Tại sao phải cầu nguyện?

 

 
“Bạn không thể nói yêu một người mà bạn không hề nghĩ đến người đó, tâm sự với người đó, và chứng tỏ tình yêu của mình qua hành động đối với người đó!”
 
Bạn thân mến,
 
Sau khi bài viết “Cầu Nguyện Như Thế Nào?” được gởi đi, thì có một bạn email hỏi tôi là:
“Khi cầu nguyện thì mình nên nói những gì?” Câu hỏi này làm tôi liên tưởng đến một câu chuyện khá thú vị mà tôi xin chia sẻ với quý bạn như sau:
 
Hồi đó tôi khoảng độ 9, 10t, rất tinh nghịch, tò mò, và hay chọc phá người khác. Gần nhà tôi có một công viên, và cứ khoảng chập tối, thì có nhiều cặp tình nhân đến đó ngồi tâm sự hay tán tỉnh gì đó. Vì tôi tò mò muốn biết họ nói với nhau những gì, nên tôi mới rủ thêm một thằng bạn cũng trạc tuổi với tôi, lén ra ngồi sau một cặp tình nhân để rình nghe lén họ nói chuyện với nhau. Chúng tôi còn bàn tính với nhau là sẽ đốt một viên pháo đại trước khi “rút quân” để cho “địch” hốt hoảng khỏi “truy nã” và chúng tôi dễ bề tẩu thoát. Lần đầu tiên chúng tôi nghe họ nói những chuyện mà chúng tôi chưa từng được nghe, và tôi thấy cũng hơi lạ và ngồ ngộ. Nhiều khi tôi cũng thấy buồn cười nhưng phải ráng nhịn. Quay qua thằng bạn, tôi thấy nó cũng đang lấy tay bịt miệng để khỏi cười thành tiếng. Trong lúc 2 đứa chúng tôi đang hồi hộp nín thở vì câu chuyện đang “hấp dẫn”, thì đột nhiên thằng bạn “phải gió” của tôi nó hắt xì một cái thật to, thế là 2 chúng tôi phải bỏ chạy….. mất dép!
 
Tôi nghĩ là nếu tôi lén ghe nhiều cặp khác nhau thủ thỉ, thì tôi cũng sẽ được nghe những lời tâm sự khác nhau. Trong vấn đề cầu nguyện cũng vậy, không ai cầu nguyện giống ai, vì cách tỏ tình mỗi người mỗi khác.
 
Trở lại vấn đề cầu nguyện, như tiêu đề của bài viết, thì cầu nguyện không phải là một việc nên làm, nhưng là một việc phải làm! Đó là điều răn thứ nhất trong 10 điều răn của Thiên Chúa: “Phải thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.”
Nếu tôi nói tôi kính mến Chúa, mà tôi lại không cầu nguyện cùng Chúa, thì tôi là một kẻ nói dối. Có lẽ bạn cũng đồng ý với tôi về điểm này?
 
 
Cầu nguyện Là gì?
 
Trước khi nói về vấn đề phải cầu nguyện, tôi xin được giải thích cầu nguyện là gì. Vì nếu chúng ta không hiểu cầu nguyện là gì, thì chúng ta cũng không thể hiểu tại sao chúng ta phải cầu nguyện. Tôi thường được nghe nhiều người giải thích:  “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa”. Lời giải thích tuy ngắn gọn, nhưng rất mơ hồ, và không giúp ích được gì cho người ta biết cầu nguyện thế nào cho đúng. Nếu nói “cầu nguyện là tâm sự với Chúa”, thì có lẽ dễ hiểu và đúng nghĩa hơn, vì cầu nguyện không phải chỉ là độc thoại, chỉ có ta nói chuyện với Chúa, nhưng ta cũng phải lắng nghe Ngài nói với ta (qua Kinh Thánh và qua những biến cố trong
cuộc đời).
 
Theo như Kinh Thánh đã dạy, thì cầu nguyện là:
 
a)  Chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh Thiên Chúa như trong Kinh Lạy Cha và Kinh Sáng
      Danh, và lắng Nghe Lời Chúa như Chúa Cha đã phán khi Chúa Giêsu biến hình trên
      núi Tabore: “Đây là Con Ta yêu dấu, các con hãy lắng nghe Lời Người!”  (Mc. 9:7)  
 
b) Tạ ơn, và xin ơn như trong Kinh Lạy Cha.
 
     Trong trường hợp cầu nguyện cùng Đức Mẹ cũng vậy, trong phần 1 của Kinh Kính
     Mừng, chúng ta chúc tụng, tôn vinh và ngợi khen Mẹ, và phần 2 của Kinh Kính Mừng
     là chúng ta cầu xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta.
 
 
Có nhiều lý do mà chúng ta phải cầu nguyện, nhưng tôi chỉ xin được chia sẻ với quý bạn một ít lý do căn bản và thiết yếu như sau:
 
1)      Cầu nguyện để khỏi bị cám dỗ và thoát khỏi sự dữ.
2)      Cầu nguyện là thể hiện lòng tin, cậy, mến một cách thiết thực nhất.
3)      Cầu nguyện là thể hiện sự công bằng.
4)      Cầu nguyện là điều kiện thiết yếu để nên thánh.
5)      Cầu nguyện là trở nên giống Chúa Kitô.
 
 Cầu nguyện để khỏi bị cám dỗ và thoát khỏi sự dữ.
 
Nếu quý bạn theo dõi hằng ngày trên báo chí, truyền hình và trên Internet,  quý bạn thấy là khắp nơi trên thế giới, kể cả những nước tân tiến như Anh, Mỹ, Pháp, Ý, Nhật, v.v…. đều xảy ra những thiên tai, nhân tai, bạo loạn, ngộ độc, bệnh tật, scandals, v.v… GHCG bị bách hại từ những thế lực trần thế, từ những tổ chức bí mật, từ những tổ chức công khai với những chiêu bài “tự do”, “bình đẳng”, “nhân quyền”, “từ thiện bác ái”, v.v… và đau buồn hơn nữa, là chính những người trong GH lại bách hại GH nhiều nhất và gây nên những sự hoang mang cho đoàn chiên của Chúa! Nếu như chúng ta không cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ và để thoát khỏi mọi sự dữ, thì chúng ta làm sao tránh khỏi những nguy hiểm đang rình rập khắp nơi?
 
“Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến, và để có thể đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc. 21:36)
 
“Anh  em hãy tỉnh thức mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì nhanh nhẹn, nhưng thể xác thì nặng nề”. (Mc. 14: 38)
 
Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: ”Tại sao chúng con lại không thể trừ quỷ đó được?” Chúa Giêsu đáp: ”Loại quỷ đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay.” (Mc. 9,20-29).
 
Cầu nguyện và ăn chay có thể có thể ngăn ngừa được chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, và nhiều sự dữ khác. Bởi nhiều người không nghe lời khuyên của Mẹ Fatima, nên thế ngày nay mới lâm vào tình trạng “văn minh sự chết”. 
 
 Cầu nguyện là thể hiện lòng tin, cậy, mến một cách thiết thực nhất.
 
Nếu chúng ta không cầu nguyện, có nghĩa là chúng ta không tin rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta; hoặc nói cách khác, là chúng ta không cần Thiên Chúa! Chúng ta tin vào chính mình hơn là chúng ta tin vào Ngài. Theo thời gian. Chúng ta có thể mất đức tin lúc nào mà chúng ta cũng không hay. Đức tin được tăng trưởng qua sự cầu nguyện. Nếu không cầu nguyện, đức tin  dễ bị thoái hóa (yếu dần), hoặc biến hóa (lạc giáo). “Thầy bảo các con: hãy xin và sẽ được ban cho, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ được mở. Bời vì ai xin thì nhận được, và ai tìm thì sẽ thấy và ai gõ thì sẽ được mở” (Lc. 11,9-10).
 
Khi chúng ta muốn xin sự giúp đỡ của người khác, thì chúng ta hy vọng là người đó sẽ giúp chúng ta. Nếu chúng ta không hy vọng là người đó có thể giúp chúng ta, thì chúng ta không dại gì mất công và mất thì giờ để cầu xin người đó. Đối với Thiên Chúa cũng vậy, khi chúng ta cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta, thì chúng ta cũng hy vọng là Chúa sẽ ban cho chúng ta, nếu chúng ta cầu xin với niềm xác tín, và những điều chúng ta xin là chính đáng và đẹp lòng Ngài.
 
Nếu bạn yêu ai, thì bạn mới tâm sự với người đó. Trừ khi chúng ta cầu nguyện theo thói quen, Chúng ta sẽ cảm thấy cầu nguyện là một niềm hạnh phúc, vì chúng ta được tâm sự với Người Cha và Người Mẹ tuyệt hảo và yêu thương chúng ta nhất. Bằng chứng là có những vị thánh,
như thánh Đa Minh, thân ngài bay bổng lên không trung khi ngài cầu nguyện. Ngài có thể
cầu nguyện suốt đêm trước Thánh Thể mặc dù sau một ngày dài làm việc mệt nhọc, vì ngài cầu nguyện với tất cả niềm tin, cậy, mến một cách trọn hảo.
 
Khi chúng ta cầu nguyện cho một linh hồn trở lại, thì cả Thiên Đàng vui mừng. Đó là chúng ta thể hiện lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân một cách thiết thực nhất. Còn gì cao quý hơn, khi chúng ta cầu nguyện cho những kẻ thù ghét và ngược đãi mình? Chỉ khi chúng ta ở trong Chúa, và Chúa ở trong chúng ta, thì chúng ta mới làm được những điều đó.
 
Tôi bảo các ông: Cũng vậy, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn (Lc.15:7)
 
“Các con hãy yêu thương kẻ thù địch, làm ơn cho những người ghét chúng con, chúc lành cho những người nguyền rủa các con, cầu nguyện cho cả những người vu cáo chúng con…”
(Lc. 6: 27-28).
 
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em.”
(Mc. 5,44)
 
 Cầu nguyện là thể hiện sự công bằng.
 
Theo như kinh nghiệm của tôi, thì khi tôi được ơn hoán cải, là không phải do tôi, mà do những lời cầu nguyện của nhiều người khác mà tôi cũng không biết những người đó là ai. Một con chim bị nhốt vào lồng thì tự nó không thể nào thoát ra được. Bởi vậy, khi chúng ta cầu nguyện, thì chúng ta cũng phải cầu nguyện cho những người đã cầu nguyện cho chúng ta, mặc dù chúng ta không biệt họ là ai. GHCG là GH thông công, nên mọi người cũng cầu nguyện cho nhau, và đó là luật công bằng: được nhận thì cũng phải cho đi.
 
 Cầu nguyện là điều kiện thiết yếu để nên thánh.
 
Bạn không thể nên thánh nếu bạn không thích cầu nguyện! Đối với các thánh nhân, các ngài
rất hạnh phúc khi cầu nguyện. Các ngài muốn có cơ hội để được cầu nguyện. Nếu chúng ta nói “phải cầu nguyện”, thì đó chỉ là cầu nguyện một cách tiêu cực. Chỉ khi nào chúng ta thích được cầu nguyện, thì chúng ta mới có hy vọng trở nên thánh, nghĩa là chúng ta đã tìm được Nước Trời ở nơi trần thế này.
 
 Cầu nguyện là trở nên giống Chúa Kitô.
 
Trước khi Chúa Giêsu đi rao giảng, thì Ngài bắt đầu bằng 40 ngày đêm ăn chay cầu nguyện và chịu ma quỷ cám dỗ. Mặc dù Thánh Kinh không đề cập tới Ngài nhiều trước khi Ngài bắt đầu sứ mạng của Ngài, chắc chắn là Ngài cũng rất thường cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha. Trong thời gian 3 năm rao giảng, Kinh Thánh nhiều lần có đề cập tới việc cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài cầu nguyện sáng tối, và có khi Ngài thức suốt đêm để cầu nguyện.
 
“Sáng sớm hôm sau khi trời hãy còn tối, Chúa Giêsu thức dậy ra khỏi nhà. Ngài đến một nơi vắng vẻ và cầu nguyện ở đó” (Mc. 1,35).
 
“…Và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12)
 
Nếu bạn yêu một người nào, thì bạn cũng muốn trở nên giống người đó. Bạn thích những gì người yêu thích: “yêu nhau yêu cả đường đi”. Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, thì bạn cũng
muốn trở nên giống Ngài. Bạn không thể trở nên giống Ngài nếu bạn không có sự liên hệ mật thiết với Ngài qua sự cầu nguyện. Có khi chúng ta nói yêu Chúa Giêsu, nhưng chúng ta chỉ
thích nhìn những phép lạ Người làm, thích nghe những Lời Người giảng dạy, và thích chiêm ngắm khi Ngài lên Trời, nhưng chúng ta không thích thấy Ngài ăn chay cầu nguyện, không thích thấy Ngài đánh đuổi các con buôn trong đền thờ, không thích nghe Ngài lên án quở trách những người luật sỹ và Pharixieu, không thích thấy Ngài vác thập giá và chịu chết treo trên thập giá. Chúng ta không muốn mình phải trở nên giống Chúa, nhưng chúng ta muốn Chúa phải trở nên giống mình. Chúng ta không muốn tuân phục GH, nhưng chúng ta muốn GH phải theo ý riêng của chúng ta. Những trường hợp đó, chắc chắn là chúng ta không cầu nguyện, hoặc chúng ta cầu nguyện không đúng, không đẹp lòng Chúa, vì chúng ta  không muốn vâng theo ý Chúa, nhưng chúng ta  muốn Chúa theo ý chúng ta.
 
 Cầu nguyện phải đi đôi với việc làm, sự hy sinh (ăn chay hãm mình), và lòng tin cậy mến.
 
“Không phải những người thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng là những người thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt. 7,21).
 
Nếu bạn yêu một người, mà bạn chỉ có nói mà không chứng minh bằng việc làm cụ thể đối với người đó, thì người đó sẽ nghĩ gì về bạn? Con người ta khôn lanh hơn ma quỷ ở chỗ là: “những gì tốt là do mình làm ra, còn những gì xấu là do ma quỷ”. Nhiều khi ma quỷ cũng bị oan ức lắm, nhưng xét cho cùng thì nó cũng đáng thôi! Nhiều khi chúng ta cho rằng những của cải chúng ta có được là do công lao khó nhọc của chúng ta làm ra. Nhưng chúng ta quên mất một điều, là nếu Chúa không ban cho chúng ta tài năng sức lực, thì chúng ta cũng không có được những của cải đó. Nhiều khi chúng ta đem của cải giúp đỡ những người nghèo khó mà không vì tình yêu mến Chúa, thì cũng chẳng khác gi chúng ta, nói theo kiểu dân gian,  “mượn hoa cúng Phật”. Những gì chúng ta có riêng ta để dâng lên Thiên Chúa chính là tấm lòng tin yêu, những sự hy sinh hãm mình, chịu đựng những đau khổ và nghịch cảnh trong cuộc sống, và sự quan tâm tới tha nhân.
 
Hy vọng những sự chia sẻ của tôi, không phải chỉ là một mớ lý thuyết, nhưng là những kinh nghiệm và cảm nghiệm của cả một đời người, có thể giúp cho những bạn trẻ tìm được hạnh phúc thật sự ngay giữa trần thế đầy chông gai và thử thách này…!
 
Cám ơn quý bạn đã cùng tôi chia sẻ, và xin Chúa chúc lành cho qúy bạn và những người thân!
 
San Jose, ngày 7, tháng 7, năm 2011
 
Joseph V. Bùi
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay