Hy Lạp trước tương lai bấp bênh trong Liên Âu

Hy Lạp trước tương lai bấp bênh trong Liên Âu

Nguoi-viet.com

HÀ TƯỜNG CÁT / Người Việt

ATHENS – Hôm Chủ Nhật, Hy Lạp trưng cầu ý kiên dân chúng về các điều kiện cứu trợ tài chính mà Liên Âu đưa ra. Các chủ nợ muốn Athens áp dụng biện pháp khắc khổ, nghĩa là bớt các chương trình chi tiêu của chính phủ, giảm phúc lợi xã hội và tăng thuế để lấy tiền trả nợ. Kết quả của trưng cầu dân ý là người dân Hy Lạp kiên quyết bác bỏ các điều kiện mà chủ nợ quốc tế đòi hỏi. Chỉ có 38,7% cử tri bỏ phiếu “Có” (đồng ý) trong khi 61,3% nói “Không”.

Dân chúng thủ đô Athens, Hy Lạp, đứng xếp hàng trước một máy rút tền ATM hôm Thứ Hai. (Hình: Milos Bicanski/Getty Images)

Ngày 30 tháng 6 là hạn kỳ chót để giải ngân 7.2 tỷ euros ($8.1 tỷ), món tiền cuối cùng trong khoản cứu nguy mà các nước Liên Âu qua Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã đồng ý cấp cho Hy Lạp. Thiếu ngân khoản này, Hy Lạp đi tới tình trạng vỡ nợ.

Sau các cuộc thương lượng kéo dài hàng tháng không đi tới sự thỏa thuận, Thủ Tướng Alexis Tsipras, mới cầm quyền từ 26 tháng Giêng, bất ngờ loan báo cho tổ chức trưng cầu dân ý. Tsipras, 40 tuổi, nói rằng ông được dân chúng trao nhiệm vụ nên có bổn phận phải làm theo nguyện vọng của họ chứ không thể đơn phương quyết định. Ông kêu gọi dân chúng Hy Lạp bỏ phiếu “Không,” với hy vọng có thể áp lực trong việc thương thuyết với các chủ nợ. Ông nói điều này không có nghĩa là chống lại châu Âu. Nhưng một vài nhà lãnh đạo Liên Âu đã cảnh báo rằng bỏ phiếu chống cũng đồng nghĩa với quyết định rời khu vực đồng euro.

Như vậy điều gì sẽ xảy ra sau khi Hy Lạp bày tỏ thái độ? Các phân tích gia quốc tế cho rằng có ít nhất ba tình huống, trong đó trọng tâm vẫn là điều gì sẽ xảy ra với các ngân hàng Hy Lạp và số tiền hỗ trợ khẩn cấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). (1) Thỏa thuận không thành khiến Hy Lạp phải ra khối khu vực đồng euro và có thể rời khỏi EU. (2) Ngân hàng Hy Lạp sụp đổ vì ECB không đủ tiền mặt để hỗ trợ khẩn cấp. (3) Lãnh đạo EU thông qua thỏa thuận.

Tình huống thứ nhất có vẻ dễ đi tới  nhất. Các bộ trưởng Đức cũng như lãnh đạo các nước Ý và Pháp đều coi cuộc bỏ phiếu chính là trưng cầu dân ý về việc Hy Lạp đi hay ở lại khu vực đồng euro. Nhưng đây có thể chỉ là phản ứng chính trị ban đầu chưa phải là quan điểm dứt khoátt trước khi lãnh đạo các nước EU sẽ họp vào ngày thứ Ba để bàn cách đối phó tình thế.

Bộ trưởng tài chính Hy Lạp, Yanis Varoufakis, nói với báo chí địa phương trước ngày trưng cầu dân ý rằng EU “không có cơ sở luật pháp” nào để buộc Hy Lạp phải ra khỏi khu vực dùng euro. Ông tố cáo các nước chủ nợ tìm cách gây lo ngại cho người dân trước trưng cầu dân ý. Tuyên bố với tờ báo El Mundo của Tây Ban Nha, ông Varoufakis đặt nghi vấn: “Tại sao họ bắt chúng tôi phải đóng cửa ngân hàng? Có lẽ để reo rắc lo sợ cho người dân, và làm vậy có ý nghĩa như hành động khủng bố.”

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, một trong những người chỉ trích lập trường của Hy Lạp gay gắt nhất, tỏ ra ôn hòa hơn. Ông  nói rằng nếu nước này phải ra khỏi khu vực euro thì sẽ chỉ là tạm thời, theo lời ông: “Hy Lạp là thành viên của eurozone. Không nghi ngờ gì về chuyện này. Chỉ có người dân Hy Lạp mới có thể trả lời là họ ở lại khu vực euro hay tạm thời rút lui. Và cũng rõ ràng là chúng tôi sẽ không bỏ mặc họ trong nỗi khó khăn.”

Chính phủ Hy Lạp đã hứa là dù có kết quả bỏ phiếu “Không,” các ngân hàng vẫn sẽ mở lại vào ngày Thứ Ba, 07 tháng Bảy. Nhưng vấn đề là ECB khó có thể có đủ số tiền mặt hỗ trợ khẩn cấp và sự tồn tại của các ngân hàng chỉ còn được tính bằng ngày. Dân chúng Hy Lạp lo sợ đã đổ xô đến các ngân hàng mong rút được tiền của họ ra. Hàng tỷ euro đã được rút ra khỏi các tài khoản tư nhân và doanh nghiệp và ngân hàng không còn tiền nữa. Cũng có một khả năng lựa chọn khác cho các ngân hàng là hoạt động trở lại với một loại tiền tệ tương đương, trước khi khôi phục tiền tệ cũ của Hy Lạ là đồng Drachma.

Bộ trưởng Varoufakis nói rằng các ngân hàng Hy Lạp sẽ mở cửa lại dù kết quả trưng cầu dân ý là gì và Thủ tướng Alexis Tsipras vẫn có thể đạt thỏa thuận với chủ nợ dù người dân đã nói “Không.” Tình huống này có lẽ sẽ khó xảy ra. Nhưng Thủ tướng Hy Lạp đã đưa ra chương trình khung cho thỏa thuận và những cải cách mà ông đã đồng ý, chỉ vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, cũng không khác nhiều so với yêu cầu từ các chủ nợ và IMF. Các quan sát viên nhận xét rằng với việc bộ trưởng tài chính Yanis Varoufakis từ nhiệm ít giờ sau khi có kết quả trung cầu dân ý là sự mở đường cho Thủ tướng Tspras tìm một hướng tiếp cận ngoại giao hơn.

Từ trước đến nay chưa có tiền lệ về một quốc gia rời khu vực các nước dùng đồng euro, và không ai có thể biết nếu xảy ra như thế nào nó sẽ như thế nào. Nhưng một vụ vỡ nợ hỗn độn, Hy Lạp không còn khả năng trả nợ, có thể làm tổn hại lớn hơn cho nền kinh tế Hy Lạp và ảnh hưởng đến toàn Liên Âu.

IMF đã cảnh báo về vụ khủng hoảng tài chính Hy Lạp rằng “nguy cơ và nhược điểm vẫn còn đó” và sự sụt giảm vừa mạnh vừa rộng rãi trên thị trường thế giới là điều có thể thấy trước.

Hy Lạp ra đi có thể khiến ECB mất 118 tỷ euro tiền cho các ngân hàng Hy Lạp vay nợ và 20 tỷ euro tiền mua trái phiếu của chính phủ Hy Lạp. Một số chính phủ đang phải đối diện với các phong trào chống đối khối EU, và lo lắng dõi theo những diễn biến tại Hy Lạp.

Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy, tuần trước nói Hy Lạp rời khu vực đồng euro có thể là một thông điệp tiêu cực, “rằng tư cách thành viên khu vực đồng euro có thể đảo ngược được.”

Nói chung, dư luận không lạc quan về triển vọng Hy Lạp và khối eurozone sẽ đạt được thỏa hiệp giờ chót ngày Thứ Ba tại Brussels, Bỉ. Hy Lạp có cơ hội cuối cùng đệ trình một kế hoạch cải cách mới để có ngân khoản cứu nguy. Thủ Tướng Tsipras hôm Thứ Hai điện đàm với chủ tịch ECB Mario Draghi đề nghị gỡ bỏ sự kiểm soát tư bản ở Hy Lạp, nhưng bà chủ tịch Christine Lagarde thông báo cho biết không thể giải ngân thêm trong hoàn cảnh Hy Lạp còn nợ tới hạn chưa hoàn trả.

Thủ Tướng Đức và Tổng Thống Pháp sẽ họp đêm Thứ Ba ở Paris để đi đến một quyết định đồng thuận. Thủ Tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy, nói rằng thời gian chỉ còn rất ít và Thủ Tướng Hòa Lan, Mark Rutte, tuyên bố Hy Lạp cần chấp nhận những cải cách sâu rộng để tiếp tục ở lại trong khu vực đồng euro. Tương lai của Hy Lạp, tình trạng Liên Âu và đồng euro đang đến trước một khúc quanh quyết định. (HC)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay