Những Kỷ Niệm Nhỏ

Những Kỷ Niệm Nhỏ

Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ, người đã đưa nước Mỹ can thiệp vào thế chiến thứ I, là người rất thận trọng đối với những kỷ niệm nhỏ.

Lần kia, ông và phu nhân cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ dừng lại một thành phố thuộc tiểu bang Montana.

Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị tổng thống. Nhưng, không hiểu làm thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào cảnh sát để đến gần chỗ ngồi của tổng thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia. Một cậu bé tìm cách tặng cho kỳ được lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ mà em đang cầm trên tay. Cảnh sát cố tình ngăn chận cậu bé, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và vẫy tay em một cách nhiệt tình.

Cậu bé khác cảm thấy buồn hiu vì em không có gì để dâng tặng cho tổng thống. Em cố gắng mò mãi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố gắng vượt qua mọi chướng ngại để chạy đến trao cho tổng thống. Em sung sướng vô cùng, bởi vì chính tổng thống Wilson là người chìa tay ra để đón nhận món quà của em với tất cả trang trọng.

Năm năm sau, tổng thống Wilson qua đời. Bà Wilson xếp đặt lại các đồ dùng quen thuộc của chồng. Mở chiếc ví của ông, bà thấy có một bọc giấy được giữ gìn cẩn thận. Tháo chiếc bọc giấy, bà nhận ra ngay tức khắc đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng cho chồng bà cách đây năm năm. Ông quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó theo.

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giàu có biết bao, nhưng những đồng xu nhỏ mà chúng ta trao tặng cho Ngài, Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như báu vật… Một Thiên Chúa giàu sang dường như không ưa thích của cải dư dật của chúng ta cho bằng những đồng xu nhỏ của lòng thành, sự quảng đại, những âm thầm hy sinh, phục vụ quên mình của chúng ta…

Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy được cái nhìn trang trọng của Chúa đối với lòng thành của con người. Lần kia, Ngài vào đền thờ và quan sát những người đang dâng cúng tiền của. Ai ai cũng bỏ tiền vào hòm, chợt có một người đàn bà góa chỉ bỏ có một đồng xu nhỏ. Vậy mà Ngài đã tuyên bố: Người đàn bà này đã dâng cúng nhiều hơn ai hết, bởi vì trong khi mọi người bố thí những của dư thừa của mình, còn người đàn bà nghèo này lại dâng cúng tất cả những gì mình có để độ nhật…

Thiên Chúa luôn trân trọng và quý mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng Ngài. Những lễ vật càng đơn sơ, nhỏ bé dưới mắt người đời, càng có giá trị trước mặt Chúa. Chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của những âm thầm đau khổ, của những hy sinh quên mình từng ngày, của những việc làm vô danh…

Sách Lẽ Sống

Tên Sát Nhân Trung Thành

Vê-bích, một tên sát nhân, ngày kia hắn đã dùng đá ném chết ông Phi-bua. Hai người con trai của ông Phi-bua là Pin-tô và Xê-bat yêu cầu quan tòa phải xét xử công bằng. Tên sát nhân đã giết cha họ thì cũng phải bị án tử hình.

Trước mặt quan tòa, Vê-bích đã thú nhận tội lỗi. Anh ta chỉ xin một ân huệ là về nhà trong ba ngày để thu xếp việc gia đình. Rồi sau đó anh hứa sẽ trở lại thụ án.

Ðang lúc quan tòa do dự không muốn tin ở lời hứa của tên tử tội, thì trong đám khán giả có người lên tiếng:

– Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tội nhân. Nếu sau ba ngày hắn không trở lại, tôi sẽ chết thay.

Sau ba ngày, tội nhân trở lại và tuyên bố:

– Tôi đã giải quyết xong mọi việc trong gia đình. Giờ đây tôi trở lại để chịu chết. Tôi trung thành với lời cam kết, để người ta không thể nói: chữ tín trung không còn trên mặt đất nữa.

Sau lời phát biểu của tử tội, người đàn ông đứng ra bảo lãnh cho hắn tiến ra giữa đám đông và tuyên bố:

– Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này, là vì tôi không muốn để cho người ta nói: Lòng quảng đại không còn trên trái đất này nữa.

Sau hai lời tuyên bố trên, mọi người đều lặng thinh. Dường như ai cũng đang cảm thấy được mời gọi thể hiện những gì là cao cả nhất trong lòng mình.

Từ đám đông, bất ngờ Pin-tô và Xê-bát tiến ra và nói với quan tòa:

– Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta không thể nói: Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất nữa.

* * *

Câu chuyện trên đây muốn nhắc chúng ta rằng: giữa một xã hội khô héo tình người, giữa một xã hội mà những giá trị tinh thần và đạo đức đang bị chết nghẹt, thì chứng từ của người Kitô hữu cần thiết hơn bao giờ hết.

Kitô hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: Niềm tin vào cuộc sống, ý nghĩa của cuộc đời vẫn còn cháy sáng giữa thế gian.

Kitô hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: chữ tín thành, lòng quảng đại, sự tha thứ vẫn còn ngự trị khắp nơi trong xã hội.

Kitô hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn luôn luôn yêu thương con người.

Kitô hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: con người vẫn có thể yêu thương nhau và sống cho nhau.

Chân Lý Á Châu

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay