Sự Yếu Đuối Thật Đáng Ghét Hay Đáng Thương?

Sự Yếu Đuối Thật Đáng Ghét Hay Đáng Thương?

                                                                                                    Tuyết Mai

   Ở đời chúng ta ai cũng có rất nhiều lý lẽ hay để viết, nói, và dậy đời thì rất là tuyệt, nhưng không mấy ai thực hiện được điều mình viết, dậy, hay nói.   Tại sao chúng ta lại nói hay, nói giỏi đến thế?.   Ấy vì là những điều chúng ta học, học lóm, đọc, từ nơi sách vở rồi viết chúng ra, cách rất dễ dàng.   Nhưng thời buổi của ngày nay copy từ trong sách nào, của ai, phải liệt kê hết cả! Chứ không xập xí xập ngầu, đánh lận con đen được đâu.   Để kiểm chứng với mọi người rằng điều tôi viết đó, không phải của tôi đâu mà là tôi lấy từ quyển sách của ông này hay của bà kia, và v.v…..   Đây là tôi nói những người có học lực cao kìa mà còn phải như thế chứ hà huống gì kể đến tôi.   Một chữ cắn làm đôi mà còn không rành rọt, thì biết gì để nói thưa có phải?.

 Nói vậy là để anh chị em hiểu rằng những điều tôi viết đây chỉ muốn xây dựng và chia sẻ những điều tôi và gia đình tôi trải qua, mong sự đóng góp rất nhỏ giúp ích được gì là điều mong muốn của tôi thôi! Thà một giọt nước làm đầy đại dương hơn là đại dương thiếu đi giọt nước ấy!.   Đối với tôi điều gì hữu ích và lợi ích cũng đều là tốt cả!.   Nhất là những anh chị em đang bước vào ngưỡng cửa của gia đình bé mọn của chính mình.   Thiếu kinh nghiệm là điều rất phải nhưng thiếu cả những suy nghĩ chín chắn vì quá mới và quá non nớt.

 Gia đình chúng tôi hôm nay có con lốc nhỏ đã đến chiếu cố! Con lốc không phải là tôi và cũng không phải là các con tôi, nhưng là ông nhà tôi.   Con người ta hình như ai ai cũng có điều gì đó mà chỉ cần một chuyện rất nhỏ không đáng chi, cũng làm cho chúng ta bực mình, và cũng chỉ cần một lời nói không đúng lúc, cũng làm chúng ta muốn sinh sự, và phát hỏa?.   Nhà tôi ông là cột trụ, mà chẳng phải là cột trụ của thân cây eo xèo dễ ngả, nhưng là cột trụ của một cây cổ thụ lận.   Có điều cây cổ thụ ấy qua bao nhiêu thời gian, rễ của nó bị đất đưa trồi lên cao, nên không còn vững chắc nữa chăng??.   Và đó là điều mà tôi và các con đều cảm nhận được là bố của chúng bây giờ đã suy thoái đi rất nhiều, từ thể xác, tâm thần, và cả tâm linh cũng yếu kém.   Tâm linh thì bố chúng chỉ mới bám rễ vì mới vào đạo được hơn một năm.

 Gia đình chúng tôi vài năm gần đây, kinh tế cũng không sáng sủa gì, cũng như bao nhiêu gia đình khác đang gặp phải.   Ông nhà tôi đã ở nhà ăn tiền hưu non cũng tròm trèm gần được trọn 3 năm.   Tôi thì xin nghỉ ở nhà vì muốn dưỡng bệnh nên không vô đồng nào cũng cả gần 2 năm rồi còn gì.   Chỉ nhờ chút đỉnh vào cháu gái lớn làm việc bán thời gian, vì cháu phải đi học full time.   Con lốc hôm nay đến thăm gia đình chúng tôi, thoạt đầu cũng chỉ là con lốc con mà thôi, nhưng rồi con lốc mẹ nó cũng theo đến, nên sự càn quét cũng để lại lắm thiệt hại.   Dù nhỏ đến đâu.   Như tôi có nhắc đến  mẹ Thánh Têrêsa thành Cuculta bên Ấn Độ rất thường, có dậy rằng hãy yêu thương gia đình chúng ta trước đã, rồi hãy yêu thương những người chòm xóm láng giềng, chứ không thì đó là sự thiếu sót rất lớn.

 Ấy thế học câu ấy thuộc nằm lòng, nhưng sự yếu đuối đáng ghét của con người có làm được đâu! Nhà tôi nói mười thì tôi cũng phải ráng để khều lại một cho nó hả cái dạ.   Kẻo ngậm miệng hoài nó bị đau bao tử thưa anh chị em!.   Và sự yếu đuối đáng ghét này, rất thường xẩy ra trong mọi gia đình, chứ không phải ít.   Sự thiệt hại này có chăng chẳng phải của nhà tôi mà thôi, nhưng là từ nơi tôi nữa!.    Nếu tôi chịu im chịu nhịn thì mọi sự việc chắc cũng êm xuôi, nhưng vì lấy cớ là im nhiều rồi nay không chịu nhịn nữa!.   Nhưng thưa anh chị em ở mỗi thời thì chúng ta phải sửa cho đúng với thời đó!.   Xưa và nay có thay đổi rất nhiều! Thay đổi từ tuổi tác, tánh tình, và sự bệnh hoạn mà chúng ta đang cưu mang.  

 Ai cũng bị suy thoái theo ngày tháng năm, nhưng hình như nó “thời gian” đi chóng quá, nên chúng ta không nhìn thấy đấy thôi!.   Hình như ông nhà tôi phải cố gắng quá mức, để nhắc nhở cả nhà là ông đang rất bệnh, và hình như cả nhà ai cũng điếc và không có giờ để nghe ông.   Hay vì nghe ông than thở quá nhiều nên ai cũng nhàm tai chăng!?.   Sự sai lệch này làm cho tôi cảm thấy có lỗi thật nhiều với ông, vì không nhìn nhận rằng ông đã già và đang bị bệnh.   Một cái bệnh mà ông ráng chống lại với thời gian và sự định đoạt của tạo hóa.   Đó là bệnh mù mắt của ông!.   Ông chỉ còn một mắt và cố gắng để không bị mù cả hai con mắt, và thật tội nghiệp cho ông, ông rất cố gắng sống trong sự thoải mái giả tạo ấy!.   Bởi ông không cảm nhận được gia đình hiểu ông.   Bởi ông không cảm nhận được sự thông cảm nơi người vợ yêu quý của ông.   Bởi không ai muốn bị ông làm phiền cả!.  

 Tuy cả nhà hiểu được rằng, tất cả ai cũng cần đến ông, từ A tới Z.   Vợ thì vô dụng và làm biếng vì đã để cho chồng lo suốt bao năm trời.   Các con tôi tuy lớn đầu nhưng cũng ngây ngô chẳng biết lo một sự việc gì.   Đi học và mọi sự liên quan đến việc học là cũng nhờ đến bố, chỉ trừ tự chúng phải học mà thôi!.   Thế đấy, có phải gia đình nào cũng gặp những chuyện tương tự vậy hay không?.   Hễ giao việc được cho ai thì cứ thế mà làm rồi tất cả chảy ươn ra và không biết cảm ơn, ngược lại chúng ta lại buồn trong bụng và tỏ ra vô ơn khi bị rầy la?.   Chồng tôi giận con trai tôi vì nó dám nói trả với bố nó và có hơi lớn tiếng.   Con trai tôi giận bố nó vì bố đã dùng chữ hơi nặng lời khi bố hỏi “con không happy sao?”.   Tôi rất ghét khi hai bố con có chuyện hiểu lầm nhau.   Ông nhà tôi giận cũng chỉ vì thằng con trai tôi hỏi không đúng lúc và làm chuyện tỏ cho ông thấy rằng nó chẳng biết nghĩ và thương ông.   Đúng là trẻ già xung khắc (bố thì 65 con thì 15).   Chuyện của nó làm ông giận chỉ là giọt nước thêm vào ly nước đã đầy.  

 Cái việc khó cho tôi là gầy dựng sau trận bão tố.   Tự tôi phải đi đầu này đầu kia để kê lại cho mọi thứ đã bị xô đẩy do con lốc bốc lên rồi bị liệng xuống.   Tôi cắt nghĩa cho thằng con trai tôi hiểu là bố đang bị căng thẳng về vấn đề tài chánh trong gia đình.   Con lại hỏi câu hỏi mà ông không làm sao để ông nói “không” cho được.   Làm bố cảm thấy không vui vì thiếu khả năng.   Tôi biết điều này làm ông rất buồn và ông cố gắng tránh né.

 Sau mỗi cơn lốc nổi lên, thường tôi góp gió nó mới thành bão, và tôi cảm thấy ân hận vì lỗi nơi mình hết cả!.   Thêm chi câu nói chẳng gầy dựng mà còn làm cả nhà tan tác.   Thêm chi lời nói mỉa mai và chê bai, khi ông luôn cảm thấy mình vô dụng.   Lợi được gì những câu nói vô bổ và hại người đến thế?.   Lời nói lỡ thốt ra thì mấy ai nuốt lại được?.   Vì thế cho nên tôi cảm thấy chính mình thật đạo đức giả thay!.   Khuyên người được nhưng chính mình lại phá hủy hạnh phúc của chính mình.   Thành thật mà nói nếu từ đầu không có lửa sao lại có khói?.   Cả đôi bên đều có lỗi, nhưng sau đó đòi hỏi sự cố gắng, để không xẩy ra ở lần sau.  

 Vợ chồng già thì cả hai cùng đổi tánh là nói nhiều, nói gây tổn thương cho nhau thường hơn là nói có tính cách xây dựng.   Hy vọng lời nói của chúng ta đi liền với việc làm thì mới có kết quả, thưa có phải?.   Cố gắng cầu nguyện thật nhiều để Chúa Mẹ giúp thêm sức mạnh và còn thông minh để đỡ đần nhau ở tuổi xế về chiều.   Sức chúng ta thì yếu và tuổi đời của chúng ta lại càng yếu thêm.   Cho nên sự yếu đuối đáng ghét của chúng ta, nếu thiếu sự cầu nguyện và sự trợ giúp của Thiên Chúa, chắc mọi sự sẽ không bền và không tồn tại, và sóng gió cứ mãi xẩy đến trong gia đình của chúng ta.  

 “Một lời nói đẹp luôn tỏa hương thơm, nhưng một lời nói ác sẽ gây tổn thương cho nhau suốt đời” – TM.

 Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

(05-09-12)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay