Tháng Tám 1945, Cách mạng hay Cách … Cái mạng?

Tháng Tám 1945, Cách mạng hay Cách … Cái mạng?

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-08-31

08312015-august-1945-revolut-or-devolution.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Ô. Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945

Ô. Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945

File photo

Cách mạng

Theo lịch sử chính thống của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam hiện nay, cách đây 70 năm, vào ngày 19/8, tại Hà Nội Mặt trận Việt minh do đảng cộng sản lãnh đạo giành lấy chính quyền từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ngày 25/8 một biến cố tương tự xảy ra ở Sài gòn. Và cuối cùng là ngày 2/9/1945, ông Hồ Chí Minh, người đứng đầu đảng cộng sản và Mặt trận Việt minh tuyên bố một nước Việt nam độc lập.

Tất cả những sự kiện đó được gọi là cuộc cách mạng tháng Tám, thời điểm khởi đầu cho sự cầm quyền độc tôn của đảng cộng sản trên từng phần và cuối cùng là toàn bộ nước Việt nam ngày nay. Những tuần lễ tháng tám hàng năm đều được nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo cho tổ chức lễ hội rất trọng thể.

Nhà báo, blogger Lê Diễn Đức điểm lại tất cả những sự kiện lịch sử trong thời gian đó cách đây 70 năm, và ông nêu lý do vì sao Mặt trận Việt minh đã chiến thắng trong thời điểm đó:

Mục đích của Việt Minh trong sáng, rõ ràng đã đánh đúng vào lòng yêu nước, tinh thần chống Pháp, Nhật, nên tập hợp được lực lượng quần chúng đông đảo. Khi Pháp trở lại Đông Dương, Việt Minh tiếp tục cuộc vận động, lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến 9 năm và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cũng có những nhà phân tích lịch sử cho rằng sự kiến tháng tám năm 1945 không hẳn là một cuộc cách mạng, mà nó chỉ là một chính biến. Chính biến ấy thành công do lợi dụng được khoảng trống quyền lực giữa quyền lực của thực dân Pháp và quân chiếm đóng Nhật bản trong giai đoạn tranh tối tranh sáng cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trang Bauxite VN bình luận:

Cách mạng đã 70 năm tuổi nhưng không có bất kỳ một công dân Việt Nam nào biết có một hình ảnh nào khác về cách mạng ngoài hình ảnh mà bộ máy tuyên truyền dàn dựng lên. Chắc chắn rất nhiều người ngạc nhiên và không tin khi học giả nước ngoài viết rằng Cách mạng tháng Tám thực chất chỉ là một cuộc chính biến, một cuộc khởi nghĩa, ngay cả các nước láng giềng Việt Nam cũng đã có nước làm cách mạng “na ná”Việt Nam. Tóm lại cái gọi là”cuộc cách mạng long trời lở đất” thực ra cũng chỉ là chuyện thường ngày ở huyện thôi.

Hơn nữa có người còn nói rằng trong cuộc cách mạng này, những người cộng sản đã cướp thành quả của những tổ chức cách mạng khác.

Ông Nguyễn Gia Kiểng, người thành lập tổ chức Tập hợp dân chủ đa nguyên đấu tranh cho dân chủ tại Việt nam không đồng ý với những nhận định này. Ông nói rằng những người cộng sản cho rằng cuộc cách mạng của họ là quan trọng, là long trời lở đất cũng không quá đáng, vì cuộc cách mạng ấy thay hình đổi dạng nước Việt nam cho đến ngày nay.

Ông Nguyễn Gia Kiểng cũng nói rằng những người cộng sản không cướp thành quả của ai cả, mà họ có được những thành quả ấy sau bao nhiêu hy sinh. Ông Kiểng so sánh đảng cộng sản với các tổ chức khác như Quốc Dân Đảng hay Đại Việt, những tổ chức yếu ớt và không đủ lực lượng để tạo nên một biến chuyển gì vào thời điểm quan trọng đó.

Cuộc cách mạng đem lại những gì sau 70 năm?

Ông Nguyễn Gia Kiểng nói tiếp về cuộc cách mạng của những người cộng sản:

Lỗi lớn nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam là đã kéo đất nước Việt Nam vào ngõ cụt, vào thảm kịch, chứ không phải là vì họ tranh giành ngày 19/8. Họ có thể xứng đáng nắm chính quyền vào ngày 19/8. Lẽ ra sau ngày 19/8 Việt Nam phải đi theo một hướng khác, nhưng nó đã bị lôi kéo vào quĩ đạo cộng sản. Kết quả là 30 năm chiến tranh, 6 triệu người chết, bao nhiêu gia đình ly tán, con người hận thù lẫn nhau đến tận ngày hôm nay.

Lỗi lớn nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam là đã kéo đất nước VN vào ngõ cụt, vào thảm kịch, chứ không phải là vì họ tranh giành ngày 19/8. Họ có thể xứng đáng nắm chính quyền vào ngày 19/8. Lẽ ra sau ngày 19/8 Việt Nam phải đi theo một hướng khác, nhưng nó đã bị lôi kéo vào quĩ đạo cộng sản

Ông Nguyễn Gia Kiểng

Theo ông Kiểng, một trong những gia tài mà người cộng sản để lại sau 70 năm cầm quyền là sự thờ ơ của người dân Việt nam, đặc biệt là giới trẻ. Ở trong nước thì thanh niên quan tâm đến những ngày kỷ niệm tháng tám như một cơ hội để vui chơi, mà thanh niên Việt ở nước ngoài thì bị mất gốc rất sớm, Việt nam đối với họ chỉ còn là một kỷ niệm.

Giải thích điều đáng buồn đó ông Kiểng nói:

Sau ngày 19/8 Hồ Chí Minh đã đưa Việt Nam vào quỹ đạo cộng sản

Sau ngày 19/8 Hồ Chí Minh đã đưa Việt Nam vào quỹ đạo cộng sản

Tại sao có sự lãnh đạm đối với đất nước như vậy? Bởi vì chế độ cộng sản không chỉ đã làm cho người ta phẫn nộ, mà còn làm người ta chán nản đối với đất nước. Phải nói là thảm kịch Việt Nam đã rất lớn. Thành tích của Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất kinh khủng. Cách Mạng Tháng Tám đáng lẽ ra phải là một cơ hội vinh quang của Việt Nam nhưng đã trở thành một thảm kịch lớn.

Blogger Nguyễn Vũ Bình, người từng làm việc cho cơ quan lý luận của đảng cộng sản mô tả hình ảnh của chế độ mà những người cộng sản thành lập và duy trì cho đến nay trong bài viết mang tên Phác họa chân dung một chế độ. Trong bài này ông Bình cho rằng việc cầm quyền của đảng cộng sản được dựa trên ba nền tảng:

1/Sự gieo rắc sợ hãi trong dân chúng đối với bộ máy của đảng,

2/ Thiết lập sự lệ thuộc của dân chúng vào đảng,

3/ Kiểm soát tư tưởng của dân chúng bằng cách chia rẽ họ và đốc thúc họ tố cáo, kiểm soát lẫn nhau.

Nguyễn Vũ Bình viết tiếp:

Đi sâu vào phân tích cách thức guồng máy chuyên chính vô sản hoạt động nghiền nát tất cả sự phản kháng của người dân mới thấy được nghệ thuật cai trị của cộng sản. Đó cũng chính là nghệ thuật tiêu diệt và đày đọa con người.

Làm cách mạng để xây dựng lên chế độ độc đảng toàn trị, không có tự do, dân chủ và nhân quyền. Đó là một cuộc cách mạng vô nghĩa và thất bại. Bởi chúng ta đã thay thế sự cai trị văn minh của giặc ngoại xâm bằng sự cai trị độc ác, tàn bạo, tham lam của giặc nội xâm

Nhà báo Lê Diễn Đức

Trong một lần trao đổi gần đây với đài Á châu tự do, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một cựu tù chính trị cũng có nhấn mạnh đến kinh nghiệm cai trị của đảng cộng sản trong mấy mươi năm qua, và điều đó chính là một trở ngại cho con đường dân chủ hóa Việt nam.

Nhà báo Lê Diễn Đức thì trích lời nhà bất đồng chính kiến Luật sư Nguyễn Văn Đài về bản chất của cuộc cách mạng, hay chính biến tháng 8/1945

Làm cách mạng để xây dựng lên chế độ độc đảng toàn trị, không có tự do, dân chủ và nhân quyền. Đó là một cuộc cách mạng vô nghĩa và thất bại. Bởi chúng ta đã thay thế sự cai trị văn minh của giặc ngoại xâm bằng sự cai trị độc ác, tàn bạo, tham lam của giặc nội xâm

Kết quả của cuộc cách mạng ấy, theo blogger Lê Vũ Bình, sẽ dẫn tới một tương lai không hề sáng sủa, giống như sự sụp đổ của hàng loạt nhà nước cộng sản khác trong thế kỷ 20.

Những nhà nước cộng sản đã không thể xây dựng được một nền kinh tế theo đúng nghĩa tạo ra của cải vật chất. Trong khi, để duy trì một hệ thống khổng lồ bảo đảm sự vận hành và thống trị, nó lại cần một nguồn lực vô tận, điều không bao giờ có được. Chính vì vậy, các chế độ cộng sản, sau khi đã tạo ra được lâu đài thống trị uy nghi, cuối cùng đều tự sụp đổ vì sức nặng của chính nó. Và Việt nam chắc chắn cũng không phải là ngoại lệ.

Một điều cũng đáng ghi nhận trong thời điểm 70 năm sau cách mạng tháng tám 1945, ông Vũ Minh Giang, người được coi là nhà lý luận hàng đầu của những người cộng sản hiện nay nói với báo chí Việt nam điều mà ông nhận ra về sự cần thiết hay không của các cuộc cách mạng:

Tôi từng tham dự một hội nghị quốc tế nhân kỷ niệm 200 năm cách mạng tư sản Pháp. Tại đây giới sử học đưa ra một luận điểm mới và lạ. Họ đánh giá cao những cuộc cải cách trong lịch sử, trong đó cải cách Meiji được phân tích rất nhiều. Thậm chí họ còn cho rằng con đường cải cách là cách đi thông minh và cần tới tầm nhìn của giới lãnh đạo, biết mình lạc hậu để cải đổi. Cách mạng bùng nổ ra khi chính quyền cản trở sự phát triển, không chịu đổi thay nên bị lật đổ.

Điều ông Giang phát hiện ra ở thế kỷ 21 cũng là điều mà nhà văn Lỗ Tấn bên Trung quốc gửi gấm qua lời nói ngô nghê của nhân vật AQ của ông cách đây gần 100 năm Cách mạng là… Cách cái mạng!

Làm gì?

Nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng cuộc cách mạng tháng tám 1945 là một cái bẫy đã đưa cả dân tộc Việt nam vào một đại bi kịch ngày nay. Bà kêu gọi hãy chôn cái bẫy đó xuống, điều đó không phải chỉ tốt cho người dân mà còn cho cả những người đang cầm quyền nữa:

Và không chỉ dân đâu, chính những người có quyền lực đang hành ác hiện nay cũng cần thoát khỏi chiếc bẫy đó, vì chẳng quyền lực, địa vị, tiền bạc nào tồn tại được mãi mãi. Họ và con cháu họ cũng cần được trở lại làm người, sống trong tự trọng và bình an.

Chúng ta không nên quy kết buộc tội lẫn nhau. Chúng ta nói lên những trách nhiệm nhưng phải nói Cách Mạng Tháng 8 đã như thế không phải là do trách nhiệm riêng của Đảng Cộng Sản mà là trách nhiệm của cả một thế hệ trí thức VN. Lớp trí thức đó đã bất lực để cho một đảng, có lẽ vì cuồng tín và thiển cận, kéo đất nươc vào thảm kịch

Ông Nguyễn Gia Kiểng

Blogger Song Chi thì đặt câu hỏi Một chế độ tồi tệ đến thế chúng ta vẫn chịu được. Thì là lỗi của chúng ta hay lỗi của nhà cầm quyền?

Và bà nhận định tiếp dường như sự phản kháng của người dân Việt nam cho đến nay chỉ mang ý nghĩa tiêu cực:

Có vẻ như lâu nay lối thoát duy nhất của chúng ta là… chửi. Chúng ta chửi chế độ, chửi bọn quan tham, bọn bán nước, bọn bất tài… Chưa bao giờ trước đây người dân VN từ ông tài xế taxi, bà bán bún ngoài chợ cho tới dân trí thức, các blogger, nhà báo tự do…có thể thoải mái chửi chế độ, chửi nhà cầm quyền đến thế. Nhà cầm quyền có biết không? Thừa biết. Nhưng tại sao họ vẫn để lơ? Thứ nhất là vì người ta chửi nhiều quá, nếu bất cứ ai chửi chế độ cũng bắt bớ, giam cầm thì có mà bắt mà giam hàng chục triệu người. Thứ hai, bởi vì chửi không làm cho chế độ này sụp được, thậm chí chửi nhiều khi còn là một cách xả xú páp, chẳng thà để dân chửi cho hả rồi dân lại lùi lũi lo kiếm ăn còn hơn dân ôm lấy nổi căm giận trong lòng và một ngày xuống đường, đấu tranh lật đổ chế độ.
Chúng ta chửi không làm cho chế độ này sụp đổ được

Cùng tìm câu trả lời là phải làm gì trước hiện trạng hôm nay, Ông Nguyễn Gia Kiểng nhấn mạnh rằng trách nhiệm trước bi kịch của dân tộc ngày nay là không chỉ của riêng những người cộng sản:

Đến giờ phút này chúng ta không nên quy kết buộc tội lẫn nhau. Chúng ta nói lên những trách nhiệm nhưng phải nói Cách Mạng Tháng 8 đã như thế không phải là do trách nhiệm riêng của Đảng Cộng Sản mà là trách nhiệm của cả một thế hệ trí thức Việt Nam. Lớp trí thức đó đã bất lực để cho một đảng, có lẽ vì cuồng tín và thiển cận, kéo đất nươc vào thảm kịch.

70 năm sau, một tia hy vọng được nhóm lên khi một lớp trí thức trẻ, dù còn ít đã dấn thân trên con đường dân chủ hóa Việt nam, không câu nệ quá khứ, mà đòi hỏi nhà cầm quyền hãy làm những gì mà mình đã đặt ra.

Trong bài Giải pháp tránh sự sụp đổ sau 70 năm, người cựu tù chính trị Nguyễn Tiến Trung viết:

Việc vi phạm hiến pháp, pháp luật phải chấm dứt ngay. Đó cũng nhằm tránh sự sụp đổ. Đó cũng chính là giải pháp cho Việt Nam, toàn dân, kể cả các đảng viên cộng sản yêu nước, bắt tay nhau hiện thực hóa “nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực”, bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân.

Tránh sự sụp đổ phải chăng cũng chính là ý tưởng cho một cuộc dân chủ hóa mà Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với chúng tôi rằng ít tốn kém cho dân tộc nhất. Và cũng có thể tránh cái mà nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng các cuộc cách mạng thường hay ăn thịt những đứa con của mình, tránh cái mà AQ của Lỗ Tấn nói Cách mạng là… Cách cái mạng!

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay