HY VỌNG VÀ ĐỨC TIN

HY VỌNG VÀ ĐỨC TIN

Ðốt sáng trần gian với ngọn lửa đức tin

Tôi Tớ Chúa ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận

Đức Tin là động lực của Hy Vọng.

Thánh Phanxicô Salêsiô cầu nguyện một mình sốt sắng trước Mình Thánh Chúa trong đêm tối đã nêu gương Đức Tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể cho người ngoại giáo, cũng như Thánh Phêrô Veren đã lấy máu đào của mình viết lên hai chữ “Tôi Tin”. Riêng anh Shirley – một công nhân Công giáo – đã âm thầm sống đức tin trong hảng xưởng, khiến ông giám đốc cảm kích mà theo đạo Công giáo.

Còn Thánh Phaolồ Miki và các bạn tử đạo đã ươm trồng cây Đức Tín cho các tín hữu Nhật Bản trong 200 năm cấm đạo dữ dội, khiến họ kiên trì giúp nhau giữ đạo, mặc dù không có giáo sĩ hướng dẫn.

Riêng Giáo Hội Việt Nam, trong ba trăm năm, Tổ Tiên chúng ta đã anh dũng nêu gương Đức Tin bằng cái chết của trên 130.000 vị Tử Đạo. Các ngài gồm đủ mọi thành phần trong xã hội và chịu đủ mọi cực hình dã man.

Ban Biên Tập

Trong bóng tối giáo đường

(Thánh Phanxicô Salêsiô)

Vào những buổi chiều tà nhà thờ vắng vẻ, thánh Phanxicô Salêsiô thường đến trước Chúa Giêsu Thánh Thể sốt sắng cầu nguyện.

Một hôm đang lúc mãi mê cầu nguyện thì ngài nghe tiếng sột soạt trong bóng tối. Tưởng là kẻ trộm, ngài vụt đứng dậy cất tiếng hỏi: “Ai?” Một bóng lạ mặt tiến đến gần ngài và nói: “Thưa Đức Giám Mục, con không có đạo, con nghe Đức Giám mục giảng về Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng con không tin. Vì thế hôm nay, thừa lúc chiều tối, con lẻn vào nhà thờ, rình xem thử Đức Giám Mục viếng Mình Thánh Chúa như thế nào? Con thú thực: con đã thấy rõ đức tin của Đức Giám Mục. Giờ đây con vững vàng tin…”

Tuyên xưng bằng máu

Đức tin là con mắt thần, là sức mạnh vũ bão. Người có đức tin trông thấy điều mà những kẻ khác không thể trông thấy, làm được những cái kẻ khác không thể làm được.

Khi đứng trước lưỡi gươm trần của tên đao phủ đang đưa lên cao, Thánh Phêrô Veren vẫn hiên ngang tuyên bố: “Tôi tin”. Khi miệng bị chém không thể nói được nữa, ngài vẫn bình tĩnh lấy ngón tay thấm máu đang chảy ràn rụa trên ngực và viết lên mặt đất, nơi ngài sắp gục ngã làm của lễ, hai chữ: “Tôi Tin”.

Đúng như lời Thánh Kinh: “Sự chiến thắng của tôi chính là đức tin kiên vững”.

Đức tin của anh công nhân

Ông giám đốc của một xưởng kỹ nghệ chuyên sản xuất nông cụ, không tin có Thiên Chúa và cũng chẳng tin vào tinh thần trách nhiệm của các công nhân trong xưởng. Sáng hôm ấy, hơn 1000 công nhân trong xưởng nghe nói ông giám đốc đã lên đường đi công tác nơi xa, mà sớm lắm cũng một tháng sau mới trở về, nhưng đến tối ông âm thầm về lại xưởng.

Sáng ngày hôm sau, ông đứng trên văn phòng ở lầu hai quan sát các công nhân làm việc. Bộ mặt thực của mỗi người đều bị lộ: ai ai cũng lười biếng, nhác nhớn, duy chỉ một anh công nhân lúc nào cũng làm việc tận tụy, hăng say. Tên anh là Shirley, người Công giáo duy nhất của xưởng.

Hôm sau các công nhân nghe rằng, ông giám đốc đã hoãn chuyến đi vì trở ngại kỹ thuật! Riêng Shirley, chàng được gọi lên văn phòng:

Anh Shirley, tôi hết lòng khen ngợi anh, anh là một công nhân tốt. Tôi không thấy đức tin của anh, nhưng nhìn qua công việc lao động và thái độ sống của anh, tôi cũng hiểu được phần nào

Mấy tháng sau, các công nhân nghe tin ông giám đốc bắt đầu học giáo lý Công giáo.

Ba câu hỏi của giáo dân Nhật Bản

Giáo hội Nhật Bản rất anh dũng. Họ có nhiều vị Tử Đạo rất oanh liệt, chẳng hạn như Thánh Phaolô Miki và 25 bạn đồng đội đã bị bắt và bị treo trên những cây thập tự giá đối diện với bờ biển trên một chiếc tàu… Tuy phải gia hình đau đớn, Phaolô Miki và các bạn vẫn vui tươi và không ngừng giảng đạo cho những kẻ đến xem. Các Ngài kêu gọi họ ăn năn trở lại, tha thứ cho những ai sỉ nhục và kết án mình.

Thái độ đó khiến nhiều người đến xem điên tiết. Họ lấy giáo đâm chết tu sĩ Miki và các bạn. Hôm ấy là ngày 5.2.1597, ngay giữa một thời kỳ bắt bớ khá gắt gao, nhưng vẫn còn có tính cách địa phương.

Cuộc bắt bớ này, đến năm 1613 thì lan ra khắp mọi nơi và mọi chỗ. Năm đó chiếu chỉ của Daifusanna vừa được ban hành, Giáo Hội Nhật Bản liền rơi vào tình trạng nguy kịch. Dấu hiệu mở màn là cuộc xử tử công khai 50 Đấng Tử Đạo ở Nagasaki ngày 22.9.1622.

Cuộc bách hại trở nên dã man và ác liệt trên đất Kiu-shu vào những năm 1636-1638 sau khi quân sĩ của Shimbara, một viên tướng Công giáo đứng lên bảo vệ đức tin và sinh mạng, bị đánh tan hoàn toàn: gần 35.000 người Công giáo bị giết trong cuộc nổi dậy ấy.

Các vua Nhật tưởng đã diệt được đạo Công giáo tận gốc rể. Bên ngoài, các nước cũng nghĩ rằng đức tin của giáo dân Nhật còn quá non yếu, khó đương đầu nổi cơn bắt đạo gắt gao như vậy, nhất là với chính sách bế quan tỏa cảng của các vua Nhật, chính sách cấm các nhà truyền giáo đặt chân lên đất Phù Tang.

Thế nhưng thực tế lại khác. Vì các Kitô hữu không có linh mục, không Thánh lễ, không thánh đường, đã anh dũng ngoan cường sống đạo tới 200 năm sau, đến khoảng giữa thế kỷ XIX, thời Minh Trị Thiên Hoàng, khi các nhà truyền giáo lại được đặt chân lên đất Nhật.

Sau đây là một chứng tích hùng hồn cụ thể:

Một hôm, cha Petitjean đi đến giảng đạo tại Nagasaki trước mặt một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ toàn là lương dân nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi: “Có ai thắc mắc gì không?” Một người đưa tay chất vấn:

Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời cho chúng tôi có hay không?

Tốt lắm, xin quí vị cứ đặt câu hỏi.

Họ hỏi cha Petitjean: “Các ông có tin Đức Mẹ đồng trinh không? Các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không? Là linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không?”

Cha Petitjean đáp: “”.

Và họ nói: “Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi toàn là Công Giáo cả!”

Cha Petitjean hết sức bàng hoàng, ngạc nhiên, như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm nhau, không cầm được nước mắt vì quá sung sướng cảm động. Nhà truyền giáo hỏi:

Bấy lâu nay có ai giảng dạy cho anh chị em không?

Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi!

Vậy thì sao anh chị em còn sống đạo sốt sắng đến thế?

Thưa Cha, đó là nhờ ông bà Tổ Tiên chúng con truyền lại, sau là nhờ chúng con biết âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết yêu thương đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhưng tại sao anh chị em lại đặt cho cha ba câu hỏi vừa rồi?

Thưa cha, vì ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: sau này có ai đến giảng đạo, chúng con phải cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà đánh giá xem họ có phải là những nhà thừa sai chân chính không. Nay chúng con quá đỗi vui mừng vì các cha đích thực là những người được Hội Thánh sai đến. Chúng con sẽ nghe lời các cha và giữ vững Đức Tin Tổ Tiên chúng con truyền lại.

Đức Tin Tiên Tổ

Suốt ba thế kỷ liền, kể từ năm 1533, Phúc Âm của Chúa đến Việt Nam cùng với Thánh giá Chúa. Biết bao tín hữu Chúa bị lưu đày, bị chiếm đoạt tài sản, lẩn lút sống trong rừng sâu nước độc, cam chịu mọi đau khổ để trung thành với Đức Tin.

Cho đến cuối thế kỷ XIX, người ta có thể tính được trên 130.000 đấng thuộc mọi thành phần đã được diễm phúc Tử Đạo. Trong số đó có 117 vị đã được các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô X và Đức Piô XII phong lên bậc Chân Phước. Và ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã tôn phong các ngài lên bậc Hiển Thánh.

Chúng ta có thể chia ra như sau: Đời Trịnh Doanh: 2 vị.  Đời Trịnh Sâm: 2 vị. Đời Cảnh Thịnh: 2 vị. Đời Minh Mạng: 57 vị. Đời Thiệu Trị: 3 vị. Đời Tự Đức: 51 vị.

Thành phần các Thánh ấy gồm có: 8 Giám mục. 50 Linh mục. 16 Thầy giảng. 1 Chủng sinh. 42 Giáo dân.

Gương sống đạo của Tổ Tiên chúng ta

Đây là chi tiết các khổ hình đã dành cho các ngài như sau: Có những giáo xứ (ở Quảng Trị) bị lính lùa vào nhà thờ rồi chất rơm chung quanh đốt cháy tất cả. Các nữ tu Nhà Dòng Mến Thánh Giá Phan Rang bị vứt xuống giếng và lấp đất chôn sống đi. Có những thiếu nữ Công giáo non yếu bị đưa về Huế phạt gia hiệu, phơi nắng ngày này sang ngày khác rồi chặt một ngón tay trước khi đánh đập và tha về.

Ngoài ra, gương 12 vị Chánh trương, trùm trưởng khắp nơi bị đưa về Huế, giam trên thành Lồi (bức thành người Chàm xưa đắp lên để đánh với người Việt Nam, xa thị xã độ 10 cây số). Các ông phải bứt cỏ nuôi voi cho nhà vua cho đến khi chết dần chết mòn tất cả; nay 12 ngôi mộ của các ông vẫn còn nguyên vẹn dưới chân thành ấy.

Duới đây, xin ghi lại vắn tắt gương sống của một vài vị để soi chiếu cho chúng ta:

– Những vị có chức vụ trong nhà nước hoặc quân đội như: Thánh Micae Hồ Đình Hy làm quan Thái bộc tới Hàm tam phẩm. Thánh Phaolô Tống Viết Bường làm chức Thị vệ. Thánh Phanxicó Trần Văn TrungThánh Giuse Lê Đăng Thị làm cai đội. Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ là một lý trưởng gương mẫu liêm khiết.

Các vị này là những công dân tận tụy với chức vụ, trung thành với Tổ quốc và nhân dân, nhưng chỉ vì không bỏ đạo mà phải chịu án tử hình.

– Những giáo dân lãnh trách nhiệm tông đồ trong hội đồng giáo xứ như: Thánh Giuse Nguyễn Vân LưuThánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, Thánh Antôn Nguyễn ĐíchThánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng.

– Một phụ nữ Công giáo Việt Nam đã anh dũng tuyên xưng đức tin là Thánh Anê Lê Thị Thành.

– Những anh hùng vô danh từ Nam chí Bắc. Đó là các cụ ông, cụ bà trước đây đã bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn rồi bị người ta rạch mặt lấy mực tàu xâm lên trên má hai chữ “Tả đạo” để dù đi đến đâu, nhân dân ai cũng nhận ra đây là những người theo đạo tả; nhưng đối với giáo dân, đây là biểu tượng của Đức Tin kiên cường sáng chói.

“Chúng ta hãy ca tụng những bậc vĩ nhân, những bậc tiền bối của chúng ta”. (Giảng viên 44, 1).

NGUỒN: NHỮNG NGƯỜI LỮ HÀNH TRÊN ĐƯỜNG HY VỌNG (NGLHTĐHV): Trích dẫn: Chương 13 – ĐỨC TIN

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay