Albania, điển hình của hòa hợp liên tôn

Albania, đin hình ca hòa hp liên tôn

Vũ Văn An

9/21/2014

Theo hãng tin AFP, cuộc du hành một ngày qua Albania của Đức Phanxicô hôm nay, 21 tháng Chín, nhằm đề cao nước này như một kiểu mẫu của hoà hợp liên tôn, giữa lúc ở Trung Đông đang có rối loạn và tại Âu Châu làn sóng bất khoan dung đang dâng cao.

Mặc dù Tòa Thánh lên tiếng ủng hộ các cuộc không kích của Hoa Kỳ tại Iraq để bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại, Đức Phanxicô vẫn cố gắng lấy cuộc đối thoại giữa các tôn giáo làm “hòn đá góc” của triều giáo hoàng của ngài và luôn ra sức phản công lời kêu gọi sử dụng vũ lực bằng công thức hòa bình. Albania xiết chặt an ninh trước khi ngài tới, nâng báo động cảnh sát lên mức cao nhất và huy động cả lực lượng đặc biệt trên khắp xứ sở vì những lời cảnh báo cho rằng Nhà Nước Hồi Giáo Trị có kế hoạch tấn công nhà lãnh đạo Công Giáo này.

Cờ vàng trắng của Vatican bay phấp phới trên các lộ chính của Thủ Đô Tirana bên cạnh cờ đỏ với chim đại bàng hai đầu mầu đen của Albania, trong khi các chân dung lớn của các linh mục và nữ tu Công Giáo bị bách hại dưới thời Cộng Sản được giăng qua các phố. Cuộc du hành này sẽ là cuộc chạy đua 11 giờ trong đó, Đức Thánh Cha sẽ gặp Tổng Thống Albania là Bujar Nishani, cử hành thánh lễ tại Công Trường Mẹ Têrêxa ở Tirana, ăn trưa với các giám mục, chuyện trò với các nhà lãnh đạo tôn giáo và viếng thăm các cô nhi.

Đức Phanxicô trước đây từng cho biết ngài chọn xứ nghèo vùng Balkan này làm nơi đầu tiên ở Âu Châu để viếng thăm, thay vì một trong những xứ hùng cường khác, vì đây là một điển hình về một lãnh thổ nơi các tôn giáo thông thường hay đấu tranh với nhau ở nơi khác nhưng ở đây đã chung sống với nhau rất thành công.

Các chứng nhân của đức tin

Tháng Tám vừa qua, Đức Phanxicô cho biết: Albania đã thành công trong việc tạo ra một “chính phủ đoàn kết quốc gia gồm người Hồi Giáo, Chính Thống Giáo và Công Giáo, với một hội đồng liên tôn rất có ích và cân bằng” và nói thêm: sự hiện diện của ngài “sẽ là một cách nói với mọi người rằng: qúy vị xem, tất cả chúng ta đều có thể làm việc với nhau!”

Cuộc gặp gỡ kín cửa cao tường của ngài với các vị đứng đầu các cộng đồng tôn giáo khác sẽ bao gồm người Hồi Giáo, Chính Thống Giáo, Bektashi, Do Thái Giáo và Thệ Phản. Nhà lãnh đạo của 1.2 tỷ người Công Giáo thế giới muốn vinh danh những người từng chịu đau khổ dưới thời nhà độc tài Enver Hoxha, người, năm 1967, từng tuyên bố Albania là quốc gia cộng sản đầu tiên, và dưới thời ông ta cai trị, các linh mục và giáo sĩ Hồi Giáo đã bị bách hại và các nơi thánh bị san bằng.

Theo Đức Phanxicô, giữa các năm 1945 và 1985, 111 linh mục, 10 chủng sinh và 7 giám mục đã chết trong lúc bị giam giữ hay bị xử tử; gần 2,000 nhà thờ Chính Thống Giáo và Công Giáo bị tiêu hủy hay biến thành rạp hát, nhà hát và vũ trường. Ngài cho biết sự tái sinh đức tin Công Giáo sau cuộc bách hại ấy đã biến Albania thành một nơi “tôi cảm thấy nên tới thăm”.

Việc hồi sinh Đạo Công Giáo một phần nhờ Mẹ Têrêxa, là người đã sinh ra tại nơi nay là Macedonia nhưng có gốc Albania. Tại một xứ sở với dân số trẻ trung nhất Âu Châu, Tòa Thánh hy vọng sẽ tạo được một nguồn suối cho người tân tòng trên một lục địa đang bị chủ nghĩa duy tục kềm kẹp.

Đây sẽ là cuộc viếng thăm lần thứ hai của một vị giáo hoàng. Đức GH Gioan Phaolô II từng viếng thăm xứ này một năm sau ngày chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ năm 1992. Trong cuộc viếng thăm ấy, Đức Gioan Phaolô II đề cao các “chứng nhân của đức tin” và đã bổ nhiệm 4 tân giám mục trong đó có Đức Cha Michel Koliqi, lúc ấy đã 91 tuổi, người từng bị giam 21 năm.

An ninh chặt chẽ

Nước với 3 triệu dân này chắc chắn chờ mong được vị giáo hoàng nổi tiếng hỗ trợ trong cố gắng trở thành hội viên của Liên Hiệp Âu Châu.

Don Giergi Meta, phát ngôn viên của Giáo Hội Albania, nói với Đài Phát Thanh Vatican rằng “đây là một dấu hiệu mạnh mẽ và là một khích lệ để đẩy mạnh cố gắng của chúng tôi được hòa nhập vào Âu Châu”. Tòa Thánh vốn nhấn mạnh rằng mình không muốn gia tăng việc an ninh cho chuyến đi, nhưng bộ nội vụ Albania cho biết cảnh sát đã thiết lập 29 trạm kiểm soát tại trung tâm Tirana, nơi phần lớn các sinh hoạt của Đức Giáo Hoàng được dự trù, kể cả tại Công Trường Mẹ Têrêxa.

Một số quan sát viên Vatican sợ rằng Đức Phanxicô tự biến mình thành một mục tiêu khi lên tiếng chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Trị. Nhưng vị giáo hoàng người Á Căn Đình này, người không muốn gì khác ngoài việc được trà trộn vào đám đông, sẽ vẫn chỉ sử dụng chiếc xe mui trần mà ngài quen dùng ở Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô.

Bất chấp là một nước nghèo nhất của Âu Châu, tháng rồi, Albania bắt đầu gửi vũ khí và đạn dược cho các lực lượng Kurd để họ đánh trả các chiến binh của Hồi Giáo Trị tại Iraq, vá các nguồn an ninh trong nước đã loại bỏ các nỗi sợ sệt về một cuộc tấn công của bọn khủng bố quốc nội.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay