YÊU KẺ THÙ

YÊU KẺ THÙ

Martin Luther King

Martin L King JrHãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
Như vậy anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời
“.

Mt 5,44-45

Có lẽ không có lời khuyên nào của Ðức Giêsu lại khó đem ra thực hành cho bằng lời khuyên “Hãy yêu kẻ thù”. Một số người chân thành nghĩ rằng, trong thực tế, không ai có thể giữ được lời khuyên này. Yêu người yêu mình thì dễ, còn ai lại đi yêu kẻ tìm cách làm hại mình một cách công khai hay âm thầm? Ðối với một số người khác như triết gia Nietzsche chẳng hạn, lời khuyên “Hãy yêu kẻ thù” cũng đủ để chứng minh rằng đạo đức Kitô giáo chỉ dành cho những kẻ bạc nhược, nhát đảm, chứ không phải cho những người can đảm, dũng mạnh. Họ cho rằng Ðức Giêsu là người quá lý tưởng và thiếu thực tế.

Mặc dầu các câu hỏi này có được nhấn mạnh đến đâu chăng nữa và các thắc mắc có được lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, lời khuyên của Ðức Giêsu vẫn tra vấn chúng ta hơn bao giờ hết. Hết biến động này đến biến động khác không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng con người thời đại ngày nay đang đi trên con đường hận thù dẫn đến diệt vong và trầm luân. Thay vì là lời khuyên đạo đức của một kẻ mộng tưởng, thì lời khuyên “Hãy yêu kẻ thù” lại là một điều cần thiết tuyệt đối, nếu chúng ta muốn sống còn. “Hãy yêu kẻ thù” là chìa khóa giúp chúng ta giải quyết các vấn đề trong thế giới ngày nay. Ðức Giêsu không phải là con người quá lý tưởng để quên mất thực tế; Người là con người thực tế đích thực.

Tôi tin rằng Ðức Giêsu biết rõ khó khăn khi nói phải “yêu kẻ thù”. Người không toa rập với những kẻ cho rằng sống đúng theo các đòi hỏi luân lý là chuyện dễ. Người biết rõ rằng mọi biểu hiện của tình yêu đích thực đều xuất phát từ sự phó thác hoàn toàn và dứt khoát vào Thiên Chúa. Khi Ðức Giêsu nói: “Hãy yêu kẻ thù”, thì không phải là Người không biết đến các đòi hỏi của lời khuyên này. Mỗi từ trong câu này đều có nghĩa của nó. Các Kitô hữu có trách nhiệm khám phá ý nghĩa của lời khuyên này và đem ra thực hành trong đời sống hàng ngày.

I

Chúng ta hãy tỏ ra thực tế và đặt cho mình câu hỏi sau đây: Làm thế nào chúng ta yêu kẻ thù được?

Thứ nhất, chúng ta phải phát huy và củng cố khả năng tha thứ. Không biết tha thứ thì cũng không biết yêu thương. Không thể bắt đầu yêu kẻ thù mà trước đó không chấp nhận cần phải không ngừng tha thứ cho những kẻ làm hại chúng ta. Cũng cần phải hiểu rõ rằng người tha thứ trước tiên phải là người đã bị lừa gạt và bị ám hại, người bị áp bức và gánh chịu bất công. Kẻ phạm tội có thể xin tha thứ, có thể quay về với chính mình và, như đứa con hoang đàng, đang rảo bước trên con đường đầy gió bụi nào đó, với lòng ao ước được tha thứ. Nhưng chỉ có người thân cận đã bị xúc phạm, người cha giàu lòng thương xót mới có thể đưa kẻ có tội vào ngôi nhà ấm áp và mới có thể tha thứ.

Tha thứ không phải là không biết điều đã phạm là một hành vi xấu hay gọi hành vi xấu này bằng một tên gọi không đúng với thực chất của nó. Ðúng hơn, tha thứ là xem hành vi xấu này không còn là một chướng ngại để thiết lập những quan hệ mới. Tha thứ là một chất xúc tác tạo nên một bầu khí cần thiết cho một cuộc lên đường, một khởi đầu mới. Tha thứ là cất đi một gánh nặng, hay xóa bỏ một món nợ. Chúng ta có thể nói: “Tôi tha thứ cho anh, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên điều anh làm cho tôi”. Nói như vậy không phải là tha thứ thật. Ðành rằng chúng ta không bao giờ quên, nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn trong tâm trí điều người khác đã làm cho mình. Nhưng nếu chúng ta tha thứ, thì chúng ta cũng quên, nghĩa là điều người khác đã làm cho chúng ta không còn là một chướng ngại khả dĩ ngăn cản các quan hệ mới. Cũng không bao giờ chúng ta có thể nói: “Tôi tha thứ cho anh, nhưng tôi không muốn quan hệ với anh nữa”. Tha thứ là hòa giải, là gặp lại nhau. Nếu không, chẳng có ai có thể yêu kẻ thù. Mức độ chúng ta có thể tha thứ là thước đo mức độ chúng ta có thể yêu kẻ thù vậy.

Thứ hai, người thân cận làm tổn thương chúng ta chính là kẻ thù. Nhưng phải nhìn nhận rằng hành vi xấu của con người đó không bộc lộ hết toàn diện con người đó. Nơi kẻ thù tệ nhất, chúng ta có thể khám phá ra những điểm tốt lành. Nhân cách của mỗi người chúng ta có cái gì đó mang dáng dấp tâm thần phân lập, làm chúng ta tự chựng lại một cách bi thảm. Một cuộc chiến trường kỳ luôn diễn ra nơi mỗi cuộc sống, và có cái gì đó làm chúng ta phải thốt lên như thi sĩ Ovide: “Tôi nhận biết sự thiện, tôi chấp nhận sự thiện nhưng tôi lại làm sự ác”, hay như triết gia Platon khi nghĩ rằng con người giống như một cỗ xe song mã, nhưng mỗi con kéo theo một hướng, hoặc như thánh Phaolô: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
Ðiều này đơn giản có nghĩa là nơi người xấu nhất vẫn có cái tốt và nơi người tốt nhất vẫn có cái xấu. Một khi khám phá ra chân lý này, chúng ta sẽ ít chiều theo khuynh hướng tự nhiên là ghét kẻ thù. Nếu nhìn kỹ bên dưới bề mặt, bên dưới những hành vi xung động, chúng ta có thể tìm thấy nơi kẻ thù một điều tốt lành, đồng thời chúng ta cũng nhận thấy rằng điều ác họ làm cũng không biểu lộ hết con người họ. Nhìn kẻ thù trong một ánh sáng mới, chúng ta mau chóng nhận thấy rằng hận thù nơi họ xuất phát từ sợ hãi, kiêu căng, ngu dốt, tiên kiến, hiểu lầm. Nhưng, dù sao, hình ảnh Thiên Chúa nơi họ không thể bị xóa nhòa. Như thế, chúng ta yêu kẻ thù vì biết rằng họ không hoàn toàn xấu về mọi phương diện và họ cũng không ở ngoài tầm tác động của tình yêu cứu chuộc mà Thiên Chúa dành cho họ.

Thứ ba, chúng ta phải tránh làm nhục kẻ thù. Trái lại, phải tìm cách gây thiện cảm và cảm thông với họ. Có thể chúng ta có thừa khả năng cũng như các điều kiện thuận lợi để làm nhục kẻ thù. Ðiều không thể tránh được là họ cũng có những sơ hở, những giây phút yếu đuối và chúng ta có thể tận dụng các cơ hội này để thẳng tay tiêu diệt họ. Nhưng đây lại là điều chúng ta không bao giờ được phép làm. Trái lại, mỗi lời nói, mỗi hành vi của chúng ta phải góp phần làm tăng thêm sự hiểu biết, cảm thông với kẻ thù, đồng thời tạo điều kiện để khai mở dòng thiện chí đã bị ngăn chặn bởi bức tường hận thù.

Chúng ta đừng lầm lẫn tình yêu chân thành với tình cảm ướt át. Tình yêu có cái gì đó sâu lắng hơn cảm xúc. Ở đây có lẽ tiếng Hy Lạp sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ ý nghĩa của tình yêu. Trong Tân Ước, tiếng Hy Lạp sử dụng ba từ để nói về tình yêu. Eros là tình yêu mang tính cách thẩm mỹ lãng mạn. Trong các đối thoại của Platon, eros là sự vươn lên của linh hồn tới lãnh vực thần linh. Philia là tình yêu liên kết cách mật thiết các bạn hữu. Chúng ta yêu người chúng ta ưa thích, và chúng ta yêu vì được người khác yêu. Agapè là tình yêu đặt nền tảng trên hiểu biết và cảm thông, ước muốn sáng tạo và cứu chuộc dành cho tất cả mọi người. Là tình yêu đầy tràn, không chờ đợi điều gì cho mình từ phía người khác, agapè là tình yêu Thiên Chúa tác động lòng trí con người. Ở mức độ này, chúng ta yêu mọi người không phải vì họ làm vừa lòng chúng ta, hay vì chính họ lôi kéo chúng ta, cũng không phải vì nơi họ có cái gì đó thuộc thần linh. Chúng ta yêu mỗi người chỉ vì Thiên Chúa yêu họ. Ở mức độ này, chúng ta yêu kẻ làm điều ác trong khi vẫn ghê tởm điều ác họ làm.

Bây giờ, chúng ta có thể nói gì khi nói “Hãy yêu kẻ thù”. Có lẽ chúng ta hãy vui mừng vì Ðức Giêsu đã không nói “Hãy quý trọng kẻ khác”, vì đây quả là điều chúng ta không thể làm được đối với một số người nào đó. Làm sao chúng ta có thể quý trọng một người muốn tiêu diệt chúng ta bằng cách đặt các chướng ngại trên đường đời chúng ta? Làm sao chúng ta có thể quý trọng một người đang đe dọa mạng sống con cái chúng ta, phá hoại nhà cửa chúng ta? Quả thật, đây là điều không thể làm được. Nhưng Ðức Giêsu cho chúng ta biết tình yêu thì ở một mức độ cao hơn quý trọng. Khi khuyên chúng ta yêu kẻ thù, Ðức Giêsu không nói đến tình yêu theo nghĩa eros hay philia; nhưng Người muốn nói tình yêu theo nghĩa agapè – một tình yêu đặt nền tảng trên cảm thông và ước muốn sáng tạo cứu chuộc dành cho mọi người. Chỉ bằng cách đi theo con đường này và dấn thân vào tình yêu này, chúng ta mới có thể trở thành con cái Cha chúng ta, Ðấng ngự trên trời vậy.

II

Bây giờ, chúng ta hãy từ thực tế sang lý thuyết, từ làm thế nào sang tại sao. Tại sao chúng ta phải yêu kẻ thù?

Lý do thứ nhất thật là hiển nhiên. Lấy oán báo oán chỉ có thể làm tăng thêm hận thù, chỉ có thể làm cho đêm tối lại càng thêm tối tăm mù mịt bởi thiếu vắng ánh sáng các vì sao. Bóng tối không thể nào xóa tan bóng tối. Chỉ có ánh sáng xóa tan bóng tối. Hận thù tăng thêm hận thù; bạo lực kéo theo bạo lực; tàn nhẫn nhân thêm tàn nhẫn, như một cơn gió xoáy ập tới tiêu diệt tất cả. Như vậy, khi khuyên chúng ta yêu kẻ thù, Ðức Giêsu đưa ra một lời cảnh giác mạnh mẽ về cái chung cuộc cuối cùng mà chúng ta không thoát khỏi, nếu không đem lời Người ra thực hành. Trong thế giới ngày nay, phải chăng chúng ta đang bị dồn vào chân tường là yêu kẻ thù, nếu không… thì điều gì sẽ xảy ra? Phản ứng dây chuyền của sự ác – hận thù tăng thêm hận thù, chiến tranh kéo theo chiến tranh, chúng ta phải chận đứng phản ứng này, nếu không tất cả chúng ta sẽ rơi vào hố diệt vong.

Lý do thứ hai chúng ta phải yêu kẻ thù là vì hận thù làm tổn thương tinh thần và hủy diệt nhân cách. Quá nhấn mạnh đến hận thù như là một sức mạnh xấu, nguy hiểm, chúng ta thường quan tâm đến các tác hại nơi người bị oán ghét. Ðây là điều dễ hiểu vì hận thù gây nhiều tác hại không thể cứu vãn nỗi nơi các nạn nhân. Chúng ta đã chứng kiến các tội ác ghê tởm khi thấy hơn sáu triệu người Do Thái bị tiêu diệt man rợ bởi một tên điên rồ có tên là Hitler, khi thấy các người anh em da đen bị đọa đày bởi một tầng lớp người da trắng, khi thấy cảnh điêu tàn đổ nát do chiến tranh gây nên, khi thấy các bất công khổ nhục mà con cái Thiên Chúa phải gánh chịu.

Nhưng cũng có một điều mà chúng ta không bao giờ được phép quên, đó là hận thù cũng gây tác hại cho chính con người oán ghét kẻ khác. Như một căn bệnh ung thư tiềm ẩn, hận thù làm tổn thương và phá vỡ thế thống nhất của nhân cách. Hận thù làm con người không còn biết nhận thức các giá trị khách quan, coi cái đẹp là xấu, cái xấu là đẹp, lầm lẫn cái thật với cái giả và cái giả với cái thật.

Trong một cuốn sách về tính cách bệnh hoạn của nạn kỳ thị chủng tộc, E. Franklin Frazier cho chúng ta thấy một số trường hợp người da trắng bình thường, dễ mến trong quan hệ hàng ngày với những người da trắng khác, nhưng lại có những phản ứng rất phi lý, bất bình thường khi được mời gọi xem các người da đen là những người bình đẳng với mình hoặc chỉ thảo luận về các bất công do nạn kỳ thị chủng tộc gây nên. Ðây là điều xảy ra khi hận thù ngự trị lòng người. Các nhà phân tâm học cho biết rằng có những điều kỳ lạ như thế tồn tại và phát triển nơi tiềm thức, có những cuộc xung đột ác liệt diễn ra nơi nội tâm con người: đa số những điều này thường phát xuất từ hận thù. Họ đặt chúng ta trước một sự lựa chọn: “Yêu thương hoặc tiêu diệt”. Tâm lý học hiện đại nhìn nhận điều Ðức Giêsu đã dạy thuở xưa: hận thù hủy diệt còn tình yêu phát triển và thống nhất nhân cách một cách lạ lùng và hữu hiệu.

Lý do thứ ba chúng ta phải yêu kẻ thù là vì tình yêu là sức mạnh duy nhất có khả năng biến thù thành bạn. Chúng ta không bao giờ có thể loại bỏ kẻ thù bằng cách lấy hận thù đối lại hận thù. Chúng ta chỉ có thể loại bỏ kẻ thù bằng cách loại bỏ hận thù chiếm ngự lòng chúng ta. Tự bản chất, hận thù phá hoại, hủy diệt; còn tự bản chất, tình yêu sáng tạo và xây dựng. Tình yêu đổi mới bằng sức mạnh cứu chuộc.

Abraham Lincoln đã có một kinh nghiệm như thế về tình yêu và đã trở thành một gương mẫu tuyệt vời cho hậu thế. Trong cuộc vận động tranh cử chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ, Stanton là người chống đối Lincoln kịch liệt nhất. Vì một lý do nào đó, Stanton thù ghét và tìm hết mọi cách để hạ nhục Lincoln trước công chúng. Stanton chế diễu dáng điệu của Lincoln với lời lẽ khiếm nhã, đả kích mãnh liệt và gây bối rối cho Lincoln. Nhưng các cố gắng của Stanton đã không ngăn cản Lincoln đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Khi lập nội các, Tổng Thống Lincoln đã chọn một số cộng sự viên thân tín nắm giữ các bộ trong chính phủ nhằm thực hiện chương trình đã được đề ra. Ðến ngày phải chọn người giữ chức vụ quan trọng nhất là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, các bạn có biết Tổng Thống Lincoln đã chọn ai không? Không ai khác ngoài Stanton! Quyết định này đã làm dư luận xôn xao và các cố vấn thân tín đã phải lên tiếng can gián Tổng Thống: “Ngài đã phạm sai lầm. Ngài có biết Stanton là ai không? Và đã chống lại ngài quyết liệt như thế nào không? Stanton là kẻ thù của ngài và sẽ tìm cách phá hoại chương trình ngài đã đề ra. Ngài đã suy nghĩ kỹ chưa?” Tổng Thống Lincoln đã trả lời một cách lịch sự và thẳng thắn: “Tôi biết Stanton cũng như những điều Stanton đã nói và đã làm để chống lại tôi. Nhưng, tại quốc gia này, nhìn kỹ, tôi thấy Stanton là người thích hợp nhất để giữ chức Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng”. Và trong cương vị của mình, Stanton đã tận tình phục vụ Tổng Thống và Quốc Gia mình. Vài năm sau, Tổng Thống Lincoln bị ám sát. Nhiều người đã hết lời ca ngợi Lincoln. H. G. Wells xem Abraham Lincoln là một trong sáu người vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng một trong số những lời đã được nói để ca ngợi Tổng Thống Lincoln, không một lời nào có thế sánh được với những lời Stanton đã nói. Ðứng trước thi hài của người một thời đã là kẻ thù của mình, Stanton đã nói về Abraham Lincoln như một con người vĩ đại nhất đã sinh ra trên trái đất này, và ông tuyên bố: “Từ nay, Abraham Lincoln thuộc về lịch sử”.

Nếu Lincoln thù ghét Stanton, thì cả hai đều xuống mồ như kẻ thù. Nhưng nhờ sức mạnh tình yêu, Lincoln đã biến thù thành bạn. Ông cũng đã có một thái độ tương tự như vậy đối với Miền Nam trong cuộc nội chiến, khi chiến sự đến hồi ác liệt nhất. Một trong số quý bà nghe ông diễn thuyết, đã tỏ thái độ bất bình về cách phát biểu của Tổng Thống. Ông nói: “Biến thù thành bạn, phải chăng đã là tiêu diệt được kẻ thù rồi?” Ðây chính là sức mạnh của tình yêu có sức cứu độ.

Tuy vậy, chúng ta phải nói ngay rằng các lý do trên khiến chúng ta yêu kẻ thù cũng chưa phải là lý do quyết định. Lý do căn bản nhất và được diễn tả rõ ràng nhất chính là lý do Ðức Giêsu đã nêu lên khi nói: “Anh em hãy yêu kẻ thù ?. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời”. Chúng ta được mời gọi làm công việc khó khăn này cốt là để cùng với Thiên Chúa tạo nên được một mối tương quan độc nhất vô nhị. Chúng ta có thể trở thành con cái Thiên Chúa. Nhờ yêu thương, chúng ta có thể biến khả năng này thành hiện thực. Chúng ta phải yêu kẻ thù vì, như vậy, chúng ta mới có thể biết được Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa là Ðấng Thánh.

Hiển nhiên là những điều tôi vừa nói có liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc. Sẽ không bao giờ có được một giải pháp lâu dài cho vấn đề này bao lâu các người bị áp bức chưa yêu kẻ thù. Bóng tối của nạn kỳ thị chủng tộc chỉ có thể bị xóa tan bởi ánh sáng của tình yêu tha thứ. Hơn ba thế kỷ, các người Mỹ da đen đã bị ngược đãi, ban ngày thì chịu đòn vọt, ban đêm thì bị ức hiếp một cách bất công và tàn nhẫn. Sống trong tủi nhục, hẳn chúng ta cũng muốn lấy ác báo ác, lấy hận thù đối lại hận thù. Nhưng nếu điều này xảy ra, thì trật tự mới chúng ta muốn xây dựng chẳng qua cũng chỉ là bản sao của trật tự cũ. Với tất cả sức mạnh và lòng khiêm nhường, chúng ta phải lấy tình yêu đối lại hận thù.

Dĩ nhiên làm như vậy quả là không thực tế. Sống là chiến đấu, cạnh tranh, giành giật, ăn miếng trả miếng. Thế mà tôi lại nói với các bạn rằng Ðức Giêsu dạy chúng ta phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi các bạn. Cũng như đa số các nhà giảng thuyết, phải chăng tôi cũng chỉ là một người quá lý tưởng để quên mất thực tế? Các bạn có thể nghĩ rằng, trong một thế giới mộng tưởng nào đó, thì điều tôi nói còn có thể nghe được, còn trong thế giới lạnh lùng, nghiệt ngã như thế giới chúng ta, thì hẳn là không nghe được rồi.

Thưa các bạn, trong quá khứ, chúng ta đã đánh mất quá nhiều thời gian khi đi theo một đường lối tạm gọi là thực tế, và nó đã dẫn chúng ta đến xáo trộn sâu xa và hỗn loạn. Nhiều cộng đồng đã lún sâu vào hận thù và bạo lực. Vì lợi ích của quốc gia chúng ta, vì lợi ích của toàn thể nhân loại, chúng ta phải từ bỏ đường lối này. Làm như vậy không có nghĩa là chúng ta không còn cố gắng đấu tranh cho công lý. Còn chút sức lực nào, chúng ta sẽ dùng nó để giải thoát quốc gia này khỏi cơn ác mộng của nạn kỳ thị chủng tộc. Nhưng trong quá trình đấu tranh, chúng ta không bao giờ từ bỏ bổn phận phải yêu kẻ thù. Dấn thân chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, chúng ta hết lòng yêu thương những kẻ kỳ thị chủng tộc. Không có cách nào khác để chúng ta tạo nên một cộng đồng trong đó mọi người yêu thương nhau. Với những người thù ghét chúng ta nhất, chúng ta nói: “Quý vị làm chúng tôi đau khổ; để chống lại, chúng tôi chịu đựng đau khổ. Quý vị dùng bạo lực; để chống lại, chúng tôi dùng sức mạnh tinh thần. Ðối với chúng tôi, quý vị muốn làm gì tùy ý; chúng tôi vẫn hết lòng yêu thương quý vị. Theo lương tâm, chúng tôi không thể tuân theo những luật lệ quý vị áp đặt, vì không cộng tác làm điều ác cũng quan trọng như cộng tác làm điều lành. Quý vị tống chúng tôi vào ngục, chúng tôi vẫn yêu thương quý vị. Quý vị sai các tên khủng bố gieo rắc khiếp sợ trong các cộng đồng chúng tôi vào ban đêm, chúng tôi vẫn yêu thương quý vị. Xin quý vị biết cho rằng khả năng chịu đựng đau khổ của chúng tôi sẽ làm quý vị nản lòng, kiệt sức. Một ngày kia chúng tôi sẽ giành được tự do, nhưng không chỉ cho chúng tôi mà thôi. Chúng tôi sẽ gửi đến quý vị một lời kêu gọi đủ sức thức tỉnh lương tâm, lay chuyển con tim và biến đổi quý vị thành những người anh em trong khi chúng ta cùng nhau tiến bước trên đường đời. Như vậy, chúng tôi đã chiến thắng hai lần rồi vậy”.

Tình yêu là sức mạnh tồn tại lâu dài nhất ở thế gian này. Như được minh chứng một cách rõ ràng nơi đời sống Ðức Giêsu, tình yêu sáng tạo là công cụ hữu hiệu nhất mà nhân loại có thể sử dụng trong công cuộc tìm kiếm hòa bình và an toàn. Napoléon Bonaparte là một thiên tài quân sự vĩ đại. Người ta kể lại rằng, sau nhiều năm chinh chiến, ông đã nhận định như sau: “Alexandre, César, Charlemagne và tôi đã lập được những đế quốc rộng lớn. Nhưng nhờ vào gì? Nhờ sức mạnh. Thế mà, nhiều thế kỷ trước đây, Ðức Giêsu đã lập một đế quốc đặt nền tảng trên tình yêu và, cho đến ngày nay, hàng triệu người vẫn sẵn sàng chịu chết vì Người”. Ai có thể nghi ngờ tính xác thực của lời nhận định này? Các thiên tài quân sự đã biến mất; các đế quốc rộng lớn đã sụp đổ. Còn đế quốc mà Ðức Giêsu đã lập và đặt nền tảng vững chắc trên tình yêu thì vẫn tồn tại và không ngừng phát triển rộng lớn. Ðức Giêsu đã bắt đầu với một nhóm người dấn thân, thấm nhuần tinh thần của Người. Nhờ vậy, họ đã mở toang cánh cửa đế quốc Rôma, và rao giảng Tin Mừng khắp mọi nơi. Ngày nay, đế quốc trần thế của Ðức Kitô gồm hơn chín trăm triệu người, sinh sống khắp trên mặt đất. Ngày nay, chúng ta lại nghe nhắc lại lời hứa về một cuộc chiến thắng:

Ðức Giêsu ngự trị khắp nơi
bao lâu mặt trời chiếu soi ban ngày;
Triều đại Người lan rộng khắp nơi
bao lâu mặt trăng chiếu soi ban đêm
.”

Và một đoàn hợp xướng khác hân hoan đáp lại:
Nơi Ðức Kitô chẳng có Ðông và chẳng có Tây,
chẳng có Nam và chẳng có Bắc.
Nơi Ðức Kitô tình yêu huynh đệ
liên kết mọi người trên toàn cõi đất
.”

Ðức Giêsu luôn có lý. Lịch sử để lại biết bao cánh đồng đầy ắp xương khô tại những quốc gia đã từ chối nghe lời Người. Thế kỷ XX này, ước gì chúng ta biết nghe lời Người và đem ra thực hành, trước khi quá trễ! Ước gì chúng ta ý thức được rằng chúng ta sẽ không bao giờ là con cái đích thực của Cha chúng ta ở trên trời, trừ khi chúng ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi chúng ta.

Martin Luther King: “Aimer les ennemis” trong “La Force d’aimer”, Ed. Casterman, Paris 1965, trg.63-74. Tóm tắt

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay