“Thảm kịch mù lòa nội tâm”

Đức Thánh Cha Phanxicô – Huấn Từ Truyền Tin 2014

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

“Thảm kịch mù lòa nội tâm”

( 30/3 – Chúa Nhật IV Mùa Chay:)

Xin chào anh chị em thân mến,

Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy tình tiết về người mù từ lúc mới sinh. Trình thuật dài dòng này được khai mở với một con người bắt đầu nhìn thấy và đáng lưu ý là lại kết thúc với những ai cho mình là nhìn thấy nhưng lại tiếp tục mù lòa trong linh hồn của họ. Thánh Gioan kể cho chúng ta nghe về phép lạ này chỉ có 6 câu, vì ngài không muốn nhấn mạnh đến phép lạ cho bằng những gì xẩy ra sau đó, tức là đến những cuộc bàn luận gây ra bởi phép lạ này. Ngài cũng muốn lưu ý tới vấn đề đồn đại. Thường thì một việc làm tốt, một công việc bác ái là những gì gây ra chuyện đồn đại và tranh luận, bởi có một số người không muốn chấp nhận sự thật. Thánh ký Gioan muốn lưu ý đến vấn đề này là những gì cũng xẩy ra ngày nay khi một việc lành được thực hiện. Người mù được chữa lành là người đầu tiên bị đám đông ngỡ ngàng chất vấn – họ đã thấy được phép lạ và họ đã chất vấn anh ta. Sau đó anh ta bị chất vấn bởi thành phần luật sĩ; rồi họ chất vấn cả cha mẹ của anh ta. Cuối cùng, người mù được chữa lành tiến đến chỗ tin tưởng, và đó là ân sủng lớn lao nhất Chúa Giêsu ban cho anh ta, ở chỗ, anh ta chẳng những nhìn thấy Người mà còn thấy Người là “ánh sáng thế gian” nữa (Gioan 9:5).

Trong khi người mù từ từ đến gần với ánh sáng hơn thì trái lại các luật sĩ càng chìm sâu xuống cái mù lòa nội tâm của họ. Bị bưng bít bởi những giả tưởng về mình, họ nghĩ rằng họ sáng mắt; bởi thế mà họ không mở lòng họ ra cho sự thật của Chúa Giêsu. Họ đã làm tất cả mọi sự để chối bỏ chứng cớ. Họ đặt vấn đề về tính chất khả tín của con người được chữa lành; sau đó họ chối bỏ tác động của Thiên Chúa nơi việc chữa lành ấy, cho rằng Thiên Chúa không chữa lành vào Ngày Hưu Lễ; thế rồi, sau hết, họ thậm chí nghi ngờ con người ấy bị mù từ lúc mới sinh. Việc họ khép kín trước ánh sáng đã trở thành hung hãn đến chỗ họ loại trừ con người đã được chữa lành ra khỏi Đền Thờ.

Trái lại, con đường của người mù này là một tiến trình tuần tự đươc bắt đầu bằng việc nhận biết tên của Chúa Giêsu. Anh ta chẳng biết gì khác về Người. Thật vậy, anh ta nói: “Một người tên là Giêsu đã lấy đất sét mà xoa lên mắt của tôi” (9:11). Để trả lời cho các câu hỏi áp đảo của thành phần luật sĩ, trước hết anh ta nói rằng Chúa Giêsu là một vị tiên tri (9:17), rồi là một con người gần gũi với Thiên Chúa (9:31). Sau khi anh ta đã bị tống ra khỏi Đền Thờ, bị khai trừ khỏi xã hội, thì Chúa Giêsu tìm gặp anh ta một lần nữa mà “mở mắt anh ta” lần thứ hai, khi Người tỏ cho anh ta thấy được căn tính đích thực của Người: “Ta là Đấng Thiên Sai”, Người đã nói với anh ta như thế. Bấy giờ người đã mù lòa ấy mới kêu lên: “Lạy Chúa, tôi tin!” (9:38), rồi phục mình xuống trước mặt Chúa Giêsu. Đây là đoạn Phúc Âm cống hiến cho chúng ta một thoáng nhìn về thảm kịch mù lòa nội tâm của nhiều người. Và chúng ta cũng thoáng thấy cả cái mù loà nội tâm của chúng ta nữa, vì đôi khi chúng ta có những giây phút mù loà như vậy.

Đời sống của chúng ta đôi khi giống như đời sống của người mù hướng về ánh sáng, của người mù hướng về Thiên Chúa, của người mù hướng về ân sủng của Ngài. Tiếc thay, đôi khi đời sống của chúng ta cũng hơi giống đời sống của các luật sĩ, ở chỗ, chúng ta phán quyết kẻ khác theo cái cao gạo kiêu hãnh của chúng ta, để rồi cuối cùng là chúng ta phán quyết cả Chúa nữa! Hôm nay, chúng ta được mời gọi cởi mở bản thân mình cho ánh sáng của Chúa Kitô để đời sống của chúng ta có thể sinh hoa kết trái, để loại trừ đi những lối tác hành không phải là Kitô hữu; tất cả chúng ta đều là Kitô hữu, thế nhưng tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, có những lúc đã tác hành một cách không phải là Kitô hữu, chúng ta tác hành một cách tội lỗi. Chúng ta cần phải thống hối, chúng ta cần phải ngưng tác hành theo những cách thức ấy, để chúng ta có thể dứt khoát bắt đầu tiến bước trên con đường nên thánh. Con đường này đã được bắt đầu từ Phép Rửa. Cả chúng ta nữa cũng đã được Chúa Kitô “chiếu sáng” nơi Phép Rửa; nhờ đó, như Thánh Phaolô ghi nhận, chúng ta có thể bước đi như “con cái của ánh sáng” (Epheso 5:8), một cách khiêm nhượng, nhẫn nại, xót thương. Thành phần luật sĩ ấy không khiêm nhượng, nhẫn nại hay xót thương!

Hôm nay tôi muốn đề nghị với anh chị em là khi anh chị em về nhà hãy mở Phúc Âm Thánh Gioan ra và đọc đoạn thứ 9. Nó sẽ giúp ích cho anh chị em, vì bằng cách ấy, anh chị em sẽ thấy được con đường từ mù lòa đến ánh sáng này, cũng như thấy được cả con đường khác, con đường đồi bại dẫn đến tình trạng càng mù lòa hơn nữa. Chúng ta hãy tự vấn mình về tình trạng của tâm can chúng ta. Tôi có một con tim cởi mở hay khép kín? Cởi mở hay khép kín trước Thiên Chúa? Cởi mở hay khép kín trước tha nhân của tôi? Chúng ta luôn có một thứ khép kín nào đó nơi chúng ta xuất phát từ tội lỗi, từ lầm lẫn, từ sai lạc.Chúng ta không được sợ hãi! Chúng ta hãy hướng bản thân mình về Chúa. Ngài bao giờ cũng đợi chờ chúng ta để giúp chúng ta nhìm thấy hơn nữa, để ban cho chúng ta ánh sáng, để thứ tha cho chúng ta. Chúng ta đừng quên điều này nhé! Chúng ta hãy ký thác cho Đức Trinh Maria cuộc hành trình Mùa Chay này, để cả chúng ta nữa, như người mù từ lúc mới sinh đã được chữa lành, nhờ ơn Chúa Kitô, có thể “trở nên sáng tỏ”, có thể tiến triển hướng về ánh sáng và được tái sinh một sự sống mới.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/on-coming-to-the-light

 

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay