Về khám phá mới ở VN: Asen không gây độc

Về khám phá mới ở VN: Asen không gây độc

FB Nguyễn Trung

31-5-2016

Thấy một số giáo sư và tiến sĩ giấy của Việt Nam nói về asen nghe thật nực cười, hôm nay anh nói cho mà biết nhé!

Asen là gì?

Xin thưa, đã từ lâu mọi người đều hiểu thạch tín, với tên gọi khoa học thường dùng là asen hoặc arsenic rất độc hại. Nó độc gấp 4 lần thủy ngân. Khi uống phải một lượng asen bằng nửa hạt đỗ xanh có thể chết ngay. Nhưng trước đây chỉ biết nó qua tên vị thuốc bắc trong các quầy thuốc đông y. Thế rồi mãi đến mười năm gần đây, khi hàng loạt người trên thế giới và ngay cả ở Việt nam bị mắc những căn bệnh nguy hiểm dẫn đến ung thư thì mới xét nghiệm nước và chỉ định ra: asen chính là một thủ phạm.

Asen tồn tại ở đâu?

Xin thưa, không chỉ có trong nước mà còn có trong không khí, đất, thực phẩm. Khi ở trạng thái rắn asen là chất bột màu trắng. Khi ngấm vào nước, ngay cả khi nồng độ asen trong nước cao có thể gây chết người nhưng nó tan trong nước, không màu, không mùi, không vị nên phát hiện nó bằng trực giác rất khó. Do vậy nước giếng trong veo cũng cần phải cẩn thận. Tốt nhất vẫn nên đem đi kiểm tra xem có bị nhiễm asen không.

Asen xâm nhập vào con người qua con đường nước uống, không khí trong vùng ô nhiễm, nhiễm da do tiếp xúc nhiều liên tục với nguồn nước, không khí ô nhiễm. Vào trong cơ thể con người asen thường tích tụ trong não, các mô da, móng tay, tóc, răng, xương và trong các bộ phận giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non gây nhiễm độc cấp tính cao. Nhưng sự xâm nhập asen qua đường nước ăn uống mới là nguy hiểm nhất. Dù ở mức độ nào đi nữa vì nó diễn ra hàng ngày, theo con đường tiêu hóa mà nước trong cơ thể chiếm tỉ lệ cao. Khi tích tụ trong cơ thể như vậy thì nó tác động gây ra bệnh

Asen gây ra những bệnh gì?

Xin thưa, asen có thể gây ra tới 19 loại bệnh khác nhau. Nếu bị nhiễm độc asen với liều lượng dù nhỏ nhưng tích tụ trong thời gian dài, sau 5 – 10 năm, sẽ gây: mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm. Hai loại bệnh phổ biến nhất do asen gây ra là ung thư da và phổi. Nhiều nơi có hội chứng xạm da, sừng hóa bẩm sinh gan bàn chân. Thay đổi sắc tố da, phát sinh các điểm tối điểm sáng trong lòng bàn tay, chân, gây sừng cứng và hoại tử.

Tích tụ asen lâu ngày gây nên da mặt xám, rụng tóc, giảm trí nhớ, mạch máu bị tổn thương, bệnh rối loạn nhịp tim, đau mắt, đau tai, bệnh viêm dạ dày và ruột làm kiệt sức, gây mụn lóet, bệnh ung thư, bệnh gây cảm giác về sự di động bị rối loạn, bệnh tiểu đường. Người uống nước ô nhiễm arsen lâu ngày sẽ có triệu chứng các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, niêm mạc lưỡi hoặc sừng hóa da, gây sạm và mất sắc tố.
Nguồn nước bị nhiễm asen dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe các bà mẹ, làm động thai ảnh hưởng đến thai nhi và gây ra những bệnh phổi ác tính, những tác động xấu lên sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ con mới lớn. Nik Van Larenbeke, một giáo sư người Bỉ, đã cảnh báo trên tờ Het Laatste Nieuws: Do ô nhiễm nên ngày càng có ít bé trai được sinh ra trên thế giới.

Nếu nồng độ asen cao trong nguồn nước thì khi uống vào có thể gây ngộ độc cấp tính, gây ung thư, thậm chí có thể chết ngay. Các nhà khoa học còn gọi asen là “sát thủ vô hình”, “thảm họa môi trường”

Chữa nhiễm độc asen như thế nào?

Xin thưa, trong trường hợp đã bị nhiễm độc asen, muốn giảm bớt các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần được đảm bảo chế độ ăn uống thật tốt, giảm protein, bổ sung các vitamin để giúp cơ thể thải asen nhanh hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể dùng thuốc giúp gan thải asen ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, phải đến ngay bệnh viện để có những lời khuyên, chỉ dẫn của bác sĩ.

Những trường hợp nhiễm asen cấp tính, các phác đồ điều trị là giảm thiểu và giải độc trực tiếp asen ra khỏi cơ thể Khi đã nhiễm asen lâu ngày dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm rồi thì vấn đề đã đi sang một hướng khác: khó khăn hơn, tốn kém hơn, sức khỏe suy giảm nhanh hơn và tốn tiền nhiều hơn. Theo như các nhà khoa học cho biết hiện nay trên thế giới khó khăn nhất là khâu chẩn đoán lâm sàng và chưa có cách hiệu nghiệm chữa chạy nhiễm độc asen.

_____

Dân Việt

Asen phát hiện trong hải sản ở Quảng Trị không gây độc

Ngọc Vũ

27-5-2016

Chiều 27.5, ông Phan Hữu Thặng – Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị cho biết, đúng là có phát hiện asen trong hải sản nhưng không gây độc.

H1Ông Phan Hữu Thặng cho biết, asen hữu cơ chiếm chủ yếu trong hải sản, còn asen vô cơ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên không gây độc. Ảnh: Dân Việt

Trước đó Dân Việt đã đưa tin vào sáng 26.5, tại Hội nghị báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch ngành NNPTNT 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, để chủ động các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường, Sở đã chỉ đạo Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản tiến hành lấy 10 mẫu hải sản từ ngày 5 đến 11.5 (trong đó 7 mẫu đánh bắt gần bờ, 3 mẫu xa bờ) để kiểm tra một số chỉ tiêu ô nhiễm kim loại nặng gồm thủy ngân, chì, asen, cadimi.

Trong đó 3 mẫu có hàm lượng asen vượt mức giới hạn cho phép theo quyết định số 46/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh và hóa học trong thực phẩm”.

Tuy nhiên, chiều 27.5, ông Phạn Hữu Thặng – Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị cho rằng đó là do lỗi kĩ thuật. Sở NNPTNT Quảng Trị đã dựa vào báo cáo cũ của Chi cục rồi cóp vào báo cáo tại hội nghị diễn ra ngày 26.5, chưa kịp cập nhật thông tin mới nên xảy ra sai sót.

Ông Thặng cho biết, trước đó ngày 19.5, Chi cục đã có báo cáo gửi Sở NNPTNT Quảng Trị về việc từ ngày 13 đến 19.5 đã tiến hành lấy 9 mẫu hải sản (7 cá, 2 mực) gửi Trung tâm chất lượng nông sản vùng 2 kiểm tra 3 chỉ tiêu: thủy ngân, chì, cadimi. Riêng đối với chỉ tiêu asen, cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chỉ đạo không kiểm tra vì: Hàm lượng asen quy định tại quyết định số 46/2007/QĐ-BYT là asen vô cơ (không vượt quá 2mg/kg), nhưng Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 chỉ kiểm tra được asen tổng (bao gồm cả asen vô cơ và hữu cơ), không tách được asen vô cơ.

Hàm lượng asen tồn tại trong mẫu hải sản dưới dạng cả hợp chất hữu cơ và vô cơ, nhưng chỉ có asen vô cơ mới gây độc. Các tài liệu quốc tế khẳng định trong môi trường biển asen thường được tìm thấy dưới dạng hữu cơ ở các loại hải sản, rong biển… Ông Thặng khẳng định: “Kết quả kiểm tra asen của Trung tâm chất lượng vùng 2 là asen tổng nên không thể đối chiếu với quy định tại quyết định 46 của Bộ Y tế. Vì vậy, khẳng định asen được phát hiện trong mẫu hải sản ở Quảng Trị từ ngày 5 đến 11.5 không gây độc”.

H1Báo cáo của Chi cục quản lý nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị cho biết asen vô cơ mới gây độc.

Ông Thặng cho biết thêm, từ ngày 5 đến 27.5 đã lấy 27 mẫu hải sản (19 mẫu gần bờ, 8 mẫu xa bờ) để kiểm tra 3 kim loại nặng chì, thủy ngân, cadimi (asen đã có chỉ đạo không kiểm tra). Đến nay đã có kết quả 21 mẫu đều nằm trong giới hạn cho phép.

Một diễn biến liên quan, những ngày gần đây bữa ăn của người dân Quảng Trị đã xuất hiện hải sản như cá, ghẹ, tôm, mực… Điều đó cho thấy, tâm lý người dân đã ổn định trở lại trong việc tiêu thụ hải sản.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay