Một Buổi Nói Chuyện Lý Thú Về Chúa Thánh Linh của Cha An Tôn Nguyễn Ngọc Sơn – Phần ba.

Một Buổi Nói Chuyện Lý Thú Về Chúa Thánh Linh của Cha An Tôn Nguyễn Ngọc Sơn – Phần ba.

Phan Sinh Trần

Thuở xưa còn bé, chúng ta có khi hay tham gia trò chơi đóng kịch, đóng vai, như là làm Cha, làm Ma sơ phải không? Rồi chúng ta hay có điệu bộ giả như đang giảng, đang làm lễ, hay đang thăm hỏi người bịnh, kẻ ốm đau. Tôi còn nhớ lúc lên bẩy tám tuổi, được đọc truyện thánh Mác ti nô, Ngài vác vai, đem người bệnh ở các cống rãnh, khu vực đường phố tối tăm, nhơ bẩn về nhà Dòng chăm sóc, chữa trị và cho nằm ngay cả trên gường của mình, khi đọc đến đó,  tôi đã có một ước ao ngộ nghĩnh đó là hình ảnh tại thủ đô Vatican, có một vị  Giáo Hoàng làm các khu dành riêng cho người hành khất tạm trú, ăn uống, tắm rửa, bẵng đi mấy chục năm vù trôi qua,  “thì nay … cũng đã có như vậy” vào thời của Đức Giáo Hoàng Phan xi cô. Rồi khi đã lớn hơn, độ thiếu niên, tôi thắc mắc có đức Cha nào thân mật trò chuyện và mời ăn mày, vô gia cư, bụi đời cùng ngồi ăn chung vào các ngày đại lễ Giáng Sinh, Phục Sinh giống như sự ân cần gần gũi, ngồi cùng bàn,  của Chúa Giê Su với các quân thu thuế, đĩ điếm, ăn xin,  “thì nay… cũng đã có như vậy”, khi mà chính Đức Tổng Giám Mục Tage, giáo phận Manilla  và ĐTGM  Jorge Mario Bergoglio, giáo phận Buenos Aires, đèo xe máy chở người vô gia cư về Tòa Giám Mục cùng dùng bữa trưa vào các dịp tiện hay các dịp lễ.
Tới nay, khi mình đã bắt đầu luống tuổi, nhìn sự suy thoái xã hội của nước Việt mến yêu, tôi ước ao có một Linh Mục, đầy sự thánh khiết và yêu thương của Chúa để ra tay chữa lành bằng lời cầu nguyện trong sức mạnh. Sẽ có chăng vị Linh Đạo nào đó, có thể thốt ra lời giảng dậy có uy lực trong quyền năng, vinh quang của Chúa Thánh Thần không? Có vị Chủ Chăn nào có tấm lòng chạnh thương đầy tình thương xót của Chúa? “thì nay… cũng đã có như vậy”. Ta được biết đến nhiều Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế, Các Đan sĩ ẩn tu Biển Đức, nhiều Linh Mục rất thánh thiện và mạnh mẽ trong đời sống Đức Tin. Trong số Linh Mục làm được công việc của các Thánh tông đồ xưa, rao giảng trong quyền năng đi kèm với sức mạnh oai hùng của Chúa Thánh Thần, tôi cho rằng có cha An Tôn Nguyễn ngọc Sơn vì qua lời cầu nguyện của Ngài, Chúa đã chữa khỏi cho trên mười ngàn bệnh nhân, hối nhân, người vô thần, kể cả thày bùa, thày phép, người đa thần.
Câu hỏi mà người Ki tô hữu luôn day dứt, đó là, làm sao để loan báo Tin Mừng cho Anh Em lương dân, làm sao ứng dụng Tin Mừng vào đời, mang lại thăng hoa, cứu độ cho người chung quanh và hơn thế nữa canh tân xã hội Việt Nam, làm phong phú cho dân Việt? Cha An Tôn Nguyễn ngọc Sơn đã đề nghị một giải pháp rất hào hứng, một trong những cách loan báo là hãy làm “hiệp sĩ hành khất của Tin Mừng”. Cha trần tình:

–        Trước tình trạng nhiều bạn trẻ bị thu hút bởi trò chơi trực tuyến của Võ Lâm Truyền Kỳ, và ngay cả người lớn cũng mê mẫn những truyện kiếm hiệp, chúng tôi muốn mở một sân chơi cho nhiều người để đáp ứng khát vọng sống đẹp, sống hùng.Trò chơi lớn này có tên gọi Hành Khất Kitô. Chơi để sống đúng, sống ích lợi cho người khác, nhất là cho những người yếu kém trong xã hội hiện nay. Đất nước ta đang có hơn 82 triệu dân mà 60% dân số thuộc về người trẻ từ 24 tuổi trở xuống. Nhiều bạn trẻ muốn sống đúng, sống tốt, sống hào hùng nhưng lại không biết nguồn chân thiện mỹ là ai. 51% dân số là phụ nữ mà nhiều người bị bạo hành trong gia đình vì hiện có hơn 20 triệu người uống rượu và nghiện rượu, 26% dân số sống dưới mức nghèo khổ trong khi một thiểu số giàu có ăn chơi hết sức xa hoa. Hơn 5 triệu người khuyết tật, hơn 3 triệu người goá bụa sống hết sức khó khăn, 263.000 người nhiễm HIV-AIDS, 160.000 người nghiện ma tuý đang tìm cách phục hồi cuộc sống… Tất cả đang giang tay kêu cứu.Bạn có muốn cùng với những người Hành Khất Kitô lên đường đến với họ không?
Cái hay của Hành Khất Ki Tô là nhìn từ bên ngoài họ rất tầm thường nhưng lại có nội lực thâm hậu của Chúa, càng khiêm nhường càng bị khinh khi thì họ càng có nhiều cơ hội thâm nhập vào các nơi tội lỗi mà cứu giúp Đời qua lời cầu nguyện và việc làm bác ái.
Cách loan báo Tin Mừng thứ hai được Cha đề nghị là sống Lời Chúa cho đến mức mình trở nên Lời cứu độ, “Bạn là Lời cứu độ”, Cha trao tặng cho các bạn trẻ một cuốn cẩm nang dạng sách bỏ túi với cùng tựa đề “ Bạn là Lời cứu đô” gói ghém từ cách thở trong Thần Khí cho đến cách sống theo Lời Chúa và các nhân sinh quan dựa trên Lời Chúa và Khoa học. Sách tuy nhỏ nhưng có các thực hành rất quan trọng và thực tế, có thể làm theo để canh tân mình và làm chứng cho người một khi ta đã thực có “Lời Cứu Độ” sinh ra các hoa trái tốt tươi trong cuộc đời của mình. “Bạn là Lời cứu độ”, hiện nay là best seller ở Việt Nam,  loại sách tu thân  bán chạy nhất của nhà xuất bản tôn giáo, tái bản 3 lần trong khoảng thời gian ngắn, một năm. Đến thời điểm này, năm 2016 thì ấn bản lần thứ ba, gồm 40.000 cuốn đã bán hết sạch, chúng ta đành chờ đến lần tái bản thứ tư ? Một vài giáo phận như Phát Diệm, Bùi chu, một số dòng tu và nhiều xứ đạo đã tặng sách này cho tất cả các giáo lý viên và bạn trẻ như là cẩm nang cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá bản thân và cộng đồng giáo xứ. Quả thật, tập sách giúp cho các bạn trẻ định hướng được đời sống qua 10 điều tâm niệm (phần 1), tổ chức được ngày sống (phần 2), cầu nguyện ở bất cứ nơi nào (phần 3), vượt qua những đam mê, nghiện ngập đủ loại (phần 4). Xin các bạn hãy giới thiệu sách này cho người thân của mình, cho thiếu niên và cho mọi bạn trẻ.
Cách loan báo Tin Mừng thứ Ba, sống Tin Mừng và áp dụng Tin Mừng vào Đời, Cha Sơn đề nghị ta theo gương Công Giáo Hàn Quốc, thực hành Lời Chúa trong đời thường cách tích cực nhất:

–        … những hoạt động loan báo Tin Mừng của các học sinh Công Giáo Hàn Quốc. Hầu như các em học sinh này có phong cách sống khác hẳn những em ngoài Công Giáo: các em không để tóc highlight, được luyện tập những kỹ năng làm chủ chính  mình rất hiệu quả từ những hội đoàn. Ngay từ lớp 1 các em  đã quyết tâm : “ Em phải học hành thật giỏi, cư xử thật tốt, lễ phép với thầy cô, giúp đỡ bạn bè và cố gắng làm trưởng lớp để lôi kéo các bạn về cho Chúa Kitô”. Điều quyết tâm ấy thật lạ lùng và ta không lạ khi người tín hữu Công Giáo Hàn Quốc tăng tỷ lệ người Công Giáo so với dân số toàn quốc từ 1% vào năm 1949 tới 10,5% vào năm 2010: 5.135.000 giáo dân trên tổng dân số 48.875.000 người
Tới đây thì có lẽ Bạn rất muốn biết về phần mình Cha Nguyễn ngọc Sơn đã sống với “Lời cứu độ” như thế nào ? Cha chia sẻ:

–        Chính trong khi học hỏi Lời Chúa, tôi tìm được sức mạnh và rất nhiều ơn thiêng cho đời linh mục của mình.

–        Trong thánh lễ kết hợp với Chúa Giêsu tôi tìm được nguồn lực vô tận cho đời linh mục của mình.
Càng yêu quí Thánh Lễ, thì Cha càng có nhiều khó khăn, gian nan, thử thách… “Ngày 24/12/1976, tôi nhận được công văn khẩn của UBND quận 10 thông báo rằng: “Bắt đầu từ ngày 25/12/1976, tôi không được phép dâng thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Vinh Sơn”. Thông báo không cho biết lý do tại sao tôi lại bị cấm dâng lễ ở đó. Đêm Giáng Sinh năm đó, tôi dâng lễ với niềm vui pha lẫn nỗi buồn, vì biết rằng cuộc đời linh mục của mình lại có những khó khăn mới. Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình biết vậy nên bảo tôi: “Mỗi sáng Chúa Nhật, con lên Toà Giám mục dâng lễ trong ngôi nhà nguyện cổ của cha”. Tôi vâng lệnh ngài, nhưng chỉ dâng được 4 tuần thì lại có công văn nhắc nhở: “Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn không được phép dâng lễ tại Toà Tổng Giám mục”. Đức Tổng Phaolô lại sai tôi đi dâng lễ ở nhà thờ Bắc Hà, đường Lý Thái Tổ, quận 10 vào lúc 4g30 sáng. Ngài nói: “Con dâng lễ sớm, ít người tham dự thì họ không để ý đến con đâu”. Nhưng sự việc cũng chỉ kéo dài được 4 tuần, lại có một công văn nhắc nhở: “Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn không được phép dâng lễ tại Nhà thờ Bắc Hà”. Một số anh em linh mục ngạc nhiên, không biết tôi “mắc tội” gì mà chính quyền không cho dâng lễ. Có người đoán là vì tôi làm việc ở Caritas Việt Nam với Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã bị bắt vào tháng 8 năm 1975; hoặc là vì người ta không muốn tôi biến Giáo xứ Vinh Sơn thành một biểu tượng nhắc nhở về “Vụ án chống phá cách mạng”; hoặc nghi ngờ tôi là nhân viên CIA để lại do cả gia đình tôi ra nước ngoài, hay do chính quyền quận 10 muốn chiếm căn nhà của cha mẹ tôi ở số 804 Điện Biên Phủ, nên không muốn tôi có mặt ở đó… Tất cả chỉ là những lời phỏng đoán, nhưng từ đó anh em linh mục không dám mời tôi dâng thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ của họ vì sợ bị chính quyền để ý theo dõi. Vì thế, qua sự an bài của Chúa, cuộc đời linh mục của tôi lại bước sang một bước ngoặt mới”.

–        Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình thấy tôi gặp nhiều khó khăn liền bảo tôi: “Con cứ an tâm dâng lễ ở trong tu viện và đi làm công nhân để tìm hiểu đời sống người lao động vì trong chế độ này, hai giai cấp công nhân và nông dân rất được tôn trọng”. Tôi đã vâng lệnh ngài đến làm việc tại Nhà In Nguyễn Bá Tòng như một công nhân thực thụ, nhất là từ khi nhà in này được Toà Tổng Giám mục giao cho Sở Văn hoá và Thông tin TP.HCM quản lý từ tháng 6/1978 và được đổi tên thành Nhà máy In Tổng Hợp TP.HCM… Trong suốt 18 năm, từ 1978-1996, mỗi ngày, sau thánh lễ ban sáng, tôi làm việc chung với các anh chị em khác trong tổ sắp chữ máy Monophoto từ 7g30 sáng đến 16g30 chiều, buổi trưa được nghỉ từ 11g30-12g30. Chính trong môi trường lao động này, tôi học lại bài học vâng phục, yêu thương của Chúa Giêsu dưới mái nhà Nazareth.
Nhờ những nghiên cứu phát minh của tôi trong ngành sắp chữ máy và sắp chữ điện tử, tôi được mời tham gia sáng lập Khoa Kỹ thuật In của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trụ sở của trường ở đường Võ Văn Ngân, Thủ Đức. Suốt 16 năm dạy tại đây, chúng tôi đã đào tạo hàng ngàn sinh viên trở thành kỹ sư ngành in phục vụ cho ngành in ấn của Việt Nam. Trong mối quan hệ ngành nghề, tôi cũng được mời dạy 3 năm ở Khoa Mỹ thuật Công nghiệp tại Đại học Kiến Trúc TP.HCM và 2 năm tại Khoa Ngữ văn Báo chí thuộc Đại học Tổng Hợp TP.HCM. Những năm tháng dạy dỗ và nghiên cứu đó giúp cho cuộc đời linh mục của tôi có cơ hội hoà nhập thêm với giới trẻ trí thức để cảm nhận họ đang đói khát những giá trị tinh thần mà người mục tử chúng tôi có sứ mạng phải cung cấp cho mọi người.

–        Trong sự quan phòng của Chúa cho làm việc trong Nhà In, đời linh mục của tôi đã gắn bó với sách vở, báo chí và các phương tiện như Internet sau này để truyền bá Tin Mừng.Nhờ làm việc trong ngành in nên tôi vẫn âm thầm tiếp tục sửa chữa để hoàn thành bản dịch với  thầy Giuse Nguyễn Tất Trung, dòng Đa Minh, (đã chịu chức linh mục năm 1997). Sau đó chúng tôi thuê người đánh mày sắp chữ bản thảo trên hệ thống Monotype Filmsetter, photo ra giấy và làm thử 2 cuốn Sách Lễ Rôma và Phụng vụ Các Giờ Kinh thành các cuốn sách giống như thật để Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình trình cho HĐGMVN trong khoá họp thường niên năm 1991. Năm 1992, hai cuốn sách này đã được chính thức xuất bản và là niềm vui cho tất cả những ai dùng chúng. Từ đó tôi cũng bắt đầu lo công tác văn hoá cho Toà Tổng Giám mục TP.HCM. Chúng tôi soạn và dịch khá nhiều sách cho trẻ em như Chúa Nói với Trẻ em(1994), các truyện tranh như Mẹ Maria (1994), Thánh Phaolô Thành Tácxô (1996), Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1996), sách cho các bạn trẻ như Con Người Mới trong Gia Đình Thiên Chúa (1994), Lắng Nghe Tiếng Gọi từ Gia Đình Nazareth (1994), hoặc cho các tu sĩ như Người Mục Tử Cộng đồng Hướng về Tương Lai (1996), Thống Nhất Đời Sống Trong Chúa Giêsu Kitô (1997). Cùng với mấy cha bạn chúng tôi lo tập Bài Giảng Chúa Nhật do Toà Tổng Giám Mục TP.HCM phát hành để giúp anh em linh mục trong việc phục vụ Lời Chúa. Chính trong khi học hỏi Lời Chúa, tôi tìm được sức mạnh và rất nhiều ơn thiêng cho đời linh mục của mình. (nguồn: http://hanhkhatkito.org/Default.aspx?tabid=107&ctl=ViewNewsDetail&mid=461&NewsPK=10130)
Mỗi khi gặp khó khăn, Cha lại được Chúa giúp đỡ cách trực tiếp, gián tiếp qua các biến cố, bàn tay quan phòng của Chúa kính yêu thật là chu đào. Xin được đan cử vài mẫu chuyện ý nghĩa,

–        Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, nhân dịp mừng thọ 70 tuổi của ngài, khi ngài kéo riêng cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm và tôi mà nói: “Các con phải làm gì cho giới trẻ đi chứ!”, tôi đã thực hiện cuốn Sứ điệp Loài hoa vào năm 1993. Các bạn trẻ đã nồng nhiệt đón nhận: 35.000 cuốn bán hết trong vòng 2 tháng đầu năm 1994. Nhưng khi Đức Tổng Phaolô 3 lần viết đơn xin tái bản cuốn sách, thì Sở Văn hoá Thông tin TP.HCM đều từ chối và cho đó là một cuốn sách phản động. Chính Đức Tổng Phaolô cũng không hiểu tại sao lại không trả lời cho ngài lý do từ chối. Tôi đoán có lẽ là vì một đoạn văn ngắn viết về Hoa Bất tử, dù trong toàn bộ cuốn sách tôi đã không dùng từ “Chúa” hay từ có liên quan đến tôn giáo như “Giêsu Kitô” một lần nào? Sau này, do sự can thiệp của ông Trần Quốc Hương, sau khi ông được Chúa chữa lành cánh tay bất động vì tai biến mạch máu não, cuốn sách đã được tái bản vào năm 1997 và đến nay đã vượt quá 150.000 ấn bản. Bài học Sứ điệp loài hoa dạy tôi cách loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay là cần phải biết gắn bó với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người để mỗi anh em linh mục chúng tôi trở thành những chứng nhân sống động của Người.
Rồi lại một sự an bài khác của Chúa, “vào tháng 8/2001, tôi gặp Bác sĩ Trương Thìn, Viện trưởng Viện Y học Dân tộc TP.HCM, và Chúa đã chữa cho ông khỏi bệnh như một dấu hiệu mời gọi tôi dấn thân cho các bệnh nhân đủ loại, nhất là người nghiện ngập và những người bất an về mặt tinh thần trong xã hội VN hiện nay.Năm 2011, tôi tham gia vào Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM. Với cương vị là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Xã hội-Y tế, tôi cố gắng làm một chút gì đó cho 54.000 người khuyết tật và 13.000 trẻ mồ côi khuyết tật hiện nay của TP.HCM. Ước vọng của tôi là được gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu cùng với các anh chị em Kitô hữu khác như những chứng nhân sống động của Chúa Kitô Phục Sinh để có thể giúp đỡ, chữa lành cho 6,7 triệu người khuyết tật về thể lý và hơn 10 triệu người hiện đang khiếm khuyết về mặt tinh thần ở Việt Nam”.
–      Để giúp tôi có thể làm chứng nhân cho Chúa Giêsu, Người đã ban cho tôi một số những cảm nghiệm về lời đầy quyền năng của Người trong việc chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tác động đến vạn    vật, làm cho bánh cá hoá nhiều, nhất là loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khó, an ủi những tâm hồn đau khổ. Đồng thời Người cũng ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần để tôi có thể chịu đựng những gian nan, thử thách, nghi kỵ, ghen tức, bất công của người khác gây cho mình trong cuộc đời linh mục, để cho tôi thật sự cùng chịu đóng đinh với Người trên thập giá đời mình.

–        Tôi đã từng bị phản đối vì những tư tưởng mới lạ và những nhận xét về sự thật làm mất lòng người, bị theo dõi vì những hoạt động không đẹp lòng các người quyền thế, bị quấy rầy vì những ghen tuông của các phụ nữ, bị bôi nhọ vì những tranh chấp, bị bầm dập vì những cú đánh lén sau lưng của bạn bè, bị tiêu diệt vì dám chống đối những bất công với đôi chân 2 lần bị gãy vì tai nạn “cố tình”.

–        Có những lúc tôi muốn buông xuôi tất cả. Nhưng gương sáng của những bậc tiền bối anh hùng, của Đức Thánh Cha (ĐTC) Gioan Phaolô II, của nhiều anh chị em linh mục, tu sĩ, giáo dân trong những vùng sâu, vùng xa, đang miệt mài làm việc, chịu đựng gian khổ, lại thúc đẩy tôi tiếp tục bước đi trên con đường sự thật và sự sống.
Trong dịp kỷ niệm chịu chức, Cha khiêm nhường soi nhìn lại đời mình và chia sẻ:

–        Sau 40 năm linh mục với nhiều lầm lỗi, khuyết điểm, tôi lại càng cảm nhận được tình yêu thương của Chúa và mọi người đối với tôi. Xin tha thứ cho tôi nếu tôi đã làm phiền lòng ai và gây đau khổ cho người nào trong cộng đồng mình sống.

Tôi mong ước với ơn Chúa và sự giúp đỡ của mọi người, tôi sẽ sống từng giây phút còn lại của đời mình một cách ý thức và hiệu quả hơn cho xứng đáng với tình yêu thương quảng đại ấy.

Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho tôi cũng như cho tất cả được kết hợp mật thiết với nguồn lực vô biên là Chúa Ba Ngôi để chúng ta đều trở thành hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian. Xin Người chúc lành cho tất cả chúng ta.
Ta có thể nói, Chúa Thánh Thần khi xưa của Các Thánh Tông Đồ và Chúa Thánh Thần hôm nay của các Giám Mục, Linh Mục vẫn chỉ là một đấng duy nhất. Vào thời buổi càng u tối, càng nhiều vấn nạn trong sự bộc phát mãnh liệt, từ các hành động bạo tàn của Quỉ Dữ thì ân sủng lại càng chan chứa. Chưa có thời nào mà tội lỗi con người phạm đến Chúa và luật pháp của Ngài nhiều như thời chúng ta nhưng cũng chưa có thời nào mà ân sủng, lòng thương xót của Chúa tuôn trào, nhiều như thời của chúng ta, ơn lành tuôn đổ hiển hiện một cách rõ ràng và phổ biến mà ai cũng được mục kích. Hãy phấn khởi, hy vọng và tiến lên trong trận chiến Đức Tin này. Ta biết rằng một khi Lời Chúa được thể hiện cách sống động trong Đời Các Thánh của Chúa thì khi họ đi đến đâu, Ma Quỉ chắc chắn sẽ phải run rẩy, khiếp sợ đến đó, cho dù chúng có căm tức và âm mưu quỉ quyệt gài bẩy đến đâu, thì sự hiện diện của Chúa Giê Su trong đời ta sẽ làm thất bại các âm mưu đó.
Ai phạm tội thì là người của ma quỷ,
Vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu
Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện
Là để phá hủy công việc của ma quỷ (1 Ga 3: 8).
Tôi xin mượn lời kết của Cha để chào tạm biệt các Bạn, cha có cảm nghĩ này,

–       Tôi cảm thấy an ủi và được khích lệ rất nhiều vì ĐTC Phanxicô, trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm – mới công bố ngày 24/11/2013 – nhắc nhở chúng tôi rằng: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh: tôi muốn có một Giáo Hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo Hội bị bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn của riêng mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục…” (số 49).

–       Tất cả những chương trình mục vụ mà chúng ta mơ ước chỉ có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta biết “không những canh tân các chương trình của mình mà còn phải tăng chất lượng cho chứng tá của mình. Công cuộc Phúc Âm hoá không chỉ là một kế hoạch có tổ chức hay một chiến lược; một cách cơ bản, nó là vấn đề thiêng liêng đúng như lời ĐGH Phaolô VI đã nói: ‘Con người thời nay sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, thì chính là vì các thầy dạy cũng là những chứng nhân…’. Vì vậy Giáo Hội sẽ loan báo Tin Mừng cho thế giới trước tiên bằng hạnh kiểm và đời sống của mình, bằng chứng tá sự nghèo khó và vô tư, và bằng chứng tá sự tự do của mình đối với các quyền lực của thế gian này, tóm lại, chứng tá sự thánh thiện” (TLLV, số 158; TĐ Evangelii nuntiandi, ngày 8-12-1975, số 7).

Phan Sinh Trần

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay