Sài Gòn, còn đó những nỗi buồn

Sài Gòn, còn đó những nỗi buồn
August 25, 2014

Nguoi-viet.com

Bài và hình: Văn Lang/Người Việt
Sài Gòn được coi là thành phố hiện đại nhất, đồng thời cũng là thành phố đông dân nhất Việt Nam.

Một cụ già quê miền Trung bán dạo trên đường phố Sài Gòn.

Bên cạnh những tòa cao ốc mới xây dựng, vẫn xen kẽ những con hẻm nghèo, những khu ổ chuột. Bên cạnh những con người thuộc “giai cấp nhà giàu mới” vênh váo với xe hơi, nhà lầu. Thì vẫn còn đó một Sài Gòn với giai cấp cần lao, lam lũ với những con người lặng lẽ, lầm lũi mưu sinh. Bên dòng đời hối hả của một Sài Gòn sôi động, vẫn có những con người tưởng chừng như đứng mãi bên lề xã hội…

Chúng tôi muốn kể về những con người ấy, những người có lẽ đã bị dòng đời lãng quên, nhưng họ vẫn hiện diện đây đó trong đời sống muôn mặt của Sài Gòn.

Chẳng hạn những người già ở Sài Gòn, họ ngồi bên hè phố với một cái rổ nhỏ đựng lèo tèo vài bó rau bé xíu, bán tăm xỉa răng, bán khoai lang… Riêng những người già bán vé số hay những người phải đi ăn xin thì không tính vì công việc của họ không buộc người ta phải đặt ra câu hỏi họ sống bằng gì? Vì những nghề này về “danh chính ngôn thuận “thì là những nghề có thể tạm sống được.

Một bà cụ già bán rau ở gần khu vực chợ Cũ, trên đại lộ Hàm Nghi, thường xuất hiện ở góc ngã tư, tầm vào giờ chiều. Trong cái nắng Sài Gòn, bà cụ ngồi với một rổ rau cải, từng bó rau nhỏ xíu nhưng được bó cẩn thận với những cọng rau đã được làm sạch khá bắt mắt. Những người qua đường, thường dừng lại hỏi han hay giúp đỡ bà cụ hầu hết đều là những người phụ nữ.

Một cụ ông bán nón dưới chân cầu Sài Gòn.

Hỏi thăm một người phụ nữ có gương mặt khá phúc hậu, sau khi chị đã mua rau cho bà cụ. Chị này cho biết, chị làm việc tại một văn phòng trên đường Nguyễn Huệ, lâu lâu giúp đỡ bà cụ bằng cách mua cho bà cụ hai bó rau. Bà cụ ra giá là 5 ngàn đồng một bó cải ngọt đã được làm sạch, chị thường lấy hai bó và trả cho bà cụ 20 ngàn đồng. Theo chị, cũng có không ít người làm giống như chị, mặc dù giá cả bó rau cải không phải là chuyện chính, ai cũng muốn giúp đỡ một người già, chắc là có hoàn cảnh neo đơn, gặp khó khăn.

Tương tự, chúng tôi cũng bắt gặp một bà cụ già đã 83 tuổi, thường bán khoai lang mỗi buổi sáng trên một cái mâm nhỏ, góc đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1.

Bà cụ bán khoai cho chúng tôi biết là cụ vốn là cư dân gốc tại đây, nhưng gia đình cũng chẳng còn ai, không chồng, không con. Cụ sống một mình bên hàng hiên của một người hàng xóm (cũ) cho cụ che tạm. Bán khoai lang nấu, bữa nào hết thì mua cơm ăn, bữa nào không hết thì ăn khoai thay cơm.

Góc ngã tư chợ Nancy (cũ) hay mấy cây xăng trên đường Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hòa cũ), thường hay gặp mấy bà cũ răng đen (người miền Bắc) bán tăm xỉa răng, 10 ngàn đồng 3 bịch tăm, nhưng thường khách cho tiền mấy cụ mà không lấy tăm. Rất khó nói chuyện với mấy cụ già này, hỏi được hai ba câu mà đưa tiền một cái là mấy cụ đã vội vàng tiến tới tiếp cận chào mời những người khách khác.

Một bà cụ già gốc miền Bắc “hành nghề” xin ăn.

Một người hiểu chuyện, cho chúng tôi biết là mấy bà cụ này thường quê gốc Thanh Hóa và có người “chăn dắt” đàng hoàng, do vậy họ làm việc theo lối “dây chuyền, công nghệ” và phải đạt “doanh số” mà người chủ quy định. Do vậy những bà cụ này không bao giờ trả lời những câu hỏi tò mò, tìm hiểu của người khác về thân thế của họ.

Người già, trẻ em, người khuyết tật bán vé số là chuyện bình thường, và hầu như khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn đều thường xuyên có sự hiện diện của đội quân bán vé số đông đảo này.

Nhưng điều đáng nói ở đây, là trên những con đường của Sài Gòn (như đại lộ Nguyễn Văn Linh) thường xuất hiện những người bán vé số (tuổi thanh niên) nằm dài trên đường để bán vé số. Hình ảnh này rất gây phản cảm cho người qua đường, vì không thiếu gì những người tật nguyền bán vé số, nhưng họ đều cố gắng ngồi, cố gắng đi, chứ không ai nằm dài xuống đường như vậy.

Trên đại lộ Lê Lợi, chúng tôi gặp một người thanh niên tật nguyền bán vé số, đôi chân của anh co quắp nhỏ xíu, nên anh thanh niên phải đi trên đôi tay (cũng rất ngắn), cả chiều cao của anh lúc di chuyển khó khăn trên hè phố (xin lỗi) cao chưa tới đầu gối của người khác. Nhưng trên gương mặt anh, lúc khách mua vé số luôn nở một nụ cười rất tươi. Khi chúng tôi mua số và ngỏ ý muốn được chụp một tấm hình thì anh từ chối. Hỏi lý do, thì anh cho biết là bữa trước có người bạn cho nhà báo chụp hình, kết quả là sau đó bị “hốt” về “trại xã hội.”

Một em bé lao động kiếm sống tại chợ đêm Bình Ðiền.

Trước đó, khi chúng tôi mua vé số của một người đàn ông tật nguyền ngồi xe lăn, ông cho biết là thân như vầy đi bán vé số mà vẫn chưa yên. Hỏi thăm, thì được biết là bữa trước đi bán vé số gặp phải một tay dân phòng say rượu. Hắn cứ một hai nói ông bán vé số ngồi xe lăn là thành phần “vô gia cư” và nhất định đòi “hốt” về “trại xã hội.”

Trong một lần trò chuyện, một công chức hoạt động trong lãnh vực văn nghệ, cho biết là sẵn sàng mỗi tháng trích ra một hoặc hai ngày lương (và nếu mọi người đều làm như vậy) thì có thể lập ra những cơ sở để chăm sóc cho những người già neo đơn, người cơ nhỡ, người tật nguyền…

Với những “trại xã hội” hiện nay thì chẳng ai muốn vô đó, những người lỡ bị “hốt” về đó mà còn chút tiền hay người quen thì đều cố gắng lo lót, chạy chọt để được sớm ra ngoài. Vì thực chất, “trại xã hội” tuy được nhà nước cấp kinh phí, bảo trợ nhưng cũng chẳng khác nào trại tù “giam lỏng,” nên nó luôn là nỗi sợ hãi đối với những người cơ nhỡ, bất hạnh.

Kinh nghiệm đi với những tổ chức từ thiện của chúng tôi, thì những cơ sở từ thiện do nhà thờ hoặc nhà chùa quản lý là tốt nhất (nhưng gần đây lại có tai tiếng vụ chùa Bồ Ðề).

Bài toán xã hội nếu không có lời giải, thì Sài Gòn vẫn còn đó mãi mãi những nỗi buồn nhân thế.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay