KHI VỢ KHÁC NIỀM TIN TÔN GIÁO – Phần 2

KHI VỢ KHÁC NIỀM TIN TÔN GIÁO – Phần 2

JOSEPH C. PHAM

Gửi người anh em,

Trong thư lần trước, chúng ta đã có dịp trao đổi với nhau khá đầy đủ về những khác biệt tạo nên sự ảnh hưởng không mấy tốt đẹp đến thế hệ kế tiếp của đời sống đôi bạn nếu cả hai thật sự phớt lờ đi những dấu chỉ nhãn tiền. Lần này, như anh đã hứa, chúng ta sẽ tiếp tục chia sẻ những ưu tư khác khi hai bạn đến với nhau trong bối cảnh khác niềm tin tôn giáo.

Hôm nay, anh muốn chia sẻ với người anh em trong khía cảnh hành xử theo điều mỗi người tin sẽ tạo nên những làn sóng rất mạnh mẽ gây bất hoà giữa hai bạn nếu cả hai thiếu nhân đức khiêm nhường – một nhân đức nền tảng cho mọi người trong mọi thời đại, dưới mọi bối cảnh văn hoá, lịch sử, và niềm tin.

Bạn sẽ thi hành điều mà bạn tin. Cứ nhìn cách họ sống thì biết điều họ tin

Đó chính là cách nói của những bậc thầy tinh thần trên thế giới. Quả đúng như thế, chúng ta tin vào điều gì thì chúng ta sẽ hành động theo đúng điều mà ta đang tin hoặc sẽ tin. Chẳng hạn, khi đi xem bói xem thầy nghĩa là chúng ta đã đặt niềm tin vào một sự phán quyết mang tính mập mờ, huyễn hoặc, và thiếu xác thực của những thầy bà mà chúng ta đến. Nghĩa là ta chẳng tin vào điều tốt lành kỳ diệu của cuộc sống và chúng ta được tạo ra để được sống và sống dồi dào trong tình yêu của Đấng Tạo Hoá.

Hay cứ nhìn một người sáng say chiều xỉn thì biết ngay là anh ta chẳng tin gì vào cuộc sống cả, với họ chỉ có ma men mới làm cho họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, bởi họ đã trốn tránh cuộc đời và trách nhiệm trong đó. Và còn nhiều ví dụ khác minh hoạ cho điều mà anh đang chia sẻ khi em chiêm ngắm cuộc sống này. Cũng thế, đời sống của hai bạn sẽ gặp khó khăn hoặc thuận lợi thì còn tuỳ thuộc vào niềm tin của hai bạn đồng bộ ( Syn ) đến đâu.

Sự đồng bộ trong niềm tin sẽ chỉ có được trên nền tảng của sự khiêm nhường chân thành nơi thẳm sâu trái tim hai bạn. Trên nền tảng này, mỗi người đều thấy được cái ưu và khuyết của nhau trên mọi bình diện của cuộc sống: tính cách, công việc, tôn giáo, văn hoá… để từ đó thay vì đối kháng và xung đột thì sẽ bổ sung và tạo nên sự hài hoà cho cả hai, và nhất là cho những đứa con của hai bạn sau này. Theo đó, người mang trọng trách nặng nề hơn trong việc giáo dục đời sống tinh thần và thiêng liêng giờ đây thuộc về người cha, vì theo nguyên tắc thì người cha hay mẹ Công Giáo sẽ có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái theo luật Giáo Hội. Mà giáo dục ấy không có gì ngoài chuyện giáo dục Đức Tin.

Điều khó khăn ở đây nằm ở chỗ từ xưa tới nay giáo dục cho con trẻ thuộc về người nữ, vì đó thuộc phẩm chức và thiên chức cao đẹp của họ. Thế nên, giờ đây người anh em thành gà trống nuôi con trên bình diện thiêng liêng, còn bà xã vẫn cứ làm đúng thiên chức của người mẹ trên bình diện tình cảm và thể lý. Với vai trò là trụ cột gia đình, người anh em giờ đây mệt nhoài với chuyện kinh tế, giờ còn phải lo chăm sóc cho con về mặt tinh thần và Đức Tin, quả là một việc rất khó với phẩm chức của người đàn ông vốn mang tính bôn ba và bươn trải, về đến nhà chỉ còn muốn được nghỉ ngơi và hồi sức bên người thân yêu.

Khi rong ruổi giữa đời để mưu sinh, anh em không tránh khỏi nhiều phen đi vắng, thế nên ở nhà bằng tất cả sự khiêm nhường và nhận thức đầy đủ cũng như sư tôn trọng giá trị thiêng liêng nền tảng của chồng và con, người mẹ có trách nhiệm nhắc nhở con cái thi hành việc bổn phận trong niềm tin tôn giáo mà chúng đang theo bố.

Còn nếu đã không làm nhiệm vụ nhắc con, lại còn tiêm nhiễm làm nhiễu hệ thống và giá trị niềm tin tinh tuyền của con cái thì phải kể là thật tội cho người anh em đã cất công lao đao vun trồng giờ thì lại có người phá đổ, và tội cho cả cháu bé bị lung lạc và nhung nhiễu niềm tin.

Với cách hành xử theo điều mình tin, nhiều khi bà xã lại có kiểu cúng kiếng, vái lạy, van xin ở ngoài hè phố, đốt tiền giấy, đốt phông lông đuổi xúi quẩy, cúng rằm… là điều hợp với niềm tin của nàng, song với người anh em và người thân thì cảm thấy có gì đó chướng chướng.

Ở đây, chúng ta không phê phán cách hành xử nào là đúng hay sai, chỉ là sự khác biệt ấy sẽ gây biết bao rắc rối nếu không đồng bộ mà thôi. Nếu anh em góp ý, thì rất có khả năng anh em sẽ chết dưới cái lý luận của nàng: “Anh có cách sống và thực hành niềm tin của anh, em có cách thực hành niềm tin của em. Anh làm này làm kia em có than phiền gì đâu. Em tôn trọng anh thì anh cũng hãy tôn trọng em;” “Anh có cách giáo dục con của anh, em cũng có cách giáo dục con của em. Em là mẹ em cũng có bổn phận giáo dục nó như anh. Vậy thì anh nói đi, em sai chỗ nào và anh hay hơn chỗ nào ?” v.v…

Đến đây, nếu không khéo léo và sự khiêm nhường đi vắng thì sẽ bùng nổ nội chiến cách nặng nề. Vì ai cũng muốn bảo vệ niềm tin của mình, đó là điều hợp với lẽ tự nhiên.

Nàng đi chùa, tụng kinh, vái nhang khi đến Chùa, khi nàng đã là người Công Giáo

Đây quả là một câu chuyện nan giải, đặc biệt với phẩm chất nhất thuỷ nhất chung vốn có của người phụ nữ. Nàng sẽ cảm thấy trái tim mình bị giằng co tư bề khi giờ đây đã là người của một tôn giáo khác mà bỗng dưng có vẻ như phải ngừng lại hết mọi hoạt động vốn đã ăn sâu vào tâm thức và máu thịt mình, phải chăng mình đã bội phản ? Khi đối diện với vấn đề này nơi người bạn đời, người anh em đừng hoang mang hay hành xử theo kiểu không kiểm soát được thì lệnh cấm vận. Hãy bình tĩnh và giảng giải để nàng hiểu tường tận điều nàng đang khắc khoải băn khoăn.

Ở đây, theo thiển ý rất riêng tư, anh xin gợi ý vài điểm để anh em có thể phần nào thấy được vấn đề mình đang hoặc sẽ đối diện qua vài điểm sau.

Thứ nhất, không có sự mâu thuẫn nào trong hành trình tìm kiếm Chân Lý hết, bởi Chân Lý chỉ có một như thể mặt trời mọc hướng Đông và lặn ở hướng Tây. Thế nên, xưa kia nàng đi nhà Chùa thắp nhang vái Đức Phật và học các giáo lý mà Đức Phật truyền lại như một phương thế ( mean ) để người ta đạt tới Chân Như ( God ) thì ngày nay nếu vẫn cùng ý nghĩa ấy thì chẳng có gì là sai trái hay bội phản, nàng cứ việc đi Chùa để tìm kiếm Chân Như và vẫn cứ vái nhang Đức Phật như một bậc Thánh Nhân ( vì Đức Phật chưa bao giờ tự nhận mình là Chân Như ). Miễn là nàng đừng để sự lầm lạc nào đó để đồng hoá giữa Đức Phật với Đức Chúa Trời ( Chân Như ) để chuyển từ thái độ yêu mến sang thờ phượng.

Thứ hai, Đức Phật giới thiệu cho mọi người thời của ngài và cả thời chúng ta những phương thế tốt lành để đạt tới Chân Như, còn Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế ( Pl 2, 6 – 11 ) là để mang Thiên Chúa ( God) đến cho chúng ta qua lời giảng dạy và cả hành trình sống của Ngài.

Thế nên, tại điểm này Chân Lý gặp nhau giữa hai vị Đức Phật và Đức Giêsu ( Xét trên bản tính nhân loại của Ngài ). Thế nên, gặp gỡ Đức Kitô và đi theo Ngài không có nghĩa là phản bội lại Đức Phật mà đơn giản chỉ là một sự thăng hoa trong niềm tin tôn giáo và ân sủng mà thôi. Hãy cho nàng biết, điều nàng đang được hưởng trong tư cách là một Kitô Hữu là điều mà Đức Phật đã rong ruổi và bôn ba tìm kiếm suốt cả một đời mới gặp được, và chắc chắn điều ấy làm cho Đức Phật mà nàng mến yêu cảm thấy vui và hạnh phúc cho người thành tâm thiện chí tìm kiếm Chân Lý như nàng.

Người anh em thân mến, trên đây là phần chia sẻ của anh với người anh em về sự khác biệt tôn giáo giữa hai người khi sống đời vợ chồng, để anh em tham khảo và có cách hành xử thật đúng đắn và kiên nhẫn với người bạn đời của mình. Còn nhiều vấn đề quan trọng khác nữa phát sinh do sự khác biệt trong niềm tin tôn giáo giữa hai bạn trong đời sống vợ chồng mà anh muốn chia sẻ thêm, song có lẽ điều đó sẽ được đề cập nhiều hơn ở những thư chia sẻ sau.

Mến chúc các bạn được hoà hợp trong cùng một Đức Tin để cùng nhìn về một hướng mà thăng hoa tình yêu vợ chồng.

JOSEPH C. PHAM

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay