Việt Nam ‘đi mà không biết đi đâu’

Việt Nam ‘đi mà không biết đi đâu’

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI  (NV) .- “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được”.

Phụ nữ gánh vàng mã bán rong ở trung tâm thành phố Hà Nội. Thứ trưởng KH&ĐT CSVN than “chúng ta đi mà không rõ đi đâu”. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN than thở như thế  tại hội thảo khoa học “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới, và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 22/12/2014.

Cho tới nay, chế độ Hà Nội vẫn “kiên định tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa” với các kế hoạch kinh tế vá víu “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” giúp cho hàng triệu cán bộ đảng viên từ trên xuống dưới thi nhau tham nhũng, ăn hối lộ, đất nước thì tụt hậu.

Ông Nguyễn Chí Dũng chỉ trích các chương trình cải cách kinh tế của Việt Nam như “cải cách doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, xây dựng pháp luật… nhưng có vẻ chưa đủ nên ta lại tiếp tục cải cách thể chế.”

Theo đó, cải cách chỉ là để ra các rào cản mới, thấy sai, thấy tệ hơn bèn dẹp rào cản rồi tự ca ngợi là “cải cách”.

Ông ví von, theo tường thuật của tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (TBKTSG), “cuộc sống đang là dòng chảy, thì Nhà nước đưa ra quy định để đổ đá và be đắp làm tắc nghẽn dòng chảy. Khi thấy sai rồi, nhà nước bỏ đá đi, thì gọi là cải cách, hay đổi mới thể chế.”

Theo TBKTSG kể lại, ông Nguyễn Chí Dũng đặt câu hỏi: “Như thế có phải là cải cách không? Tất cả câu chuyện như vậy ta phải nhìn như thế nào?”. Và ông tự trả lời: “Chứ cá nhân tôi thấy, nếu dòng chảy đang tốt thì chúng ta phải hướng cho dòng chảy đúng chỗ nhanh hơn, mạnh hơn, thế mới là cải cách. Chứ không thể tư duy là bỏ đống đá vào, rồi thấy vướng, lại dỡ bỏ ra là cải cách”.

Trong cuộc hội thảo nói trên, ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM nêu ra cho thấy Hàn Quốc thời thập niên 1960 kinh tế của họ cũng chỉ tương tự như Việt Nam. Sang đến thập niên 1980, Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn hai của quá trình phát triển, trong khi Việt Nam ở giai đoạn một.

“Giờ họ đã bước sang giai đoạn 3; còn ta vẫn ở giai đoạn 1”, ông Cung nói. “Đó chính là sự khác biệt của họ và ta. Vì thế, cần nhấn mạnh vào sự khác biệt này để ta thay đổi, chứ không phải nhấn mạnh mãi những sự khác biệt để du di cho đổi mới.”

Tham dự cuộc hội thảo, ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam “chỉ ra hàng loạt các vấn đề hiện nay như nền kinh tế chậm chuyển đổi sang kinh tế thị trường cạnh tranh, thiếu sáng tạo trong kinh doanh, tăng trưởng chậm đối với khu vực doanh nghiệp nói chung, và các nhóm lợi ích có quan hệ với giới chức quyền lực giàu có nhanh nhờ có đặc quyền tiếp cận vốn, đất đai và thị trường.”

Ông Jeong Ho Kim, giáo sư Trường Chính sách và quản lý công Hàn Quốc, diễn giả chính tại hội thảo, trình bày rằng Chính phủ Hàn Quốc đã có hàng loạt các thay đổi để có được nền kinh tế thị trường ngày nay, làm quốc gia này trở nên thịnh vượng.

Trong đó, chính phủ Hàn quốc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gỡ bỏ các luật lệ bảo hộ các ngành công nghiệp công ích như vận tải, và doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến khích tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do; tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển; và tăng phúc lợi xã hội.

“Ông Kim cho biết, để đạt được sự thịnh vượng, Hàn Quốc phát triển dựa ba trụ cột của nước họ là chính trị đa nguyên, xã hội dân sự, và kinh tế dựa vào ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và sáng tạo cao”theo TBKTSG tường thuật.

Hai con đường trái ngược nhau, một con đường “Chúng ta đi mà không biết đi đâu!” vẫn kiên định nhắm mắt đi tới và con đường phú cường thịnh hùng mạnh. (TN)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay