Tôi chờ đợi lớn lên cùng giông bão

“Tôi chờ đợi lớn lên cùng giông bão,”

Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai (2).

Tìm cánh tay nước biển,

Con ngựa buồn lửa trốn con ngươi!”

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – Bài Ngợi Ca Tình Yêu)

(Mt 5: 21-24)

Trần Ngọc Mười Hai

Ca-từ ở bài này, nghe qua thấy cũng hơi vô lý, đến là thế. Nhưng nghe đi nghe lại nhiều lần, vẫn thấy lạ. Lạ hơn cả, là khi bần đạo đây nghe người trẻ Anthony Trần chia sẻ vào đêm nhạc Hát Cho Nhau ở Sydney hôm ấy, ngày 5/7/2014, nói rõ như sau:

“Qua các tài-liệu em đọc được, thì khoảng năm 1972, tổng thống Ngô Đình Diệm có mời một nhà nghiên-cứu âm-nhạc và cũng là nhạc-trưởng nổi tiếng ở nước ngoài đến Việt Nam xem có nhận-xét gì về nhạc Việt không. Ông có nói: “Nếu ta coi nhạc Việt như những món ăn dọn trên bàn tiệc, thì dường như người Việt mình chỉ thích ăn các món khai vị chứ không muốn chờ món chính. Trong khi các món khai vị hoặc ăn chơi, chỉ để đưa về món ăn chính, tức: trong âm-nhạc, ta phải tiến lên tầm mức có những giai-điệu khó-khăn hơn, cao vút hơn như một số giòng nhạc của thế-giới đang tiến tới.

Nhận-xét này, lúc ấy, có một số nghệ-sĩ đã thử-nghiệm, trong đó có nhạc-sĩ Phạm Đình Chương, hoặc nhạc sĩ Cung Tiến hay ai khác…cũng đã thử. Riêng, “Bài Ngợi Ca Tình Yêu” là nhạc-bản được phổ từ thơ Thanh Tâm Tuyền, và tiếp đó là bài “Dạ Tâm Khúc” cũng của ông đã ra đời trong chiều-hướng như thế. Tuy nhiên, loại nhạc khó hát và khó nghe như loại nhạc cổ-điển không được ưa-chuộng cho lắm, thế nên sau đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã ngưng, thôi không sáng-tác loại nhạc này nữa, chỉ còn mỗi nhạc sĩ Cung Tiến là vẫn tiếp tục với các bài như: Mắt Biếc, Thuở Làm Thơ Yêu Em, Hoàng Hạc Lâu… Và, dường như nay ít ai để ý đến những sáng-tác về sau của nhạc-sĩ Cung Tiến, theo chiều-hướng này nữa…” (trích lời dẫn của Anthony Trần Đàm Việt Quốc về khuynh-hướng sáng-tác loại nhạc khó, ở thời trước)

À thì ra, là như thế. Như thế nghĩa là, việc ca ngợi tình-yêu của mỗi người và mọi người, đâu thể nào giống cùng một kiểu. Không chỉ mỗi giới nghệ-sĩ mới thấy khó thế thôi ư? Thế còn, nhà Đạo ta mỗi khi ngợi-ca Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu, thì thế nào? Có khó lắm không? Hoặc, có bỏ cuộc giữa đường như nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào thời đó? Trả lời cho câu này, bần đạo thấy còn khó hơn là viết nhạc theo giai-điệu khúc-mắc, rối bời, như vừa nói .

Thôi thì, ta cứ coi nhạc-bản ở trên tuy khó khăn, lăn tăn nhưng hãy cứ nghe thêm câu tiếp:

“Đất nước có một lần tôi ghì đau thương trong thân thể,
Những giòng sông, những đường cày, núi nhọn.
Những biệt ly, những biệt ly rạn nứt lòng đường.
Hút chặt mười ngón tay, ngón chân da thịt
Như người yêu, như người yêu từ chối vùng vằng.
Những giòng sông, những đường cày, núi nhọn.”

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

Đấy! Hỡi bạn và tôi, ta đều thấy đấy: cái khó, nó không nằm ở giòng nhạc có giai-điệu lạ, nhưng khó hơn cả, là ở chỗ: ý/lời của bài thơ tự-do mà nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đã cố đặt ra thế. Thi-sĩ Thanh Tâm Tuyền có cố ý không, ta hãy cứ nghe thêm một đoạn nữa, hạ hồi sẽ hiểu:

“Những biệt ly, những biệt ly rạn nứt lòng đường.
Tôi chờ đợi cười lên sặc sỡ,
la qua mái ngói thành phố ruộng đồng,
Bấu lấy tim tôi thành nhịp thở
Ngõ cụt đường làng cỏ hoa cống rãnh
Cây già đá sỏi bùn nước mặn nồng chảy máu tiếng kêu.”

(Phạm Đình Chương/Thanh Tâm Tuyền – bđd)

À thì ra, tình-yêu con người ở ngoài đời, chỉ thấy toàn những: “khóc trên vai”, rồi lại: “tôi ghì đau-đớn trong thân-thể”. Và dễ nể hơn nữa, người nghệ-sĩ còn hát thêm câu: Những biệt ly, những biệt-ly rạn-nứt lòng đường”, rồi lại: “Bấu lấy tim tôi, thành nhịp thở”, hoặc: “sỏi bùn nước mặn, nồng chảy máu tiếng kêu”. Chao ôi, những ngôn và ngữ ở đời, rất thi ca.

Thế còn, ngữ-ngôn nhà đạo độ này ra sao? Nhà Đạo, cũng có những lời thơ hoặc lời thư đậm nét tâm-tư như đấng thánh nhân-hiền từng tỏ lộ:

“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,

hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến,

thì cũng chẳng ích gì cho tôi.4

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,

không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,5

không làm điều bất chính,

không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,6

không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.7

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.8

Đức mến không bao giờ mất được.”

(1Cor 13: 3-8)

Vâng. Thế đó, là khẳng-định của đấng thánh nhân-hiền, cột trụ của Hội thánh. Và đây là: ý/lời nhà Đạo ở đời thường, cũng không khác mấy? Và, một câu hỏi khác: Đâu là lập-trường người đi Đạo, khi vinh-thăng “Lòng mến” vẫn có cái gì đó, khá độc đáo, chân-phương, bình dị như đời người đi Đạo, thôi.

Để hỗ-trợ tư-tưởng này, thiết-tưởng cũng nên quay về với ý/lời của người trẻ khác tên là Emma Quinn ở báo Úc, như sau:

“Đôi lúc, tôi trộm nghĩ: ta cũng nên để ra đôi chút cố-gắng mà làm điều hay/điều phải cho phải lẽ. Như bậc mẹ cha này khác ở đây đó, từng lo-lắng/đắn đo nhiều chuyện, hoặc như các cô/cậu học-trò ngoài “lề phải”; hoặc như thiếu-nữ tuy còn nhỏ cũng đã ưu-tư/khắc-khoải, nên mới “ới gọi” Đức Thánh Cha Phanxicô giúp cô vượt lên trên lớp sóng phủ đầy những thách-đố trong đời mình, bằng lá thư sau đây. Trước nhất, là thư một bà mẹ còn rất trẻ có tên là Janice, như sau:

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Con đang sống trong tình-trạng tuyệt-vọng, nên cần người chỉ dạy, cho con.  Con có đứa con gái ở độ tuổi 14, 15 thôi, nhưng cháu đã bắt đầu khó bảo. Đêm nào, cháu cũng bỏ nhà ra phố chợ mà đàn đúm, vui chơi với lũ bạn choai choai tại các hộp đêm, của nguời lớn. Hết nhảy nhót, hát hò thâu đêm suốt sáng, rồi còn say sưa, chè chén, hút sách. Áo quần cháu mặc nay cũng biết theo đuôi chúng bạn cứ là: hở hang, lỗ mãng đến mắc cở, chẳng còn biết coi ai ra gì. Con nghĩ, nay như cháu đã đi trệch đường rày rồi, không còn biết thế nào là “công dung ngôn hạnh”, nữa Đức Cha ơi…

Con chẳng hiểu sao cháu lại ra nông nỗi thế. Con cũng không biết thế nào mới gọi là theo đúng chức-năng người mẹ. Xin Đức Cha giúp con với!

Ký tên,

Janice ở Úc

Và, lời thư hồi-đáp, cũng không hiểu từ ai đó, có những điểm để ta xét, rất như sau:

Janice thân mến,

Tuổi niên-thiếu vẫn là tuổi đời đầy khó khăn. Nhưng, những khó-khăn như thế sẽ không kéo dài suốt đời, đâu. Ta đây, vẫn thường bảo nhiều người, rằng: tuổi “teen” rồi cũng trôi mau và sẽ được gìn-giữ ở vườn thú cùng loài khác, cho đến khi chúng qua được thời-kỳ nổi-loạn của tuổi đang lớn. Nghiêm-túc hơn, đây là lúc để con bước ra khỏi khu vực thoải mái mà giáp mặt với con gái mình. Hãy giữ lằn ranh ngăn-cách tuy có thiết-lập rõ qui-luật nhấn mạnh và củng-cố nhiều về hệ-quả, nhưng vẫn khích-lệ hành-xử cách đúng-đắn. Hãy nhớ: con là một người mẹ, trước khi là bạn của con gái cưng của mình.

Cần hơn cả, là con phải tạo sự thân-mật gần gũi giữa con và các con của con. Hãy luôn để mắt đến con gái mình xem cháu thường giao-du nơi nào và rồi, sẽ cho cháu thấy rõ là con vẫn hỗ- trợ cháu. Hãy để nhiều thì giờ ra với con gái của con, có lẽ cũng nên chọn môn giải-trí nào đó mà cả hai mẹ con cùng chung vui, thêm phần  gần gũi thân-thương/mật-thiết, như: tập thể-dục chung với nhau, cùng nhau nấu ăn/mua sắm, vv. Phải can đảm giáp mặt/đối đầu với những vấn-đề gai góc, mọi sự rồi cũng sẽ qua đi, nhưng chúng vẫn đáng để con bỏ công ra mà thực-hiện quyết-tâm vào lúc này. (Xem Emma Quinn, Ask Papa Frank, Australian Catholics số Spring 2014, tr. 12-13)

Và, thêm thư khác, cũng gửi đến Đấng-bậc Bề Trên cao tít, như sau:

“Trọng kính Đức Thánh Cha,

Trong lớp của con, có nhỏ bạn nọ từng bị đám học-trò cùng lớp cứ bắt nạt/chọc ghẹo suốt ngày này qua tháng nọ. Từ lúc đó, cô không còn dám lân-la gần-gủi một ai, hết. Không chỉ có mỗi thế, bọn kia ngày càng lấn-át bắt chẹt cô ta đủ điều. Tệ đến độ, cô ta không còn muốn đến trường nữa. Con đây, nhiều lúc cũng tự hỏi: không biết có nên xen vào chuyện người khác hay không? Hay là, tốt hơn hết, mình cứ im lặng/làm ngơ để khỏi bị liên-lụy. Cha có ý-kiến gì giúp bọn con không?

Nay kính,

Joe.

Và thư trả lời, cũng từ đâu đó, chắc gì của Đức thánh là Cha Phanxicô, như sau:

Joe thân mến,

Thật ra thì, cuối cùng rồi cũng có 3 chọn-lựa để con suy-tính. Nhưng ba chọn-lựa này đều đòi hỏi con phải can-đảm hơn lên, và nhất là con phải có nghị-lực mới có thể vượt thắng được chuyện ấy. Thật ra thì, chẳng có giải-pháp dễ ăn giả như con thật tình muốn chấm-dứt chuyện bắt nạt ở trường-học, hết.

Trong ba chọn lựa này, thì thứ nhất là: “chính mình ra mặt đối đầu với chuyện bắt nạt và đứng về phía nạn-nhân. Đây không là vị-thế dễ làm, đối với những người cả nể hoặc dễ ngất xỉu, bởi nó là công-việc rất đáng ngại. Đây, cũng không là phương-cách quay lại làm hại hoặc tỏ ra dữ-tợn với người chuyên bắt nạt trẻ nhỏ, nhưng là tạo cho nạn-nhân có tiếng nói vươn cao mà vượt thoát.

Chọn lựa thứ hai, là: hãy cứ lẳng lặng đi báo cho thày/cô hoặc người lớn nào đó đáng tin cậy về trường-hợp người bạn cùng lớp/cùng trường đang bị bọn xấu bắt nạt đủ điều. Nghĩa là: con cũng cứ ra tay hành-động, nhưng hành-động của con là dám vượt lên trên vấn-đề bức-bách đang xảy đến.

Chọn-lựa khác nữa, là: mời người bị bắt nạt tức nạn-nhân ngồi xuống với con vào giờ ăn trưa. Hai cái đầu vẫn hơn một khối óc để ta giáp mặt với những kẻ chuyên bắt nạt người yếu thế. Được nhiều người chung quanh hỗ-trợ, sẽ càng bổ-sức cho bạn ấy niềm tự tin và từ đó, càng làm cho ta yên chí rằng: bạn vẫn còn có những người thương yêu mình trong cuộc đời.

Và có lẽ, ngay cả việc quyết đẩy lùi/loại bỏ chuyện bắt nạt/làm khó ra khỏi môi-trường mình sinh-hoạt đến thế nào đi nữa, cũng hãy nhẹ nhàng nói lên tiếng nói hoặc mời người nào ngoại-cuộc đi vào vòng yểm-trợ mà con cần đến, hầu có can-đảm mà giải-quyết.

Chúc con thành công.

Và lại có trường-hợp khác cũng khó khăn, tiêu-biểu để ta xem xét:

Trọng kính Đức Thánh Cha Phanxicô,

Con hiện có cảm-giác là: gia-đình con đang có cái gì đó đã đổi-thay. Chừng như quan-hệ giữa ba mẹ con rày đã khác. Ngay giữa Ba con và con, nay cũng đã có đấu-tranh như chưa bao giờ. Gia-đình con không còn ra ngoài trời hoặc tìm nơi giải trí/giải khuây, vui thú nữa. Tối nào, trong nhà con cũng thấy mọi người ngồi trước cái hộp truyền thanh/truyền-hình, cứ lặng như tờ, đôi lúc chỉ lẩm bẩm vài câu chúc nhau ngủ ngon, thế thôi. Con chỉ muốn cho gia-đình trở lại như trước. Có thể nào, với tư-cách là gia-đình, bọn con làm được gì để giải-quyết chuyện này không, thưa Đức Cha?

Ký tên

Con của Cha,

là Mary.

Và sau đây là thư hồi-âm, âm-thầm nhưng rõ nét, cũng chẳng biết từ ai, nữa;

“Mary thân mến,

Có can-đảm lắm, con mới nhận ra là gia-đình của con đang có vấn-đề!

Có một số việc mà con có thể cứ thử làm để gia-đình con trở lại như khi trước. Trước hết và trên hết, tất cả mọi người trong nhà con cần giao-tiếp với nhau theo cách nào đó cho tốt đẹp. Hãy ngồi xuống mà tỏ-bày quan ngại của con và đề-nghị một nơi để nói chuyện cho an-toàn, thoải mái. Con cần lòng quả-cảm để bày-tỏ tính chân-phương, thật thà, bởi đó là tính-chất rất sống còn hầu tạo cho gia-đình mình thấy được sự cần-thiết trong quan-hệ. Thế nên, hãy đưa mọi chuyện lên mặt bàn mà đặt thành vấn-đề.

Hãy tìm cách bảo-bọc và chấp-nhận các khác-biệt của nhau. Tất cả chúng ta đều có quan-niệm và tầm-nhìn khác biệt nhau về mọi sự. Có thể, chúng ta cũng sẽ không đồng ý với nhau về nhiều thứ, nhiều sự, thế nên ta cứ phải mở rộng lòng ra với những khác-biệt ấy.Sao cả nhà không đặt ra một kế-hoạch ra khỏi nhà mà đi chung với nhau? Hãy tái tạo sao đó để sự vui tươi trở lại với cuộc sống gia-đình. Hãy thử rủ nhau đi ra rạp xem phim, đi du-ngoạn ngoài trời, cùng đạp xe đạp, tập-luyện ngoại-hình. Những việc như thế, sẽ nhắc nhở mọi người trong gia-đình là: tại sao con thương gia-đình và tiếc nuối cái bầu khí tốt đẹp trong gia-đình biết là chừng nào!

Nếu chuyện này vẫn chưa giải-quyết được, thì điều hay nhất cho gia-đình con là: tìm một chuyên-gia nào đó có tay nghề  để giúp đỡ. Đôi lúc, ta cũng cần có người ngoài xem xét sự thể ở mọi việc bằng một cái nhìn khác-biệt. Dĩ nhiên, đây là bước nhảy khá táo-bạo và lớn lao, vì nó đòi ta phải có mức độ can-đảm thật lớn lao. Gia đìng quan-trọng là thế, nên cũng xứng-đáng để ta cùng nhau tìm cách giải-quyết các vấn-đề chung cùng nhau, của nhau.

Chúc con và gia-đình thành-công tốt đẹp.

Người cha vẫn ở xa, nên không làm gì được cách cụ-thể.” (xem Emma Quinn, bđd ở trên)

Theo như nội-dung/bài bản của những bức thư trần-tình/hội-ý giống như trên, đã cho thấy: người đi Đạo thời hôm nay, dù còn trẻ hay đã hết trẻ rồi, vẫn có vấn-đề về sự chín-chắn, trưởng-thành làm người lớn. Làm người lớn, thật ra không khó cho lắm, nhưng nó vẫn có những qui-tắc hoặc luật-lệ qui-định để, nếu ta không theo nổi hoặc không thích làm thế, sẽ thấy khó thực hiện.

Mới đây, bạn đạo ở nhiều nơi có gửi về nhắc nhở bần đạo đôi ý-kiến của đấng bậc vị-vọng trong nhà Đạo từng ghi chú về qui-luật trở thành người lớn như sau:

“Làm người lớn có nghĩa là gì?

Người lớn đây, đang học cách lãnh trách-nhiệm về đời mình. Người lớn cứ học-hỏi rồi nói: “Chính tôi đã làm điều đó” hoặc “Tôi có sơ-xuất nên mới làm thế!” hoặc “Tôi thật rất sai!” Người lớn, không là người cứ trách-móc người khác về vấn-đề hỏi rằng: “tôi đang ở vị-thế nào, trong cuộc sống?”

Người lớn, không là người cứ bỏ nguyên ngày ra làm việc rồi cười hi hí về chuyện này/chuyện khác. Người lớn lãnh trách-nhiệm về những gì mình và cần để mắt hầu tự kiểm soát rồi tiến về phía trước.

Người lớn không dùng người khác mà yểm-trợ cho bản-ngã của mình đang sa-sút.

Người lớn, là người biết để ý đến người khác để rồi chúc mừng cùng hỏi thăm và khẳng-định mà không cần đến việc hướng câu chuyện về phía mình. Ngay cả những người luôn phỉ-báng chính mình, cũng làm được những việc như thế bằng nỗ-lực chú-tâm vào chính mình họ.

Người lớn, là người nới rộng hành-vi của mình đặt lên người khác. “Nếu tôi không đạt đích-điểm bằng dự-án của tôi, thì làm sao tôi có thể gây ảnh-hưởng lên các thành-viên khác trong đội-ngũ mình?”

Người lớn, là người biết chú-tâm đến thời-khoá-biểu của người khác, thay vì cứ liên-tục đi trễ rồi còn bảo: tôi coi trọng việc tôi làm hơn việc các anh chị cứ chờ tôi”.

Người lớn, là người quyết làm đến cùng, nên mới nói với người khác: “Tôi sẽ gọi điện cho anh/chị”. “Tôi sẽ nhớ anh/chị trong lời cầu”. “Tôi sẽ mang trả cuốn này, ngay lập tức”.

Anh em có làm thế đến cùng được không?

Mọi người có biết là: khi ta hứa gọi điện cho ai, tức là dứt-khoát ta sẽ gọi cho họ, đúng thế không?

Có ai biết rằng khi ta nói: “Nào, anh em mình cùng đi ăn trưa đi!” tức mình nói một cách nghiêm-chỉnh, chứ?

Hoặc, mọi người có biết rằng: ít khi nào ta đi đến cùng đích về mọi chuyện, hoặc rất quyết tâm khi mình đã nói ra miệng, chứ? Hôm trước, tôi có dịp ghé thăm một người bạn. Anh kể cho tôi nghe về tình bạn hỗ-tương anh có với bạn khác là người từng bảo anh, rằng: “Ta cùng nhau đi ăn tối đi!” Khi ấy, bạn tôi bảo: Tôi biết rõ lần đó là lần cuối cùng tôi nghe thế, ngoại trừ khi tôi có sáng-kiến mời anh ta trước. Bởi, anh ta là người luôn nói thế, nhưng chả bao giờ thực-hiện”. (xem Lm Kevin O’Shea, Sống Đời Đạo Đức có Ánh-Sáng Cứu-Chuộc soi rọi, www.giadinhanphong.blogspot.com 05.09.2014)

Nói cho cùng, thì: sống cho đúng chức-năng của mỗi người trong đời, dù đó có là đời đi Đạo hoặc đời thường ở xã-hội, vẫn là sống có nguyên-tắc/chức-năng đúng vị-thế của mỗi người. Còn có nghĩa, là: sống cho phải Đạo, dù là Đạo Chúa hay đạo làm người, ở đời cũng vậy.

Sống cho phải đạo làm người còn phải noi theo những điều được đấng bậc đề nghị như sau:

“Mười điều Chúa không đòi hỏi khi gặp ta:

1.  Chúa sẽ không hỏi ta đang lái xe nhãn-hiệu gì, nhưng Ngài cứ hỏi xem ta đã chở được bao nhiêu người không có phương-tiện di-chuyển.

2.  Chúa sẽ không hỏi xem căn hộ ta sống lớn/nhỏ ra sao, nhưng Ngài sẽ hỏi ta từng đón tiếp bao nhiêu khách mời đến ở với ta.

3.  Chúa sẽ không hỏi ta có bao nhiêu bộ áo quần trong tủ đựng, nhưng Ngài sẽ hỏi ta giúp được bao nhiêu người rách rưới có áo mặc.

4.  Chúa sẽ không hỏi lương tiền ta kiếm cao đến cỡ nào, nhưng Ngài sẽ hỏi ta có mất phẩm-chất để được số tiền đó hay không.

5.  Chúa sẽ không hỏi chức-vụ của ta cao-cả thế nào, nhưng Ngài sẽ hỏi rằng: ta có làm hết sức mình cho công việc không.

6.  Chúa sẽ không hỏi ta có được bao nhiêu người bạn, nhưng Ngài sẽ hỏi ta đã làm bạn được với bao nhiêu người.

7.  Chúa sẽ không hỏi ta đang sống ở khu vực nào giàu/nghèo ra sao, nhưng Ngài sẽ hỏi ta đối xử với hàng xóm có tốt đẹp hay không.

8.  Chúa sẽ không hỏi màu da của ta đậm đặc thế nào, nhưng Ngài sẽ hỏi về tâm-tính của ta khi xử-thế.

9.  Chúa sẽ không hỏi tại sao ta quá chậm chạp khi tìm ơn cứu-chuộc, nhưng Ngài sẽ vui vẻ đem ta về lâu đài tình ái trên Thiên-quốc chứ không dẫn ta đến cửa ngõ hoả ngục.

10. Chúa sẽ không hỏi ta trao những câu này đến được bao nhiêu người, nhưng Ngài sẽ hỏi tại sao ta cứ do dự hoặc xấu hổ khi làm thế. (trích Sean Kealy, Varieties of American Experience, Doctrine and Life, 2006, 40-41)

Lại xin hỏi thêm lần nữa: những sự và những thứ ở trên như thế, có thực là lỗi hoặc tội không? Ta có đưa ngôn-ngữ, ẩn-dụ, huyền-thoại, ý-nghĩa diễn-giải rất đúng về “lỗi/tội” vào các ví-dụ cụ-thể nào như thế không???

Trong cùng một chiều-hướng như đấng-bậc ở Đạo Chúa nói trên, có lẽ cũng nên để ý đến nhận-định của đấng-bậc khác, rất nổi tiếng, tuy khác đạo về mặt lễ-giáo, nhưng lại cùng chung một kiểu cách của “đạo làm người”, với ý-tưởng không khác mấy. Ý-tưởng đây là những ý rất đúng đắn như sau:

“Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc. Sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ. Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí. Sức mạnh của vua chúa là quyền uy. Sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo. Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa. Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát. Sức mạnh của sa môn là nhẫn nhục.”

Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và trí huệ”

“Ra đời hai tay trắng. Lìa đời trắng hai tay. Sao mãi nhặt cho đầy. Túi đời như mây bay.”

Thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình”.

“Sự khác biệt giữa con người là do mức tiến hóa khác nhau qua các kiếp sống. Có khi nào ta thù ghét một kẻ kém ta đâu? Suy luận rằng: “vạn vật đồng nhất”, ta sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác, vì họ không hiểu biết, không ý thức hành động của mình, vả lại họ và ta nào có khác nhau đâu. Khi ta hiểu rằng: “nhất bổn tám vạn thù”, ta nhìn vạn vật như chính mình, từ loài người qua loài thú, thảo mộc, kim thạch, và ý thức rằng mọi vật đều có sự sống, đều có Thượng đế ngự ở trong, ta sẽ cởi bỏ thành kiến, mở rộng lòng thương đến muôn loài”.

Là con Trời Phật, nếu không nói được những gì Trời Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác, nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân”.

“Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh”.

“Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác”.

“Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.” (sưu tầm về ý-tưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma)

Vâng. Bậc thày giảng-dạy có hỏi hoặc có dạy thì học trò hay người đọc vẫn cứ nghe và sẽ quyết-tâm làm như thế. Làm thế, tức: sẽ cố gắng sống đúng chức-năng của mỗi người trong đời, hoặc trong nhà Đạo. Có, có thể cũng là ý-nguyện của bạn và của tội, hôm nay và suốt đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Xưa rày vẫn quyết-tâm

Và sẽ còn tâm-huyết

Ra như thế.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay