Luật tạm giữ, tạm giam có biện pháp chống bức cung, nhục hình?

Luật tạm giữ, tạm giam có biện pháp chống bức cung, nhục hình?

Chuacuuthe.com

VRNs (28.02.2015) – Sài Gòn – Cuối cùng thì Việt Nam cũng đã công nhận trong quá trình điều tra, công an đã từng dùng các biện pháp nhục hình và bức cung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều hôm 27/2 vừa qua đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Trong đó, các thành viên Ủy ban đã đặt vấn đề làm sao để chống bức cung, nhục hình? Người bị tạm giữ, tạm giam chưa có tội thì có được tước các quyền tự do của họ?

Tờ Pháp Luật Thành Phố dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt câu hỏi, dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam có quy định nào để khắc phục tình trạng bức cung, nhục hình?

Hình minh họa - PLO

Hình minh họa – PLO

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trả lời, chuyện bức cung, nhục hình phần lớn xảy ra do cán bộ cơ quan điều tra.

Ông Lý nói tiếp, “phần lớn tình trạng bức cung, mớm cung, nhục hình do quá trình điều tra nhưng lại nằm trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam.”

Vì vậy, ông đề nghị “một mặt phải có quy định về điều cấm ở phía điều tra. Mặt khác, phải có biện pháp cụ thể trong hoạt động tạm giữ, tạm giam… như khi thực hiện điều tra phải có luật sư.”

Phần lớn các ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp lại kiến nghị tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam giữ. Theo đó, cần bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra, có kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong được tờ Dân trí dẫn lời cũng cho rằng, “mọi vụ bức cung, nhục hình đều xảy ra trong thời điểm cá nhân bị tạm giữ, các vụ thông cung, nhục hình thì xảy ra trong thời gian tạm giam.”

Ông Phong vì thế nói, cách chống bức cung, nhục hình, xâm phạm quyền con người tốt nhất trong lĩnh vực này là hạn chế tối đa các trường hợp tạm giam, tạm giữ con người. Ông Phong gợi ý kinh nghiệm của người nhiều nước cho phép quy đổi số ngày tạm giữ, tạm giam sang hình thức bảo lãnh bằng tiền, quản chế không giam giữ…

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh thì cho rằng, quyền im lặng là quyền cơ bản, quan trọng nhất đối với người bị tạm giam, tạm giữ.

Ngoài ra cũng có nhiều ý kiến đề nghị, dự án Luật cần quy định rõ cả về quyền hạn và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các chủ thể thực hiện quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam.

Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng một số quyền công dân của người bị tạm giữ, tạm giam cần phải được bảo đảm như quyền về an toàn tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, tiếp cận thông tin, quyền gặp người bào chữa, người thân…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói, “đề nghị Chính phủ nghiên cứu để quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam trên cơ sở thể chế hóa Hiến pháp năm 2013” còn những nội dung nào liên quan đến việc hạn chế quyền con người “thì phải được đưa vào ngay trong dự luật chứ không thể giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định.”

Trong dự thảo luật này quy định là trong thời gian bị giam giữ, người bị tạm giữ, tạm giam bị hạn chế các quyền tự do đi lại, tự do thân thể, tự do giao dịch, tiếp xúc, thông tin hoặc thực hiện hành vi tín ngưỡng tôn giáo. Đây là những vi phạm quyền con người nghiêm trọng.

Tồ chức Quan sát Nhân Quyền (Human Right Watch), có trụ sở ở Mỹ, trong một bản phúc trình hồi tháng 9/2014 cũng từng cho rằng, “tình trạng tử vong và chấn thương khi bị công an tạm giam giữ là phổ biến ở Việt Nam.”

Tổ chức này cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam “cần hành động ngay lập tức để chấm dứt những cái chết mờ ám trong thời gian bị giam giữ và tình trạng công an dùng nhục hình với những người bị giam, giữ.”

Trong đó, “cần thành lập một ủy ban độc lập về các khiếu tố đối với công an để xem xét và điều tra tất cả các khiếu tố về bạo hành và sai phạm của công an, và tạo điều kiện ở cấp cao nhất cho việc tiến hành các cuộc điều tra nhanh chóng, vô tư, và việc truy tố xét xử những hành vi sai phạm và bạo hành của công an.”

Đức Thiện, VRNs tổng hợp

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay