Trong cô đơn và lãng quên, một bác sĩ Công Giáo cứu giúp kẻ liệt tại vùng chiến sự Sudan

Thương xác bảy mối: Trong cô đơn và lãng quên, một bác sĩ Công Giáo cứu giúp kẻ liệt tại vùng chiến sự Sudan
                                                             Trần Mạnh Trác  4/30/2012                                 nguồn: vietcatholic.net
 
 
Theo hồi ký của ông Alex Perry, giám đốc báo chí cuả TIME tại Phi Châu, thì nhiều người Công Giáo vẫn lì lợm ở lại vùng nuí Nuba hẻo lánh cuả Sudan để cứu giúp những người thiểu số đang bị săn đuổi tàn sát:
Tại bệnh viện Đức Mẹ Thương Xót (Mother of Mercy Hospital,) nằm sâu trong vùng kiểm soát cuả phiến quân ở vùng núi Nuba cuả Sudan, em Daniel Omar, 14 tuổi, kể lại trường hợp cuả em bị chặt đứt cả hai tay vì một quả bom vào đầu tháng ba vừa qua như sau:

“Em đang chăn bò ở Dar El thì nghe thấy tiếng máy bay Antonov, vì vậy em vội nằm xuống. Sau đó, em nghe thấy tiếng rít cuả bom và nhìn thấy nó đang rơi xuống ngay trên đầu mình. Vì vậy, em nhảy lên, nấp sau một gốc cây, và ôm chặt lấy thân cây.”

Quả bom rơi cách Daniel chỉ có vài mét. Cái cây, thực ra chỉ là một loại bụi gai ở sa mạc có một cái gốc dày, đã bảo vệ cơ thể của Daniel, nhưng hai tay của em đã bị sức nổ phá nát. “Em nhìn thấy máu”, Daniel nói. “Em không nhìn thấy tay nữa. Em thậm chí không khóc lên được. Em đứng lên, và bắt đầu đi, rồi gục xuống. Một người lính chạy đến và kéo em vào trong bóng râm. Sau đó, ông ta lấy một chiếc xe hơi, rửa và băng bó cho em, và đưa em tới đây. ”

Nói chung, những câu chuyện như vậy ở Châu Phi thì ít khi mang nhiều sự thật. Châu Phi – một lục địa có hơn 50 quốc gia và một tỷ người – đã nổi danh vì những câu chuyện được phóng đại trước mặt những người Tây phương. Nhưng trong trường hợp của Daniel và hàng trăm người khác ở nơi đây, lý do duy nhất mà họ còn sống để kể những câu chuyện là bởi vì có sự tận tâm của một bác sĩ phẫu thuật Mỹ, BS Tom Catena, người đã sống ở vùng núi Nuba từ năm 2008.

Catena, 47 tuổi, đến từ New York, ông đã làm việc ở vùng núi Nuba ba năm trước khi chính phủ Khartoum của Sudan phát động một cuộc tấn công vào phiến quân Nuba hồi cuối tháng Sáu năm ngoái. Nhưng những gì bắt đầu như một cuộc tấn công vào quân du kích nhanh chóng trở thành một cuộc tấn công vào tất cả các sắc dân thiểu số nói chung. Mỗi khi chính phủ kiểm soát một khu vực nào thì sẽ có hàng loạt các vụ tàn sát dân thường: dự án truyền hình vệ tinh Sentinel, điều chỉnh sự theo dõi từ trên không gian nhắm vào các hành động tàn bạo và các cuộc hành quân ở Sudan, đã tìm thấy nhiều vết tích trông giống như tám ngôi mộ tập thể ở trong và xung quanh thủ phủ Kadugli.

Bác sĩ Catena là người duy nhất ở nhà thương có khả năng đối phó với những thương tích nghiêm trọng. Và như vậy, có lẽ không ai có uy tín hơn để mô tả những gì chính quyền Khartoum đang làm với công dân của họ. Tôi hỏi Catena có bao nhiêu người bị thương mà ông đã điều trị kể từ khi cuộc chiến bắt đầu: 822, ông nói. Trong số đó, 140 vụ là thương tích thường và 102 vụ là nghiêm trọng, chủ yếu là phải cắt bỏ. Catena cho biết thêm rằng số bệnh nhân bị thương nặng nhất là 73 và là nạn nhân cuả các vụ đánh bom từ máy bay Antonov. Ông không có nghi ngờ nào về ý định của Khartoum. Đó là, ông nói, “đã có những tính toán trước khi đánh bom trên vùng dân sự. .. để khủng bố người dân và buộc họ rời khỏi nhà của họ, và đất đai của họ.”

BS Tom Catena, là thành viên hội đồng quản trị các Tình Nguyện viên Công giáo, đã làm việc tại Bệnh viện Mother of Mercy ở miền núi Nuba Sudan từ năm 2007.

Đây là lần thứ hai tôi gặp BS Catena. Lần đầu tiên hồi cuối tháng Sáu khi chiến dịch thanh trừng sắc tộc cuả chính quyền Khartoum khởi sự. Lúc đó, ông đã cho phép tôi đi lang thang trong khu bệnh viện của ông để thu thập lời khai. Bây giờ là mười tháng sau, trông ông hốc hác hẳn ra. Liên tục làm việc trong khu cấp cứu, BS Catena đã không thể rời khu giải phẫu trong 14 tháng dài, dưới sự đe doạ bị tấn công bất cứ lúc nào. “Tôi không biết lý do tại sao chúng tôi đã không bị bỏ bom”, ông nói. “Mỗi khi họ bay qua, tôi nghĩ rằng: ‘đây có phải là ngày đó chăng?” Thực ra họ chẳng phải là những người có lòng nhân đạo, hay có chút e dè về một nguyên tắc đạo lý nào cả. Vì họ đã từng đánh bom nhiều bệnh viện trước đây.”

Được hỏi tại sao ông trông xanh xao như thế này, ông cho biết “có một chút sốt rét” và cũng còn bị xúc động vì một cái chết trong đêm trước của một bệnh nhân. “Ông ta bị 20 lỗ trong ruột của mình,” Bs Catena nói “Chúng tôi ráng chữa một số và ông ta có vẻ hồi phục, thế là mỗi đêm chúng tôi cố chữa thêm một cái gì đó nữa cho ông ta, và ông ta lại bình phục rất tốt, giống như một con thuyền êm ả lướt sóng vậy. Thế rồi, ông ta tự nhiên bật ngửa ra chết vào lúc ba giờ sáng. Tôi không thể giải thích nổi.”

BS Catena hiểu rất rõ ràng về những gì đã thu hút ông đi tới miền núi Nuba: đó là đức tin Kitô giáo của mình. Ông luôn luôn ấp ủ ý định làm việc truyền giáo, và sau khi đậu bằng kỹ sư cơ khí và trả xong nợ, ông trở lại học y khoa. “Tôi nhận ra là ngành cơ khí không thích hợp cho công việc truyền giáo.” Ông gia nhập Hải quân để có cơ hội học y khoa và phục vụ là một bác sĩ cho các phi công Hải quân cho đến khi trả xong nợ của Hải Quân. Thế rồi, ông bắt đầu đi về châu Phi, làm việc ở Kenya, ở Nam Sudan, và sau cùng là bệnh viện Mother of Mercy, khi bệnh viện này mở cửa vào tháng 3 năm 2008. “Ý tưởng chính là phục vụ”, ông nói. “Bạn lấy Chúa Kitô làm hướng dẫn cho bạn, làm cố vấn của bạn. Đây là những gì Ngài đã làm. Ngài đến để phục vụ, chứ không phải được phục vụ, và tôi cố gắng noi theo cái gương đó. ”

Đức tin cuả Catena cũng đã thuyết phục ông ở lại sau khi chiến tranh bùng nổ, ngay cả khi vị giám đốc của ông muốn ông rút lui. “What the heck?” (“Sao phi lý thế“) Ông kêu lên. “Chúng ta là nhà truyền giáo mà. Thời gian của Chúa Kitô chính là những lúc bạn có nghĩa vụ phải có mặt. Chứ đâu phải là những lúc bạn thối lui.” Tuy nhiên ông không phải là một nhà tuyên truyền. Việc tuyên truyền không phù hợp với người Nuba, là những người hoàn toàn khác với nhóm Hồi giáo hiếu chiến, áp bức của chính phủ Khartoum – họ (dân Nuba) cho phép tự do và hỗn hợp tôn giáo, ngay cả trong một gia đình. Em Daniel là một trường hợp diển hình. Em đeo một cây thánh giá trên cổ, nhưng em nói: “cha mẹ em là người Hồi giáo. Nhưng ngay từ khi em biết nói, em đã quyết định làm một Kitô hữu. Và họ để mặc em.”

Tuy nhiên đức tin cuả Catena cũng không thể ngăn cản ông ta tưởng tượng ra những giải pháp thực dụng rất là ‘trần thế’ để giải quyết cái khổ mà mọi người đang nhìn thấy mỗi ngày. “Chúng ta cần phải thiết lập ra một hành lang nhân đạo”, ông nói. “Một khu vực cấm bay là một ý tưởng tốt, nhưng có nhiều người cho rằng chi phí cho giải pháp này là quá cao. Vâng, tôi đã từng phục vụ trong 1 phi đội F-18 của Hải quân và tôi biết chỉ cần 1 phi đội duy nhất là có thể kết thúc toàn bộ không lực của Sudan trong vòng một ngày.”

Sự tức giận cuả BS Catena lại tăng thêm với ý nghĩ rằng, ông sắp phải điều trị 1 đợt thứ hai cho các nạn nhân bị oanh kích. Hầu hết các gia đình đã phải rời bỏ làng xóm của họ, một số đi tới các trại tị nạn ở Nam Sudan, nhưng hàng trăm hàng ngàn người khác đã tìm trú ẩn trong các hang động rải rác trên miền núi đá Nuba. Xa quê hương bản thổ và không thể trồng cấy, một nạn đói – và có thể là một cuộc chạy loạn ồ ạt – đang lấp ló xuất hiện.

Nhưng sau cùng thì, ngay cả đối với một bác sĩ phẫu thuật, rất có thể là một trong những người ‘cưa chân cắt tay’ nhiều kinh nghiệm nhất thế giới, cũng có nhiều điều ông ta không thể sửa chữa nổi. Sau hơn một tháng, những vết thương của Daniel đã lành, hai cổ tay cuả em trông trơn tru và gọn gàng, chỉ lờ mờ là một vết sẹo. Nhưng hình như cái đau trong lòng thì vẫn chưa lành được. “Nếu không có bàn tay, em không thể làm bất cứ điều gì”, Daniel nói. “Em thậm chí không thể chiến đấu. Em sẽ là một gánh nặng cho gia đình trong tương lai”

Daniel đã nhìn thẳng vào mắt tôi và nói “Nếu em có thể chết được, thì em cũng muốn chết phứt đi cho rồi.”

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay