Tại sao hàng loạt nữ tù nhân lương tâm tuyệt thực?

Tại sao hàng loạt nữ tù nhân lương tâm tuyệt thực?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-01-06

01062015-y-wmn-pris-on-hunger-strik-b.mp3

Nữ tù nhân lương tâm đang bị giam giữ

Nữ tù nhân lương tâm đang bị giam giữ

RFA files

Your browser does not support the audio element.

Các vụ tuyệt thực trong tù của những nữ tù nhân lương tâm lúc gần đây đã đến lúc báo động. Với các phụ nữ bất khuất này tuyệt thực là cách cuối cùng để họ tiếp tục chống đối trong vô vọng và tiếng nói của thân nhân họ là âm thanh duy nhất để dư luận biết tới và đánh động với bên ngoài. Mặc Lâm có thêm chi tiết.

Nữ tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần

Danh sách các nữ tù nhân lương tâm hiện đang thi hành án trong các trại tù có lẽ dẫn đầu là Tạ Phong Tần, người phụ nữ được mệnh danh là bất khuất dám từ bỏ áo công an để gia nhập vào đội quân bảo vệ dân oan, viết bài chống đối chính sách sai trái của chính quyền và công khai góp phần thành lập Câu lạc bộ nhà báo tự do để cuối cùng bị bắt vào tháng 9 năm 2011 bị kết án 10 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước vi phạm điều 88 bộ luật hình sự.

Người nữ tù nhân lương tâm ấy còn đau khổ hơn khi vì bị cướp đất và tranh đấu cho mình mà mẹ ruột đã phẫn uất tự thiêu đến chết. Bà Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu vào ngày 30 tháng 7 năm 2012 trước trụ sở chính quyền thành phố Bạc Liêu. Cái chết của bà tuy gây rúng động cho dư luận nhưng có vẻ như không ảnh hưởng gì tới các trại giam và chính sách đất đai của nhà nước.

” Chị Tần rất yếu, gầy ốm, xanh xao đi ra chỉ nói chuyện được có 10 phút thôi anh ơi họ không cho nói chuyện. Hỏi lý do vì sao tuyệt thực thì do là bọn họ nhốt chỉ cách biệt ở một căn phòng sau 4 cánh cửa sắt, khi ra khỏi phòng giam để gặp em là cửa thứ 5

cô Tạ Minh Tú”

Mới đây nhất, cô Tạ Minh Tú em ruột của Tạ Phong Tần cho biết chị mình đã tuyệt thực trong trại giam sau chuyến thăm chị vào ngày 5 tháng 1 vừa qua. Cô Tạ Minh Tú cho biết:

-Chị Tần rất yếu, gầy ốm, xanh xao đi ra chỉ nói chuyện được có 10 phút thôi anh ơi họ không cho nói chuyện. Hỏi lý do vì sao tuyệt thực thì do là bọn họ nhốt chỉ cách biệt ở một căn phòng sau 4 cánh cửa sắt, khi ra khỏi phòng giam để gặp em là cửa thứ 5.

Chỉ có bệnh khớp với viêm họng mà mùa này do lạnh nên chị trở bệnh nhưng mà đã 14 ngày rồi chỉ tuyệt thực không có ăn gì chỉ uống nước và thuốc cũng không uống nữa. Chỉ nói mỗi ngày giam cách biệt như vậy mà đáng lẽ mỗi tuần thứ Bảy Chúa Nhật phải được đi ra ngoài giao lưu với phải mở cửa phòng để cho thoáng khí nhưng bọn họ không cho mở cửa và cũng không được ra ngoài, chỉ giam trong phòng trong được đi đâu hết mà trong phòng thì không có ánh sáng. Ở trong đó chị Tần tuyệt thực chống đối và bà Nguyễn Thị Hương còn đe dọa bả nói là sẽ nhốt chị Tần vô xà lim.

” Đến ngày 1 là ngày Thứ Bảy bà con và gia đình em rất là lo lắng bởi vì sức khỏe mẹ em rất suy kiệt, kèm theo những triệu chứng bị choáng váng mà em nói rõ luôn là do những trận đánh, trận đòn của lực lượng cưỡng chế ngày 25 tháng Tư vừa qua

Anh Trịnh Bá Phương”

Khi được hỏi tại sao trại giam chỉ cho phép có 10 phút trong khi những phạm nhân khác có gần 1 giờ để thăm gặp, Cô Tạ Minh Tú cho biết:

-Bọn họ nói là làm sai quy định nên đuổi em ra mà rõ ràng em hỏi thăm sức khỏe chị Tần mà họ không cho nói, không cho hỏi. Trong khi đó ông Nguyễn Văn Tí đang thi hành nhiệm vụ mà mùi rượu nồng nặc. Ổng thách em cứ việc làm đơn thưa ổng, ổng không có làm sai quy định trong khi quy định trại giam là Tết dương lịch vừa rồi phạm nhân được ra ngoài để giao lưu nhưng chị Tần bị biệt giam không được ra vào gì hết. Trong lúc chỉ đang bệnh và đang tuyệt thực mà bọn họ bắt ra lao động. Bà Nguyễn Thị Hương đó bả bắt ra lao động.

Bà Cấn Thị Thêu

Một người tranh đấu cho dân oan khác là bà Cấn Thị Thêu cũng áp dụng biện pháp tuyệt thực trong nhà giam số 5 Thanh Hóa, nơi bà bị giam cùng trại với Tạ Phong Tần để phản đối sự bất công trong nhà giam và ngay trong bản án mà tòa án Hà Nội dành cho bà.

Người ta còn nhớ vào ngày 25 tháng 4 năm 2014 chính quyền đã mang hàng ngàn công an, côn đồ về Dương Nội để cưỡng chế khu vực mà bà Cấn Thị Thêu và hàng trăm nông dân Dương Nội đang cố thủ giữ đất tại đây. Lực lượng do chính quyền cử đến đã mạnh tay đàn áp, đánh đập đến bất tỉnh bà Cấn Thị Thêu và chồng của bà sau đó bắt cả hai về giam giữ trong nhiều tháng trời. Hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử hai vợ chồng bà đã được nhân dân Dương Nội theo dõi và dốc sức ủng hộ cho người đã cùng sát cánh với họ trong những ngày đấu tranh giữ đất.

Anh Trịnh Bá Phương người có bổn phận thăm nuôi cha mẹ. Nói về chuyện tuyệt thực của mẹ anh Phương kể:

-Ngày 11 tháng 1 vừa qua gia đình em đã thực hiện quyền thăm gặp và khi vào trại giam thì được biết rằng mẹ em đang tuyệt thực. Đến ngày 1 là ngày Thứ Bảy bà con và gia đình em rất là lo lắng bởi vì sức khỏe mẹ em rất suy kiệt, kèm theo những triệu chứng bị choáng váng mà em nói rõ luôn là do những trận đánh, trận đòn của lực lượng cưỡng chế ngày 25 tháng Tư vừa qua.

Đến ngày hôm nay thì sau khi gia đình và bà con rất lo lắng cũng đã tuyên bố sẽ tuyệt thực ủng hộ mẹ em nếu trại giam số 5 không cho gia đình và bà con vào để kiểm tra sức khỏe của mẹ em. Sau đó gia đình em với sự hỗ trợ của bà con cùng đấu tranh thì phía trại giam số 5 đã xem xét cho em vào gặp trực tiếp mẹ em. Qua cuộc gặp mẹ em cũng thông báo là đã dừng tuyệt thực và mẹ nói rõ nguyên nhân tuyệt thực là để phản đối nền tư pháp cũng như những sai trái của chính quyền đã chà đạp công lý để giam giữ trái phép mẹ em.

” Thời gian đầu tiên vào trại thì mẹ con tuyệt thực đợt đầu tiên dài nhất là 53 ngày, lý do lần đó là mẹ con phản đối sự dàn dựng vu khống của công an huyện Lấp Vò, mẹ con không muốn hợp tác trong quá trình điều tra và mẹ con thể hiện chống lại sự bất công đấy bằng cách tuyệt thực

con gái bà Bùi Thị Minh Hằng”

Trong khi cả hai vợ chồng bà Cấn Thị Thêu bị bắt và xét xử cùng một tội danh, một tòa án nhưng lại bị tách ra giam tại hai trại giam khác nhau. Anh Trịnh Bá Phương cho biết:

Bố em thì họ lại giam ở trại giam số 6 ở Nghệ An. Hiện nay do việc giam giữ bố mẹ em ở hai tỉnh đã gây rất nhiều khó khăn cho gia đình khi thăm gặp vì quảng đường rất xa.

Chị Nguyễn Đặng Minh

Cùng bị giam chung với Tạ Phong Tần và bà Cấn Thị Thêu tại trại giam số 5 Thanh Hóa là chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị bắt vào ngày 21 tháng 7 năm 2011 với bản án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế theo điều 79 Bộ luật hình sự hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Chị Hồ Thị Bích Khương và bà Nguyễn Thị Lộc cũng bị giam tại tại đây.

Bà Bùi Thị Minh Hằng

Một nữ tù nhân lương tâm khác cũng rất nổi tiếng là bà Bùi Thị Minh Hằng. Tuy bản án nhẹ hơn Tạ Phong Tần và Nguyễn Đặng Minh Mẫn nhưng bà Bùi Hằng lại quyết liệt chống đối bằng biện pháp tuyệt thực dài ngày hơn và nhiều lần hơn để chống lại sự bất công mà Tòa án, Công an, Viện kiểm sát đối xử với bà. Con gái bà Bùi Hằng là Quỳnh Anh cho biết:

-Thời gian đầu tiên vào trại thì mẹ con tuyệt thực đợt đầu tiên dài nhất là 53 ngày, lý do lần đó là mẹ con phản đối sự dàn dựng vu khống của công an huyện Lấp Vò, mẹ con không muốn hợp tác trong quá trình điều tra và mẹ con thể hiện chống lại sự bất công đấy bằng cách tuyệt thực. Thời gian đầu tiên bà tuyệt thực dài 53 ngày.

Sau đó trong quá trình hỏi cung và thẩm vấn của công an tỉnh Đồng Tháp nó gây cho bà những bức xúc và bà cũng sử dụng biện pháp tuyệt thực sau mỗi lần như thế. Có tổng cộng 4 lần tuyệt thực. Lần cuối cùng trước khi ra tòa mẹ con tuyệt thực 13 ngày không ăn và không uống. Sau khi sơ thẩm về thì mẹ con ăn uống đều đặn nhưng cuối cùng khi phiên tòa phúc thẩm và mức án vẫn giữ nguyên thì mẹ con có tuyên bố là mẹ sẽ tuyệt thực cho đến chết để đòi lại công bằng cho mẹ con và hai người bạn.

Câu chuyện của những phụ nữ này vẫn làm bồi hồi rất nhiều người dân, đặc biệt là dân oan Dương Nội nơi mà những cái tên như Tạ Phong Tần, Bùi Minh Hằng luôn sát cánh với họ và nhất là bà Cấn Thị Thêu người phụ nữ gan góc dám đứng ra chống lại chính quyền để bảo vệ quyền lợi của người dân Dương Nội.

Tuyệt thực tuy chỉ là cách cuối cùng nhưng có lẽ nhờ thế mà bên ngoài sẽ không quên họ cho dù bị cách ly tới đâu chăng nữa.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay