Nỗi hổ thẹn của văn hóa công cộng (kỳ 2)

Nỗi hổ thẹn của văn hóa công cộng (kỳ 2)

(VienDongDaily.Com – 01/12/2013)

Văn Quang– Viết từ Sài Gòn
(Tiếp kỳ 1 đăng thứ Bảy, 30/11/2013)

Trên các phương tiện tìm kiếm, với từ khóa “vợ Việt Nam,” có thể dễ dàng tìm thấy hình ảnh thiếu nữ Việt vóc dáng mảnh mai, diện áo dài thướt tha. Những hình ảnh này kèm các lời hứa hẹn hấp dẫn đã được dân kinh doanh lợi dụng để lừa tiền những thanh niên ít học ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền từ những thanh niên này, nhiều “công ty môi giới” đã lặng lẽ ôm tiền bỏ trốn.
Một thành viên trên diễn đàn 19lou của Trung Quốc lên tiếng, “Thật nực cười với những trò câu view và bịa đặt gần đây của nhiều kẻ vô lại. Việt Nam nghèo ư? Vợ Việt Nam rẻ dễ mua ư? Tỉnh lại đi!”
Thực tế ở xã hội thực dụng Trung Quốc hiện nay, nếu một nam thanh niên không có nhà và xe hơi thì rất khó có điều kiện đến gần và “tiến xa với các cô gái. Họ đang phải đối mặt với thực tế khốc liệt của việc tìm vợ trong nước nên phần đông có ảo tưởng hão huyền và sai lệch về việc dễ dàng tìm vợ Việt Nam. Và cũng chưa biết chừng những trang mạng này cố tình làm xấu mặt phụ nữ VN.
Tuy nhiên cũng phải công nhận một thực trạng đau lòng là hiện nay vẫn còn những cảnh lén lút tuyển vợ là gái quê, gái trinh, một hình thức “bán con” cho người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore. Chính mình đã làm xấu mặt mình.

Sinh viên xếp chữ ‘Sex’ ngay trong Hoàng thành Thăng Long

Ngày 20-11 vừa qua là dịp để tri ân các nhà giáo Việt Nam, thì trên Facebook lại xuất hiện những hình ảnh không đẹp của sinh viên.
Khoảng 40 sinh viên xếp chữ “Sex” rồi chụp ảnh ngay trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đang gây tranh luận trên mạng.
Bắt đầu từ trang cá nhân của vài sinh viên năm cuối Học viện Ngân hàng tung lên mạng khoe những bức hình “độc” của lớp mình. Sau đó, nó được lan truyền và tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ.
Điều khiến nhiều người phê phán là trong ảnh, 40 sinh viên xếp thành chữ “Sex” và một số biểu tượng không đẹp. Đáng nói hơn, việc tạo hình chụp ảnh này lại được thực hiện ngay trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Đã đành nguyên chữ sex không có nghĩa xấu, chỉ có nghĩa là giới tính. Tuy nhiên, trong ý nghĩ của nhiều người, sex thường có ý nghĩa dung tục khác. Bộ hết chữ xài rồi sao mà sinh viên lại nghĩ ra chữ này? Những cái đầu thông minh, tương lai của đất nước mà chỉ nghĩ được đến “sex” là hay nhất thôi sao? Và lại chọn ngay một khu di tích lịch sử được nhiều khách quốc tế đến thăm.
Một cư dân mạng bình luận, “Làm mất mặt các cử nhân đại học thế hệ 9X quá. Càng làm mất mặt các bạn sinh viên đang học ở Học viện Ngân hàng nữa. Ôi thôi, đây có phải là sản phẩm trí tuệ của những năm tháng ngồi trên giảng đường không nhỉ….”
Những hình ảnh như trên cho thấy nếp sống văn hóa của lớp trẻ hiện nay quá lệch lạc. Từ nhà đến học đường không được giáo dục đến nơi đến chốn và cuộc sống ngoài xã hội xa hoa, bất công, phù phiếm đã thấm vào tâm hồn lớp trẻ. Họ tuân theo lạc thú bản năng tầm thường hơn là lý trí, thiếu cả tính tự trọng, thậm chí trở thành gian ác. Mời bạn nhìn một đám đông tranh cướp nhau không cần biết đến xấu hổ. Xin tạm kể vài chuyện quá buồn.

Bỏ mặc người gặp nạn để hôi của

Thấy người đi đường gặp tai nạn, bị cướp giật tiền, hàng hóa rơi đổ… nhiều người đã không ra tay cứu giúp mà còn lợi dụng lúc lộn xộn để “hôi của.”
Sự việc xảy ra gần đây nhất là trường hợp anh Vũ Trường Chính (42 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP. Sài Gòn – là giám đốc chi nhánh Tổng công ty Xây dựng Miền Nam). Lúc 9h15 sáng 16-10, anh đi xe máy về hướng quận 1, mang theo 50 triệu đồng ($2,370 Mỹ kim, tiền mệnh giá 500,000 đồng) bỏ vào túi quần bên phải cùng với chiếc ĐTDĐ iPhone 5, đến ngân hàng để nộp vào tài khoản.
Trong lúc anh đang chờ đèn đỏ ở giao lộ Bà Huyện Thanh Quan – Võ Văn Tần thì bất ngờ từ phía sau, anh bị 4 thanh niên thò tay móc cọc tiền. Anh Chính cố gắng quăng xe chạy theo giằng co bọc tiền với tên cướp. Trong lúc hỗn loạn, bọc tiền rớt xuống đường bay tung tóe. Thấy vậy, nhiều người đi đường không giúp đỡ anh còn dừng lại nhặt tiền, lên xe chạy mất.
Nạn nhân chỉ gom được 30.5 triệu, còn 19.5 triệu đồng bị người đi đường lấy mất.

Quảng Trị: Xe tải chở 25 tấn măng cụt bị lật, dân lao đến cướp

Tai nạn xảy ra tại Quốc lô 9 (đoạn thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, Hướng Hóa, Quảng Trị).
Xe container kéo rơmóc va chạm làm xe chở 25 tấn măng cụt từ cửa khẩu Lao Bảo bị lật. Hàng trăm người dân sống trên đoạn đường này đã nhanh chóng lao ra tranh nhau ra cướp.
– Ngày 8/7, hàng chục người dân sống dọc Quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư, Ninh Bình) đã kéo nhau ra múc xăng mang về khi thấy chiếc xe container chở hàng chục ống bê tông và xăng dầu gặp nạn lật ngửa giữa đường. Sự việc khiến giao -thông bị kẹt cứng hàng tiếng đồng hồ.
Chiều 16/6/2011, một người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay ngã 5 An Dương Vương (Q.5, Sài Gòn) thì bị 2 tên cướp đi xe máy từ phía sau giật giỏ xách. Trong lúc giằng co, giỏ xách của người đàn ông bị rách và số tiền để trong giỏ bị bay ra đường. Lợi dụng tình cảnh lúng túng của nạn nhân, nhiều người ào ra giữa đường lượm các tờ tiền bị rơi.
Tối ngày 20/6/2011, nhiều người dân ở khu chợ Vinh (TP.Vinh, Nghệ An) thấy ngọn lửa bùng cháy từ các gian hàng bán lưới, thuốc bắc, đồ nhựa, chiếu cói. Lợi dụng hỗn loạn, kẻ gian chạy vào ‘hôi của’ gây lộn xộn khiến việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Đó là tôi chỉ kể sơ lược vài vụ chướng tai gai mắt khiến người nào cũng thấy bất nhẫn với những lương tâm bị thui chột trong một xa hội hỗn loạn vì tham lam. Ngay cả đến miếng ăn cũng chen lấn giành giật như một lũ chết đói.

Hỗn chiến để ăn sushi miễn phí

Ngày 24/10 vừa qua, một cửa hàng sushi mới khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) thông báo mở cửa tự do, mời khách ăn miễn phí. Vì thế, hàng ngàn người đã đổ về đây. Càng gần giờ ăn, số người đến càng đông, đông đến mức tràn xuống cả lòng đường. Một số người ào lên chen lấn, xô đẩy chỉ mong giành được phần ăn cho mình. Thậm chí, một số khách sẵn sàng nhảy vào bếp lấy thức ăn trong đó, rồi đứng ăn luôn, không cần phục vụ.
Nhiều người lấy cả khay đồ ăn nhưng chỉ ăn một miếng rồi bỏ, trong khi nhân viên cửa hàng phải ra chợ mua gấp để phục vụ khách.

Gào thét tranh cướp suất ăn 100.000 đồng

Trước đó, năm 2012, một clip được cho là quay tại một nhà hàng trên quận 3, Sài Gòn trong chương trình “giảm giá Buffet size khủng giá 100.000 đồng” được đăng tải lên mạng đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng. Không chỉ gây sốc bởi kiểu giành giật các món ăn trên bàn tiệc buffet, những thực khách trong đoạn clip còn khiến cư dân mạng phải choáng váng vì tiếng gào thét, la ó như đi ăn cướp. Mỗi khi nhân viên của nhà hàng đặt những món ngon lên như tôm, hàu thì cảnh tượng lại càng hỗn độn, các thực khách xô đẩy nhau để bốc đồ cho bằng được. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đây là cảnh thường gặp ở các bữa tiệc buffet ở Việt Nam.

Giành nhau từ chiếc áo mưa

Bây giờ ở Việt Nam, chuyện một đám đông trở nên điên cuồng vì một vài món lợi cỏn con đã trở thành điều bình thường.
Chiều 12/9/2013, Tòa Đại Sứ Hòa Lan tổ chức chương trình phát tặng áo mưa miễn phí cho người qua đường tại cửa của UBND quận Ba Đình. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi đại diện người Hòa Lan có những lời chúc tốt đẹp tới người dân xung quanh, không khí thay đổi nhanh chóng và trở nên hỗn loạn. Mọi người tranh giành nhau, ai cũng cố gắng lấy nhiều nhất những món quà thiện chí về tay mình. Có người còn trèo lên cả sân khấu để cướp từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán. Có những lúc, diễn giả gần như phải “hét” lên, “Đề nghị mọi người không tranh giành, nếu không, chúng tôi sẽ dừng chương trình ngay lập tức!.”
Sau khi chương trình bắt đầu, chỉ 35 phút sau, 3,000 chiếc áo mưa đã được lấy sạch. Sự kiện này đã để lại những hình ảnh rất xấu của người Việt Nam trong mắt người nước ngoài…
Thật ra những chuyện như trên còn quá nhiều, không thể kể hết. Càng kể, tôi càng cảm thấy xấu hổ với chính các vị độc giả của tôi ở nước ngoài. Tôi chẳng còn biết viết gì hơn là một dấu chấm than rất lớn cho thời đại này!

Văn Quang (29-11-2013)

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay