Ký Ức về hai ngôi nhà ở Phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Ký Ức về hai ngôi nhà ở Phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Sài Gòn–Tuần trước Mừng Lễ thánh Têrêsa, tôi nhớ đến hai ngôi nhà ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Năm 1984, lần đầu tiên tôi trở lại Hà Nội sau khi đi biệt 30 năm. Ngày ấy trước Đổi Mới, thành phố xưa không thay đổi mấy, chỉ cũ kỹ hơn và nghèo hơn. Lòng người không biết thế nào, nhưng phố xá còn giữ được cái vẻ yên tĩnh có phần trầm mặc tôi thấy rất gợi cảm. Một ngày cùng bạn  bè đi trên phố Nguyễn Thái Học, tôi để ý một ngôi nhà lớn,  trên mái có cây Thánh Giá. Ngày ra đi tưởng không bao giờ trở lại, tôi chỉ là một đứa trẻ ngu ngơ, đâu có biết gì về các cơ sở của Hội Thánh. Nay trở về thì đã có nhiều suy nghĩ. Tôi nghe nhiều, đọc nhiều về những gì xảy ra với Giáo Hội sau bức màn Tre, màn Sắt, sau đó lại còn cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc. Tin tức lọt ra ngoài cho thấy Giáo hội Miền Bắc ở vào tình trạng hết sức tiêu điều, xơ xác. Chuyến đi này tôi mong được thấy tận mắt. Và tôi cho rằng một điều học được trong chuyến đi là Đức Tin đã lưu  truyền như thế nào trong cảnh ngặt nghèo đó. Tôi hỏi ngôi nhà có Thánh Giá trên mái đó ngày trước là gì vậy, các bạn cho biết đó là Dòng Kín Cát minh xưa. Tôi hơi giật mình: thì ra đây là nơi 80 năm trước  thánh Têrêsa  đã muốn tìm đến vùi sâu  cả cuộc đời mình để thầm lặng hy sinh cầu nguyện cho nhiều người được biết Chúa. Xém chút nữa thi đất mẹ Việt Nam đã đón vào lòng mình một vị thánh  lớn.

Ngôi nhà thứ hai trên phố Nguyễn Thái Học có thể coi là láng giềng của Dòng kín Cát minh cũ. Từ chuyến đi năm 1984 ấy, tôi đã quen biết thêm và giữ liên lạc với một nhóm bạn trẻ Hà Nội và được nghe kể chuyện về cô gái ở trong ngôi nhà đó đã gặp Chúa như thế  nào. Đó là câu chuyện về một tai họa nhưng, như có lời đã nói, trong họa có phúc. Cô là con của một vị thứ trưởng, một thành phần được hưởng những ưu đãi về mọi mặt giáo dục, sinh hoạt, giao tiếp và tiện nghi vật chất mà tuyệt đại đa số thanh niên Việt Nam không thể mơ tưởng, đặc biệt trong hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn của miền Bắc thời ấy. Cuộc sống đang đẹp, tương lai đang hứa hẹn lộng lẫy, tuổi trẻ đang giầu những ước mơ trong tầm tay, bỗng đâu tai họa ập tới. Cô mắc phải căn bệnh không thuốc chữa, tay chân càng ngày càng co quắp lại, phải thở bằng máy, cổ phải đục một đường để đưa khí thở vào phổi, và cứ thế tê liệt đi dần dần tháng này qua năm khác. Có thể hiểu được với cô gái đang phơi phới thanh xuân và với cả gia đình, cái đòn định mệnh ấy nó khủng khiếp ra sao. Có thể mường tượng được những uất nghẹn, phẫn chí, tuyệt vọng… Thế rồi những đồ đệ trẻ của Chúa kín đáo, thầm lặng cũng có mặt trong nhóm bạn bè của Mai Trinh, (cô gái ấy tên là Mai Trinh). Cũng chẳng biết họ đã quen biết nhau thế nào, qua chuyện học hành, sinh hoạt…. Họ đã thì thầm chia sẻ tâm sự bên giường Mai Trinh. Họ chẳng qua những khóa huấn luyện giáo lý viên như ngày nay thường tổ chức, chỉ có tấm lòng thành, có sao nói vậy về ngọn lửa đức tin họ vẫn nuôi trong hồn giữa một môi trường nghịch cảnh. Tới một ngày đức tin ấy đã xuyên qua u ám đi vào lòng Mai Trinh.

Có một phép mầu đã xẩy ra: cô gái đau đớn uất hận trên giường bệnh đã thành một người đầy niềm vui bình an, và niềm vui bình an ấy ở lại với cô không đi nữa. Con sâu đã hóa bướm. Căn phòng và giường bệnh của Mai Trinh trở thành điểm hẹn cho một nhóm bạn trẻ rỉ tai nhau tìm đến chia sẻ nỗi niềm. Sự bình an của Mai Trinh lan ra cả gia đình. Cả ông bố thứ trưởng cũng được cô con gái cảm hóa. Ông cũng đã bị bệnh nặng và được chính con gái dội nước rửa tội cho trước khi qua đời. Tân tòng Mai Trinh đã được ơn làm người loan Tin Mừng của Chúa ngay trong gia đình ruột thịt bằng đời sống chứng nhân.

Trở lại Hà Nội vào đầu thập niên 90, tôi nhờ một bạn trẻ dẫn tôi đi thăm Mai Trinh. Chưa gặp mặt bao giờ, nhưng Mai Trinh nói chuyện rất chan hòa. Hình như chỉ cần chung nhau một hướng nhìn đức tin là người ta có thể nói với nhau rất nhiều điều. Câu nói của bà mẹ Mai Trinh cho tôi ấn tượng đậm đà về cả hai mẹ con. Bà nói: “Bây giờ tôi mừng lắm. Bao lâu cháu còn ở với tôi, tôi sẽ săn sóc cháu với tất cả tình yêu thương. Ngày nào cháu đi, tôi cũng sẽ an lòng, vì tôi biêt cháu đi bình an thanh thoát.”

Hai mẹ con khoe với tôi một bức tượng Đức Mẹ, nói là quà tặng của “bác Trần Xuân Bách”. Hồi đó dư luận xôn xao về việc ủy viên Trần Xuân Bách bị trục xuất khỏi Bộ chính trị. Đối với dân thường thì những việc ở Bộ chính trị lúc nào cũng được bao bọc bởi những tấm màn bảo mật rất thâm cung bí sử. Chỉ nghe loáng thoáng rằng ông Bách muốn làm Gorbatchev Việt Nam. Thất sủng vì bất đồng chính kiến ở mức độ đó trong một chế độ không chấp nhận đa nguyên tư tưởng thì đồng nghĩa với hoạn nạn lớn rồi.

Tìm hiểu thêm tôi lại biết ông quê ở Nam Trực, Nam Định, (hóa ra là đồng hương!). Vùng này mật độ và tỷ lệ dân Chúa khá cao. Trước đây ông lại từng giữ chức trưởng ban tôn giáo vận trung ương. Như vậy có thể đoán Giáo hội  đã phải chịu không ít khó khăn dưới tay ông. Nhưng cả đến một người vô thần gộc và quyền thế thì cũng chả  tìm được một món quà nào thích hợp để tặng cho Mai Trinh hơn là bức tượng Đức Mẹ. Thế là một lần đi công tác nước ngoài người vô thần xuất phát từ một vùng mộ đạo thỉnh Đức Mẹ về đem vui cho một cô  gái từ cõi vô thần mà lại phát hiện ra cánh cửa vào cõi Chúa. Thôi thì cũng là một lẽ đương nhiên, có những hoàn cảnh người ta chỉ còn giữ lại “điều duy nhất cần thiết”.

Tôi biết được thêm một điều: từ ngày chịu phép rửa, đã bốn năm năm rồi, Mai Trinh chưa bao giờ được dự một thánh lễ. Luôn luôn sống với một bộ máy thở, bình oxy cồng kềnh, dây nhợ linh tinh thì đến nhà thờ sao được. Hà Nội những năm đó rất thiếu linh mục, mỗi vị phải phụ trách mấy nhà thờ, chẳng thể cử hành lễ riêng cho ai. Tôi thì lại chẳng có việc gì làm,chỉ có thăm gia đình và đi chơi suốt, chứ không được tham gia mục vụ, đã có cảnh cáo rồi. Về Thái Hà thấy cha già Vũ Ngọc Bích sức đã yếu, mắt đã lòa mà ngày nào cũng bận bịu việc nhà Chúa, nhất là thứ bảy và Chủ nhật, rất muốn đỡ đần Ngài một chút mà cũng đành chịu. Tôi nảy ra ý định hay là dâng một thánh lể bên giường Mai Trinh?

Tôi lên tòa Tổng Giám mục trình bày sự việc và xin phép. Đức Giám mục Phạm Đình Tụng trả lời: “Tôi chỉ ngại cho sự an nguy của cha thôi. Nhưng nếu cha thấy làm được thì cứ làm đi.” Sự an nguy tôi lại không ngại, đã bàn với hai mẹ con Trinh rồi.

Tôi xem lại chương trình đi đây đi đó rồi chọn một ngày thuận tiện. Sáng hôm ấy tôi chỉ đi với một bạn trẻ và một túi đồ lễ đến nhà Mai Trinh. Tôi có tật hay lơ đãng không chú ý đến ngày tháng. Đến bên giường Mai Trinh mở sách lễ ra mới giật mình bỡ ngỡ: “Ô, hôm nay là lễ thánh Têrêsa Hài Đồng!” Mai Trinh chợt reo vui: “Thánh Têrêsa là thánh bổn mạng của con đấy!” Có một niềm vui bỗng nhiên vỡ òa. Bàn tay nào vô hình dẫn dắt chúng tôi vậy? Chúng tôi có định trước đâu? Thoáng cảm thấy thánh Têrêsa ở đâu đây đang mỉm cười. Chúng tôi mắc tội lơ đãng, nhưng chị thánh đã sắp sẵn cho cô em Mai Trinh một món quà lớn mừng lễ Bổn mạng. Ý cầu nguyện từ bao năm xưa của chị  cũng là của cả Hội thánh ngày nay vẫn nở hoa trên mảnh đất đã vắng bóng dòng Cát Minh trên phố Nguyễn Thái Học này! Tôi ở lại trong nhà Mai Trinh khoảng một tiếng, nhưng niiềm vui ấy theo tôi cả ngày.

Khoảng ba năm sau, Mai Trinh qua đời. Nhóm bạn trẻ ở Hà Nội xúm nhau lại tổ chức cho Mai Trinh một lễ tang thật ấm cúng, thật “hiệp thông”. Lần đầu tiên tòa Tổng giám mục cho phép cử hành thánh lễ an táng tại tư gia. Tôi ở trong Nam không ra dự được, nhưng các bạn Hà Nội cho xem những tấm ảnh Mai Trinh nằm rất bình an, rất đẹp trên giường đầy những cánh hoa tươi.

Ngày nay kiến trúc cổ của dòng Cát Minh Hà nội (1920) không còn nữa. Chính quyền đã cho phá đi rồi mặc dù tòa Tổng giám mục Hà Nội đã hết sức vận động yêu cầu giữ lại một mảng kiến trúc cổ nào đó mà người Công giáo nhìn về với những tâm tình thiết tha vì nó gắn bó với ký ức thiêng liêng về thánh Têrêsa. Thế gian này, và nhất là xã hội này, đã có quá nhiều tín hiệu về sự vô cảm của nó với những ký ức tâm linh đó.

Trong ngôi nhà gần đấy cũng chẳng còn Mai Trinh nữa, đã đi theo thánh Têrêsa rồi. Những người bạn trẻ của Mai Trinh thì vẫn còn đó, bây giờ đã đứng tuổi cả. Có người là nữ tu Dòng Mến Thánh Giá ở phố Nhà Chung, có người tham gia các công việc ở giáo xứ Hàm Long, có người làm trưởng ca đoàn ở nhà thờ Thái Hà, lại có người lang bạt sang tận nước Mỹ, năm ngoái tôi gặp ở Virginia và vẫn cứ lúi húi làm việc nhà thờ, và còn nhiều người khác nữa tôi không thể quen biết hay nhớ hết. Trong đời thường, họ sống vô danh với xã hội. Nhưng tôi cho rằng không chỉ có gạch đá hay kiến trúc mới tạo nên ký ức tâm linh cho Dân Chúa. Chính họ là những ký ức sống. Những ký ức nhỏ nhoi. Chẳng có gì để ghi vào sử sách, nhưng họp lại thành ra một dòng chảy triền miên, nó kết thành cái tâm, cái tình của người giáo dân trong Hội Thánh Chúa. Tôi nghĩ rằng nên góp phần vun trồng, gìn giữ những ký ức đó trong ngôi vườn Hội Thánh.  Đó là lý do tôi ghi lại câu chuyện này.

Một lý do nữa: đây không phải là chuyện riêng lẻ, nó nằm trong một chuỗi rất nhiều chuyện về những cơn “Mưa Hoa Hồng” mà Dân Chúa khắp nơi truyền tụng về thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, tạo nên một nét đặc sắc khiến cho bao nhiêu tâm hồn tìm đến với vị thánh rất đơn sơ mà lại rất diệu kỳ này. Từ rất lâu tôi đã muốn giới thiệu và đóng góp vào Ký ức lớn ấy mà mãi vẫn chưa làm. Có lẽ một ngày gần đây, tôi sẽ xin trở lại câu chuyện này, nếu Chị Thánh cho phép…..

Mathêu Vũ khởi Phụng, CSsR

T.B. Vừa định gửi bài về trang Chúa Cứu Thế thì được xem trên truyền hình KTO quang cảnh di cốt của thánh nữ Têrêsa và của song thân Người là hai vị Chân Phước Louis và Zélie Martin được tôn kính đặc biệt trong lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám mục ở Đền thánh Phêrô, Rôma và sau đó được rước về Đền Đức Bà Cả cho dân Chúa chiêm bái. Thượng Hội Đồng kỳ này bàn về đời sống các gia đình. Hội thánh tại gia là nguồn ân phúc nhưng cũng đang đối diện với  nhiều khó khăn thách thức. Đức Thánh Cha Phanxicô và các nghị phụ cầu mong sự hiện diện và hiệp thông của một gia đình thánh giữa Hội Đồng. Xin mong chờ nhiều Mưa Hoa Hồng trên các gia đình năm châu.

Chi Nguyen Kim Bang goi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay