Ván cờ Nga – Mỹ tại Ukraine

Ván cờ Nga – Mỹ tại Ukraine

Chủ nhật, 2 tháng 3, 2014

Tổng thống Barack Obama gọi điện cho Tổng thống Vladimir Putin

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi Nga không can thiệp vào Ukraine.

Quốc hội Nga đã bỏ phiếu cho phép quân Nga có thể tiến vào Ukraine.

Thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã gọi việc Nga triển khai quân đội tại Crimea là hành động khiêu khích để dẫn đến một cuộc “xung đột vũ trang”.

Nhà Trắng nói ông Obama có thông điệp thẳng thắn với ông Putin trong cuộc điện đàm 90 phút.

Nhưng yêu cầu của Mỹ có vẻ không được nghe. Điện Kremlin tuyên bố ông Putin nhấn mạnh với Obama rằng có đe dọa thực sự cho công dân Nga ở Ukraine, và rằng Nga có quyền bảo vệ công dân tại đó.

Quân đội Nga đang kiểm soát Crimea, trong khi quốc hội Nga hôm thứ Bảy cho phép tổng thống có thể đưa quân vào Ukraine để bảo vệ công dân.

Nhà Trắng tuyên bố: “Hoa Kỳ lên án sự can thiệp quân sự của Nga vào lãnh thổ Ukraine.”

Giới phân tích nói ông Obama đối diện thử thách là liệu ông có quân cờ nào để buộc Moscow nhượng bộ.

Trong cuộc điện đàm, Obama nói với Putin rằng Mỹ sẽ tạm ngừng việc chuẩn bị cho hội nghị G8 mùa hè này ở Sochi, Nga.

Nhưng Putin có vẻ tính toán rằng sự sẵn lòng can thiệp của Obama không thể bằng quyết tâm của Nga khẳng định ảnh hưởng ở một đất nước mà Nga có nhiều duyên nợ.

Cộng hòa tự trị Crimea, còn thuộc Nga cho đến năm 1954, là vùng duy nhất tại Ukraine có đa số dân là người Nga.

Nga có căn cứ hải quân lớn ở thành phố Sevastopol thuộc Crimea, nơi đặt Hạm đội Biển Đen.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói Tổng thống Putin xem khủng hoảng hiện nay như cuộc chiến tranh Lạnh.

Nga nói phải bảo vệ công dân của họ ở Crimea

“Việc Mỹ có vẻ yếu thế trên thế giới đã khuyến khích ông ta,” ông McCain nói.

Lựa chọn

Chính quyền Obama dường như không có nhiều lựa chọn để phản kích Nga.

Phía Mỹ đã nói Washington và châu Âu, mặc dù đã bác bỏ khả năng dùng quân sự, vẫn có thể gây áp lực lên Moscow bằng cách chứng tỏ Nga có nhiều điều để mất.

Nhà Trắng, trong thông cáo, đe dọa Nga có thể chịu “cô lập chính trị và kinh tế”.

Tuy vậy, đến nay Washington vẫn đang dùng các biện pháp ngoại giao.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nói chuyện với người tương nhiệm của Nga hôm thứ Bảy.

Liên minh châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Mỹ đều đang cân nhắc giúp đỡ tài chính cho chính phủ mới ở Kiev.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) tổ chức họp khẩn cấp hôm Chủ nhật.

Tổng thư ký Nato nói Nga đã vi phạm luật bằng hành động quân sự ở Ukraine.

Ukraine chưa phải là thành viên Nato, vì vậy Mỹ và châu Âu không có nghĩa vụ bảo vệ.

Một số người nói bước đi khả dĩ nhất cho Mỹ là gửi một vài tàu chiến vào Biển Đen theo tư cách đơn phương.

Nhiều thành viên trong Nato và EU phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Điều này khiến họ muốn duy trì quan hệ tốt với Moscow.

Tuy vậy, nếu Mỹ và EU không thành công trong áp lực với Nga, nó có thể để lại hậu quả lâu dài.

Mỹ liệu có buộc được Nga thoái lui ở Ukraine?

“Nếu Nga chiếm Crimea, nó sẽ sỉ nhục phương Tây, cho thấy đấy chỉ là hổ giấy,” Tim Ripley, từ tạp chí quốc phòng Jane’s Defence, nói.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay