Blogger người Việt sắp ra tòa

Blogger người Việt sắp ra tòa

Asia Sentinel

Người dịch: Trần Văn Minh

21-3-2016

Ông Nguyễn Hữu Vinh. Nguồn: Ba Sàm.

Anh Ba Sàm bị truy tố tội “xâm phạm lợi ích nhà nước”

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vào ngày thứ Tư, dự kiến sẽ đưa ra xét xử một blogger độc lập có lẽ có ảnh hưởng nhất ở Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm) và phụ tá của ông, bà Nguyễn Minh Thúy, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi hợp pháp của các tổ chức, công dân”, theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Phiên tòa bắt đầu trong lúc Mỹ, Việt Nam và mười một nước khác ký tên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, là thỏa thuận thương mại gồm nhiều điều khoản đang bắt đầu tiến trình phê chuẩn, vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, lại là hiệp ước Việt Nam đã đồng ý ký vào, và cũng gồm có ngôn ngữ chưa từng có tiền lệ để bảo vệ nhân quyền ở các nước thành viên cam kết trở thành những nước ký kết.

Phiên xử Anh Ba Sàm vì thế trở thành chỉ dấu cho thấy liệu lãnh đạo mới của Việt Nam có cam kết bảo vệ bất đồng chính kiến hay không. Đất nước vẫn trong chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa độc đảng với ngành tư pháp tùy thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Các thẩm phán và người đại diện tố tụng được chọn lựa từ người của đảng. Trong khi ngành tư pháp trên danh nghĩa chịu trách nhiệm trước Quốc hội, về mặt lý thuyết là bộ phận cao nhất của quyền lực chính phủ, nhưng chính là đảng nắm quyền kiểm soát.

Hai blogger là những nhà phê bình chế độ gay gắt, chắc chắn là thế, nhưng ưu tiên hàng đầu của blog Anh Ba Sàm là đăng tải một bản tóm tắt có chủ đích các sự kiện thời sự trong và về Việt Nam. Trang blog dịch và đăng nhiều bài viết trên báo Asia Sentinel của ông David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu vẫn còn quan tâm đến Việt Nam.

Việc bắt giữ ông Vinh và bà Thúy hồi tháng 5 năm 2014 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tột độ giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh di chuyển giàn khoan dầu nước sâu đầu tiên của họ vào vùng Biển Đông tranh chấp và ngăn cấm tất cả các tàu thuyền đi vào bên trong bán kính một dặm của giàn khoan Hải Dương 981. Các lời kêu gọi một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã được gióng lên khắp nơi trong giới blogger Việt Nam.

Một số nhà bất đồng chính kiến Việt Nam xem vụ bắt giữ hai blogger là bằng chứng cho thấy chính quyền Việt Nam đã “khuất phục” trước đối tác Trung Quốc, bằng cách bắt giữ blogger “chống Trung Cộng” nổi tiếng.

Điều 258 của Hiến pháp Việt Nam mô tả tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”. Điều luật này thường được sử dụng để bỏ tù các blogger và các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Blog Anh Ba Sam đầu tiên xuất hiện trên mạng vào năm 2007 với hai thể loại bài: một loại bài điểm tin, bình luận khách quan về các sự kiện thời sự trong và về Việt Nam và một loại bài bình luận kỹ lưỡng của những người đóng góp nổi bật. Blog Anh Ba Sàm luôn là một trong số ít các blog của Việt Nam vẫn duy trì các tiêu chuẩn báo chí cao.

ABS lần đầu tiên bị tấn công vào tháng 11 năm 2010 bởi những kẻ tấn công không rõ lai lịch, và một lần nữa vào tháng 6 năm 2011. Thiệt hại đã được sửa chữa và trang blog sớm hoạt động trở lại. Ba năm trước đây, vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 (*), ABS đã bị tấn công một lần nữa. Lần này những kẻ tấn công đã lấy hồ sơ tài liệu và thay đổi tất cả mật khẩu. Bà Đinh Ngọc Thu, Biên Tập viên điều hành của trang blog ở Mỹ, trở thành mục đích của một cuộc tấn công cá nhân rất thô bỉ, được làm từ các bức ảnh lấy từ hồ sơ máy tính cá nhân của bà.

Cuộc tấn công năm 2013 xảy ra giữa lúc có một cuộc tranh luận sôi nổi trên blog Ba Sàm về cách thức Hiến pháp Việt Nam nên được sửa đổi thế nào. Mặc dù Quốc hội kêu gọi người dân đóng góp ý kiến, văn bản cuối cùng, được ban hành vào cuối năm 2013, “đã thất bại trong việc giải quyết  nguyện vọng của dân chúng về sự thay đổi và cải cách”, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), trong đó kêu gọi các nhà tài trợ cho Việt Nam và các đối tác phát triển gia tăng gấp đôi nỗ lực để thúc đẩy sửa đổi hiến pháp và luật pháp để bảo vệ các quyền cơ bản, như quyền tự do ngôn luận và quyền lập hội.

Tuy nhiên, dựa theo lời nói của cơ quan lập pháp, các bài bình luận đăng trên Anh Ba Sàm nghiêng nhiều về phía tự do, bảo đảm quyền con người đã được ghi trong Hiến pháp hiện hành, thoát khỏi một loạt các hạn chế bảo mật tàn hại dựa trên an ninh quốc gia. Cũng có sự hỗ trợ đáng kể trong việc giảm thiểu độc quyền quyết định chính trị của Đảng Cộng sản và giải thoát tòa án và các phương tiện truyền thông chính thống, thoát khỏi quá nhiều các chỉ đạo chính trị.

Mọi thứ trở lại bình thường vào tháng 6 năm 2013 khi Anh Ba Sàm một lần nữa bắt đầu đăng tải tin tức cập nhật và bình luận trong bản tin hàng ngày tại những địa chỉ web mới, an toàn hơn. Sau đó, vào ngày 5-5-2014, ông Vinh, người sáng lập và biên tập viên của trang blog – một sĩ quan công an về hưu – đã bị bắt tại nhà riêng. Ổ đĩa cứng và các hồ sơ khác của ông đã bị lấy làm chứng cớ. Người phụ tá của ông Vinh, bà Thúy, cũng bị bắt.

Thực ra, kể từ tháng 10 năm 2012 ông Vinh đã giao việc điều hành hàng ngày trang ABS cho bà Thu, người đã một mình gồng gánh trang blog trong suốt thời gian ông Vinh bị giam giữ. Khi áp lực trong việc điều hành tin tức cập nhật trang ABS trở nên quá lớn, bà Thu đã phải bỏ phần điểm tin hàng ngày, với lý do cư dân mạng ở Việt Nam hiện nay có thể tìm được tin tức nước ngoài về [tình hình] Việt Nam từ các nguồn đáng tin cậy khác. ABS vẫn là một nguồn bình luận dẫn đầu về các sự kiện. Các cộng tác viên nổi bật [đóng góp các bài viết cho blog Ba Sàm] bao gồm các học giả Việt Nam, các nhà lão thành cách mạng, các nhà báo độc lập và các cán bộ hưu trí.

Bà Thu nói: “Mục tiêu của chúng tôi nhắm tới là các độc giả bình thường, sống ở Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các tin tức tổng quát, những thông tin có thể bị nhà cầm quyền Việt Nam kiểm duyệt, nhằm mục đích ủng hộ phong trào dân chủ và giúp những người dân oan cất lên tiếng nói. Blog Ba Sàm hoàn toàn độc lập. Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ đảng phái hay phe nhóm chính trị nào. Chúng tôi chưa từng nhận hỗ trợ tài chính từ bất kỳ cá nhân, các tổ chức NGO hoặc các nhóm chính trị nào“.

Trong 6 tháng cuối năm 2015, trang ABS trung bình có trên 100.000 lượt truy cập mỗi ngày.

___

Ghi chú: Trang Ba Sàm bị tấn công và chiếm quyền kiểm soát lần thứ 3 vào ngày 8/3/2013, không phải ngày 13/3/2013.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay