Nhớ Hà nội xưa thuở thiếu thời.

Nhớ Hà nội xưa thuở thiếu thời.

 Bút ký của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Gia đình chúng tôi đã qua định cư tại California được gần 20 năm. Tính ra thì số những năm tháng này cũng tương đương với khỏang thời gian tôi sinh sống trên quê hương đất Bắc là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Lúc này là vào giữa tháng 10 năm 2014, thì khí hậu ở đây tại bờ biển miền Tây nước Mỹ (West Coast) đã bắt đầu mát dịu, nhiệt độ ban ngày chỉ vào khỏang trên dưới 20 độ C – chứ không còn nóng bức ở mức 35 – 37 độ như hồi tháng trước vào cuối mùa hè nữa. Có thể nói Mùa Thu đang tới trên đất Mỹ đây rồi.

Buổi sáng nay, tôi nhớ lại mấy câu thơ mình đã làm hồi 30 năm trước, lúc bắt đầu bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” và đang sinh sống tại Sài gòn. Xin được ghi lại đày đủ bài thơ đó như sau :

Mùa Thu Nhớ Bạn

Mùa Thu chợt đến – lòng man mác

Nhớ Hà nội xưa – thuở thiếu thời

Bạn bè năm ấy – giờ đâu nhỉ?

Kẻ vắng người còn – dạ khó nguôi!

Sài gòn 1983.

Tôi sinh trưởng tại một làng quê trong tỉnh Nam Định cách xa Hà nội chừng trên 100 cây số thôi. Vì thế mà ngay từ trước năm 1945 trong làng đã có nhiều bà con đi làm hay định cư ở ngay tại đất Hà thành hoa lệ này. Khi về thăm viếng bà con trong làng, thì những người này thường hay kể chuyện về cuộc sống văn minh tiến bộ của người dân tại Hà nội. Và bọn trẻ con chúng tôi luôn luôn thích thú kể lại cho nhau nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh đó về phong cảnh và con người của cái thành phố ngàn năm văn vật này.

Huynh Luong Thien-Doan Thanh Liem- My Loi

Rồi đến năm 1952 lúc đã bước vào tuổi 18, thì tôi được gia đình gửi ra theo học tại Trường Chu Văn An ở Hà nội. Đã từng trải qua cảnh chiến tranh tàn phá kinh hòang ác liệt ở miền quê, tôi thật chóang ngợp với tình hình an ninh trật tự và sung túc thịnh vượng của thành phố là thủ phủ của miền Bắc Việt nam vào thời gian đó. Và chỉ vài ba tháng sau, là tôi đã có thể thích nghi hòa nhập vào với cuộc sống chung với các bạn đồng trang lứa với mình nơi thành phố xinh đẹp dễ thương, thanh lịch và đày dãy những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh này. Xin được ghi chi tiết hơn về cuộc sống thời trai trẻ của thế hệ chúng tôi ở Hà nội thời kỳ trước năm 1954.

I – Cái thời vui sống ở Hà nội năm xưa ấy.

Với tính vô tư năng động của tuổi trẻ, lớp bạn học chúng tôi lao mình vào chuyện học tập để bù đắp lại quãng thời gian bị mất trong những năm phải di tản chạy lọan trước đây. Mà thành phố Hà nội lúc nào cũng hào phóng cung ứng cho bọn trẻ chúng tôi những cơ hội giải trí thư giãn thỏai mái – sau những giờ phút phải tập trung suy nghĩ, học tập miệt mài căng thẳng.

Một địa điểm chúng tôi thường lui tới để gặp gỡ nhau và nhìn ngắm phố phường, đó là Hồ Hòan Kiếm ở trung tâm thành phố. Nơi di tích lịch sử với truyền thuyết con rùa mang lưỡi gươm trả về cho nhà vua Lê Lợi (The Lake of the Returned Sword), thì lúc nào cũng tấp nập xe cộ qua lại và người đi bộ vòng quanh ven hồ. Và vào những ngày mùa hè oi bức chúng tôi còn thường rủ nhau đi tắm bơi lội tại khu hồ Quảng Bá Nghi Tàm sát với Hồ Tây.

Gặp ngày trời đẹp, chúng tôi còn rủ nhau dành cả một buổi chiều để đạp xe chạy vòng quanh khu vực Hồ Tây dài đến trên 20 cây số – để hít thở không khí trong lành và thưởng thức những vẻ đẹp nơi đồng quê êm ả thanh bình tại vùng ngọai thành Hà nội. Ở vào tuổi mười tám đôi mươi, chúng tôi thật lòng say mê hồn nhiên vui sống với “cái tuổi thanh xuân thơ mộng ấy”.

Chúng tôi còn rủ nhau đi coi những phim từ Hollywood của Mỹ thật hấp dẫn với những tài tử gạo cội, màu sắc âm thanh tòan hảo. Đặc biệt phim “Gone with the wind” (Cuốn theo chiều gió) với cặp diễn viên Clark Gable – Vivien Leigh trổ tài diễn xuất thật tuyệt vời.

 1 / Mùa thu Hà nội.

Và đặc biệt là cảnh vật nơi đất kinh kỳ vào mùa thu, thì thật đày vẻ quyến rũ – quả thật nó đã gây ấn tượng thật sâu đậm trong tâm hồn nhạy cảm của lớp thanh thiếu niên chúng tôi. Đó là phương diện khách quan của khung cảnh địa lý nhân văn. Còn về mặt tâm lý chủ quan, thì chúng tôi chịu ảnh hưởng nhiều bởi thơ văn và âm nhạc thời tiền chiến – với những bài thơ bất hủ của cụ Nguyễn Khuyến như “Thu ẩm”, “Thu điếu”, Thu vịnh” v.v…, hay các bài nhạc của Đặng Thế Phong như “Giọt Mưa Thu”, “Con Thuyền Không Bến”. Và cả của những bài văn, bài thơ trong kho tàng văn chương của Pháp nữa, điển hình như bài “Chanson d’automne” (Ca khúc Mùa Thu) tuyệt vời của Paul Verlaine. Tôi thật vui thích sảng khóai mỗi khi ngâm nga những câu thơ tuyệt đẹp trong Truyện Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du, cụ thể như câu : “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”.

Vì thế, mà các văn nghệ sĩ ấy đã giúp cho chúng tôi biết thưởng ngọan những vẻ đẹp ngây ngất của mùa thu một cách cực kỳ linh động viên mãn. Điều này rõ rệt đã góp phần rất quan trọng để làm tăng thêm phẩm chất trong đời sống tình cảm của thế hệ thanh niên chúng tôi (quality of life) – mặc dầu hồi đó cuộc chiến tranh đang ở vào giai đọan ác liệt ngay tại các miền quê không cách xa Hà nội bao nhiêu.

 2 / Chuyện học hành, thi cử hồi ấy.

 Tại trường Chu Văn An là một cơ sở giáo dục có danh tiếng vào bậc nhất ở miền Bắc từ lâu, thì tôi được sát cánh với nhiều bạn học thật thông minh xuất sắc – nhờ vậy mà mình cũng phải cố gắng để mà theo kịp với chúng bạn. Hồi đó, các sách giáo khoa bằng tiếng Việt vẫn còn thiếu, nên chúng tôi phải học bài trong các sách viết bằng tiếng Pháp với lối trình bày in ấn thật rõ ràng, sáng sủa đẹp mắt. Và nói chung, thì các thầy giáo đều rất tận tâm trong việc sọan bài giảng và hết lòng hướng dẫn cho chúng tôi trong việc học tập để đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi kết thúc hai năm cuối bậc Trung học.

Và chừng vài tháng trước kỳ thi văn bằng Tú Tài I vào năm 1953 cũng như Tú Tài II vào năm 1954, chúng tôi thường họp thành từng nhóm 3 – 4 người để cùng học ôn bài chung với nhau. Nhờ vậy, mà trong lớp có đến gần một nửa học sinh trường công lập đều vượt qua được cửa ải kỳ thi Tú Tài I – mà hồi đó được coi là rất gay go hóc búa. Trong khi đó, thì số thí sinh từ các lớp tư thục lại đậu rất ít, có lớp không quá 10% số học sinh thi đậu. Vì số học sinh thi đậu không nhiều, nên danh sách các học sinh trúng tuyển đều được công bố trên các tờ báo ở Hà nội nữa, để bà con tiện bề theo dõi.

 II – Bạn bè năm ấy – giờ đây ai còn, ai mất?

 Có thể nói trong mấy năm sinh sống và học hành tại Hà nội hồi đó, thì tôi có duyên quen biết gắn bó thân thiết được với cả trăm bạn đồng môn, bạn cùng lứa tuổi với mình. Chúng tôi sống gần gũi nhau, học tập sát cánh với nhau – và cùng có chung những mộng đẹp về một tương lai tươi sáng cho bản thân mỗi người, cũng như cho đất nước và dân tộc Việt nam thân yêu của mình.

Thế nhưng do Hiệp định Geneva quy định việc chia cắt phân đôi đất nước, mà anh em chúng tôi lại phải rời xa nhau, kẻ thì di cư vào miền Nam, người thì theo với gia đình ở lại miền Bắc. Cho đến năm 2014 này, thì chúng tôi đã chia tay sống xa cách nhau đúng 60 năm rồi. Xin ghi lại danh tánh các bạn đã ra đi và các bạn mà tôi đã có dịp gặp lại trong thời gian gần đây.

1 / Những người bạn đã vĩnh viễn ra đi.

Ít nhất phải có đến cả chục bạn đã ra đi từ giã cõi đời, mỗi người trong một hòan cảnh khác nhau. Xin liệt kê như sau.

*Trong số các bạn ở lại miền Bắc sau năm 1954, thì gần đây tôi biết rõ các bạn này đã từ giã cõi đời : Các anh Phạm Xuân Nhàn, Đặng Mộng Lân, Đặng Công Tọai.

*Số bạn di cư vào miền Nam và đã mất ở đây : Các anh Đỗ Vinh, Nguyễn Bá Khánh, Nguyễn Hồ Quỳ, Nguyễn Văn Quí, Nguyễn Hữu Đạo.

*Số bạn mất ở California : Các anh Vũ Ngô Luyện, Nguyễn Ngọc Đĩnh, Nguyễn Hữu Tuệ, Nguyễn Duy Hy, Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Tri Phương, Đoàn Hữu Khánh.‎

 2 / Những người bạn vẫn còn liên lạc được gần đây.

A – Khá nhiều bạn hiện định cư trên đất Mỹ, cụ thể như :

*   Tại California : Các anh Trịnh Đình Cương, Trần Quang Hải, Đỗ Phan Ngọc, Nguyễn Trọng Hiền, Vũ Ngọc Óanh, Nguyễn Ngọc Thụy, Ngô Văn Quang, Trần Văn Điền, Lưu Trung Khảo, Nguyễn Quang Hạ.

  • Tại Texas : Các anh Vũ Tiến Thông, Đặng Văn Đức, Vũ Hữu Bao, Đỗ Huy Hòang.
  • Tại Washington DC : Các anh Hòang Song Liêm, Ngô Đình Thuấn, Bùi Hữu Thư.
  • Tại New Jersey : Anh Chu Văn Hồ.
  • Tại Florida ; Anh Vũ Ngọc Đại

B – Tại Paris Pháp quốc, thì tôi đã gặp lại các bạn : Đỗ Đăng Di, Võ Thế Hào, Bạch Lý Từ, Vũ Dương Tuyền, Phạm Xuân Yêm.

C – Tại Montréal Canada, thì có các bạn : Trần Văn Kim, Đinh Bảo Lĩnh, Bùi Thiệu Tường.

D – Tại Việt Nam, thì ở Hà nội có các bạn : Đỗ Xuân Lôi, Ngô Văn Trọng, Nguyễn Phúc Giác Hải.

* Ở Sài gòn, thì có Phạm Hòai Đức, Lê Đức Cửu và đặc biệt có ba anh là Linh mục Công giáo : Hòang Sĩ Quí, Nguyễn Đức Thiệp, Đoàn Phú Xuân.

III – Để tóm lược lại.

 Trên 60 năm đã qua, bao nhiêu chuyện đổi thay với những hệ lụy buồn vui đã xảy ra trên đất nước ta. Mà khủng khiếp nhất là những đau thương tang tóc chồng chất gây ra bởi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn – khiến làm thiệt mạng đến cả mấy triệu con người – mà tất cả đều là bà con ruột thịt thân yêu của hết thảy chúng ta. Rồi tiếp theo đó lại là một chế độ độc tài đảng trị hủ lậu và khắc nghiệt nhất trong lịch sử trên 4,000 năm của đất nước ta.

Mặc dầu vậy, cái tình cảm thân thương gắn bó giữa các bạn học năm xưa tại Hà nội lúc chúng tôi mới ở vào tuổi mười tám đôi mươi, thì không bao giờ lại có thể bị suy xuyển phai lạt đi được. Vào năm 2014 lúc này, chúng tôi đều đã bước qua tuổi 80 cả rồi và cũng đều đủ từng trải để mà biết an phận vui sống cho đến hết những ngày cuối đời của mình.

*Bài viết ngắn ngủi này nhằm gợi lại chút ít kỷ niệm của thế hệ bọn trai trẻ chúng tôi đã có duyên gặp gỡ, sinh sống và học tập chung với nhau nơi thành phố lịch sử thân yêu hồi những năm đầu của thập niên 1950.

Để kết thúc, ngòai bài thơ “Mùa Thu Nhớ Bạn” đã ghi ở phía trên, tôi xin được gửi thêm đến tất cả các bạn hai câu thơ sau đây nữa :

Cái tuổi thanh xuân thơ mộng ấy

Hãy còn vang vọng mãi trong ta”.

Và cũng xin được gửi lời thăm hỏi thân ái đến với tất cả các bạn.

Xin được bày tỏ nỗi niềm thương tiếc và quý mến đối với tất cả các bạn đã vĩnh viễn ra đi.

Xin cầu chúc các bạn cùng gia quyến luôn được mọi sự An Lành./

 Thành phố Costa Mesa, California Tháng Mười 2014

Đoàn Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay