, hay một sự nhạy cảm quá đỗi tước đi hết sức bật cần thiết để sống. Tuy nhiên, ở đây, tôi muốn nói cụ thể hơn về vấn đề vết nhơ gắn với tự vẫn.

Vẫn có một vết nhơ gắn với tự vẫn, chuyện này thật rõ ràng.  Nghĩ như thế, thì một điều sẽ giúp chúng ta, đó là suy nghĩ về cách Chúa Giêsu đã chết.  Cái chết của Ngài rõ ràng không phải là tự vẫn, nhưng cũng mang vết nhơ nhuốc tương tự.  Thập giá là một nhơ nhuốc, dù là nhìn từ góc độ tôn giáo, tinh thần và xã hội.  Một người chết trên thập giá, bị xem là chết ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa và ngoài sự chúc lành và chấp nhận của cộng đồng.  Các gia đình của những người bị đóng đinh mang một tủi hổ nhất định, và những người bị đóng đinh sẽ được chôn cất xa, ở ngay nơi mà họ mang lấy vết nhơ nhuốc của mình.  Và người ta cho rằng họ nằm ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa và cộng đồng.

Cái chết của Ngài rõ ràng không phải là tự vẫn, nhưng gợi lên cho chúng ta một nhận thức tương tự. Vết nhơ nhuốc mà chúng ta gắn với tự vẫn, cũng là cái mà chúng ta gắn với cách Chúa Giêsu đã chết.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay