Thất bại vì tuyển ‘nhân tài’ từ cán bộ, đảng viên

Thất bại vì tuyển ‘nhân tài’ từ cán bộ, đảng viên

Nguoi-viet.com

CẦN THƠ (NV)Năm 2005, các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thực hiện “Chương trình Mekong 1.000.” Ðến nay, chương trình này ngốn hết 19 triệu Mỹ kim nhưng bị xem là một thất bại.

Mục tiêu của “Chương trình Mekong 1.000” là tuyển chọn khoảng 1,000 cán bộ, đảng viên đã tốt nghiệp đại học, cao học, gửi ra ngoại quốc đào tạo để có một đội ngũ đủ khả năng làm nòng cốt trong việc quản lý, nghiên cứu, đào tạo nhân lực. Chi phí trung bình cho việc đào tạo một thạc sĩ ở ngoại quốc khoảng 35,000 Mỹ kim và cho một tiến sĩ ở ngoại quốc khoảng 60,000 Mỹ kim.


Ðào tạo nghề ở một trường dạy nghề tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long – hiện thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao để phát triển kinh tế. (Hình: Người Lao Ðộng)

Ðến nay, “Chương trình Mekong 1.000” đã gửi ra ngoại quốc 522 người để theo học các nhóm ngành: Kinh tế, Nông nghiệp- hủy sản, Công nghệ sinh học công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Viễn thông, Giáo dục, Luật, Xây dựng, Môi trường, Hợp tác quốc tế,… Không có số liệu cụ thể về chương trình này nhưng đánh giá của một số viên chức có thẩm quyền liên quan về “Chương trình Mekong 1.000” xác định, dù rất tốn kém “Chương trình Mekong 1.000” đã thất bại.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới thất bại của “Chương trình Mekong 1.000” là chỉ tuyển chọn “nhân tài” từ cán bộ, đảng viên.

Trong cuộc trò chuyện với tờ Người Lao Ðộng về “Chương trình Mekong 1.000,” ông Phạm Trung Quân, phó giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh An Giang, cho biết, An Giang dự tính tuyển chọn 100 cán bộ gửi ra ngoại quốc đào tạo cao học và tiến sĩ. Tuy nhiên đến nay An Giang chỉ gửi được ba cán bộ đi học ở ngoại quốc vì những khó khăn do: Cách thức tuyển chọn. Lúng túng trong việc chọn nơi bồi dưỡng ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho ứng viên.

Tương tự, ông Phan Văn Tiếu, phó giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Ðồng Tháp, tiết lộ, Ðồng Tháp chỉ chọn được 40 cán bộ gửi ra ngoại quốc đào tạo. Tuy nhiên sau khi hoàn tất các khóa học ở ngoại quốc, 38 thạc sĩ và hai tiến sĩ này “chưa phát huy được hiệu quả.”

Ông Lê Việt Dũng, hiệu phó Ðại Học Cần Thơ, nhận định, sau khi tốt nghiệp các khóa học ở ngoại quốc, khi quay về, một số ứng viên vỡ mộng và phá vỡ cam kết phục vụ. Ngoài ra còn có khoảng 2% ứng viên bỏ học, ở lại ngoại quốc vì lý do kinh tế hay kết hôn với người ngoại quốc.

Ông Nguyễn Hữu Thời, trưởng Phòng Giáo Dục Thường Xuyên-Chuyên nghiệp của Sở Giáo Dục-Ðào Tạo tỉnh Ðồng Tháp, không cung cấp tỉ lệ bỏ học giữa chừng nhưng khẳng định có “nhiều trường hợp” như vậy.

Khi được đề nghị đánh giá về “Chương trình Mekong 1.000,” ông Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Ðại Học Nam Cần Thơ, cho rằng, lý do khiến chương trình này thất bại là từ hai phía. Những cán bộ được gửi ra ngoại quốc đào tạo không đủ cố gắng và hệ thống công quyền chưa biết sử dụng hoặc chưa muốn tạo điều kiện cho những người đã được đào tạo ở ngoại quốc về làm việc.

Ông Xuân nêu thêm một nhận xét khác là lý do khiến “Chương trình Mekong 1.000” thất bại. Ðó là nhiều địa phương cử cán bộ đi học ở ngoại quốc theo kiểu muốn sắm món đồ mà không biết đến bao giờ mới dùng tới. (G.Ð)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay