Chấn hưng dân trí: Làm cách nào để sự giả dối không truyền đến đời con cháu?

Chấn hưng dân trí: Làm cách nào để sự giả dối không truyền đến đời con cháu?

Vũ Cao Đàm

Trên trang Bauxite Việt Nam ngày 24/11/2014 có một bài viết với cái tít rất thú vị của Duy Chiến trong câu chuyện với ông Nguyễn Minh Nhị, Cựu chủ tịch UBND Tỉnh An Giang, và Duy Chiến đã trích lời ông Nhị: “Tôi sợ sự giả dối truyền đến đời con cháu”.

Đọc xong bài viết của Duy Chiến, tôi giật mình sững sờ, và thốt lên một lời than: “Bác Nhị ơi, nó, cái sự giả dối ấy, đang truyền qua đời con cháu rồi đó. Nó đã đi trước sự cảnh báo của bác Nhị rồi”.

Chí sỹ Phan Châu Trinh dạy ta phải “Khai dân trí”. Vậy thì trên con đường Chấn hưng dân trí, thế hệ chúng ta phải làm sao “Khai dân trí” cho lớp con cháu chúng ta?

Tôi xin góp với Duy Chiến một câu chuyện mà tôi thấy rất “tâm tư”, “tâm tư” mỗi khi lên giảng đường thảo luận bài vở với lớp trẻ – lớp sinh viên đáng tuổi cháu nội cháu ngoại của các thầy cô còn đứng trên giảng đường cùng với lứa tuổi tôi. Đây có lẽ chính là cái “đời con cháu” của bác Nhị, mà thế hệ chúng ta đang được may mắn chia sẻ với họ những tư tưởng và tình cảm qua các mảnh đời trải nghiệm.

Trong một lần hướng dẫn sinh viên (lứa sinh năm 1994-1995) thuộc nhiều ngành học khác nhau, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, về phương pháp nghiên cứu khoa học, tôi được nghe một sinh viên trình bày một nghiên cứu về phân tích “Nguyên nhân chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của các thế lực thù địch”.

Khi nghe bạn sinh viên trẻ măng, còn kém tuổi cháu nội cháu ngoại của mình, trình bầy một Research Question và một Research Hypothesis về âm mưu của các thế lực thù địch muốn xóa bỏ cái thiên đường viễn tưởng này, như một ước vọng cao cả của nhân loại (giống như tôi đã từng nghe báo cáo của các vị tuyên huấn từ những năm tháng của thập niên 1960), tôi chợt giật mình, sững sờ vì cái “Dân trí” của lớp trẻ, mà tôi vốn nghĩ một cách rất chân thành, rằng đáng ra họ phải chỉ mặt thế hệ chúng ta mà mắng nhiếc, để mà sỉ vả, rằng: “Chính các ông bà đã từng làm những vệ sĩ trung thành của cái hệ thống đầy khuyết tật này, và chúng tôi, lớp con cháu, phải hàn gắn lại những đống phế thải ấy, không biết đến bao giờ mới khắc phục được”.

“Chính các công bà đã từng tiếp tay cho những kẻ ký cho quân xâm lược vào trấn đóng Tây Nguyên, cho chiến hạm của quân xâm lược ra vào cửa ngõ vô cùng hiểm yếu về chiến lược của cảng sâu Vũng Áng”

“Chính các ông bà đã thờ ơ trước những kẻ đã cho quân xâm lược trấn đóng trên cả một vùng đất rộng lớn hàng nhiều chục ngàn héc ta rừng đầu nguồn, cho kính viễn vọng của bọn cướp biển được đặt chính giữa đèo Hải Vân, một địa thế yếu hầu trấn giữ đường biển để khống chế đất nước chúng ta”.

“Chính các ông bà đã tạo dựng nền móng cho những kẻ đang tâm để quân xâm lược gặm dần gặm mòn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, để rồi không biết đến thế kỷ bao nhiêu các thế hệ con cháu mới đòi lại được”.

Tôi thành tâm mong đợi lớp con cháu chỉ mặt thế hệ chúng ta để mắng nhiếc, để sỉ vả những lời như thế.

V.C.Đ.

Tác giả gửi BVN

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay