Đứng đầu – đứng chót?

Đứng đầu – đứng chót?

Chuacuuthe.com

VRNs (20.09.2014) – Tin Mừng Chúa nhật 25TN Năm A – Mt 20,1-16a

Ở miền Bắc nước ta hiện nay, những nông dân/công nhân không có việc làm, thường ra đứng ở các ngã đường để chờ người cần mướn, đến gọi đi làm công việc cho họ.

Thời Chúa Giêsu, ở các chợ Do thái cũng có hoàn cảnh tương tự. Thế nên bài Tin Mừng hôm nay Thánh Matthêô tường thuật lại việc ông chủ vườn nho đi ra chợ, gọi các người đứng ở đó vào làm vườn cho ông.

Kể từ khi nước ta mở cửa “kinh tế thị trường”, các công ty/doanh nghiệp mọc lên khá nhiều. Trước khi làm ăn hoặc mua bán với công ty/doanh nghiệp, thường thì đối tác phải làm bản hợp đồng/thỏa thuận với chủ. Phần nhiều trong các hợp đồng/thỏa thuận của đôi bên, có những công ty/doanh nghiệp đưa ra những hợp đồng/thỏa thuận “tràng giang đại hải”, với những từ chuyên môn khó hiểu, thậm chí còn cố ý làm cho đối tác hiểu nhầm. Và nếu không xem kỹ bản hợp đồng/thỏa thuận, thì coi chừng: bút đã sa và gà… sẽ chết! Luôn luôn phần thiệt thòi thuộc về người làm công hoặc kẻ đi mua.

Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa kể về ông chủ vườn nho cũng làm hợp đồng/thỏa thuận, nhưng đơn giản hơn nhiều: chỉ “thỏa thuận” bằng miệng. Tuy đơn giản là thế, nhưng rồi ông chủ đã trả tiền sòng phẳng theo như “thỏa thuận”, lại còn cho phần thêm với những người khác, phần lợi hơn thuộc về người làm công. Ở đây Chúa muốn nói đến lòng yêu thương, quảng đại của ÔNG CHỦ trên trời, nhất là đối với những người “thất nghiệp”, kẻ “đến sau”.

Nhưng cũng chính vì chỗ “cho thêm” này, đã làm cho những người làm vườn lúc “vừa tảng sáng” ganh tị. Và thế là họ “đâm ra ghen tức”.

Có chuyện kể rằng: Chị A và chị B cùng kinh doanh một mặt hàng, ở trong cùng một khu phố. Chị A thấy chị B bán đắt hàng chừng nào, thì chị càng ganh ghét chừng đó. Chị cứ ước mong sao mình phải giàu có, sung sướng hơn chị B mới thỏa lòng.

“Cầu được ước thấy”. Một hôm Bụt hiện ra bảo chị A: “Nghe nói con hằng ước ao giàu có sung sướng lắm phải không?” – “Dạ phải” – “Ta sẵn sàng ban cho con tất cả những điều con ước, nhưng chỉ với một điều kiện”. Chị ta mừng quá, nhanh nhảu: “Dạ thưa Bụt, điều kiện gì?” – “Đơn giản thôi, những gì con ước ta sẽ ban, nhưng cô B ở cùng phố với con sẽ được gấp đôi điều con ước. Thí dụ, nếu con ước được nhiều vàng bạc thì cô ta sẽ được gấp đôi số vàng bạc của con. Nếu con ước có nhà lầu, cô ta sẽ có 2 nhà lầu. Nếu con ước có xe hơi, cô ta sẽ được 2 chiếc….” Nghe vậy chị ta buồn lắm, không được, không thể được! Suy nghĩ mãi, nhưng rồi cuối cùng chị ta cũng đã nghĩ ra được một điều đắc ý và cười to! Đợi lâu, Bụt giục: “Ước gì thì nói mau lên kẻo ta đổi ý đấy!” – “Dạ thưa Bụt, con ước ngay đây” – “Ước gì?” – “Con xin Bụt cho con bị đui một mắt” (!)

Bụt há hốc miệng thật to, trợn tròng mắt và… hô biến.

Thiệt là…hết thuốc chữa!

Con người mình đa phần là thế! Chỉ muốn mình phải luôn luôn hơn người khác, không thể ai hơn được. Thậm chí, những người nghèo khổ, thất nghiệp “không ai mướn” như trong bài Tin Mừng hôm nay, được ông chủ “cho thêm” họ cũng tỏ ra ganh tị và ghen tức.

Lòng ganh tị và ghen tức, chỉ nghĩ cho mình mà thôi đã làm cho con người ra độc ác, phi nhân như câu chuyện vừa nêu. Người Việt mình có câu “Cái khó ló cái khôn”, còn ở câu chuyện trên: lòng ganh tị và ghen tức đã làm cho con người “ghen quá hóa ác nhân”!

Trở lại bài Tin Mừng, đặt vào vị trí của những nhân vật trong Dụ ngôn, bạn và tôi có cần phải suy nghĩ:

  • Nếu tôi là ông chủ, tôi có minh bạch, sòng phẳng, trả lương đầy đủ cho người làm công của tôi không? Tôi có lợi dụng quá đáng sức lao động của họ không? Tôi có biết rằng, nếu không có họ thì dù tôi có tài giỏi đến đâu, công ty/doanh nghiệp của tôi cũng không thể hoạt động được không? Tôi có lưu tâm, ưu tiên tuyển chọn những người nghèo đói, thất nghiệp, “không ai mướn” vì không có “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ” vào làm cho tôi không? Hay tôi làm ngược lại? Tôi có chủ trương gầy dựng một “quỹ xã hội” ở công ty/doanh nghiệp của tôi, để nhờ đó có thể “cho thêm” những công nhân có hoàn cảnh nghèo đói, thương tâm như ông chủ vườn nho đã làm hôm nay không?
  • Nếu tôi là người làm công, tôi có làm hết mình hết trách nhiệm vì đồng lương được trả không? Hay tôi ỷ mình vì vào làm “vừa tảng sáng”, “làm việc nặng nhọc cả ngày”, “bị nắng nôi thiêu đốt” nên cứ tà tà cách thụ động, miễn sao cuối tháng có lương đầy đủ là được? Ông chủ dưới đất, nhất là ÔNG CHỦ trên Trời lại càng “quý hồ tinh bất quý hồ đa” nên ông sẽ đối xử sòng phẳng, tôi có biết không? Tôi có tỏ ra ghen tức khi thấy ông chủ đối xử tốt với đồng nghiệp hơn tôi, chỉ vì họ nghèo khổ hơn tôi, làm việc cật lực hơn tôi với tinh thần trách nhiệm cao hơn tôi không?

Chúng ta – những người đã theo Chúa, phải sống làm sao để đừng rơi vào trường hợp như Chúa phải cảnh báo hôm nay:

Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”(Mt 20,16a) !

Đôi lúc chúng ta cũng đã từng tự hào mình là “đạo gốc, đạo dòng” và xem thường những anh em “đạo theo, đạo mới”. Coi chừng, câu nói trên Chúa dành cho chúng ta đấy!

Bạn và tôi, chúng ta có muốn phải bị xếp vào hàng cuối cùng không?

Micae Hữu Liên

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay