Đoàn Hòa bình Mỹ đã bước vào tuổi 50 (The US Peace Corpsat its 50 th)

Đoàn Hòa bình Mỹ đã bước vào tuổi 50 (The US Peace Corpsat its 50 th)

Anniversary 1961 – 2011)

 Bài viết của Đoàn Thanh Liêm

Được thiết lập vào năm 1961, ngay trong những ngày đầu của

nhiệm kỳ Tổng thống John F Kennedy, đến năm 2011 này Đòan

Hòa bình đang hân hoan tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50,

thông qua rất nhiều chương trình sinh họat trong các lãnh vực

chính trị, xã hội và văn hóa nghệ thuật. Tính ra, trong vòng 50 năm

qua, đã có tổng cộng trên 200,000 thanh niên sinh viên Mỹ tự

nguyện tham gia phục vụ trong khuôn khổ họat động của Đòan

Hòa bình tại 139 quốc gia trên khắp thế giới.

Qua nửa thế kỷ với biết bao đổi thay, mà Peace Corps vẫn trung

thành với ý hướng căn bản đã được xác định ngay từ thuở ban đầu,

đó là góp phần xây dựng hòa bình và tình thân hữu trên thế giới,

thông qua 3 mục tiêu đơn giản, mà cũng thật lớn lao như sau:

1/ Giúp nhân dân các quốc gia liên hệ trong việc đào tạo chuyên

môn;

2/ Giúp nhân dân các nước hiểu rõ hơn về dân tộc Mỹ; và

3/ Giúp người dân Mỹ hiểu biết rõ hơn về các dân tộc khác.

Năm 2011, Peace Corps cũng đặc biệt tưởng nhớ đến công lao vĩ

đại của vị Giám đốc tiên khởi của mình, đó là Luật sư Sargent

Shriver, người em rể của Tổng thống Kennedy và là thân phụ của

Maria Shriver cựu Đệ nhất Phu nhân của California. Ông vừa qua

đời vào tháng Giêng 2011 ở tuổi thọ 95.

Nhằm cung ứng đến quý bạn đọc những chi tiết đáng ghi nhớ của

Peace Corps, người viết đã tham khảo nhiều thông tin trên Internet

và đặc biệt là tìm đọc trong cuốn sách mới nhất do nhà xuất bản

Beacon Press phát hành vào đầu năm 2011 của tác giả Stanley

Meisler, dưới nhan đề

When The World Calls – The Inside Story of The Peace Corps

And Its First Fifty Years. (Khi Thế giới Kêu gọi – Câu chuyện

bên trong của Đòan Hòa bình và Năm mươi Năm Đầu tiên của

Đoàn). Cuốn sách dài 272 trang, bìa cứng.

I – Sự nô nức hăng say phấn khởi của thanh niên Mỹ.

Thanh niên Mỹ đã thật sự sôi nổi nô nức trước lời kêu gọi hùng

hồn của Tổng thống Kennedy trong bài diễn văn nhậm chức vào

tháng Giêng năm 1961, lời kêu gọi bất hủ đó như sau : “Các bạn

đừng hỏi quốc gia có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể

làm gì cho quốc gia của bạn” (Ask not what your country can do

for you, ask what you can do for your country). Và họ đã đua nhau

tự nguyện gia nhập Đoàn Hòa bình để đi đến phục vụ tại các quốc

gia xa lạ ở Phi châu, Á châu,châu Mỹ Latinh… Họ phải học nói

được ngôn ngữ của nước sở tại và nhất là phải sống trong những

điều kiện cực kỳ thiếu thốn khắc nghiệt của người dân địa phương.

Nhưng với tính tình hồn nhiên cởi mở của tuổi trẻ, với tấm lòng

hăng say nhiệt thành theo đuổi lý tưởng phục vụ nhân quần xã hội,

phần đông những thanh niên Mỹ này đã lần hồi vượt qua được mọi

thử thách, và tạo được sự thông cảm quý mến của các dân tộc nơi

họ sinh sống qua sự tự nhiên chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân

cũng như kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

Khởi đầu với con số 3,000 đòan viên, Peace Corps từ năm 1964 trở

đi mỗi năm đã có đến trên 10,000 thiện nguyện viên, và con số

mấy năm gần đây từ 2003 đến 2009 trung bình ở vào khỏang gần

8,000 đòan viên.

II – Một số trường hợp điển hình ngộ nghĩnh tại miền đất xa xôi.

1/ Ông “Tổng thống Peace Corps”. Năm 1964, cô Nancy Deeds

được một gia đình người xứ Peru, Nam Mỹ cho ở chung trong nhà

tại làng đánh cá Chimbote phía bờ biển Thái bình dương. Cậu bé

Alejandro Toledo con trai chủ nhà có dịp học thêm tiếng Anh bằng

cách dậy tiếng Tây ban nha cho Nancy. Ít năm sau, cậu được qua

Mỹ học và được Nancy giúp đỡ hướng dẫn lúc học ở San

Francisco. Và với sự cố gắng phi thường cậu đã thành công với

bằng cao học và tiến sĩ về môn kinh tế học. Toledo đã lần lượt làm

việc cho Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, Đại học Harvard,

Đại học Waseda ở Nhật và làm cố vấn kinh tế cho chính phủ nước

Peru… Vào năm 2000, ông còn được bầu vào chức vụ Tổng thống

của nước Peru nữa. Trong dịp gặp gỡ với giới lãnh đạo Peace

Corps tại Washington, Tổng thống Toledo đã xác nhận: “Một mảng

lớn con đường tôi trải qua – từ việc học tập và đi ra khỏi cái làng

tồi tàn Chimbote – thì Peace Corps đều có liên hệ với những

chuyện đó… Quý vị đều có trách nhiệm cho cái ông Tổng thống

này!”

2/ Những y tá người Mỹ của Peace Corps tại Afghanistan đã hết

sức tận tâm săn sóc bênh nhân địa phương, đến nỗi đã tạo được sự

chuyển biến rõ rệt trong lề lối phục vụ của các y tá bản xứ, vốn

xưa nay ít bị xúc động trước nỗi đau đớn bất hạnh quá dồn dập

trong đời sống thường ngày của đồng bào mình.

Alice O’Grady là một trong nhóm Peace Corps đầu tiên đến dậy

học ở xứ Ghana Phi châu từ năm 1961. Năm 1968 cô trở lại dậy

môn khoa học tại đây trong 4 năm. Năm 2008 Alice trở lại thăm

Ghana, thì được các học viên cũ – nay đã là những bác sĩ, kỹ sư rất

thành đạt – họ góp tiền lập một quỹ học bổng lấy tên cô giáo

“Alice O’Grady” để giúp cho thế hệ đàn em có cơ hội học tập tốt

hơn, và họ còn gửi vé may bay mời cô qua tham dự lễ trao học

bổng cho sinh viên đầu tiên được trúng giải. Trong buổi lễ trao học

bổng này, các cựu học viên đã hết lòng ca tụng “sự tận tâm, kỷ luật

và hăng say của cô giáo O’Grady là người đã nhóm lên ngọn lửa

say mê kiến thức khoa học cho lớp môn sinh của cô trên 40 năm

trước…”

3/ Niên lịch của Nhóm Cựu Thiện Nguyện Viên Peace Corps ở

Madison, Wisconsin.

Sau khi hết thời hạn phục vụ ở ngọai quốc, các thiện nguyện viên

trở về Mỹ thường tụ họp lại với nhau thành từng Nhóm Ái hữu, để

ôn lại những kỷ niệm và còn tìm cách phát triển và củng cố những

mối liên hệ thân thiết với các bạn từ những khu vực mà họ làm

việc, thông qua vô số những dự án nho nhỏ về giáo dục, về cải tiến

dân sinh tại các địa phương. Các nhóm Ái hữu này gia nhập tổ

chức National Peace Corps Association mà hiện nay có đến khoảng

30,000 thành viên (Hiệp hội quốc gia Peace Corps).

Riêng Nhóm Cựu Thiện nguyện viên ở thành phố Wisconsin lại có

một sáng kiến độc đáo là kêu gọi các bạn trên tòan quốc gửi hình

ảnh sinh họat tại các quốc gia để nhóm thực hiện cuốn lịch mỗi

năm và đem bán để gây quỹ giúp một số công trình tại các địa

phương. Trong loại niên lịch này, có nhiều chi tiết đáng chú ý, điển

hình như January 6 là Maroon Day ở Jamaica, April 27 là Lễ Độc

lập xứ Togo, July 13 là Jagannah Festival ở Ấn độ, và November 9

là Sinh nhật của Sargent Shriver. Kể từ năm 1988 đến nay, số thu

nhập từ việc bán các niên lịch này đã lên tới tổng cộng gần 1 triệu

US dollar. Và trong năm 2008, số tiền thu nhập được sử dụng để

mua máy quay roneo cho trường Tubman ở Liberia, xây dựng 15

nhà vệ sinh tại Cộng hòa Dominica, giúp đào tạo nữ hộ sinh tại

Moroco, bảo trợ câu lạc bộ chơi cờ ở Bolivia và yểm trợ một phần

cho 65 dự án nhỏ ở các nơi khác.

III – Peace Corps giữa thời kỳ chiến tranh lạnh.

Trong các thập niên 1960, 70 và 80, giữa thời kỳ chiến tranh lạnh

đoàn viên Peace Corps ở nhiều nước thường gặp khó khăn do sự

tuyên truyền chống Mỹ của phe cộng sản. Cụ thể như vào năm

1961, chuyện tấm bưu thiếp của cô Margery Michelmore gốc từ

Boston gửi cho người bạn trai, trong đó cô mô tả về chuyện người

dân Ghana nấu ăn ngòai phố, buôn bán ngòai đường và cả đi vệ

sinh ở ngòai đường nữa. Tấm postcard này không hiểu làm sao lại

rơi vào tay người khác ở Ghana và liền bị sao chụp thành nhiều

bản để tung ra cho giới sinh viên học sinh ở thủ đô Accra. Từ đó

mà đã gây ra cả một chiến dịch rất mãnh liệt tố cáo “đế quốc Mỹ”

với lời hô hào vang dội khắp nơi “Yankees, go home” ( người Mỹ,

hãy cút về nước).

Tuổi trẻ vốn ngây thơ, hồn nhiên, nên các đoàn viên Peace Corps

tuy tự nguyện đi phục vụ tại nước ngoài, nhưng vẫn giữ tinh thần

độc lập, không muốn để cho mình trở thành “công cụ của chính

sách ngọai giao của chính quyền Mỹ”. Vì thế mà có sự đối kháng

căng thẳng trong mối liên hệ giữa Peace Corps và giới lãnh đạo

chính phủ Mỹ ở Tòa Bạch ốc. Điển hình như mấy trường hợp sau

đây:

1/ Phản đối việc quân đội Mỹ xâm chiếm Cộng hòa Dominica.

Năm 1965, nhân cuộc nội chiến tại địa phương, chính quyền

Johnson đã phái quân đội đổ bộ lên đảo quốc Dominica. Một số

đoàn viên Peace Corps đã không chịu di tản theo lệnh của tòa Đại

sứ, ở lại chăm sóc các nạn nhân tại thành phố thủ đô Santo

Domingo, và họ còn tỏ ra có thiện cảm với “phe nổi dậy” mà bị

chính quyền Mỹ đang tìm cách dẹp bỏ. Thái độ ngoan cường bất

tuân mệnh lệnh của các đoàn viên này đã làm Tổng thống Johnson

hết sức giận dữ và rút cuộc đã bắt đầu tìm cách thay thế cả vị Giám

đốc đày uy tín Sargent Shriver nữa. Sự kiện này chứng tỏ Peace

Corps tuy do chính phủ Mỹ lập ra và tài trợ, nhưng tổ chức này vẫn

giữ được vị thế độc lập riêng biệt của mình, chứ không chịu răm

rắp đứng trong khuôn khổ chật hẹp của nền ngọai giao Mỹ. Đây rõ

rệt là một đơn vị thuộc khu vực xã hội Dân sự, chứ không phải là

một cơ sở thuộc chính quyền Nhà nước.

2/ Peace Corps cũng không chịu qua Việt Nam và Lào

Đầu năm 1966, Tổng thống Johnson yêu cầu giới lãnh đạo Peace

Corps phải nghiên cứu việc đưa các đoàn viên sang công tác ở Lào

và Việt Nam. Nhưng sau chuyến đi khảo sát tình hình tại chỗ của

hai nhân viên đặc trách về khu vực Viễn Đông, Peace Corps đã

quyết định không tiến hành chương trình hoạt động tại hai quốc gia

này, bất kể chỉ thị của vị Tổng thống đầy quyền uy lúc đó. Cũng có

thể là vì hồi đó tại Việt nam đã có Đòan Thanh niên Chí nguyện

Quốc tế (IVS = International Voluntary Service) đã từ Mỹ đến họat

động sẵn từ năm 1957 rồi, nên Peace Corps xét thấy nên dành ưu

tiên cho những quốc gia khác chăng.

Đàng khác, nhiều đoàn viên Peace Corps lại còn tham gia tích cực

vào phong trào chống đối cuộc chiến tranh Việt Nam mỗi ngày một

sôi nổi lan rộng khắp nước Mỹ hồi cuối thập niên 1960 nữa. Và vì

sự chống đối này, mà Tổng thống Nixon rất giận dữ đến nỗi muốn

tìm cách dẹp bỏ cả Peace Corps đi. Nhưng vì sau năm 1972, ông

bị rắc rối nặng nề với chuyện Watergate, nên đã không thể làm gì

với ý muốn dẹp bỏ tổ chức này được nữa.

Tại nhiều quốc gia khác ở Phi châu, cũng như ở châu Mỹ Latinh,

các đoàn viên Peace Corps cũng gặp phải những khó khăn tương tự

phát xuất từ thái độ bài Mỹ và nhất là do ảnh hưởng của những

lãnh tụ marxist quá khích như Fidel Castro, Ché Guevara… Nhưng

kể từ khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt và sau khi Liên Xô giải

thể vào đầu thập niên 1990, Peace Corps đã có thể họat động tương

đối êm thắm thoải mái hơn lúc ban đầu vào thập niên 1960 – 70 rất

nhiều.

Ngân sách của Peace Corps vào năm 2010 vừa được Quốc hội Mỹ

thông qua đã lên tới 400 triệu dollar, nhiều hơn con số 373 triệu mà

Tổng thống Obama đề nghị với Quốc hội. Sự kiện này chứng tỏ

Peace Corps vẫn còn giữ được tín nhiệm lớn lao trong công luận

của nước Mỹ ngày nay vậy.

IV – Nhận định tổng quát về Peace Corps trong nửa thế kỷ qua.

Peace Corps được đánh giá là một thành tựu lâu bền đáng kể nhất

của chính phủ do Tổng thống Kennedy lãnh đạo. Chương trình này

được đa số người dân Mỹ ủng hộ tán thành và đã liên tục phát triển

và hoàn thiện cho đến ngày nay qua thế kỷ XXI.

1/ Giới truyền thông báo chí Mỹ vốn chuyên môn xét nét moi móc

những sai sót của chính quyền và không ngớt chỉ trích các nhân vật

trong giới lãnh đạo xã hội được coi như là những khuôn mặt của

công chúng (public figures). Nhưng nói chung, họ lại có thiện cảm

với việc làm của những thiện nguyện viên trẻ tuổi của Peace Corps

trên khắp thế giới, và họ đã mô tả khá chi tiết về các thành tựu và

ảnh hưởng của Peace Corps tại các quốc gia nơi Peace Corps có

chương trình hoạt động.

2/ Và giới báo chí tại các quốc gia địa phương nói chung cũng đều

đánh giá cao họat động của Peace Corps và đặc biệt là tác phong

cởi mở hòa nhã và hăng say phục vụ của các thiện nguyện viên.

Sự phản ánh dư luận báo chí ở Mỹ cũng như trên thế giới như thế

rõ ràng đã chứng minh được rằng Peace Corps đã đạt được mục

tiêu chính yếu của mình đã đề ra lúc khởi đầu, đó là : “Giúp cho

các dân tộc trên thế giới hiểu rõ hơn về người Mỹ”.

Tại quê quán và các đại học xuất phát của các thiện nguyện viên,

Peace Corps cũng đều nhận được sự yểm trợ và cảm tình rất bền

vững và các báo chí truyền thông địa phương cũng liên tục theo

dõi mọi công việc của thiện nguyện viên vốn là cư dân hay đồng

song với họ. Đó là một sự gắn bó liên kết chặt chẽ trong các cộng

đồng địa phương, nơi bản quán hay nơi trường học thân thương

yêu quý năm xưa (alma mater) của các thiện nguyện viên. Và như

vậy là Peace Corps đã “Giúp người dân Mỹ hiểu biết hơn về thế

giới” như là một mục tiêu đã được đưa ra lúc ban đầu.

3/ Con số đồ sộ của trên 200,000 Cựu Thiện nguyện viên đã là một

lực lượng tinh thần vĩ đại góp phần thật đáng kể trong việc làm

thay đổi nếp suy nghĩ và tình cảm của dân tộc Mỹ trước một thế

giới bao la rộng lớn với tất cả sự phong phú về văn hóa, lịch sử

phong tục, ngôn ngữ và với một tiềm năng vô biên của các quốc

gia đang vươn lên trên trường quốc tế ngày nay ở thế kỷ XXI.

Nhân tiện cũng xin ghi ra một số nhân vật nổi bật xuất thân từ

hàng ngũ của các Thiện nguyện viên Peace Corps. Về mặt chính

trị, thì có 2 Thương nghị sĩ Liên bang, đó là Paul Tsongas của

Massachusetts (công tác ở Ethiopia), và Chris Dodd của

Connecticut ( công tác ở Cộng Hòa Dominica). Rồi đến rất nhiều

Dân biểu Liên bang, điển hình như: Mike Honda của California (El

Salvador), Thomas Petri của Wisconsin (Somalia), Tony Hall của

Ohio (Thailand), Mike Ward của Kentucky (Gambia), James Walsh

của New York (Nepal)… Các Thống đốc Jim Doyle của Wisconsin

(Tunisia), Bob Taft của Ohio (Tanzania). Cũng như các Thị trưởng

của Pittsburgh, San Angelo, Texas và Urbana, Illinois. Hai chục vị

Đại sứ xuất thân từ Peace Corps, điển hình như Christopher Hill

(Cameroon) là thương thuyết viên chính về năng lượng hạt nhân

với Bắc Triều Tiên, và Robert Gelbard là Đại sứ tại Bolivia từ

1988 đến 1991 rồi làm Phụ tá Bộ trưởng Ngọai giao từ năm 2009;

ông này hồi thập niên 1980 đã từng phục vụ trong đoàn Peace

Corps ở Bolivia.

Về số nhà văn, nhà báo xuất thân từ Peace Corps, thì cũng có rất

nhiều, mà điển hình nhất là: Paul Theroux (Malawi), Peggy

Anderson (Togo), Peter Hessler (China), Chris Matthews của

MSNBC (Swaziland), Karen De Witt của ABC News (Ethiopia),

Al Kamen của Washington Post (Dominican Republic)…

Riêng trong số người Mỹ gốc Việt thì phải kể đến tên tuổi của anh

Bùi Văn Phú hiện dậy học và viết báo tại Bắc California. Sau khi

tốt nghiệp Đại học Berkeley vào đầu thập niên 1980, anh Phú đã

gia nhập Peace Corps và được cử đi dậy môn vật lý tại Togo Phi

châu là cựu thuộc địa của Pháp, nên anh Phú lại được dịp học thêm

tiếng Pháp để làm việc tại đây từ năm 1983 đến 85. Sau này cũng

còn nhiều sinh viên gốc Việt Nam cũng gia nhập Peace Corps như

anh Phú nữa. Người viết sẽ tìm hiểu chi tiết thêm về các Thiện

nguyện viên gốc Việt và sẽ trình bày trong một dịp khác vậy.

California, tháng Tám 2011

 Đoàn Thanh Liêm

Hình: Anh Bùi Văn Phú những ngày làm tình nguyện viên của

Peace Corps ở Togo, Phi châu

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay