Việt Nam báo động bão Mujigae

Việt Nam báo động bão Mujigae

Ngư dân tỉnh Quảng Nam đẩy một tàu đánh cá vào bờ. Tàu bè các tỉnh duyên hải từ miền Trung trở ra đã được khuyến cáo trở lại đất liền.

Ngư dân tỉnh Quảng Nam đẩy một tàu đánh cá vào bờ. Tàu bè các tỉnh duyên hải từ miền Trung trở ra đã được khuyến cáo trở lại đất liền.

Trà Mi-VOA

Giới hữu trách cảnh báo bão nhiệt đới Mujigae đang quét qua Philippines có thể đổ bộ vào bờ biển Việt Nam sáng ngày 5/10.

Truyền thông nhà nước hôm nay dẫn nguồn tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết tâm bão đang cách quần đảo Hoàng Sa hơn 700 cây số về hướng Đông.

 Hiện cơn bão thứ tư ở Biển Đông này đang ở cấp 8 với sức gió 75km/giờ và có thể mạnh lên tới 100km/giờ tức trên cấp 10. Dự báo tới ngày Chủ nhật bão có thể đạt cấp 10-11.

Giới hữu trách Việt Nam cho hay hiện chưa biết chắc bão sẽ đổ bộ vào đâu, nhưng có thể vào phía Nam đồng bằng Bắc Bộ và nhiều khả năng sẽ ập vào khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 10.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương được tờ Zing.vn dẫn lời cho hay khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam có thể hứng một lượng mưa rất lớn nếu bão Mujigae đổ vào Quảng Ninh.

Giới chức Việt Nam yêu cầu các khu vực này có kế hoạch ứng phó với lũ quét và sạt lở đất.

Việt Nam nói Bộ quốc phòng đã điều động lực lượng cùng các phương tiện như máy bay, tàu, xuồng, ô tô cho công tác cứu hộ.

Tàu bè các tỉnh duyên hải từ miền Trung trở ra đã được khuyến cáo trở lại đất liền.

Bây giờ bà con họ rút kinh nghiệm, nay họ nghe bão là nghe trước hết, nghe đài Nhật Bản với đài Hoa Kỳ là nhiều, lo nghe trước để tránh thiệt hại. Trước đây có nhiều cơn bão đổi hướng nhiều khi nghe đài cũng không chính xác. Trước đây cũng bị dự báo không chính xác nhưng sau thời gian kinh nghiệm, giờ thì cũng chính xác lần lần, bà con ngư dân giờ cũng đỡ.

Anh Lê Văn Xinh, thuyền trưởng tàu đánh cá ở Sơn Trà chuyên hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, nói với VOA Việt ngữ ngư dân địa phương đã được báo bão và nhiều tàu đánh cá như anh đã quay về bờ:

“Cũng nhiều tàu đã vào bờ, một số còn ở ngoài biển. Họ nghe bão 2, 3 ngày nay rồi, chiếc nào ở gần thì họ lo họ tránh vào gần bờ. Không biết miền Bắc ra sao chứ miền Trung này thì thấy đường đi của bão cũng hụt Đà Nẵng rồi cho nên bà con đi xa bờ không được thì cũng làm ở gần bờ để có gì thì vào bờ nghỉ thôi”.

Anh Xinh cho biết sau những thiệt hại trong các trận bão trước, ngư dân địa phương giờ đây cảnh giác bão cao hơn, chủ động tìm kiếm các kênh thông tin bão và liên lạc truyền tin bão với nhau:

“Bây giờ bà con họ rút kinh nghiệm, nay họ nghe bão là nghe trước hết, nghe đài Nhật Bản với đài Hoa Kỳ là nhiều, lo nghe trước để tránh thiệt hại. Trước đây có nhiều cơn bão đổi hướng nhiều khi nghe đài cũng không chính xác. Trước đây cũng bị dự báo không chính xác nhưng sau thời gian kinh nghiệm, giờ thì cũng chính xác lần lần, bà con ngư dân giờ cũng đỡ. Hơn nữa, giờ bà con cũng lo nghe báo bão trước để tính đường đi và thời gian để lo vào bờ trước 1 ngày chứ không để sát tới nơi mới chạy”.

Anh Xinh nói anh hy vọng công tác báo bão của Việt Nam được cải thiện hơn sao cho hiệu quả và kịp thời cũng như các khâu ứng phó, hỗ trợ, cứu hộ cho dân cần được chú ý tăng cường hơn nữa để giảm thiểu hậu quả khôn lường từ các trận bão mà cư dân duyên hải miền Trung như anh phải đón nhận mỗi năm.

Báo nhà nước loan tin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ thị các ban ngành địa phương chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống để tránh thiệt hại về người và của. Ông Hải yêu cầu giới hữu trách tuyệt đối không được chủ quan khi ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Trung tâm dự báo thủy văn trung ương cũng được lệnh cập nhật tin bão từng giờ ‘cho dân chủ động ứng phó’ khi bão áp vào gần bờ.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay