Phó Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ thăm Việt Nam

Phó Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ thăm Việt Nam

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

RFA

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thẩm phán Toà án tối cao Hoa kỳ Ruth Bader Ginsburg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thẩm phán Toà án tối cao Hoa kỳ Ruth Bader Ginsburg

Photo Nhat Bac/chinhphu.vn

Phó chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, bà Ruth Bader Ginsburg, hôm nay kết thúc chuyến làm việc chính thức tại Hà Nội.

Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết trong chuyến thăm và làm việc tại thủ đô Hà Nội, phó chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Ruth Bader Ginburg gặp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thảo luận về pháp quyền.

Bà Ruth Bader Ginburg còn có các cuộc gặp với phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn thị Kim Ngân, chánh án Trương Hòa Bình, người đứng đầu Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam mới được bổ nhiệm vào tháng 7 vừa qua.

Tại các cuộc gặp phó chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thảo luận với các cơ quan chức năng Việt Nam về cải cách luật pháp, trình bày về Hệ thống Tòa án của Hoa Kỳ cũng như Tòa án Tối cao nước Mỹ.

Ngoài ra khi có mặt tại Hà Nội, bà phó chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ còn gặp gỡ, trao đổi với những thành viên của Chương trình Sáng kiến Thủ Lĩnh Trẻ Đông Nam Á, các sinh viên luật, các học giả về pháp quyền và truyền thông trong nước Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù nhân chính trị tại Việt Nam, cho rằng hợp tác cải cách tư pháp như các hoạt động lâu nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ không có hiệu quả nếu không có cải cách về hệ thống chính trị tại Việt Nam:

“ Muốn cải cách hệ thống luật pháp thì trước hết phải cải cách hệ thống chính trị, vì hệ thống chính trị sinh ra luật pháp. Nếu hệ thống chính trị mà duy trì hệ thống toàn trị, độc đảng như Việt Nam thì cho dù các văn bản luật pháp từ Hiến pháp cho đến các đạo luật được viết hay như thế nào chăng nữa thì trong thực tế không được thi hành một cách triệt để. Một ví dụ điển hình là tất cả các quyền con người đều được ghi nhận trong hiến pháp Việt Nam và kể cả các chuyên gia pháp lý trên thế giới cũng đánh giá rất cao những quyển con người được ghi trong đó. Thế nhưng trên thực tế từ năm 1946 đến nay, trải qua 4-5 lần sửa đổi hiến pháp rồi mà quyền con người ở Việt Nam vẫn chưa được thực hiện, chưa được tôn trọng.

Quan điểm của tôi là dù chính phủ Hoa Kỳ hay bất kỳ chính phủ và tổ chức quốc tế nào muốn giúp Việt Nam thì điều đầu tiên là cần khuyến cáo chính quyền Việt Nam sửa chữa hay khắc phục hệ thống chính trị, tôn trọng quyền tự do- dân chủ cho dân trước; tức tôn trọng thể chế chính trị đa đảng. Có thế thì khi những luật pháp được viết ra mới có giá trị trong thực tiễn. Còn nếu không cho dù viết hay đến đâu nó vẫn không có giá trị trong thực tiễn đâu.”

Xin được nhắc lại chuyến thăm của phó chánh án Tóa án Tối cao Hoa Kỳ Ruth Bader Ginburg được Chương trình Diễn giả của Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ những cố gắng thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt- Mỹ được ký kết vào tháng 7 năm 2013.

Năm nay Hoa Kỳ và Việt Nam cũng tiến hành nhiều hoạt động để kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa đôi bên.

Bà phó chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sau khi kết thúc làm việc tại Hà Nội còn vào Sài Gòn tiếp tục chuyến thăm 5 ngày tại Việt Nam.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay